NHỮNG KẺ ĐỊCH THÂN CẬN

JACK KORNFIELD

Trích: Con Đường Từ Bi - A Path With Heart; Như Lôi dịch; NXB Đà Nẵng

Có một giáo huấn chuyên biệt trong truyền thống Phật giáo có thể giúp chúng ta hiểu cách sự phân nhỏ và tách biệt cứ vận hành hoài trong đời sống tâm linh của chúng ta. Nó được gọi là Những Kẻ địch Thân cận. Những kẻ địch thân cận là những phẩm chất khởi phát trong tâm trí và hóa trang như sự trực ngộ tâm linh chân chính, trong khi thực ra chúng chỉ là một sự bắt chước, phục vụ việc tách chúng ta khỏi cảm giác chân thực hơn là kết nối với ta.

Một ví dụ về những kẻ địch thân cận có thể nhìn thấy trong tương quan với tứ vô lượng tâm mà Đức Phật đã mô tả là từ, bi, hỉ và xả. Mỗi tâm thái này là một chỉ dấu của sự tỉnh thức và mở rộng của tâm, tuy nhiên mỗi tâm thái này đều có một kẻ địch thân cận bắt chước tâm thái đích thực ấy, mà thực ra khởi phát từ sự tách biệt và sợ hãi hơn là sự kết nối thành chân tâm.

Kẻ địch thân cận của từ ái là chấp trước. Mọi người chúng ta đều biết rằng sự chấp trước có thể lẻn vào những mối quan hệ yêu thương của mình như thế nào. Tình yêu đích thực là một biểu hiện của sự rộng mở: “Tôi yêu bạn như chính bạn mà không có bất cứ kỳ vọng hoặc đòi hỏi nào”. Sự chấp trước có trong nó một ý thức về sự tách biệt: “Bởi vì bạn riêng biệt với tôi, tôi cần bạn”. Thoạt tiên, sự chấp trước có thể được cảm nhận hệt như tình yêu, nhưng khi tăng trưởng, nó trở nên đối lập rõ rệt hơn, đặc trưng với sự đeo bám, kiểm soát và sợ hãi.

Kẻ địch thân cận của lòng bi mẫn là sự thương hại và điều này cũng tách biệt chúng ta. Lòng thương hại cảm thấy xót xa với “người nghèo ngoài kia”, như thể người ấy khác biệt sao đó với chúng ta, trong khi lòng bi mẫn đích thực, như đã giải thích, là sự cộng hưởng của tâm ta với đau khổ của người khác. “Đúng, tôi, cũng như bạn, đều chia sẻ những buồn đau của đời sống”.

Kẻ địch thân cận của hỉ (niềm hoan hỉ cùng hạnh phúc của tha nhân) là sự so sánh, cái nhìn xem chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn, tương đương, hay ít hơn kẻ khác không. Thay vì hân hoan với chúng, một tiếng nói vi tế chất vấn, “Mình có tốt đẹp được như người ấy không?”, “Khi nào sẽ đến lượt mình?” – tiếp tục tạo ra sự tách biệt.

Kẻ địch thân cận của xả là sự thờ ơ. Xả tâm đích thực là sự cân bằng giữa các trải nghiệm, trong khi sự thờ ơ là một sự rút lui và không quan tâm, dựa trên sợ hãi. Đó chính là một cuộc đào thoát khỏi đời sống. Như vậy, bằng hành xả, tâm ta mở rộng để chạm đến mọi thứ, cả trong những giai đoạn hoan hỉ và bi ai. Tiếng nói của sự rút lui thờ ơ, sẽ bảo, “Ai quan tâm chứ. Tôi đang cố để nó đừng ảnh hưởng đến mình”.

Mỗi một kẻ địch thân cận có thể hóa trang như một phẩm chất tâm linh, nhưng khi chúng ta gọi sự thờ ơ của mình là tâm linh hay đáp ứng khổ đau bằng lòng thương hại, chúng ta chỉ đang biện minh cho sự tách biệt của mình và thực hành “tâm linh” như một sự phòng thủ. Việc này được củng cố bởi nền văn hóa của chúng ta, nơi thường dạy rằng chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ và độc lập bằng cách chối bỏ những cảm giác, những lý tưởng hữu ích và một sức mạnh của tâm trí trong ta để tạo ra sự an toàn cho bản thân. Nếu không nhận ra và thấu hiểu những kẻ địch thân cận này, chúng sẽ làm thui chột việc tu tập tâm linh của chúng ta. Những ngăn chia chúng thực hiện không thể che chở chúng ta lâu dài với khổ đau và bất trắc của đời sống, mà chắc chắn chúng sẽ dập tắt nguồn hoan hỉ và sự mở rộng kết nối với những mối quan hệ đích thực.

