JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC; Lời dịch: Ông Không -2007; Nguồn: thuvienhoasen.org
Krishnamurti: Mục đích chính của chúng ta ở trong những nơi như Rishi Valley ở miền nam và Rajghat ở miền bắc là xây dựng một môi trường, một bầu không khí, nơi người ta có thể tạo ra, nếu có thể được, một con người mới mẻ. Các thầy có biết lịch sử của hai ngôi trường này hay không? Chúng đã vận hành trên ba mươi năm hay nhiều hơn nữa. Mục đích, khao khát của những ngôi trường này là cung cấp cho một em bé khả năng công nghệ xuất sắc để cho em học sinh có thể vận hành bằng rõ ràng và hiệu quả trong thế giới hiện đại, và quan trọng hơn nữa là thiết lập một bầu không khí đúng đắn để cho em bé có thể phát triển đầy đủ như một con người hoàn toàn. Điều này có nghĩa là trao cho em bé cơ hội nở hoa trong tốt lành để cho em có được sự liên hệ đúng cách với những con người, những sự vật và những ý tưởng, với toàn bộ cuộc sống. Sống là liên hệ. Không có sự liên hệ đúng đắn đến bất kỳ điều gì nếu không có cảm thấy đúng đắn cho vẻ đẹp, một hưởng ứng với thiên nhiên, với âm nhạc và nghệ thuật, một ý thức thẩm mỹ được phát triển cao độ.
Tôi nghĩ rất dễ dàng khi nhận ra rằng nền giáo dục ganh đua và sự phát triển của học sinh trong quy trình đó gây hủy hoại. Tôi không biết người ta nắm vững được việc này sâu sắc đến chừng nào. Nếu người ta nắm vững được, vậy thì nền giáo dục đúng đắn là gì? Tôi nghĩ rất dễ dàng khi nhận ra rằng cái khuôn mẫu hiện nay mà chúng ta đang vun quén và gọi là nền giáo dục, mà là tuân phục vào xã hội, thì rất, rất hủy hoại. Trong những hoạt động đầy tham vọng của nó, nó đang gây thất vọng đến cùng cực. Và cả phương Tây lẫn phương Đông, điều gì từ trước đến nay chúng ta đã xem như là một sự phát triển ở trong quy trình này là văn hóa. Nó phải dẫn dắt đến đau khổ. Ý thức được sự thật của việc đó rất cần thiết. Nếu việc đó rất rõ ràng và nếu người ta từ bỏ việc đó một cách tự nguyện, không phải như một phản ứng, nhưng giống như là một chiếc lá rụng khỏi cái cây, một buông bỏ, vậy thì nở hoa là gì, giáo dục đúng đắn là gì? Thầy giáo dục em học sinh để tuân phục, để điều chỉnh, để thích ứng vào cái hệ thống hay là thầy giáo dục em học sinh để hiểu rõ, để nhận thức rất rõ ràng toàn bộ ý nghĩa của tất cả việc đó và, cùng lúc, giúp em đọc và viết? Nếu thầy giáo dục em học sinh để đọc và viết trong hệ thống thất vọng hiện nay, vậy thì nở hoa của cái trí bị ngăn cản. Vậy thì câu hỏi là, nếu người ta bỏ đi nền giáo dục ganh đua này liệu rằng cái trí có thể được giáo dục trong ý nghĩa thông thường được chấp nhận của từ ngữ đó hay không? Hay giáo dục thực sự là nhấn mạnh vào đặc điểm đưa chính chúng ta và em học sinh ra khỏi cái cấu trúc xã hội của thất vọng và ham muốn này và, cùng lúc cho em học sinh thông tin về toán học, vật lý, và vân vân? Rốt cuộc ra, nếu người giáo viên và em học sinh được tước bỏ tất cả rối loạn khủng khiếp này, còn có cái gì để được giáo dục hay không? Tất cả mọi điều mà thầy phải dạy em học sinh là làm thế nào biết đọc và viết, làm thế nào biết tính toán, thiết kế, ghi nhớ và truyền đạt những sự kiện và những ý kiến về những sự kiện.
Vì vậy, chức năng của giáo dục là gì và liệu có một phương pháp đặc biệt nào của giáo dục hay không? Thầy dạy em học sinh một phương pháp kỹ thuật để em thành thạo và trong chính thành thạo đó phát triển một ý thức của tham vọng phải không? Bằng cách dạy em một phương pháp kỹ thuật để tìm ra một việc làm, thầy cũng chồng chất lên em những hàm ý của thành công và thất vọng của nó. Em muốn được thành công trong cuộc sống và em cũng muốn trở thành một con người thanh thản. Toàn cuộc sống của em là một mâu thuẫn. Mâu thuẫn càng lớn bao nhiêu thì căng thẳng càng nhiều bấy nhiêu. Đây là một sự thật. Khi có sự đè nén trong mâu thuẫn, có hoạt động phía bên ngoài mạnh mẽ hơn. Thầy cho em học sinh một phương pháp kỹ thuật và cùng lúc phát triển trong em sự mất cân bằng lạ lùng này, sự mâu thuẫn cực kỳ này mà dẫn đến thất vọng và tuyệt vọng. Em càng phát triển khả năng của em trong kỹ thuật, tham vọng của em càng lớn lao và sự thất vọng càng sâu đậm bấy nhiêu. Thầy đang giáo dục em để có một phương pháp kỹ thuật mà sẽ dẫn đến sự thất vọng của em. Vì vậy câu hỏi là, liệu thầy có thể giúp em học sinh không bị buông trôi vào mâu thuẫn hay không? Em sẽ buông trôi vào nó nếu thầy không giúp đỡ em yêu thích công việc em đang làm.
Thầy thấy không, nếu em học sinh thích môn hình học, yêu thích nó như một kết thúc trong chính nó, em hoàn toàn thâm nhập trong nó đến độ em không còn tham vọng. Em thực sự yêu thích môn hình học và đó là một niềm say mê to lớn. Vì vậy em nở hoa trong nó. Làm thế nào thầy có thể giúp em học sinh yêu thích, theo cách này, một sự việc mà em học sinh vẫn chưa khám phá cho chính mình.
Nếu như một giáo viên, thầy được hỏi, mục đích của ngôi trường này là gì liệu thầy có trả lời được không? Tôi muốn biết thầy đang cố gắng làm cái gì, thầy dự tính trao em học sinh cái gì? Thầy đang cố gắng định hình em, điều kiện em, cưỡng bách em trong một hướng nào đó phải không? Có phải thầy đang cố gắng dạy em học sinh môn toán học, môn vật lý, cho em một số thông tin để em có khả năng về công nghệ và có thể làm việc tốt trong nghề nghiệp tương lai phải không? Hàng ngàn trường học đang làm công việc này, khắp thế giới đang cố gắng làm cho em học sinh xuất sắc về công nghệ để em trở thành một nhà khoa học, một kỹ sư, một nhà vật lý giỏi và vân vân. Hay là thầy đang cố gắng làm một điều gì đó có ý nghĩa nhiều hơn ở nơi này? Nếu nó có ý nghĩa nhiều hơn, vậy nó là gì?
Chúng ta phải rất rõ ràng trong chính chúng ta điều gì chúng ta muốn, rõ ràng về điều gì một con người phải là – một con người tổng thể, không chỉ là một con người công nghệ. Nếu chúng ta tập trung rất nhiều vào những kỳ thi, vào thông tin công nghệ, vào việc làm cho em bé khôn khéo, thành thạo trong thâu lượm hiểu biết, tại sao chúng ta lại bỏ quên khía cạnh khác, rồi thì em học sinh sẽ lớn lên để trở thành một con người lệch một phía. Khi chúng ta nói về một con người tổng thể, chúng ta có ý nói không chỉ một con người có hiểu rõ phía bên trong, có một khả năng để thâm nhập, tìm hiểu nội tâm của em, trạng thái phía bên trong của em và khả năng vượt khỏi nó, nhưng cũng nói về một con người giỏi giang khi em làm việc gì phía bên ngoài. Hai điều này phải theo cùng nhau. Đó là vấn đề thực sự trong giáo dục – để thấy rằng khi một em bé rời ngôi trường, em sẽ được xây dựng hoàn hảo trong tốt lành, cả phía bên ngoài lẫn phía bên trong.
Phải có một điểm khởi đầu mà từ đó chúng ta vận hành để chúng ta sẽ vun quén không chỉ cái khía cạnh công nghệ nhưng còn cởi bỏ những tầng sâu hơn, những lãnh vực sâu sắc hơn của cái trí con người. Tôi sẽ nói có một cách như thế này. Nếu thầy tập trung vào việc tạo dựng cho em học sinh xuất sắc về công nghệ và bỏ quên đi khía cạnh khác, như chúng ta thường làm, điều gì xảy ra cho một con người như thế? Nếu thầy tập trung vào việc tạo cho em trở thành một vũ công tuyệt vời hay là một nhà toán học tài năng, chuyện gì xảy ra? Em không chỉ là điều đó, em là một cái gì còn hơn thế nữa. Em đố kị, giận dữ, bất mãn, thất vọng, tham vọng. Vì vậy thầy sẽ tạo ra một xã hội trong đó luôn luôn có vô trật tự, bởi vì thầy đang nhấn mạnh vào công nghệ và hiệu quả trong một lãnh vực và bỏ qua lãnh vực khác. Một con người dù có lẽ xuất sắc như thế nào chăng nữa về công nghệ, anh ta luôn luôn bị mâu thuẫn trong những liên hệ giao tiếp của anh ta. Anh ta luôn luôn đấu tranh với người hàng xóm của anh ta.
Vì vậy công nghệ không thể nào sản sinh ra một xã hội hoàn hảo hay một xã hội tốt lành. Nó có lẽ sản sinh ra một xã hội to lớn, nơi không còn nghèo đói, nơi có sự bình đẳng vật chất và vân vân. Một xã hội to lớn không nhất thiết là một xã hội tốt lành. Một xã hội tốt lành ám chỉ trật tự. Trật tự không có nghĩa là những chiếc xe lửa đến đi đúng giờ, thư từ gởi nhận đều đặn. Nó còn là cái gì khác nữa. Đối với một con người, trật tự có nghĩa là trật tự trong chính anh ta. Và cái trật tự như thế đó rõ ràng sẽ tạo ra một xã hội tốt lành. Bây giờ, chúng ta bắt đầu từ khía cạnh nào đây?
