BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN

MATTHIEU RICARD

Trích từ “BÀN VỀ HẠNH PHÚC" Tác giả: MATTHIEU RICARD Người dịch: Lê Việt Liên NXB Lao động và Thái Hà Books phát hành năm 2017. Tranh: Lê Phổ (1907 - 2001)

—o0o—

“Một cuộc đời tốt đẹp được đặc trưng bằng tâm trí bị thu hút hoàn toàn vào việc mình đang làm.” – Mihaly Csikszentmihaly [1]

—o0o—

Liệu ai chưa từng dồn hết tâm trí vào hành động, một thử nghiệm hay một cảm giác? Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihaly – giáo sư trường Đại học Chicago gọi trạng thái đó là “cuốn hút theo dòng”. Trong những năm 1960, khi đang nghiên cứu về tiến trình của sáng tạo, ông sửng sốt nhận thấy việc thực hiện một bức tranh diễn ra suôn sẻ, nếu hoạ sỹ hoàn toàn bị thu hút vào tác phẩm và theo đuổi công việc cho tới cùng, quên mệt mỏi, đói khát và cả môi trường bất lợi. Sau khi hoàn thành tác phẩm, họ hết ngay hứng thú. Ông đã có một lần trải nghiệm “cuốn hút theo dòng” và thấy rằng trạng thái mình bị hút vào điều đang làm còn quan trọng hơn cả kết quả của việc đó.

Tò mò trước hiện tượng này, Mihaly Csikszentmihaly đã phỏng vấn nhiều nghệ sĩ, những vận động viên leo núi, chơi cờ, bác sĩ phẫu thuật, các nhà văn và những người lao động chân tay. Đối với họ, động cơ chính đơn giản là họ thích thú làm việc đó. Rõ ràng rằng đối với một người đã nhiều lần leo cùng một vách núi, lên được tới đỉnh không thích thú bằng trèo. Cũng như vậy, đối với người đi thuyền buồm trong vịnh, không định trước sẽ cập bến bờ nào, hoặc người chơi nhạc, hay người thả mình trong một trò chơi đòi hỏi tính kiên nhẫn. Trong những lúc đó, con người toàn tâm toàn ý với chính công việc. Ý thức về “cái tôi” tan rã. Người ta không thấy thời gian trôi đi. Những hành động, cử chỉ và suy nghĩ tự nhiên nối tiếp nhau như khi ta chơi nhạc jazz. Toàn bộ con người bị cuốn vào việc đang làm và người ta sử dụng các khả năng của mình ở mức cao nhất”. Diane Roffe – Stainrother, huy chương vàng Thế vận hội Olympic mùa đông năm 1994, đã khẳng định rằng cô không hề nhớ một chút nào về diễn biến cuộc thi trượt tuyết xuống núi, mà chỉ biết mình hoàn toàn thư giãn. “Lúc đó, tôi có cảm giác mình như một dòng thác đổ”. [2]

Có được trạng thái “cuốn theo dòng” (“nhập định” trong thiền quán của đạo Phật) như vậy phụ thuộc nhiều vào mức độ tập trung dành cho trải nghiệm. Vì thế, William James đã có lý khi tuyên bố: “Kinh nghiệm của tôi là điều mà tôi chấp nhận tập trung suy nghĩ vào đó”. Để đi vào định, việc phải làm là huy động toàn bộ sự chăm chú của chúng ta và tạo ra một thách thức ngang tầm với khả năng của mình: nếu khó tập trung, chúng ta sẽ bị căng thẳng và lo âu: còn nếu tập trung quá dễ dàng thì chúng ta sẽ chểnh mảng và chóng nản. Trong kinh nghiệm về thiền định, hành động, ngoại cảnh và suy nghĩ cộng hưởng với nhau. Trong phần lớn các trường hợp, sự khai thông được cảm nhận như một kinh nghiệm rất mỹ mãn, đôi khi khiến ta thích thú, say mê. Nó ngược lại với trạng thái buồn chán, u uất hoặc bồn chồn, lơ đãng. Cũng cần biết rằng ý thức về “cái ngã” vắng mặt chừng nào sự khai thông này còn kéo dài. Chỉ còn sự chăm chú của chủ thể, lúc này đã hòa làm một với hành động và không tự quan sát mình nữa.