Hệt như những kẻ địch thân cận đó, sự chia chẻ sẽ tách biệt thân ta với tâm trí ta, tinh thần ta với các xúc cảm của ta, đời sống tâm linh của ta với những mối quan hệ của ta. Không quán xét những tách biệt này, đời sống tâm linh chúng ta đình trệ và sự nhận diện của ta không thể tiếp tục tinh tấn.

Điều này được chứng minh với trường hợp một thanh niên quả quyết bỏ nhà ra đi để dành một vài năm trong các Thiền viện Nhật và tu viện Phật giáo Sri Lanka. Anh ấy xuất thân trong một gia đình tan vỡ, mất cha từ khi còn trẻ, có cha kế đam mê rượu chè và một người chị nghiện ma túy. Nhờ ý chí rất mạnh mẽ và động cơ mãnh liệt, anh đã học được cách trấn an tâm trí và tập trung sâu sắc. Ở Nhật, anh đã trả lời được nhiều công án và đã có nhiều trực ngộ mạnh mẽ về Tánh không và sự tương thông của vạn hữu. Ở tu viện Tích Lan, anh đã thực hành một pháp tu mà anh học được cách hòa tan cơ thể mình vào ánh sáng. Khi chị anh mất, anh được gọi về nước để đối diện với những thứ còn lại trong gia đình mình. Anh giúp đỡ mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhưng không lâu sau anh trở nên đau yếu và hoảng sợ. Anh đã nói chuyện với một chuyên gia tư vấn để cố hiểu tình trạng này. Nhà tư vấn ấy yêu cầu anh kể lại toàn bộ cuộc đời mình. Khi chàng trai trẻ làm vậy, nhà tư vấn sẽ đều đặn yêu cầu anh dừng lời và hỏi anh cảm thấy thế nào. Mỗi lần anh sẽ trả lời bằng cách mô tả chính xác và theo thiền định những tri giác thân thể của anh. “Hơi thở tôi ngưng một chút lúc ấy và hai tay tôi lạnh toát”, hoặc “Có một sự co thắt trong dạ dày tôi. Ở buổi tiếp theo, khi nghe hỏi anh thấy thế nào, anh đã mô tả “một rung động trong cổ họng tôi” và “khắp cơ thể tôi nóng bừng”.

Cuối cùng, sau vài buổi như thế khi lại được hỏi, “Nhưng cảm giác đó ra sao rồi”, người thanh niên đã bật khóc và những cảm xúc buồn đau bắt đầu tuôn trào trong anh. Anh đã nhận diện thân thể mình, đã nhận diện tâm trí mình, nhưng anh đã dùng chúng trong khi thiền tập để xây một bức tường, để loại trừ khỏi sự nhận diện của mình những xúc cảm đau đớn mà anh đã trải nghiệm rất nhiều trong đời. Từ lúc này trở đi, anh đã ngộ ra nhu cầu phải thay đổi cách thực tập tâm linh để bao hàm cả những cảm giác của mình. Như một hệ quả, nhiều chấn thương của quá khứ đã được chữa lành và anh nhận được một nguồn hoan hỉ chưa từng biết đến trước đây trong đời.

Một thí dụ điển hình về sự chia chẻ trong đời sống tâm linh đã được một nữ tu Công giáo từng dành hai mươi bốn năm đời mình trong nội quy tu viện mô tả cho tôi. Suốt mười bốn năm đầu, bà ấy cùng các chị em đã duy trì việc thực tập im lặng nghiêm ngặt và trên bề mặt, cộng đồng ấy vận hành khá tốt. Sau đó, với sự mở rộng các nội quy tu viện trong những năm theo Cộng đồng Vatican II, các nữ tu đã bỏ các thói quen cũ và bắt đầu nói chuyện với nhau. Bà kể những năm nói chuyện đầu tiên ấy là thảm họa cho toàn thể cộng đồng. Những bất mãn, oán giận tủn mủn, thù nghịch và mọi công việc dở dang đã chất chồng suốt nhiều thập kỉ bấy giờ lộ ra với những người ít có kỹ năng mang sự nhận diện vào phát ngôn của mình. Đó là một giai đoạn dài, đau đớn khi họ học cách bao hàm lời lẽ của mình vào tu tập, một tiến trình gần như đã hủy hoại cả cộng đồng ấy. Nhiều nữ tu đã bỏ cuộc giữa tiến trình này, cảm thấy rằng họ đã lãng phí một phần đời mình bởi việc không cư xử bằng những liên hệ đích thực với nhau. May mắn thay, những người ở lại đã có thể tái tạo lại cộng đồng ấy với một tinh thần cam kết mới với chân lý và tình yêu chị em thân thiết. Họ đã đưa đến một số cố vấn thông tuệ để giúp đỡ và học cách mang những mâu thuẫn và lời lẽ của mình vào đời sống cầu nguyện. Sự đoàn kết và ân sủng đã quay lại với cộng đồng đó.

Những ngăn chia chúng ta tạo ra để che chở ta khỏi những điều ta sợ hãi chính là những thiệt hại về sau trong đời ta. Những giai đoạn thánh thiện và nhiệt tình tâm linh về sau có thể luân phiên với những thái cực đối nghịch – gây ra thói háu ăn, tính dục, và những thứ khác và trở thành một kiểu cuồng tâm linh. Thậm chí một xã hội tổng thể cũng có thể phát tác ra theo lối này, khi có những khu vực “tâm linh” nơi người ta có chánh niệm, ý thức, tỉnh táo và những chốn đối nghịch thể hiện qua việc lạm dụng rượu, sự lang chạ và những hành vi vô thức khác.

Sự chia tách tạo ra cái bóng đối nghịch, một khu vực tăm tối hoặc được ẩn giấu với ta vì chúng ta tập trung quá mạnh vào một nơi khác. Cái bóng của lòng mộ đạo tôn giáo có thể giam giữ đam mê và những ham muốn thế tục. Cái bóng của một người vô thần mạnh mẽ có thể hàm chứa một ham muốn bí mật dành cho Thượng đế. Mỗi chúng ta đều có một cái bóng mà phần nào đó đã bao gồm các lực lượng và cảm giác mà chúng ta lờ đi và khước từ ở bên ngoài. Càng tin tưởng điều gì đó và khước từ cái đối nghịch với nó, chúng ta càng có nhiều năng lượng để tiến vào trong cái bóng ấy. Như ta thường nghe nói, “Mặt trước lớn chừng nào, mặt sau lớn chừng ấy”. Một cái bóng lớn lên khi chúng ta cố dùng tâm linh để che chắn mình khỏi những khó khăn và mâu thuẫn của cuộc sống.

Thực tập tâm linh sẽ không cứu chúng ta khỏi đau khổ và hoang mang, nó chỉ cho phép chúng ta hiểu rằng sự tránh né khổ đau chẳng giúp ích được gì. Chỉ bằng cách tôn vinh tình trạng đích thực của mình, cuộc tu tập của chúng ta mới có thể cho ta thấy một con đường vượt qua. Điều này đã được chứng minh qua đoạn đời đau đớn của một đạo sư Tây Tạng tuyệt vời tên là Lama Yeshe, người được tôn kính cao độ như một thiền sư hay một đạo sư đầy từ bi và giác ngộ. Một ngày, ông bị trụy tim và phải nhập viện. Một thời gian sau ông đã viết thư riêng cho một vị lạt-ma mà ông xem như huynh đệ. Thư viết:

Chưa bao giờ tôi biết đến những trải nghiệm và những đau khổ đã dự phần trong mình khi tôi lưu lại Trung tâm Intensive Care. Vì các loại thuốc mạnh mẽ, việc tiêm truyền bất tận và những ống oxy trợ thở, tâm trí tôi đã bị áp đảo với đau đớn và hoang mang. Tôi nhận ra rằng thật vô cùng khó khăn để duy trì sự nhận diện mà không bị hoang mang trong những giai trình của cái chết. Lúc tệ nhất, bốn mươi mốt ngày sau khi tôi lâm bệnh, tình trạng cơ thể tôi đã đến mức tôi cảm thấy mình thành chúa tể của một nghĩa trang, tâm trí tôi hệt như một tên phản Chúa và lời lẽ của tôi hệt như tiếng sủa của một con chó điên già nua. Khi khả năng tụng niệm và thiền định của tôi bị thoái hóa, sau nhiều ngày tôi đã cân nhắc xem mình phải làm gì. Tôi đã thăng bằng thiền định với một chánh niệm mạnh mẽ thông qua, lớn lao và việc này quả có lợi lạc rất nhiều. Dần dần tôi đã phát triển được nguồn hoan hỉ và an lạc vô lượng trong tâm trí mình. Sức mạnh tâm trí tôi đã gia tăng và các vấn đề của tôi thuyên giảm và dứt hẳn.

Ngay cả một đại đạo sư cũng không thể tránh được những rắc rối của thân thể, sự ốm đau, tuổi già và cái chết của mình. Tương tự như vậy, chúng ta không thể lảng tránh các cảm giác hoặc sự hỗn độn của các mối quan hệ nhân gian. Ngay cả Đức Phật, người có một số mối quan hệ thoải mái hơn người khác, cũng có những quan hệ khó khăn bậc nhất mang đến các kẻ thù cố giết hại ngài, những môn đệ rắc rối và những vấn đề với song thân khi ngài về thăm nhà. Giữ điều này trong tâm trí, sau đó chúng ta có thể thực tập thế nào?

Chúng ta phải thấy rằng tâm linh là một sự chuyển động liên tục ra khỏi sự chia chẻ, tách biệt và hướng tới sự dung chứa đời sống trọn vẹn. Đặc biệt chúng ta phải học nghệ thuật hướng chánh niệm vào những lĩnh vực gần gũi trong đời mình. Khi làm thế, chúng ta sẽ đối mặt với những khuôn mẫu từ lịch sử thiết thân của mình, cái điều kiện che chở ta khỏi những nỗi đau của quá khứ. Tự do không phải là vượt lên trên những khuôn mẫu này – điều sẽ chỉ tạo ra những ngăn chia mới – mà là đi vào và vượt qua chúng, mang chúng đến tim mình. Chúng ta phải tìm thấy trong mình một sự sẵn lòng dấn vào bóng tối ấy, để cảm nhận những lỗ hổng và thiếu sót, sự yếu đuối, cuồng nộ và bất an mà chúng ta đã dựng tường bản thân. Ta phải mang một chú tâm sâu sắc vào những câu chuyện chính ta kể về những cái bóng này, để thấy cái chân lý nằm bên dưới. Lúc ấy, khi sẵn lòng thâm nhập vào từng ngóc ngách của sợ hãi, từng ngóc ngách của thiếu sót và sự bất an trong mình, ta sẽ khám phá ra rằng những bức tường của nó được tạo ra từ những thứ không thực, từ những hình ảnh cũ của bản thân, từ những nỗi sợ xa xưa, từ những ý niệm sai giả về việc cái gì thuần khiết và cái gì không. Chúng ta sẽ thấy rằng mỗi bức tường đó được làm nên từ một sự thiếu tin tưởng vào bản thân, vào tâm ta và vào thế giới. Khi ta nhìn thấu suốt chúng, thế giới của ta phơi bày. Khi ánh sáng của sự nhận diện soi rọi những câu chuyện, các ý niệm và nỗi đau đớn, sợ hãi, hoặc Tánh không nằm bên dưới chúng, một chân lý sâu sắc hơn có thể tự hiện ra. Bằng cách chấp thuận và cảm thụ từng lĩnh vực này, sự toàn vẹn chân chính, ý thức về sự an lạc và sức mạnh có thể được phát hiện.

Mặc cho lực lượng của sự tự vệ và sợ hãi đã xây những bức tường kiên cố trong đời mình, chúng ta vẫn khám phá ra một lực lượng lớn lao và không thể ngăn cản có thể đánh sập chúng. Đó chính là khao khát sâu sắc của chúng ta dành cho sự toàn vẹn. Có một lực lượng nào đó trong ta được kết nối với vạn hữu, thực sự biết cảm nhận cái toàn vẹn và cái bị phân chia là gì. Lực lượng này tăng trưởng trong ta theo những khó khăn và cuộc thực tập của ta. Nó thúc đẩy chúng ta mở rộng tâm linh mình vượt qua những cầu nguyện im lặng để đáp ứng những người vô gia cư trên đường phố. Và nó lại níu giữ chúng ta trong sự im lặng khi một đời sống phục vụ quá năng nổ đã làm chúng ta lạc hướng. Lực lượng này dung thứ cho các thất bại của chúng ta khi đối mặt với khổ đau.

Tâm linh đích thực không phải là sự phòng thủ chống lại những bất định, khổ đau và nguy cơ trong đời sống, không phải là một “sự chủng ngừa” như Joseph Campbell gọi là tôn giáo phổ biến, để tránh cái bất tri. Nó là sự mở rộng với toàn bộ tiến trình bí nhiệm của đời sống. Cuộc rèn luyện tâm linh và trí huệ của Lama Yeshe đã chẳng ngăn được thân thể và trí não ông rã rời trong bệnh viện, nhưng tâm ông đã có thể bao hàm mọi phần của trải nghiệm trong ông như là việc tu tập.