Thầy có hiểu câu hỏi của tôi hay không? Nếu tôi lơ là phía bên trong và tập trung vào công nghệ, điều gì tôi làm sẽ chỉ là một khía cạnh. Vì vậy tôi phải tìm ra một cách, tôi phải tạo ra một chuyển động mà sẽ bao gồm cả hai khía cạnh. Từ trước đến nay, chúng ta đã tách rời hai khía cạnh này và bởi vì đã tách rời chúng, chúng ta đã nhấn mạnh một khía cạnh và bỏ qua khía cạnh còn lại. Điều gì chúng ta bây giờ đang cố gắng làm là kết hợp cả hai khía cạnh này vào cùng nhau. Nếu có một nền giáo dục đúng cách, em học sinh sẽ không coi nó như là hai khía cạnh riêng biệt. Em sẽ có thể chuyển động trong cả hai khía cạnh như một chuyển động. Đúng chứ? Khi xây dựng cho chính em xuất sắc về công nghệ, em cũng sẽ có thể xây dựng cho chính em trở thành một con người xứng đáng. Điều này có khai mở một vấn đề gì hay không?
Một con sông luôn luôn không giống nhau, hai bên bờ thay đổi, và nước của nó có thể được sử dụng cho kỹ nghệ hay cho những mục đích khác nhau, nhưng nó vẫn là nước. Tại sao chúng ta lại tách rời thế giới công nghệ và thế giới khác? Chúng ta nói rằng: “Nếu chúng ta có thể làm cho thế giỏi công nghệ hoàn hảo, chúng ta sẽ có lương thực, quần áo, chỗ ở cho mọi người, vì vậy chúng ta hãy quan tâm chính đến công nghệ.” Và cũng có những người chỉ quan tâm đến thế giới bên trong, và trở nên mỗi lúc một cô lập, mỗi lúc một coi mình là trung tâm, mỗi lúc một hão huyền, theo đuổi những niềm tin, những giáo điều, những tầm nhìn riêng rẽ của họ. Có phân chia khủng khiếp này và chúng ta nói rằng trong một chừng mực nào đó chúng ta phải mang hai điều này lại cùng với nhau. Vì vậy khi đã phân chia cuộc sống thành phía bên ngoài và phía bên trong, lúc này chúng ta cố gắng hòa nhập chúng lại. Tôi nghĩ rằng phương cách đó cũng sẽ dẫn đến xung đột nhiều hơn. Trái lại nếu chúng ta có thể tìm ra được một trung tâm, một chuyển động, một tiếp cận mà không bị phân chia, chúng ta sẽ vận hành trong cả hai lãnh vực một cách bình đẳng.
Cái chuyển động của thông minh tột đỉnh là gì? Tôi đang sử dụng từ ngữ “Thông minh,” không phải là khôn khéo, không phải là trực giác, không phải rút ra từ hiểu biết, thông tin, trải nghiệm. Cái chuyển động mà hiểu rõ tất cả những phân chia này, tất cả những xung đột này là gì; và chính hiểu rõ đó tạo ra chuyển động thông minh phải không?
Chúng ta thấy trong thế giới hai chuyển động này đang diễn tiến – chuyển động tôn giáo sâu sắc mà con người luôn luôn tìm kiếm và đã trở thành Thiên chúa giáo, Tin lành giáo, Ấn độ giáo, và chuyển động vật chất của công nghệ, một thế giới của những chiếc máy vi tính và tự động hóa mà cho con người nhiều thời gian nhàn rỗi. Chuyển động tôn giáo rất yếu ớt và chẳng có bao nhiêu người đang theo đuổi nó. Công nghệ đã trở thành mỗi lúc một mạnh mẽ thêm và con người đã bị mất hút trong nó, trở nên mỗi lúc một máy móc và vì vậy con người cố gắng tẩu thoát khỏi cái hệ thống máy móc này, cố gắng khám phá một cái gì đó mới mẻ – trong hội họa, trong âm nhạc, trong nghệ thuật, trong nhà hát. Và tôn giáo, nếu còn có bất kỳ tôn giáo nào, nói rằng “Đó là phương cách sai lầm” và chuyển động đến một thế giới riêng của họ. Họ không hiểu rõ được sự khiếm khuyết, sự không chín chắn, cái cách máy móc của cả hai. Bây giờ, chúng ta có thể nhận thấy rằng cả hai khía cạnh này đều khiếm khuyết hay không? Nếu chúng ta có thể thấy được việc đó, vậy thì chúng ta đang bắt đầu trực nhận một chuyển động không máy móc mà bao gồm cả hai.
Nguồn: https://thuvienhoasen.org/p89a2525/noi-chuyen-voi-giao-vien