Về kinh nghiệm cá nhân, tôi thường cảm nhận được điều này khi phiên dịch cho các vị thầy Tây Tạng. Trước hết, người dịch phải tập trung hoàn toàn vào câu chuyện kéo dài khoảng 5-10 phút, sau đó dịch ra bằng lời và cứ tiếp tục như vậy, không dứt đoạn cho tới hết bài thuyết giảng trong vài giờ. Tôi nhận thấy rằng cách tốt nhất để hoàn thành công việc là đắm mình trong một trạng thái rất giống với điều Mihaly Csikzentmihaly gọi là cuốn theo dòng”. Trong khi thầy giảng, tôi để tâm trí mình trong một trạng thái hoàn toàn sẵn sàng, không suy nghĩ, tựa như một tờ giấy trắng, chăm chú nhưng không căng thẳng. Sau đó, tôi tìm cách sắp xếp lại những điều nghe được thành văn phong của tiếng mẹ đẻ, y như cách người ta chuyển nước từ một hũ chứa đầy sang một cái bình. Chỉ cần nhớ điểm đầu và mạch bài giảng, còn các chi tiết cứ tự nhiên nối tiếp nhau, không cần mình phải cố gắng. Tâm lý đó được thư giãn. Vì vậy, nó có khả năng khôi phục lại khá trung thành một bài giảng dài và phức tạp. Nhưng khi suy nghĩ hoặc một sự kiện bên ngoài làm ngắt quãng dòng dịch, sự kỳ diệu bị đứt thì nối lại mạch có thể sẽ khó khăn. Khi điều ấy xảy ra, tôi không chỉ quên vài chi tiết trong một vài giây, đầu óc rỗng tuếch, tôi không còn nhớ một chữ nào. Không ghi lại thì dễ dàng hơn cho việc duy trì trạng thái “nhập định”, nó giúp ta dịch trung thành nhất có thể. Khi mọi việc diễn ra suôn sẻ, sự thông suốt ấy mang lại cho ta một cảm giác vui sướng và thanh thản, không còn ý thức về “cái tôi”, mệt mỏi bị quên đi và thời gian lặng lẽ trôi như một dòng sông êm ả.

Theo Mihaly Csikszentmihaly, người ta cũng có thể kinh nghiệm “nhập định” trong khi làm những công việc rất bình thường, như khi là quần áo hoặc khi tham gia vào một công việc dây chuyền. Mọi thứ đều phụ thuộc vào cách trải nghiệm thời gian trôi đi. Trái lại, khi không ở trong trạng thái “nhập định”, hầu như mọi hoạt động sẽ trở nên nhạt nhẽo, thậm chí không chịu nổi. Mihaly Csikzentmihalyi đã quan sát rằng một số người “nhập định” dễ dàng hơn một số khác. Những người đó thường “quan tâm và tìm hiểu về mọi thứ trong cuộc sống, có tính kiên trì và ít vị ngã, đó là những thiên hướng tạo ra động cơ cho những phần thưởng nội tâm”.

Coi trọng kinh nghiệm về “nhập định” giúp cho nhiều trường hợp cải thiện được những điều kiện làm việc trong các nhà máy (nhà máy sản xuất xe hơi Volvo ở Thuỵ Sĩ), trong việc bài trí phòng trưng bày và đồ vật của bảo tàng (để hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối), và nhất là trong lĩnh vực sư phạm, như trường Key School ở Indianapolis (Mỹ) chẳng hạn. [3] Trường này áp dụng phương pháp tập cho học sinh thói quen say sưa vào một chủ đề mà chúng thấy thích thú, không kể thời gian và cường độ. Như vậy, trẻ học trong trạng thái “nhập định”. Chúng quan tâm hơn đến bài vở và thích học.

Ngược lại với trạng thái “nhập định” trong đó cảm giác về cái tôi bị lu mờ là tính “vị ngã”, một trong những triệu chứng lớn của trầm cảm. Theo nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman, “một người u uất nghĩ quá nhiều về cách thức mà họ cảm giác […] Khi phát hiện ra mình buồn, người đó nghiền ngẫm nỗi buồn, tưởng tượng rằng mình sẽ buồn trong tương lai, chán chường trong mọi việc mình làm và điều đó chỉ làm tăng lên trạng thái buồn bã. Trong xã hội chúng ta, những kẻ tuyên truyền cho vai trò của “cái tôi” chủ trương hãy sống với những cảm giác của bạn”. Các bạn trẻ đã bị lôi cuốn và tin tưởng vào thông điệp này, vì thế đã ra đời một thế hệ những người yêu quý bản thân mà mối bận tâm chính là phải biết mình cảm giác ra sao trong cuộc sống”. Ấy vậy mà giết thời gian vào việc chú ý từng phản ứng nhỏ nhất của “cái tôi” của mình, chăm lo từng ly, từng tý cho nó và không ngừng thỏa mãn những ý muốn nhỏ nhất của nó … chính là cách chắc chắn đưa tới sự bất mãn.

Cũng cần phân biệt kinh nghiệm về “nhập định” với sự thích thú. Thích thú thì dễ dàng, không đòi hỏi một khả năng đặc biệt nào. Chẳng có gì dễ hơn là ăn một chiếc bánh ngọt chocolate hoặc đi tắm nắng: trong khi kinh nghiệm về “nhập định” đòi hỏi phải nỗ lực và chưa chắc đã thoải mái. Theo Mihaly Csikszentmihaly, “thích thú là một động cơ mạnh mẽ nhưng nó không tạo ra sự thay đổi. Đó là một sức mạnh bảo thủ, kích động chúng ta thỏa mãn những nhu cầu đang tồn tại để có được tiện nghi và sự thoải mái… Trái lại, để đạt được cảm giác mãn nguyện tột đỉnh không phải lúc nào cũng dễ chịu, đôi khi còn cực kỳ căng thẳng. Người leo núi có khi bị lạnh cóng hoặc hoàn toàn kiệt sức, bị rơi xuống một khe nứt sâu thẳm, mặc dù thế, anh ta vẫn không muốn chọn nơi khác. Uống một ly cocktail dưới bóng dừa bên bờ biển xanh có thể rất dễ chịu nhưng không thể so sánh được với niềm say sưa mà người leo núi cảm nhận trên sườn núi băng giá”.

Theo Seligman, “ban đầu khó có thể bỏ những thú vui dễ dàng để tập trung vào một hoạt động khiến ta mãn nguyện hơn. Những gì có tính chất làm cho mãn nguyện đều sinh ra kinh nghiệm về “nhập định”, nhưng nó buộc phải có những năng lực nhất định, nỗ lực cao và cũng tiềm ẩn nguy cơ thất bại. Thú vui thì không như vậy: xem một phim truyền hình nhiều tập, thủ dâm, ăn một gói bỏng ngô hoặc ngửi mùi nước hoa không đòi hỏi bất kỳ một cố gắng nào, chỉ cần rất ít sự giám định và không phải chịu một thất bại nào cả. Tin rằng người ta có thể đi những con đường tắt để đạt được trạng thái mãn nguyện sâu sắc mà không cần phát triển những phẩm chất và đức hạnh của mình là một điều điên rồ. Kiểu thái độ ấy chỉ tạo ra một lũ người suy nhược, chết dần, chết mòn vì đói khát tâm linh mặc dù sống trong một môi trường màu mỡ”.

MANG LẠI CHO “NHẬP ĐỊNH” TOÀN BỘ GIÁ TRỊ CỦA NÓ

Kinh nghiệm về nhập định “động viên chúng ta kiên trì trong một hoạt động đặc biệt và trở lại với hoạt động đó, trong một số trường hợp, nó có thể tạo thành thói quen, thậm chí một trạng thái phụ thuộc. Thật vậy, “nhập định” không chỉ liên quan tới các hoạt động mang tính xây dựng và tích cực. Người bị cuốn vào canh bạc, mê mẩn với máy chơi xu và chiếc cần quay, đến nỗi quên khuấy cả thời gian và bản thân, trong khi có thể anh ta đang lâm vào tình trạng hết sạch tiền. Cũng như thế, đối với người thợ săn khi rượt đuổi con mồi hoặc đối với kẻ tội phạm khi chăm chú thực hiện từng khâu nhỏ nhất trong kế hoạch gây án của mình. Dù rèn luyện kinh nghiệm về “nhập định” có mỹ mãn đi nữa, nó cũng chỉ là một phương tiện mà thôi. Để kinh nghiệm này có thể về lâu, về dài giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nó phải được thấm đẫm những đức tính nhân bản như lòng vị tha và trí tuệ. Giá trị của “nhập định” phụ thuộc vào động cơ của tâm. Động cơ ấy có thể là tiêu cực đối với trường hợp của một tên trộm, có thể là trung tính trong một hoạt động bình thường như thêu thùa chẳng hạn, hoặc tích cực khi ta tham gia vào hoạt động cứu trợ hoặc khi thiền quán về tình yêu thương và lòng cảm thông.