Chúng ta phân nhỏ đời mình và chia tách mình với nó khi chúng ta chấp giữ những lý tưởng về sự hoàn hảo. Ở Trung Hoa cổ đại, Tam Tổ Thiền tông đã dạy rằng “Giác ngộ chân chính và sự toàn vẹn phát khởi phát khi chúng ta tuyệt không lo âu về sự không hoàn hảo”. Thân không hoàn hảo, trí không hoàn hảo, các cảm giác và những mối quan hệ của chúng ta cũng nhất định sẽ không hoàn hảo. Tuy nhiên việc tuyệt không lo âu về sự không hoàn hảo, để hiểu rằng, như Elisabeth Kubler-Ross diễn tả, “Tôi không ổn, bạn không ổn và thế thì ổn cả thôi”, sẽ mang tới sự toàn vẹn và hoan hỉ chân chính, một khả năng để thâm nhập vào mọi ngăn chia của đời ta, để cảm nhận mọi cảm giác, để sống trong thân ta và biết đến một tự do đích thực.

Để chấm dứt sự chia chẻ của mình, chúng ta không cần phải nắm được một kiến thức đặc biệt nào đó. Chúng ta cần ít “tri kiến” hơn về việc đời sống nên như thế nào và mở rộng hơn với sự huyền nhiệm của đời sống.

Sự thuần khiết mà chúng ta mong mỏi không được tìm thấy trong việc hoàn thiện thế giới. Sự thuần khiết đích thực được tìm thấy trong cái tâm có thể chạm tới vạn hữu, phơi mở cùng vạn hữu và bao hàm vạn hữu trong tâm từ bi đó. Sự vĩ đại của tình yêu trong ta tăng trưởng không phải bởi cái ta biết, cái ta đã trở thành, cái ta đã ấn định trong chính mình, mà bởi năng lực yêu thương và tự do của chúng ta với toàn thể đời sống.

Trong tinh thần này, Thiền sư Suzuki Roshi đã gọi các môn đệ của ông lại bên giường khi ông đang hấp hối vì bệnh ung thư và dặn:

Nếu ta phải chết, giây phút ta đang hấp hối, nếu ta thọ chịu thì sẽ ổn cả thôi, các con biết đó, ấy chính là Khổ Đế. Chớ nên nhầm lẫn gì về chuyện đó. Có lẽ trên đời ai cũng sẽ đấu tranh vì nỗi thống khổ về thể xác hoặc tinh thần. Nhưng chuyện đó ổn cả thôi, chẳng có vấn đề gì. Chúng ta nên biết ơn khi đã có một thân xác giới hạn… như của ta, như của các con. Nếu các con có một thọ mạng vô hạn, ắt nó sẽ là một vấn đề thực sự với các con.

Dù thân xác vật lý bị giới hạn, chân tánh của chúng ta mở rộng tới vô hạn, tới cái vượt ngoài sinh tử, tới một sự toàn vẹn và không thể phân chia với vạn hữu. Ca tụng cái hiểu biết phi thời này, Trang Tử đã viết về những chân nhân đời xưa rằng, “Họ ngủ không mộng mị và thức giấc không âu lo. Đến, đi thong dong. Họ thọ nhận đời sống như chính nó một cách vui vẻ” bởi vì Đạo bao hàm vạn hữu.

Hãy để tâm bạn bình an quan sát sự náo động của chúng sinh, nhưng hãy trầm tư về sự quy hồi của họ.

Nếu không nhận ra nguồn mạch, bạn sa vào hoang mang và buồn rầu.

Khi nhận ra nơi mình xuất phát, bạn tự nhiên trở nên khoan dung, vô tư, hứng thú, tốt bụng như một bà ngoại, uy nghiêm như một vị vua.

Ngâm mình trong sự diệu kì của Đạo, bạn có thể giải quyết bất cứ điều gì đời sống mang lại, và khi cái chết đến, bạn sẵn sàng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TRỞ THÀNH MỘT CHIẾN BINH TINH THẦN
  2. TÔI CÓ BIẾT YÊU THỰC SỰ KHÔNG
  3. CHỮA LÀNH TINH THẦN

Bài viết mới

  1. SỐNG CUỘC ĐỜI MÌNH
  2. BẢY BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC
  3. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC