HỌC CÁCH SÁNG TẠO TRONG HỖN LOẠN

JOCELYN K. GLEI

Trích: Đừng Để Nước Đến Chân Mới Nhảy; Nguyễn Chánh, Nguyễn Trang dịch; NXB. Thế Giới

Leigh Michaels, một nhà văn với hơn 80 tiểu thuyết lãng mạn, từng nói “chờ đợi cảm hứng để viết như đứng ở sân bay chờ tàu.” Các điều kiện để sáng tạo một tuyệt tác ít khi lý tưởng và chờ đợi mọi thứ phải hoàn hảo hầu như luôn là cách trì hoãn.

Nhạc sĩ có công việc ban ngày, nhà thơ là giáo sư và các nhà làm phim kiêm việc thực hiện quảng cáo thương mại. Nếu chúng ta muốn ngừng chạy đua giữa các nhiệm vụ và chống lại các phân tán không mong muốn để thực sự tách mình, chúng ta phải học cách sáng tạo giữa sự hỗn loạn.

Phân tán tích cực

Các phân tán tiêu cực gây trở ngại cho việc sáng tạo có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức: tivi, công việc nhà chưa hoàn thành, các phương tiện truyền thông xã hội, e-mail, đồng nghiệp muốn tán gẫu, các nỗi lo âu, sự nghi ngờ bản thân. Trên lý thuyết, tách biệt bản thân khỏi toàn bộ những can thiệp này là hoàn toàn có thể – khu Yaddo thật sự đã cung cấp một nơi ẩn dật tạm thời, không phiền nhiễu cho hàng trăm nghệ sĩ lớn – nhưng giải pháp này không khả thi cho hầu hết chúng ta. Hơn thế nữa, từ bỏ trách nhiệm ở nhà và nơi làm việc trong khi rút lui vào khu nghỉ dưỡng của giới nghệ sĩ là điều không thực tế và có vẻ vô trách nhiệm. Bên cạnh đó, sự thật khó chịu là lo âu và nghi ngờ bản thân có thể nhân lên khi được tiếp sức bởi im lặng và thừa thãi thời gian.

Trong thập niên 1970, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã phát hiện ra một trong những cách tốt nhất để chống lại các phân tán tiêu cực là hãy đi theo các phân tán tích cực. Chúng ta có thể chống lại phân tán tiêu cực bằng cách mất tập trung một cách tích cực.

Trong nghiên cứu của Stanford, các em nhỏ được quyền chọn ăn ngay một viên kẹo dẻo, hoặc chờ đợi vài phút và sẽ được hai viên. Những trẻ có khả năng trì hoãn việc tận hưởng ngay lập tức đã sử dụng các kỹ thuật phân tán tích cực để thành công. Một số trẻ hát, số khác đá chân vào bàn, các em đơn giản là làm bất cứ việc gì cần thiết để hướng tâm trí vào một điều gì đó khác kẹo dẻo.

Có nhiều cách để sử dụng kỹ thuật phân tán tích cực vì những mục đích khác hơn là cưỡng lại những viên kẹo dẻo. Đặt bộ đếm giờ và đua với đồng hồ để hoàn thành nhiệm vụ. Đưa ra những phần thưởng không liên quan để hoàn thành nhiệm vụ như: uống một chút ở phòng nghỉ, hoặc đăng nhập vào mạng xã hội trong vòng ba phút sau khi đạt đến một cột mốc quan trọng. Hãy viết ra những suy nghĩ đang khiến bạn bận tâm hay những phân tán tiêu cực, lên lịch xem xét chúng trong khoảng 10 phút, sau đó gạt chúng khỏi tâm trí ngay trong ngày.

Tự chủ

Tuy nhiên, ta cũng cần tự chủ cao để làm việc trong một môi trường hỗn loạn bằng cách gạt bỏ các phân tán tiêu cực để tập trung vào các hoạt động ưa thích cần năng lượng và sự nhanh trí. Trong cuốn sách Willpower (tạm dịch: Sức mạnh ý chí), nhà tâm lý học Roy Baumeister đã phân tích những phát hiện từ hàng trăm thí nghiệm để xác định lý do tại sao một số người có thể duy trì sự tập trung hàng giờ, trong khi số khác không thể. Ông phát hiện thấy, sự tự chủ không phải là do di truyền hay cố định, mà do một kỹ năng có thể phát triển và cải thiện bằng việc luyện tập.

Baumeister gợi ý nhiều phương thức để tăng cường sự tự chủ. Một trong những cách thức đó là phát triển một thói quen có vẻ không liên quan, như cải thiện tư thế, hay nói “vâng” thay vì ậm ừ, hoặc dùng chỉ nha khoa mỗi đêm trước khi đi ngủ. Điều này có thể củng cố ý chí của bạn ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Ngoài ra, khi thói quen mới đã ăn sâu và có thể thực hiện mà không cần nhiều nỗ lực hay suy nghĩ, năng lượng đó có thể được chuyển sang các hoạt động khác đòi hỏi nhiều sự tự chủ hơn. Các nhiệm vụ được thực hiện một cách tự động không ngốn của chúng ta nhiều năng lượng dự trữ hơn là các nhiệm vụ phải thực hiện một cách có ý thức.

Các hoạt động giải trí như các trò chơi chiến lược đòi hỏi sự tập trung và có quy luật chơi thay đổi khi lên mức cao hơn, nghe sách nói, hay một hoạt động cũng cần tập trung để theo dõi tình tiết chuyện có thể được sử dụng để tăng khả năng tập trung. Thậm chí các hành vi đơn giản như thường xuyên ngủ ngon giấc cũng được xem là một cách cải thiện khả năng tập trung và tự chủ.

Công việc cần chú tâm với công việc không cần chú tâm

Dù được chúng ta vun đắp đến đâu, tự chủ vẫn có giới hạn. Vì vậy chúng ta cần phải kết hợp phương pháp này với các chiến lược khác. Hai nhà nghiên cứu tại Đại học California, bang Davis – tiến sĩ Kimberly Elsbach và Andrew Hargadon – đã phát hiện ra rằng sự sáng tạo và hiệu quả có thể được tăng cường trong suốt thời gian người lao động luân phiên thay đổi giữa các hoạt động cần chú tâm với hoạt động không cần chú tâm. Hãy hình dung tâm trí con người phù hợp với hình thức chạy nước rút hơn là marathon.

Báo cáo của hai nhà nghiên cứu này trong tạp chí Organization Science đã xác định các hoạt động như: “công việc đơn giản trên dây chuyền sản xuất (đổ đầy thùng nguyên liệu), sử dụng máy photocopy, công việc làm vệ sinh đơn giản (ví dụ, làm sạch thiết bị phòng thí nghiệm), thực hiện nhiệm vụ bảo trì đơn giản, công việc phân loại hoặc đối chiếu và công việc dịch vụ đơn giản (ví dụ, mở bao bì và cất trữ tài liệu)” là những công việc “không cần chú tâm”. Ngược lại, các nhiệm vụ cốt lõi của hoạt động can thiệp và giải quyết vấn đề liên quan đến công việc hoặc công cuộc đeo đuổi sáng tạo của một người lại “cần chú tâm.” Chuyển từ công việc “cần chú tâm” sang “không cần chú tâm” giúp não có thời gian xử lý các vấn đề phức tạp trong trạng thái thoải mái và khôi phục năng lượng cần thiết cho lượt công việc cần chú tâm tiếp theo.

Thời gian làm việc trước khi năng suất và hiệu quả bắt đầu giảm của mỗi người khác nhau và cũng có thể thay đổi tùy theo các khoảng thời gian trong ngày. Theo dõi sự tăng giảm năng lượng sẽ giúp bạn xác định một lịch làm việc xen kẽ giữa các hoạt động cần và không cần chú tâm. Một khi các mức tăng giảm được xác định, chúng ta có thể dùng một bộ đếm giờ để theo dõi và điều hướng những lần chuyển tiếp để tránh tình trạng kiệt sức và lãng phí thời gian.

Với tất cả những việc theo dõi và tập luyện như trên, bạn sẽ phải là một nhà khoa học hay một vận động viên mới có thể thực sự xuất sắc trong công việc sáng tạo. Bất kì sự xuất sắc nào cuối cùng cũng đòi hỏi khả năng quan sát, sự tinh tế, thích ứng và độ bền. Hãy nghe nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami nói về sự tự chủ mà ông phải đề ra để hoàn thành công việc của mình:

Khi tôi đang trong quá trình viết một cuốn tiểu thuyết, tôi dậy từ lúc 4 giờ sáng và làm việc trong khoảng 5 đến 6 tiếng. Buổi trưa, tôi chạy bộ mười cây số hoặc bơi ở cự ly 15-100 mét (hoặc cả hai), sau đó tôi đọc sách và nghe nhạc một chút. Tôi đi ngủ lúc 9 giờ tối. Và tôi giữ lịch trình này mỗi ngày không hề thay đổi. Chính sự lặp lại trở thành điều quan trọng. Tôi thôi miên bản thân mình để đạt được một trạng thái tâm trí sâu hơn. Nhưng để lặp lại như vậy trong suốt thời gian dài – từ sáu tháng đến một năm – tôi phải có sức mạnh to lớn về tinh thần và thể chất. Theo hướng này, viết một cuốn tiểu thuyết dài cũng như rèn luyện bản thân để sống còn. Sức mạnh thể chất cũng cần thiết như trực giác nghệ thuật.

Giống như một cầu thủ bóng rổ thực hiện cú ném tự do trên sân đối thủ, anh ta phải rèn luyện cơ thể để thực hiện cú ném bất chấp đám đông đang la hét, một đầu óc sáng tạo cũng phải học cách rèn luyện sự tập trung và dẫn dắt nguồn năng lượng sáng tạo của mình trong những điều kiện hỗn loạn nhất.

“Hãy cho tôi biết bạn chú tâm đến điều gì, tôi sẽ biết bạn là ai.”

— JOSÉ ORTEGA GASSET

Bình luận


Bài viết mới

  1. SỐNG CUỘC ĐỜI MÌNH
  2. BẢY BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC
  3. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC