HT. THÍCH NHẤT HẠNH
Kinh dạy: “Mỗi khi tâm thức mình có si mê, hành giả biết rằng tâm thức mình có si mê; mỗi khi tâm thức mình không có si mê, hành giả biết rằng tâm thức mình không có si mê”. Si mê là nhận thức sai lầm về các pháp. Để giúp ta đối trị nhận thức sai lầm, Bụt dạy ta phép thực tập giới phân biệt quán để chọc thủng màn lưới ác kiến. Ác kiến cũng là một từ ngữ dùng để gọi những nhận thức sai lầm.
Phép quán này liên hệ tới tâm ý và đối tượng tâm ý. Đối tượng tâm ý là các pháp. Các pháp gồm có sáu giác quan, sáu loại đối tượng và sáu thức. Sáu giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu loại đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chữ pháp ở đây thu nhiếp mọi ý tưởng, mọi khái niệm và tất cả những gì thuộc phạm vi ký ức và kinh nghiệm. Sáu thức tức là nhãn thức (cái thấy), nhĩ thức (cái nghe), tỷ thức (cái ngửi), thiệt thức (cái nếm), thân thức (cái xúc chạm) và ý thức. Tất cả các pháp (hiện tượng) đều được hàm chứa trong mười tám phạm trù ấy gọi là thập bát giới, gồm cả ba phần tâm lý, sinh lý và vật lý. Tất cả đều là đối tượng tâm ý mà ta gọi là pháp. Khi tâm quán sát tâm thì tâm cũng trở thành đối tượng của tâm.
Tính chất căn bản của các pháp là duyên sinh, nghĩa là phát hiện, tồn tại và tan rã theo luật duyên khởi. Trong kinh, Bụt dạy: “Cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”. Đó là nguyên lý duyên sinh diễn bày một cách đơn sơ đến cực điểm nhưng sâu sắc vô cùng. Theo nguyên lý này, không một pháp nào có thể tự mình sinh khởi, tồn tại và tiêu diệt. Sự sinh khởi của một pháp được dựa trên sự sinh khởi, tồn tại và hoại diệt của các pháp khác, nói một cách đến nơi đến chốn là của tất cả các pháp khác. Các pháp không tự sinh khởi, tồn tại và hoại diệt một mình được. Bụt dạy rằng các pháp không có thực thể riêng biệt cho nên có khi chúng được gọi là không. Không ở đây chỉ có nghĩa là không có tự thể, không có thực thể riêng biệt.
Trong đời sống hàng ngày, ta có khuynh hướng nhận thức sự vật như những thực thể biệt lập với nhau và cái này nằm ngoài cái kia. Ví dụ một chiếc lá mà ta thấy đang ve vẩy trên cành cây phía trước mặt. Ta nghĩ chiếc lá ấy có mặt biệt lập với những chiếc lá khác; biệt lập với cành cây, thân cây, rễ cây; biệt lập với mây, nước, đất, trời. Kỳ thật, chiếc lá ấy không thể có mặt ngoài sự có mặt của những thứ mà ta xem là biệt lập với chiếc lá. Chiếc lá ấy thực ra là một với những chiếc lá khác, là một với cành, với thân và rễ cây, với đám mây, với dòng nước, với mặt đất, với khí trời và ánh sáng. Thiếu một trong những thứ đó, chiếc lá không thể nào có mặt. Nhìn sâu vào chiếc lá, ta thấy sự có mặt của tất cả những thứ đó, chiếc lá và những thứ đó cùng có mặt với nhau. Đó là nguyên lý tương tức (interbeing) và tương nhập (interpenetration) mà kinh Hoa Nghiêm nói tới. Đó là nguyên lý một là tất cả, tất cả là một cũng được nói tới trong kinh Hoa Nghiêm. Và đó cũng là hình thức diễn đạt đầy đủ nhất của đạo lý duyên khởi. Sự vật không có mặt ngoài nhau, sự vật có mặt trong nhau và với nhau. Bởi lý do đó nên Bụt nói: “Cái này có vì cái kia có”.
Trong tư thế thiền tọa cũng như trong nếp sống chánh niệm hàng ngày, ta đem định lực quán chiếu vạn pháp theo tinh thần này để thấy được tự tính duyên khởi của vạn vật. Mỗi hiện tượng trong vũ trụ đều cần được quán sát như thế, kể cả những ý nghĩ, những câu hỏi, những cảm thọ của ta và của những người quanh ta.
Phép quán gọi là giới phân biệt quán bắt đầu từ sự phân biệt các pháp thành chủng loại như sáu căn, sáu trần và sáu thức nhưng từ đó người hành giả thấy được sự thật về duyên sinh, thấy rằng không có pháp nào có thể tự mình phát sinh, tồn tại và hủy diệt, trái lại phải căn cứ và tùy thuộc vào các pháp khác. Cuối cùng hành giả sẽ thấy được tính cách bất sinh và bất diệt của các pháp, nghĩa là thấy trong chiều sâu của chúng, các pháp không thực sự có sinh, có diệt, có còn, có mất.
Vì vậy, phép quán duyên sinh là con đường vương đạo đưa hành giả thoát khỏi cảnh giới sinh tử. Người học Bụt mà không thực tập phép quán này thì chưa đạt tới chỗ tinh túy của đạo Bụt.
Các pháp (hiện tượng) có thể liệt kê thành mười tám giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức), nhưng cũng có thể được xếp vào năm phạm trù gọi là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là các hiện tượng sinh lý và vật lý, thọ là những cảm giác hoặc dễ chịu hoặc khó chịu hoặc trung tính, tưởng là những tri giác đưa tới khái niệm và ngôn từ, hành là những trạng thái tâm lý phát hiện và hình thành trong ta, và thức là tác dụng tư duy, nhận thức, tỷ giảo, chứa chất và hồi tưởng của tâm thức. Nền văn học Abhidharma và học phái Duy Thức trong đạo Bụt đã giảng giải kỹ lưỡng tính chất và đường lối vận hành của năm loại hiện tượng (sắc, thọ, tưởng, hành và thức) này. Tâm Kinh Bát Nhã cho biết Bồ Tát Quan Thế Âm nhờ quán chiếu năm uẩn cho nên đã thấy được tự tính duyên sinh của các pháp và phát hiện được tính cách bất sinh bất diệt của chúng cho nên đã vượt thoát được sinh tử. Kinh Bát Nhã nói đến tự tính không (không tính, sunyata) của các pháp, tự tính này cũng đồng nghĩa với tự tính duyên sinh.
Vạn pháp nương dựa trên nhau mà phát sinh và tồn tại, không có pháp nào có tự thể riêng biệt cho nên nói rằng tự tính của vạn pháp là không. Không có nghĩa là không thể tự mình có mặt một cách riêng lẻ vậy.
Quán chiếu sự vật một cách sâu sắc, hành giả thấy được tự tính duyên sinh của sự vật và do đó thấy được tự tính không của sự vật. Nhờ thấy được như thế nên hành giả vượt thoát được những ý niệm có và không, sinh và diệt, một và nhiều, đi và tới, và siêu việt được sinh tử. Những ý niệm có không, sinh diệt, một nhiều, đi tới, v.v… sẽ được phá tung khi ta chứng nghiệm được tự tính duyên sinh của vạn vật. Phá được khái niệm sinh tử là mục tiêu chính yếu của thiền quán.
Những ngày trước khi cư sĩ Cấp Cô Độc từ trần, Bụt đã phái hai đại đức Xá Lợi Phất và A Nan thường xuyên tới thăm và hướng dẫn cho cư sĩ thực tập. Ngồi bên giường bệnh của cư sĩ, đại đức Xá Lợi Phất khai thị như sau:
“Bây giờ chúng ta hãy quán niệm như sau về sáu giác quan:
Con mắt này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào con mắt này.
Cái tai này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái tai này.
Cái mũi này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái mũi này.
Cái lưỡi này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái lưỡi này.
Thân thể này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào thân thể này.
Ý căn này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào ý căn này.
Cư sĩ quán niệm tiếp như sau về sáu đối tượng giác quan:
Những hình sắc này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào những hình sắc này.
Những âm thanh này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào những âm thanh này.
Những mùi hương này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào những mùi hương này.
Những vị nếm này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào những vị nếm này.
Những xúc chạm này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào những xúc chạm này.
Những ý tưởng này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào những ý tưởng này.
Cư sĩ hãy quán niệm tiếp như sau về sáu thức:
Cái thấy này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái thấy này.
Cái nghe này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái nghe này.
Cái ngửi này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái ngửi này.
Cái nếm này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái nếm này.
Cái xúc chạm này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái xúc chạm này.
Cái ý thức này không phải là tôi,
tôi không bị kẹt vào cái ý thức này”.
Cư sĩ Cấp Cô Độc thở và quán chiếu theo những hướng dẫn ấy. Cư sĩ Cấp Cô Độc quán chiếu như thế và dần dần thấy được tự tính duyên sinh của vạn vật, thấy rằng mình không bị hạn chế trong phạm vi sáu căn, sáu trần và sáu thức, rằng cái sinh không thực sự làm cho mình từ không trở thành có và cái tử không thực sự làm cho mình từ có trở thành không.
Thực tập tới đó, cư sĩ Cấp Cô Độc khóc, nước mắt chan hòa. Đại đức A Nan hỏi ông:
“Cư sĩ, vì sao mà ông khóc? Ông thực tập không thành công sao? Ông có tiếc nuối gì không?”
Trưởng giả Cấp Cô Độc trả lời:
“Thưa đại đức A Nan, con không tiếc nuối gì hết, con thực tập rất thành công. Con khóc là vì con cảm động quá. Con có cơ duyên phụng sự Bụt và các bậc cao đức từ lâu rồi mà con chưa từng được nghe một giáo pháp nào vi diệu, mầu nhiệm và quý báu như giáo pháp hôm nay con được đại đức Xá Lợi Phất trao truyền.”
Lúc ấy đại đức A Nan bảo trưởng giả Cấp Cô Độc:
“Cư sĩ nên biết giáo pháp này các vị khất sĩ và nữ khất sĩ được nghe Bụt giảng dạy rất thường.”
Trưởng giả Cấp Cô Độc thưa:
“Bạch đại đức A Nan, xin đại đức bạch lại với đức Thế Tôn để giới cư sĩ chúng con cũng có dịp được nghe những giáo pháp vi diệu như giáo pháp này. Có những cư sĩ không có đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp như giáo pháp này, nhưng cũng có những cư sĩ có đủ sức nghe, hiểu và hành trì những giáo pháp thâm diệu ấy”.
Đoạn văn trên về cư sĩ Cấp Cô Độc được trích từ kinh Majjhaima Nikaya 143, cho thấy người tại gia cũng có thể thực tập quán chiếu tự tính duyên khởi và tự tính không để siêu việt sinh tử như người xuất gia. Đời sống bận rộn của phần động cư sĩ thường chỉ cho phép họ có đủ thì giờ để cúng dường và làm việc phước thiện, do đó họ không được thừa hưởng những giáo lý siêu việt nhất của đạo Bụt. Chúng ta phải cứu chữa tình trạng đáng tiếc ấy.
Kinh nói đến những lúc mà tâm ý không si mê lầm lạc. Đó là những lúc mà nhận thức về vô thường, duyên sinh và vô ngã có mặt, đó là những lúc tâm ý an trú trong chánh kiến. Chánh kiến là một trong tám phép của sự hành trì chân chính, gọi là Bát Chánh Đạo.
Trong phần dạy về phép quán niệm các đối tượng tâm ý, kinh nói đến yếu tố giác ngộ trạch pháp trong bảy yếu tố giác ngộ (thất bổ để phần). Trạch pháp là quyết trạch về các pháp, nghĩa là nghiên cứu tường tận về cội nguồn và tự tính của các hiện tượng, vật lý cũng như tâm lý. Trạch pháp quán cũng có nghĩa như giới phân biệt quán. Hiểu được cội nguồn và tự tánh các pháp trong chiều sâu của chúng tức là đạt đến tâm ý không mê muội.
Trong các phép quán mà ta đã đi qua, phép nào cũng có tác dụng quán chiếu cội nguồn các pháp. Rõ rệt nhất là các phép quán thứ tám (quán sát về sự liên hệ duyên sinh giữa thân thể và vạn hữu trong vũ trụ như đất, nước, gió, lửa, v.v…) và phép quán thứ mười hai (quán sát để thấy được gốc rễ và bản chất những cảm thọ trong ta).
Trong tư thế thiền tọa, chúng ta tập trung tâm ý vào đối tượng quán chiếu (có khi là một hiện tượng vật lý, có khi là một hiện tượng sinh lý, có khi là một hiện tượng tâm lý) và nhìn sâu vào đối tượng ấy để tìm tới cội nguồn và tự tính của nó. Hơi thở chánh niệm có vai trò nuôi dưỡng và duy trì định lực của chúng ta trên cùng một đối tượng. Nhìn kỹ và nhìn sâu cố nhiên sẽ đem đến cái thấy. Cái thấy này là hoa trái của thiền quán vậy.