NGƯỜI VỢ BÌNH THƯỜNG, NGƯỜI CHỒNG TÀI NĂNG

CHUNG JU YUNG

Trích: Trích: Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Là Thử Thách; Biên dịch: Lê Huy Khoa; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM.

Nếu không có sự tôn trọng và công nhận nhau thì không thể có tình yêu. Tôi tôn trọng vợ tôi ở điều bà chỉ có tài sản duy nhất là một chiếc máy khâu, không bao giờ cho mình là giàu có và vẫn giản dị như ngày nào.

Một người bạn kể cho tôi nghe về câu nói của bạn anh ấy. “Tôi không ghen với người khác vì quyền cao chức trọng, không ghen với người khác vì người ấy lắm tiền nhiều của, tuy nhiên, tôi ghen với những người có người vợ tuyệt vời”.

Tôi nghĩ nếu không có được một người vợ tuyệt vời thì ghen tức như thế cũng có thể hiểu được.

Khi nói rằng “người vợ tuyệt vời” chắc có lẽ người ấy muốn nói đến người vợ “hỗ trợ chồng một cách thông minh”. Nhưng thế nào là một người vợ giúp chồng một cách thông minh thì tùy quan điểm và tính cách của từng người.

Còn tôi, không phải không mong muốn có một người vợ thật thông minh, tuy nhiên tôi cũng nghĩ rằng một người vợ quả thông minh thì có lúc lại làm mình mệt mỏi. Chẳng hạn, trong quá trình làm việc, nhiều lúc mệt mỏi quá đến mức không muốn mở miệng, khi đó nếu có người vợ thông minh hỗ trợ mình quá mức cần thiết biết đâu làm cho ta mệt mỏi hơn? Chính vì vậy, với tôi “người vợ tuyệt vời” là người vợ bình thường nhất, làm tròn bổn phận của một người vợ.

Tôi quý mến vợ tôi chính ở điều bà ấy lấy tôi và sống với tôi từ năm 16 tuổi khi còn ở quê tại tỉnh Kangwon, đến hôm nay vẫn không thay đổi gì cho dù cuộc sống có thăng trầm như thế nào.

Bà ấy cũng sinh ra và trưởng thành ở nông thôn như tôi, rồi theo tôi ra chốn thị thành. Những người phụ nữ trong hoàn cảnh như bà sẽ nói rằng mình đã rất giàu có, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ như vậy.

Sau này, tôi có tặng cho bà một chiếc ô tô, nhưng bà để xe ở nhà, đón taxi đi chợ mua đồ cho nhiều ngày rồi chất lên xe hàng, đi luôn xe đó về nhà. Ở nhà, bà luôn mặc quần vải thô giản dị, không ai nghĩ bà là chủ nhà.

Tôi là người sống cả đời mà chẳng bao giờ biết sinh nhật vợ hoặc kỷ niệm ngày cưới. Nếu vợ tôi là người lãng mạn thì chắc bà than phiền về tôi nhiều lắm, nhưng tôi chưa bao giờ nghe bà than vãn gì. Có lẽ bà ấy không nói cho tôi biết nhưng chắc bà cũng phiền lòng vì tôi nhiều.

Chuyển từ nông thôn ra thành thị sinh sống, tôi bắt đầu nhìn sự việc ở góc độ khác. Mặc dù trong lòng có lúc tôi cũng không bằng lòng với bà, nhưng càng nhiều tuổi tôi lại càng thông cảm với những khuyết điểm ấy.

Đến hôm nay chúng tôi đã kết hôn được gần 60 năm, thế mà vợ tôi vẫn nghĩ tài sản duy nhất của mình là chiếc máy khâu tôi mua cho bà sau chiến tranh. Tôi thấy hạnh phúc vì có một người vợ như thế.

Vợ chồng lấy nhau, cùng sống với nhau cả cuộc đời, sinh con cái, cùng tôn trọng và thương yêu nhau và cùng già theo năm tháng. Nếu không có sự tôn trọng và công nhận nhau thì không thể có tình yêu. Tôi tôn trọng vợ tôi ở điều bà chỉ có tài sản duy nhất là một chiếc máy khâu, không bao giờ cho mình là giàu có và vẫn giản dị như ngày nào.

Tôi luôn sống trong bận rộn và hầu như chẳng dành cho bà bao nhiêu thời gian. Nhưng vợ tôi không bao giờ than vãn, bởi vì bà chỉ chấp nhận người đàn ông mệt mỏi do làm việc nên dậy muộn chứ không bao giờ chấp nhận người đàn ông chỉ quanh quẩn không làm việc gì ở nhà. Cho nên, dù tôi kiếm được tiền hay bị mất tiền, dù thành công hay thất bại, bà luôn nghĩ là “chồng tôi là một người bình thường”. Vào ngày nghỉ bà cũng không muốn nhìn người khác nằm đến nửa buổi sáng và thường nói ngay bản thân bà cũng muốn ra ngoài. Sau này tôi hiểu rõ tấm lòng bà và rất biết ơn bà vì những điều đó.

Khi nhà tôi còn ở dưới chân núi Inyang ở Chơngun-dong, bên phải nhà tôi có một tảng đá thật to, là nơi có tiếng nước chảy trong thung lũng, có tiếng gió trườn qua khe núi. Ngôi nhà ấy được xây dựng vào năm 1958, gồm hai tầng. Ở tầng một, trong phòng tiếp khách, chúng tôi chẳng trưng bày gì đặc biệt ngoài tấm biển ghi dòng chữ “Thanh liêm cần” và “Nhất cần thiên hạ vô nan sự” mà tôi rất thích do Tổng thống Park Chung Hee viết tặng. So với cuộc sống thời niên thiếu tại quê hương, vào những ngày đông giá rét chỉ có chiếc quần bông và chiếc áo khoác bên ngoài, và cái thời còn làm ở cửa hàng gạo, sống trong căn phòng chật hẹp của người ta và quần áo thì vá chằng vả đụp, tôi mới thấy trân trọng ngày hôm nay biết bao.

Vợ chồng tôi sống trong căn nhà như thế này lại đâm ra cảm thấy tội lỗi. Từ lúc lấy nhau, tôi chưa bao giờ thấy vợ tôi trang điểm, trừ ngày cưới. Bà chẳng có một món trang sức nào ngoài chiếc máy khâu, và cái mà bà luôn trông coi một cách quý trọng là những tấm đựng chum và những chiếc chum vại.

Một đêm mùa hè, kẻ trộm lẻn vào phòng vợ tôi. Đang nằm ngủ thấy có ánh đèn chiếu qua mặt, vợ tôi ngồi bật dậy và hét lên: “Ai đó” thì liền bị chúng nắm lấy nách xốc dậy, chúng đổ dầu vào đầu bà ấy và dọa sẽ bật lửa đốt nếu bà la lên. Sau đó chúng trùm chăn lên người vợ tôi và bắt đầu lục tung mọi thứ trong phòng. Vợ tôi bị cái chăn trùm lên không thấy được gì nên quyết định bỏ chăn ra, vùng dậy nắm lấy tay kẻ trộm và nói: “Tôi hiểu các anh biết nhà này là của ai nên mới vào, tôi không la lên vì vậy ta hãy cùng thỏa thuận với nhau”. Có lẽ thấy bà ấy nói sẽ không la lên nên chúng dịu xuống và đồng ý.

Vợ tôi đưa cho chúng cái đồng hồ mà chúng tôi đã mua để làm quà cưới cho cậu con trai Mong Jun và một phong bì đựng 2 triệu đồng tiền lương mà tôi mới nhận. Bọn ăn trộm đùng đùng nổi giận, dùng dây điện trói cứng vợ tôi lại, uy hiếp bắt đưa đôla và bát vàng ra. Bà ấy trả lời: “Cả đời tôi chỉ nghe người ta nói tới đôla chứ chưa lần nào được thấy cả, còn ở cái nước Hàn Quốc này có người ăn cơm bằng bát vàng thật ư?”. Bọn trộm lục mãi, nhưng vẫn không tìm được gì nên cuối cùng thất vọng nói: “Nhà chủ tịch tập đoàn Hyundai mà thế này ư!” rồi đập vỡ hết mọi thứ cho hả giận. Năm 1953. Cùng với vợ là bà Byun Joong Seok.

Vợ tôi đứng yên nhìn rồi hỏi bọn trộm mấy giờ, khi chúng trả lời là 3 giờ thì bà nói: “Vậy thì trước khi trời sáng các anh nên ra khỏi nhà là tốt nhất, đừng cố công, có muốn tìm bát bạc cũng không có chớ đừng nói tới bát vàng”.

Lúc đó tôi đang ngủ trong buồng nên không hay biết gi cà, sau này mới nghe vợ tôi kể lại. Về sau bà ấy sợ và không dám dùng căn phòng của mình ở tầng hai nữa mà xuống sống trong căn phòng nhỏ hẹp ở tầng một.

Bản chất của bà ấy chân chất và rất thật thà. Đi chợ bà ấy chẳng biết trả giá là gì, chỉ mua những thứ gia đình cần và về thẳng nhà, những thứ khác chẳng bao giờ nhìn đến. Không bao giờ bà ấy dùng tiền vào những việc thật sự không cần thiết hay tự cho mình là giàu có. Bà ấy luôn là người vợ cần mẫn, đảm đang và đôn hậu của tôi.

Lần đầu tiên khi bà ấy đến Seoul chúng tôi sống trong căn phòng thuê ở tận trên đỉnh núi thuộc dãy Naksan cao nhất Seoul mà bây giờ là phường Dongsung. Bà ấy đòi về quê và nói: “Ở đây tôi không sống được đâu, ở quê dù có vất vả đến mấy thì nhà tranh nhỏ cũng là nhà mình, làm sao mà sống được trong căn phòng đi thuê của người ta”. Vợ tôi theo tôi xuống Seoul, rồi sau đó gia đình bên vợ chuyển từ Tongshon đến sống ở Chongchin tỉnh Hamkyongbuk.

Ngày giải phóng 15 tháng 8 đến, đất nước chia cắt làm hai miền Nam – Bắc tại vĩ tuyến 38, từ đó vợ tôi mất liên lạc với gia đình hoàn toàn. Từ ngày lấy chồng, bà đã không được gặp lại người thân trong gia đình mình một lần nào nữa. Có lẽ bây giờ anh em cũng không còn nhớ rõ mặt nhau.

Suốt cuộc đời bà đã tần tảo vì chồng con, tôi biết ơn và hạnh phúc khi có một người vợ như bà.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LẤY CÁI TÁT CỦA NGƯỜI LÁI ĐÒ LÀM ĐỘNG LỰC

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