HÃY TRỞ THÀNH “TẤM GƯƠNG” CHO GIẤC MƠ CỦA CON NGƯỜI

CHUNG JU YUNG

Trích: Trích: Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Là Thử Thách; Biên dịch: Lê Huy Khoa; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

Hãy trở thành “tấm gương” cho giấc mơ của con người Mỗi lần thấy trên báo chí nói rằng tôi là người có thu nhập cá nhân đứng đầu Hàn Quốc trong bảng xếp hạng, tôi lại thấy mình có lỗi với người nghèo. Người ta sẽ hỏi tôi dùng số tiền nhiều như vậy vào việc gì. Nhưng trên thực tế, cuộc sống của tôi không cao hơn tầng lớp trung lưu.

Chắc hẳn có nhiều người nói về tôi như thế này: “Ông ta bắt từng tờ giấy của công ty phải dùng hết hai mặt, tại công trường mấy vỏ bao xi măng mà vất đi cũng bị chê trách, chẳng biết ông ta thế nào mà lại đóng góp tiền từ thiện hàng đống”. Chỉ vì tôi có nhiều tiền mà bị hiểu lầm thế này thế kia, và điều ấy làm cho tôi cảm thấy nặng nề.

Khi tôi làm ở Ủy ban Thể dục Thể thao cũng vậy. Lúc được bầu vào chức Chủ tịch Ủy ban Thể dục Thể thao, những người xung quanh đều nói chắc tôi sẽ xài tiền như nước, và hẳn đã dùng tiền để mua cái chức ấy. Tôi không đồng ý với ý kiến của họ.

Chủ tịch Ủy ban Thể dục Thể thao là chức vụ danh dự, là vi trí phải dành nhiều thời gian để đóng góp. Chẳng phải vì lòng tham mà tôi dùng tiền mua cái chức ấy, tôi chỉ là người dùng năng lực của mình và cố gắng hết sức để đưa nên thể thao nước nhà phát triển. Mọi người nói rằng tôi đã dùng tiền mua chức vụ đó là sỉ nhục tôi và cái vị trí ấy.

Tôi đã làm việc với tất cả nhiệt tình và năng lực của mình. Tuy nhiên những lời nói không mấy thiện chí ấy đã khiến tôi có cảm giác là đang mặc chiếc áo không đúng kích thước của mình. Cảm giác khó chịu đó làm cho tôi càng cảm nhận rằng chẳng có việc gì là khó cả.

Có người khi tới làm việc ở cơ quan nhà nước, họ cho tiền để làm ra vẻ ta đây, có người thì phóng đại về tiền bạc của mình. Tôi nghĩ việc dùng tiền để chứng tỏ mình, tự hào về tiền là sai lầm của con người.

Nguyên tắc xài tiên là tiền ít hay nhiều không nên để lộ ra ngoài. Lấy việc cho tiền boa tại nhà hàng làm ví dụ. Nếu cho người ta tiến mà không để người khác biết mới là phải phép. Còn những việc như dán tiền vào trán các cô gái bia ôm chẳng khác gì hành vi khinh thường một con người.

Mỗi lần thấy báo chí nói rằng tôi là người có thu nhập cá nhân đứng đầu bảng xếp hạng, tôi lại thấy mình có lỗi với người nghèo. Người ta hay hỏi tôi dùng số tiền nhiều như vậy vào việc gì. Nhưng trên thực tế, cuộc sống của tôi không cao hơn tầng lớp trung lưu.

Khái niệm trung lưu của tôi có nghĩa là tôi sống giống như những nhân viên của mình vậy. Tổng diện tích đất của tôi là 900 mét vuông, trong khi diện tích nhà chỉ khoảng 300 mét vuông, không phải là quá lớn, tôi đi xe ô tô mang nhãn hiệu Stera, rồi Sonata, và bây giờ là xe Granger mà vẫn cảm thấy xấu hổ. Và mỗi ngày tôi cũng ăn cơm ba bữa như bao người bình thường khác.

Tôi không thích uống cà phê, thịt lợn thì không hợp khẩu vị nên không ăn, chỉ thích rau quả và đậu phụ. Tôi ăn rau là chính, thỉnh thoảng cùng với đồng nghiệp ăn thịt bò nướng, khi tiếp khách châu Âu thì món ăn tây, chủ yếu là mấy món thịt. Ngoài bệnh suyễn mắc lúc nào tôi không hay và căn bệnh sốt rét từ thuở nhỏ, tôi chẳng biết đến bệnh vặt và chưa bao giờ cảm thấy ghen tị với sức khỏe của ai. Chính vì vậy tôi chưa bao giờ dùng tới thuốc bổ, thỉnh thoảng có uống trà sâm. Cuộc sống của tôi chẳng có gì đặc biệt.

Tôi nghĩ con người ta sống không phải để ăn mặc cho sang trọng mà quan trọng là họ có ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Hiện nay, số nhân viên cùng làm việc với tôi có khoảng 160.000 người. Có người nói theo lối của các doanh nghiệp thông thường là tôi kiếm tiền và nuôi sống một đội ngũ đông đảo như vậy, nhưng tôi không đồng ý với lời nói đỏ mà ngược lại, chính các nhân viên làm cho tôi mạnh thêm. Chúng tôi cùng giúp đỡ lẫn nhau mà sống, chứ chẳng phải người này nuôi người kia. Vì thế việc ai đó nói rằng “những người tôi đang có” nghe thật ngạo mạn. Nơi làm việc là nơi người ta giúp đỡ nhau do sự cần thiết, nơi mà mọi người đều ảnh hưởng lên nhau. Sự lên mặt ta đây chính là cách suy nghĩ của các cá nhân tự đề cao mình.

Do yêu cầu của công việc nên mới có trật tự trên dưới, chứ không phải vì cần phải có thứ tự nhân cách. Tất cả mọi người phải suy nghĩ bình đẳng. Không phải vì có chức vị cao mà ngạo mạn, cũng không phải vì chức vụ thấp mà thu mình. Xã hội vĩ đại phải dựa trên tư tưởng bình đẳng. Tôi sống trên đời cũng có người quý, cũng có người ghét vậy.

Rất may rằng người ta yêu quý tôi có lẽ chính vì tôi xuất thân từ nông dân, chẳng có học hành gì vẫn thành công được, và từ đó họ mang hy vọng cũng sẽ thành công. Tôi đã minh chứng được rằng không phải có tài sản lớn thì mới thành một doanh nghiệp lớn. Cho nên, tôi đã trở thành “tấm gương” chứng tỏ rằng người không có học và nghèo nàn vẫn có thể tạo dựng được một doanh nghiệp lớn.

Những người hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng mang ước mơ lớn về tương lai chắc hẳn ao ước được như tôi. Người khác cũng thèm muốn và ghen tị vì sự giàu có của tôi, nhưng thực tế thì tôi lại sống mà chẳng có cảm giác mình là người giàu có.

Hồi còn kinh doanh ở cửa hàng gạo, nhiều khi tôi cũng nghĩ đó là tài sản của mình, nhưng dần dẫn công việc phát triển lên, trở thành doanh nghiệp, tôi đã làm việc không mệt mỏi vì yêu thích công việc chứ không phải vì muốn mở rộng tài sản của mình, cũng chẳng phải vì muốn mình trở thành người giàu nhất đất nước Hàn Quốc này.

Tôi hoàn toàn không liên quan đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng đồng tiền trong túi tôi và tiền để nuôi sống gia đình tôi mới chính là tiền của tôi, đó là những đồng tiền để giải quyết nhu cầu ăn mặc của bản thân và gia đình. Ngoài mục đích ấy ra, tiền còn lại không phải thuộc sở hữu của tôi. Vì thế, tôi rất ghét người nào nói rằng tôi tham lam, muốn cho Hyundai lớn mạnh để tôi giàu có hơn.

Tất cả mọi người đều xuất phát như nhau. Tuy nhiên có người thành công, có người không thành công, điều khác nhau đó nằm ở quá trình nỗ lực và cách nhìn nhận về sự kết quả không cân bằng. Nhưng nhiều người dường như quên mất điều đó. Mà khi đã là xã hội doanh nghiệp tự do mất cân bằng thì chính phủ hay người thứ ba nào đó cũng không thể giải quyết được.

Tôi không nghĩ toàn xã hội sống khổ cực. Chính vì vậy trong chế độ dân chủ, dù xã hội ít nhiều mất cân bằng, nhưng tự do cơ bản vẫn được bảo đảm, đó là chế độ xã hội tốt nhất trên thế giới này.

Với những doanh nghiệp lớn, người ta cứ “gán” là có dính líu đến chính trị nên mới phát triển nhanh như thế mà chẳng cần biết thực hư. Đặc biệt Hyundai chúng tôi, mọi người đều nghĩ nó trưởng thành nhanh dưới thể chế của Đảng Cộng hòa. Thực tế, từ ngày thành lập Hyundai đến nay, dù dưới chính quyền hay điều kiện khó khăn nào mỗi năm Hyundai vẫn tăng trưởng 30%, và vào thời Thể chế Cộng hòa thứ năm, thứ sáu công ty đã tăng trưởng ít nhất 20%.

Trong thời kỳ biến động nhiều dưới thời chính quyền Đảng Dân chủ (sự kiện 26 tháng 10) chúng tôi vẫn duy trì tăng trưởng 30%. Năm 1977, khi chính phủ thông qua pháp lệnh thống nhất tất cả các loại thuế cho doanh nghiệp như thuế pháp nhân, thuế bảo vệ, thuế địa phương, thuế thu nhập tổng hợp,… gần 70% lợi nhuận biến thành thuế, các doanh nghiệp đóng băng, sụp đổ nhanh chóng, nhưng chúng tôi vẫn không cúi đầu. Đó là kết quả của việc chạy đua không ngừng nỗ lực.

Những người sở hữu doanh nghiệp tuy là những nhà doanh nghiệp, nhưng tôi mong rằng tất cả mọi người dân hãy hiểu cho rằng nơi tập trung lợi nhuận đó chính là chính phủ. Chúng tôi chỉ lấy 30% lãi sau khi đã trừ tiền thuế để tạo thêm việc làm và tái đầu tư.

Nếu nói một cách đơn giản thì doanh nghiệp chính là người góp phần rất lớn trong việc tạo ra tiền thuế, tiên được dùng cho những chi tiêu của đất nước. Hơn thế nữa, tập thể doanh nghiệp hoạt động vì lợi ích của đất nước và sự no ấm của nhân dân chứ không phải để làm giàu cho cá nhân mình và cũng chẳng phải để tự hào. Tôi không thích người khác đánh giá mình bằng tiền bạc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LẤY CÁI TÁT CỦA NGƯỜI LÁI ĐÒ LÀM ĐỘNG LỰC
  2. NGƯỜI VỢ BÌNH THƯỜNG, NGƯỜI CHỒNG TÀI NĂNG

Bài viết mới

  1. CỨ THỬ XEM – NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN
  2. KIM TỰ THÁP, NGUỒN NĂNG LƯỢNG VĨ ĐẠI
  3. CÂN BẰNG CƠ THỂ VÀ TÂM TRÍ