Theo Mihaly Csikszentmihaly, “đóng góp lớn của “nhập định” là mang lại giá trị cho kinh nghiệm về giây phút hiện tại”. Như vậy, nó rất đáng quý đối với chúng ta để thưởng thức mỗi thời khắc của cuộc sống và tận dụng nó một cách xây dựng nhất có thể. Vì thế cần tránh lãng phí thời gian của mình trong thái độ dửng dưng hay rầu rĩ. Thích Nhất Hạnh, thiền sư Phật giáo bậc thầy của Việt Nam đã đề nghị các đệ tử của mình thực tập “đi trong chánh niệm” như sau:

“Đi chỉ vì thích đi mà thôi, thong dong, tự do và chắc chắn. Chúng ta có mặt với từng bước chân. Khi muốn nói, chúng ta dừng lại và đặt hết chú ý vào người đứng trước mặt mình, vào những câu mình nói và lắng nghe […] Hãy dừng bước, nhìn ra xung quanh, và thấy rằng cuộc đời sao mà đẹp thế: cây xanh, mây trắng, và bầu trời vô tận. Hãy lắng nghe tiếng chim hót, thưởng thức làn gió nhẹ. Hãy bước đi như một người tự do và cảm nhận những bước chân mình trở nên ngày càng nhẹ nhàng. Hãy cảm nhận tất cả những bước đi của mình!”

Song chúng ta có thể thực tập những hình thức “nhập định” ngày càng trần trụi, không cần tới sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Khi đó, chúng ta vẫn có thể trụ được trong trạng thái tỉnh táo mà không cần cố gắng. Quán chiếu bản chất của tâm thức chẳng hạn, là một kinh nghiệm sâu sắc và phong phú, vừa kết hợp thư giãn với tập trung. Thư giãn dưới dạng tâm bình yên, tập trung dưới dạng tâm sáng suốt và tỉnh thức, tập trung mà không căng thẳng. Trạng thái tâm minh mẫn hoàn hảo (tuệ) là một trong những phẩm chất để phân biệt với trạng thái “nhập định” bình thường. Sự minh mẫn này không đòi hỏi chủ thể phải tự quan sát chính mình: đây là chỗ “cái tôi” bị xoá hoàn toàn. “Cái tôi” biến mất nhưng “sự có mặt thanh tịnh” vẫn tồn tại, có nghĩa là ta vẫn trực tiếp nhận biết bản chất của tâm. Một kinh nghiệm giống như vậy là suối nguồn an lạc bên trong giúp ta cởi mở với thế giới và với mọi người. Rốt cục, kinh nghiệm về “nhập định” trong thiền quán bao trùm toàn bộ cách nhìn nhận của chúng ta về vũ trụ và sự phụ thuộc lẫn nhau của nó. Ta có thể nói người “tỉnh thức” luôn luôn ở trong trạng thái hoàn toàn vì người khác và thanh thản.

—o0o–

[1] Nakamura, J. và M. Csikszentmihaly, “Khái niệm về cuốn theo dòng”, trong C.R. Snyder và Shane J. Lopez, Sổ tay Tâm Lý tích cực, 2022, Oxford University Press, 7: 89 – 105.
[2] Tựa như thác đổ”, Newsweek, 28.2.1994, đã dẫn trong Daniel Goleman L’Intelligence émotionnelle (Trí tuệ cảm xúc), Paris, Robert Laffont, 2000.
[3] Xem S.Whalen, N Colangelo et Astuline (nxb), Phát triển tài năng III, A.Z. Scottdale, Gifted Psychology Press, 1999: 409 – 411.

—o0o—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  2. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  3. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP