PEMA KHANDRO
Nguồn bài: https://www.lionsroar.com/open-your-heart-further/ ; Dịch: Việt Dũng
Đừng từ bỏ tình yêu thương. Ngay cả khi tình yêu thương trở nên khó khăn hay đau đớn, hãy mở rộng trái tim bạn hơn nữa.
Đây là lời khuyên của Patrul Rinpoche, một bậc Thầy Phật giáo vĩ đại của thế kỷ 19. Ngài kể câu chuyện về một con ong vàng sống hạnh phúc bên người bạn đời trong đầm hoa sen. Ngay từ khoảnh khắc gặp gỡ, hai con ong đã có một sự kết nối sâu sắc. Chúng cùng nhau vui đùa và chia sẻ với nhau những suy nghĩ thầm kín nhất. Nhưng rồi giông tố ập đến. Người bạn đời của ong vàng lìa đời. Trong chốc lát, niềm vui của chú biến thành nỗi đau khổ. Dù cho người bạn đời của chú rất đức hạnh và được chú yêu thương hết mực bao nhiêu đi nữa, nhưng cuộc sống của nàng đã chấm dứt.
Vượt qua nỗi đau buồn, chú ong vàng đi tìm lời khuyên. Chú đã được dạy rằng: “Những chúng sinh [cõi Ta Bà] đã từng là cha mẹ hiền từ của bạn trong các kiếp trước. Giờ đây, họ đang phải lang thang trong vòng luân hồi sinh tử. Dù ai cũng mong muốn được hạnh phúc, nhưng lại phải trải qua và chịu khổ đau. Họ cũng có thể không có bạn bè. Hãy khơi dậy trong tâm tình yêu thương và lòng bi mẫn lớn lao khi nhớ đến người khác theo cách này. Việc nhớ đến họ sẽ đánh thức lòng can đảm của bạn. Với tình yêu thương bao la, hãy nuôi dưỡng nguyện vọng giải thoát tất cả chúng sinh khỏi khổ đau.”
Khi tình yêu thương của chúng ta trở nên kiệt quệ hoặc đã đạt đến giới hạn, Phật giáo gợi ý rằng hãy mở rộng trái tim hơn nữa và khai mở một tình thương bao la hơn.
Lời khuyên dạy nuôi dưỡng tình yêu thương vô biên dành cho tất cả chúng sinh khi chúng ta phải chia ly với những người chúng ta yêu thương là một giáo lý cho tất cả chúng ta. Khi tình yêu thương của chúng ta trở nên kiệt quệ hoặc đạt đến đến giới hạn, Phật giáo gợi ý rằng hãy mở rộng trái tim hơn nữa và khai mở một tình thương bao la hơn. Sự mở rộng này là bước đầu tiên đánh thức lòng quả cảm vốn có của chúng ta, được biết đến như là tình yêu thương của Bồ tát. Chúng ta có thể mở rộng lòng mình đón nhận tình yêu thương vĩ đại hơn trong những khoảnh khắc đau buồn bởi vì sự tổn thương và lòng bi mẫn của chúng ta luôn đan xen nhau.
Giống như con ong vàng, chúng ta có thể bắt đầu mở rộng trái tim bằng cách cảm nhận lòng bi mẫn đối với chính mình, sau đó nhớ đến những người khác đang có cùng cảnh ngộ. Thực hành này đi ngược lại bản năng tự bảo vệ thông thường của chúng ta. Tuy nhiên, trên thực tế, khi quán chiếu về sự khổ đau của người khác và mở rộng trái tim hơn nữa, điều đó thực sự mang lại cho chúng ta thêm sức mạnh. Nó mang đến cho chúng ta mục đích và sự kiên trì kham nhẫn. Việc mở rộng trái tim đánh thức lòng dũng cảm vốn có nội tại của ta bởi vì lòng bi mẫn và sự quả cảm tự nhiên của ta có mối liên hệ với nhau.
Tuy nhiên, mong muốn sống một cuộc sống với lòng từ bi thường bị lu mờ bởi những căng thẳng thần kinh quen thuộc của chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu với những ý định đầy yêu thương, nhưng lại dễ dàng bị cuốn theo bởi việc nắm bắt kỳ vọng hoặc lạc lối trong sự giả tạo hời hợt. Vậy làm thế nào để có thể trưởng dưỡng tình yêu thương rộng lớn một cách có nền tảng dựa trên sự trí tuệ?
Đức Longchenpa, Đạo Sư vĩ đại người Tây Tạng, đã dạy trong tác phẩm “Đại Thừa” rằng tình yêu thương bao la không giới hạn nên được phát triển “từng người một.” Chúng ta bắt đầu từ trải nghiệm trực tiếp của bản thân. Chúng ta nhớ về tình yêu thương mà mình đã nhận được từ một người, hoặc tình yêu thương mà mình dành cho một người. Sau đó, chúng ta mở rộng nó để bao gồm những người khác, từng người một, cho đến khi tình thương của chúng ta bao trùm tất cả chúng sinh, vô hạn như bầu trời.
Tình yêu thương vô biên lan tỏa từ tình yêu thương mà chúng ta trực tiếp cảm nhận được. Đây là lý do tại sao Phật giáo nhắc nhở chúng ta nhớ về tình thương mà chúng ta đã nhận được từ cha mẹ (hoặc những người chăm sóc), và sau đó xây dựng trên nền tảng đó. Có thể mối quan hệ với cha mẹ của chúng ta không phải là một tình yêu thương dễ dàng, thậm chí nó có thể còn mang lại sự tổn thương. Nhưng đó cũng là một phần của thực hành, vì việc trưởng dưỡng tình yêu thương giúp chúng ta tiếp xúc với toàn bộ trải nghiệm của cuộc sống – cả vẻ đẹp của thế giới và nỗi đau của nó.
Tình yêu thương của chúng ta ở đâu khi ta không thể cảm nhận được nó?
Việc nhớ về trải nghiệm của tình thương yêu và lòng tốt mà chúng ta đã nhận được thôi thúc chúng ta tiến xa hơn ranh giới chia cắt mà ta cảm thấy. Nó giúp phá vỡ những bức tường mà chúng ta xây dựng giữa bản thân và người khác. Khi khám phá ra sự dịu dàng tự nhiên của mình, chúng ta nhận ra rằng con đường từ ái là một cách sống chân thật hơn bởi vì tính chân thực của chúng ta và trái tim dịu dàng của lòng bi mẫn gắn liền với nhau.
Thực hành tình yêu thương đôi khi rất khó khăn, thậm chí đau đớn tột cùng. Một ngày nào đó, chúng ta quyết tâm yêu thương và tử tế, nhưng có lẽ đến ngày hôm sau, chúng ta hoàn toàn không thể kết nối được với tình yêu. Điều gì đang còn thiếu? Tình yêu thương của chúng ta ở đâu khi ta không thể cảm nhận được nó?
Không thể tránh khỏi việc cuộc sống sẽ có những bi kịch và bất định, nhưng chúng ta có thể vượt qua chúng với một ý thức kiên định nhất tâm về lời kêu gọi bên trong chúng ta để tu tập lòng từ bi rộng lớn hơn nữa.
Vimalakirti, vị Thánh tăng Phật giáo Ấn Độ, từng được hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy được tình thương yêu vô biên của Bồ tát?” Ngài trả lời: “Chúng ta phải biết đến sự Vô ngã và Tánh Không.”
Khi tình yêu thương cạn kiệt, chúng ta cần hướng đến sự rộng mở bản nguyên và từ bỏ sự đấu tranh của cái tôi. Việc tâm mở rộng hơn nữa sẽ tự động mang lại những nguồn lực khổng lồ. Đây là lý do tại sao người ta nói rằng tình yêu thương của Bồ tát giống như ánh trăng rọi xuống một trăm bát nước. Mỗi bát đều được lấp đầy ánh trăng, nhưng không phải vì mặt trăng thực hiện điều đó thông qua những nỗ lực và cố gắng. Ánh sáng dồi dào bởi vì mặt trăng đang an nhiên như nó vốn có, hiến dâng bản thân cho sự tỏa sáng nội tại của nó.
Kết nối với tình yêu thương bao la không lằn mé mang lại cho chúng ta sự an nhiên. Khi đối mặt với hoàn cảnh bằng một thái độ từ bi và lòng tốt, nó mang đến một cách sống ổn định vững chãi bất kể người khác cư xử với ta như thế nào. Không thể tránh khỏi việc cuộc sống sẽ có những bi kịch và bất định, nhưng chúng ta có thể vượt qua chúng với một ý thức kiên định nhất tâm về lời kêu gọi bên trong chúng ta để tu tập lòng từ bi rộng lớn hơn nữa.
Phật giáo dạy rằng, vì vô thường, những người từng là bạn của chúng ta giờ đây có thể trở thành kẻ thù; và những người hiện tại là bạn bè của ta, một ngày nào đó có thể sẽ trở thành kẻ thù. Bạn bè có thể vô tình gây hại cho chúng ta. Do đó, nếu phụ thuộc vào cách người khác đối xử với mình để quyết định có thực hành lòng từ bi hay không thì chúng ta sẽ không được an ổn. Chúng ta sẽ bị cuốn vào những phản ứng thay vì sống trong sự an lạc sinh ra từ quyết tâm tiếp xử với cuộc sống với sự nhẹ nhàng và ấm áp. Vì vậy, việc vun bồi trưởng dưỡng tình thương bao la và đạt được sự an lạc là gắn liền với nhau. Khi có bi kịch trong đầm hoa sen, chúng ta được vững vàng và điềm nhiên bởi việc mở rộng trái tim để đón nhận bất cứ điều gì đến với một tâm hồn rộng mở.
Về tác giả:
Pema Khandro là một giáo thọ và học giả về triết học Phật giáo, đồng thời là người thuộc dòng truyền thừa Nyingma và Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Cô thành lập tổ chức phi lợi nhuận Ngakpa International và ba dự án là Viện Nghiên cứu Phật giáo, Núi Dakini và Viện Y học Yoga. Cô đang hoàn thành bằng tiến sĩ chuyên về Phật giáo Tây Tạng tại Đại học Virginia.