JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Nhật Ký Cuối Cùng; J. Krishnamurti; Bản Dịch: Thích Nữ Tuệ Dung; Hiệu Đính Thích Nữ Trí Hải; NXB Phương Đông
Suốt mấy tuần nay, mỗi ngày vào sáng sớm lúc vầng dương vừa ló dạng, ta ngồi ngắm cái cây ở gần bờ sông. Khi mặt trời từ từ nhô lên ở cuối chân trời, du hành trên những rặng cây, thì cây này đột nhiên vàng óng. Những chiếc lá sáng lên đầy sức sống, và suốt hàng giờ đồng hồ, cây ấy toát ra một tính chất đặc biệt, dường như muốn vươn lên tỏa khắp không gian, vươn qua cả bên kia sông. Cây ấy có tên là gì ta cũng không nhớ, vì bị quyến rũ bởi điệu múa của những chiếc lá dưới ánh sáng mặt trời lúc ấy đã vươn cao hơn các lùm cây. Lúc nãy, trước hừng đông, cây rất tăm tối, im lặng và xa vời. Khi mặt trời vừa lên, cây phô bày vẻ đẹp huy hoàng với những ngọn lá rực rỡ lung linh. Buổi trưa, bóng cây râm mát, làm chỗ trú nắng lý tưởng cho bạn. Từ đó nảy sinh một mối tương quan mật thiết, vững bền, an ổn, tràn đầy sự thanh thản mà chỉ có cây cối mới biết đến. Buổi chiều, khi mặt trời lóe lên những tia sáng cuối cùng ở phương tây, thì cây từ từ thẫm tối, thu mình lại. Mặt trời tỏa những tia sáng màu đỏ, vàng, xanh trên tàng lá, nhưng cây thì vẫn trầm ngâm, tiết chế để nghỉ đêm.
Nếu bạn tương quan với cây cổ thụ này, là bạn đã tương quan với nhân loại. Bạn trở nên có trách nhiệm với cái cây ấy và với tất cả cây cối trên đời. Nhưng nếu không để ý đến những sinh vật trên mặt đất, bạn dễ đánh mất liên lạc với nhân loại, với những con người. Chúng ta không bao giờ quan sát sâu xa phẩm chất của một cái cây; không chịu sờ xem thân nó cứng như thế nào, vỏ nó nhám ra sao, để nghe âm thanh của riêng nó. Không phải là tiếng gió rì rào trong lá, cũng không phải là tiếng gió nhẹ ban mai làm lá xào xạc, mà là một tiếng đặc biệt của thân cây, âm thanh im lặng của các rễ cây. Phải hết sức bén nhạy ta mới nghe được âm thanh ấy. Đấy không phải là tiếng động của trần gian, của tư tưởng huyên náo, của tiếng người cãi nhau, của chiến tranh, mà là âm thanh riêng của vũ trụ.
Thật lạ lùng là chúng ta quá ít đoái hoài đến thiên nhiên, đến những côn trùng, đến con ếch đang nhảy nhót, con chim cú đang gọi bạn, tiếng kêu của nó vọng từ đồi này sang đồi kia. Dường như chúng ta không nảy lên một chút tình cảm nào đối với những con người đang sống trên trái đất. Nếu có thể lập được một tương quan mật thiết và bền bỉ với thiên nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ giết hại súc vật để nuôi thân, chúng ta sẽ không bao giờ làm hại những con khỉ, con chó hay con heo bằng cách mổ xẻ chúng để đem lại cái gọi là lợi ích cho nhân loại.
Chúng ta sẽ tìm ra những phương cách khác để săn sóc các vết thương và chữa lành bệnh. Nhưng chữa lành vết thương lòng thì lại hoàn toàn khác. Nó đòi hỏi sự tiếp xúc với thiên nhiên, với quả cam còn ở trên cây, với cọng cỏ đang cố vươn sức sống qua kẽ đá, và với những cánh đồi mây phủ.
Đây không phải là sản phẩm của tưởng tượng tình cảm hay lãng mạn, mà là sự thật của một người có tương quan với tất cả những gì sinh động trên đời. Con người đã tàn sát hàng triệu bác cá voi và còn muốn giết nữa. Có thiếu gì cách để đạt được cái họ muốn mà không cần phải tàn sát. Nhưng họ lại thèm khát nhìn máu của chú nai đang chạy trốn, của chị nai xinh đẹp và của bác voi khổng lồ. Chúng ta lại còn muốn giết lẫn nhau nữa. Từ lúc khai thiên lập địa đến giờ, con người không ngừng tàn sát lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể lập một tương quan mật thiết với thiên nhiên, với cây cối, với bụi bờ, với khóm hoa ngọn cỏ và với những áng mây, thì chúng ta sẽ chẳng còn muốn giết một ai vì bất cứ một lý do nào nữa. Sự giết chóc có tổ chức chính là chiến tranh. Cho dù chúng ta có biểu tình chống đối những hình thức chiến tranh đặc biệt nào đó như chiến tranh hạt nhân chẳng hạn, thì ta vẫn chưa bao giờ thật sự chống chiến tranh. Chúng ta chưa bao giờ tuyên bố giết người là phạm phải một tội nặng nhất trên đời.
Ojai, California
Thứ sáu, 25 tháng 2 năm 1983