CÁCH TU TẬP

LAMA THAMTHOG RINPOCHE

Trích: Trí Tuệ Đức Phật (Dịch từ bản tiếng Anh của ban biên dịch Viện nghiên cứu Phật Giáo Tây Tạng Ghe Pel Ling) Tác giả: Lama Thamthog Rinpoche Nhóm biên dịch Phen De Ling NXB Tôn Giáo - 2022 Ảnh nguồn internet

🙏🙏🙏

Tu tập được hợp thành từ ba bước cơ bản. Trước hết là lắng nghe hay học hỏi [văn]; thứ hai là tư duy hay suy ngẫm [tư]; và thứ ba là tập làm quen hay áp dụng, hành động thật sự, nghĩa là thực hành [tu]. Ba việc này phải luôn được thực hiện đồng thời. Đây là cách duy nhất để việc tu tập trở nên hoàn thiện. Tất cả mọi người đều không giống nhau, mỗi người đều có quan điểm riêng. Có người nghĩ chỉ cần lắng nghe là đủ, có người lại nghĩ khác và có người lại nghĩ khác nữa. Những người nghĩ và hy vọng rằng chỉ nghe thôi là giải quyết được vấn đề sẽ không có được sự thay đổi căn bản nào. Mặc dù lắng nghe có ích, vì nó để lại một dấu ấn thói quen [tập khí] về giáo pháp, nhưng nỗ lực tu tập và quyết tâm cũng cần thiết tương đương cho sự chuyển hóa của chúng ta.
Phương pháp lam rim quan trọng, thú vị và hữu ích không phụ thuộc vào lời tôi nói. Nhiệm vụ của tôi không phải là thuyết phục quý vị, quý vị không cần phải tin lời tôi. Thay vào đó, quý vị nên thật sự kiểm chứng giáo pháp qua phân tích, lập luận và trên hết là bằng thử nghiệm. Quy trình này sẽ làm khởi lên trong quý vị sự chắc chắn, niềm tin và sự tin tưởng rằng phương pháp lam rim có tác dụng, kích thích ý chí tu tập và mối quan tâm đến việc chuyển hóa. Vì vậy, chúng ta cần lắng nghe, sau đó suy ngẫm, phân tích với tư duy phản biện và thái độ xây dựng, rèn luyện cho bản thân quen với giáo pháp và kiểm nghiệm giáo pháp. Sự thay đổi thật sự sẽ đến từ trải nghiệm.
Ba bước cơ bản này không có gì mới mẻ với chúng ta. Trên thực tế, chúng ta đã hành động theo cách này trong cuộc sống hằng ngày: Trước hết, chúng ta học bằng cách lắng nghe và quan sát; sau đó chúng ta lập luận, phân tích kỹ lưỡng và cuối cùng là luyện tập cho quen thuộc. Khi thực hiện tất cả những việc này nói chung, chúng ta hành động với sự tận tâm hết mức có thể. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nỗ lực rất nhiều để thực hiện các mục tiêu và âm thầm hy vọng rằng thành công sẽ đảm bảo tâm chúng ta hạnh phúc. Tuy nhiên, đến lúc này chúng ta phải đặt câu hỏi: Nếu giáo pháp lam rim về con đường tu tập thật sự là một phương pháp giúp tâm dịu đi và đạt an bình, sao mình không nghiêm túc học tập, tư duy phân tích, suy ngẫm và luyện tập cho quen thuộc với phương pháp này? Sao không dành cho nó cùng khoảng thời gian mà mình dành cho những khía cạnh khác trong cuộc sống? Nhiều người nói: “Tôi đã nghe Pháp nhiều năm, nhưng tôi vẫn chưa thay đổi hay hưởng được lợi ích gì”. Lời nói này không trung thực, vì nó mâu thuẫn với thực tế. Nếu không có chút tiến bộ nào, thì chỉ có nghĩa là không quyết tâm học hỏi và thực hành, cái quyết tâm mà có lẽ chúng ta đã dành cho những việc khác.
Giáo pháp có trong lam rim, nếu hiểu và thực hành đúng, không thể là nguồn gốc của thất vọng. Thay vào đó chúng ta nên hỏi: “Trước khi bắt đầu thực hành phương pháp rèn luyện nội tâm này, mình như thế nào? Từ khi bắt đầu học Pháp về quan sát nội tâm, sau nhiều năm lắng nghe và suy ngẫm, những thay đổi nào đã diễn ra trong mình?”. Câu trả lời nên là: “Giận dữ, sân hận và cáu kỉnh đã giảm xuống, dù chỉ một chút. Mình đã từng cáu kỉnh nhiều hơn và lo lắng nhiều hơn. Cái tôi của mình cực kỳ ngạo mạn, kiêu hãnh và hống hách, bây giờ đã giảm đi rõ rệt. Mình đã từng khổ sở, nhưng bây giờ tính tham lam của mình đã được kiềm chế một chút. Mình đã cảm thấy bám chấp mạnh mẽ khiến không thể yên bình phút giây nào, dẫn dắt mình không ngừng tìm kiếm những điều vui thú. Bây giờ mình đã ít bám chấp hơn”. Nếu quan sát thấy dù chỉ có một chút thay đổi, một chút thanh lọc nhỏ, có nghĩa là giáo pháp, sự thực hành và việc lắng nghe Pháp thật sự là cách đối trị cho phiền não và các cảm xúc rối loạn. Phải như vậy mới được, vì Phật pháp là cách đối trị cho tâm rối loạn. Nếu thay vào đó, chúng ta thấy sau nhiều năm mình không thay đổi chút nào, tâm vẫn y như lúc trước khi bắt đầu thực hành, thì giáo pháp đã không thực hiện được chức năng là cách đối trị cho những cảm xúc rối loạn và phiền não.
Chúng ta cũng thường làm phức tạp hóa cuộc sống bằng cách tạo ra những vấn đề không thật sự tồn tại. Kết quả là chúng ta buồn và bất mãn mà không nhận ra rằng nguyên nhân nằm bên trong chúng ta, rằng mọi thứ tùy thuộc vào tâm chúng ta, cái tâm bị ảnh hưởng bởi cảm xúc rối loạn và phiền não. Nếu xem xét bản thân thật kỹ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng vấn đề thật sự là ở sự bám chấp, giận dữ, vô minh hoặc ngạo mạn, v.v… Rốt cuộc, những biểu lộ của tâm tiêu cực là nguyên nhân khiến cuộc sống chúng ta không hạnh phúc. Chúng ta thấy không hạnh phúc và nghĩ rằng nguyên nhân của không hạnh phúc nằm bên ngoài, nhưng chúng ta không hiểu rằng nguyên nhân của không hạnh phúc nằm bên trong chúng ta, có nghĩa nguyên nhân thật sự là phiền não trong tâm.
Loài người chúng ta là chúng sinh hữu tình, chúng ta có tâm, có ý thức. Tâm chúng ta sẽ không tránh khỏi việc tập trung vào các đối tượng, các sự vật hiện tượng và những tác nhân kích thích khác nhau. Chúng ta không thể ngừng tâm lại và cản trở nó nhận biết. Tâm về bản chất là phi vật chất và có khả năng nhận thức nên ngăn chặn nó là việc bất khả thi. Vấn đề thật sự là tâm phản ứng cảm xúc với tất cả các tác nhân kích thích mà nó gặp phải và phản ứng bằng cách biểu hiện những phiền não. Vì vậy, chúng ta trở nên phức tạp, gặp nhiều vấn đề và không hạnh phúc. Mọi sự học Pháp đều hướng tới mục tiêu có được kiến thức giúp chúng ta không loại bỏ tâm, cũng không ngăn chặn nó. thực hiện chức năng tự nhiên, mà học các phương pháp lý luận và suy ngẫm giúp cho tâm không bị rối loạn, kiểm soát phiền não và phát triển. một tâm thái lành mạnh khi phản ứng với bất kỳ sự vật hiện tượng tác nhân kích thích hay đối tượng nào mà nó gặp phải. Vì vậy, việc tu tập bao gồm đạt được một tâm thái đối ngược với thói quen cũ, là cái tạo ra những vấn đề và đau khổ cho chúng ta và chuyển hóa tâm một cách tích cực – nghĩa là hướng nó tới lòng từ ái.
Như vậy, chúng ta phải cố gắng giúp ích cho người khác, hỗ trợ họ. Tuy nhiên, nếu không thể làm như vậy, ít nhất cũng không nên làm hại họ, không phá rối họ, không làm họ tổn thương. Cuối cùng, chúng ta nên tránh phức tạp hóa cuộc sống, tránh tạo ra quá nhiều vấn đề. Chúng ta đã quen nghĩ rằng mình bị những vấn đề của người khác đè nặng. Điều đó không đúng. Trên thực tế, chúng ta tạo ra vấn đề cho chính mình bằng những tâm phức tạp. Mỗi người đều tạo ra những vấn đề cho bản thân vì chúng ta nghĩ về mọi thứ với một tâm thái không chắc chắn, lo sợ, làm cho cuộc sống phức tạp và đầy rắc rối. Chúng ta không nên chôn vùi bản thân bằng những nghi ngờ và những điều không xác thực. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng đơn giản hóa trong cuộc sống hằng ngày, giảm coi trọng những thứ vô nghĩa.
Thường thì chúng ta tin rằng để tu tập đúng cần có sẵn thời gian và một nơi thích hợp. Chúng ta nghĩ rằng cần có một nơi đặc biệt và chỉ có thể tu tập trong những điều kiện nhất định nào đó. Tất cả đều không đúng. Những niềm tin này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và từ việc không áp dụng tu tập vào cuộc sống hằng ngày. Trên thực tế, mỗi hành động của chúng ta, từ sáng đến tối, từ khi sinh ra đến khi chết đi, đều là đối tượng cần được chuyển hóa. Bất kể chúng ta làm gì cũng nên là sự tu tập. Ăn, ngủ và làm việc không chỉ là hoạt động bình thường tách biệt khỏi con đường tu tập, tất cả đều phải được chuyển hóa thành tu tập.
Để đạt mục tiêu này, tất cả đều tùy thuộc vào động cơ của chúng ta. Buổi sáng, chúng ta nên khẳng định quyết tâm thực hiện tất cả hành động, suy nghĩ và cảm xúc trong ngày với mục đích giúp ích cho mọi chúng sinh và nhân cho sự giác ngộ của họ. Thể hiện ý định này xong, chúng ta phải duy trì nó một cách tận tình bằng việc luôn tỉnh giác và chú tâm vào những gì mình làm với thân, khẩu, ý, chọn không làm hại chúng sinh khác. Chúng ta phải luôn hành xử theo cách này, cho đến khi chết đi.
Có những người đến nghỉ ngơi tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng, để tắm nắng và được đắm mình vào sự giao tiếp xã hội sôi động. Nhưng rốt cuộc, mặc dù bỏ ra rất nhiều tiền, họ thường trở về nhà đầy thất vọng. Trong khi tắm nắng, tâm chúng ta được tự do muốn làm gì thì làm. Chúng ta nên cố gắng nghĩ đến Bồ đề tâm – tâm giác ngộ vị tha. Mọi người nhìn từ bên ngoài thấy chúng ta cũng tắm nắng và bơi lội như họ, nhưng bên trong chúng ta đang tu tập, nghĩ về lòng từ, lòng bi và Bồ đề tâm. Đến cuối kỳ nghỉ, da chúng ta rám nắng cũng được, nếu không cũng không sao bởi chúng ta sẽ dành mười lăm ngày nghỉ để tu tập tâm linh. Chúng ta sẽ vui vẻ, sẽ tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn riêng tư, cùng bạn bè; và nội tâm chúng ta sẽ trải nghiệm Bồ đề tâm và lòng từ ái. Bằng cách này, ngay cả những kỳ nghỉ cũng có thể trở thành trải nghiệm Pháp.
Điểm cốt yếu là mọi người đi nghỉ với ý định được hạnh phúc hơn so với khi đi làm việc, được thoát khỏi những mối lo và bận tâm khác nhau, để được hưởng sự thanh thản. Đây là khái niệm về một kỳ nghỉ và đây là hy vọng, là lý do chúng ta đi nghỉ. Nếu có khả năng để tâm mình trụ vào lòng từ ái và bi mẫn trong suốt kỳ nghỉ thì nhờ có những suy nghĩ đặc biệt này, chúng ta sẽ trở về nhà hạnh phúc hơn và có động lực hơn so với trước khi đi. Chúng ta đang muốn chứng minh rằng, nếu một người có đủ sức mạnh ý chí thì sẽ có khả năng tu tập trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng ta có thể tu tập giáo pháp bằng cách áp dụng hoàn toàn vào từng khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Ý tưởng là chuyển hóa tất cả mọi việc chúng ta làm thành bản chất của Pháp. Bề ngoài có vẻ là một người bình thường, nhưng nội tâm đã đạt được nhiều sự chuyển hóa. Đây là ví dụ tuyệt vời về cách hành xử đúng đắn của một hành giả chân chính, thái độ tích cực đó phải luôn được duy trì, cho đến hơi thở cuối cùng.
Vậy thì chúng ta nên sống với lòng từ ái và bi mẫn, với động cơ Bồ đề tâm – tâm vị tha cố gắng giác ngộ vì lợi ích của mọi chúng sinh. Khi sống và hành động với động cơ Bồ đề tâm, chúng ta có cảm giác chân thật về tự do, cởi mở và linh hoạt. Sự cứng nhắc và khép kín sẽ không còn hiện diện nữa. Như ngài Shantideva [Tịch Thiên] nói: “Nếu một người sống chân thành với động cơ từ ái, với tâm giác ngộ vị tha, ngay cả khi không làm gì, người đó cũng là người hoạt động tích cực nhất trên đời vì người đó đang giúp ích cho các chúng sinh khác. Bất kỳ điều gì người đó làm cũng đều là Pháp”.
Vấn đề là chúng ta chỉ và luôn lo cho bản thân mình. Nếu nghĩ đến người khác, chúng ta sẽ không còn nghĩ về bản thân nữa, vì tâm bận với những vấn đề của người khác. Vì vậy, tâm trở nên cởi mở hơn, mạnh mẽ hơn, tự do hơn. Khi tập trung vào bản thân, tâm rắn lại, chúng ta trở nên khép kín và trầm lặng, phức tạp hơn, dễ cáu hơn. Không ai muốn ở gần một người không bằng lòng với bất kỳ điều gì. Người đó bị những người khác bỏ rơi, giữ khoảng cách. Người đó trở nên cô lập, đố kỵ, ngạo mạn, tự phụ. Chỉ có bằng cách giải phóng bản thân khỏi cái ngã và quan tâm đến người khác, người đó mới có thể trở nên hạnh phúc và thanh thản. Chúng ta trở nên cởi mở hơn, giao tiếp nhiều hơn bởi có được tâm tự do. Người cứng nhắc thậm chí còn thay đổi cả thể chất, có một khuôn mặt căng thẳng và lúc nào cũng mang vẻ giận dữ, nghi ngờ. Người không lo lắng cho bản thân sống vị tha với cảm giác chan hòa vui vẻ, luôn dễ gần, mỉm cười, hạnh phúc và dễ thương. Tâm cởi mở chân thành làm cho chúng ta và người khác hạnh phúc.
Nếu tâm vui vì vị tha và động cơ từ ái, bi mẫn vì người khác đơn giản chỉ là một quyết tâm hay một nghĩa vụ tôn giáo, chắc chắn sẽ nảy sinh nghi ngờ rằng có nên tu tập hay không. Nhưng không phải như vậy. Tu tập lòng từ, lòng bi, Bồ đề tâm với thái độ chân thành là một động cơ không chỉ lợi ích cho người khác mà còn tác động lên chính chúng ta, nó làm tăng niềm vui chân thật. Nếu tu tập Bồ đề tâm mà không nhận lại được bất kỳ điều gì, chúng ta có thể chọn cách hợp lý là không tu tập. Nhưng tu tập Bồ đề tâm dành cho người khác cũng có tác dụng làm tăng trưởng hạnh phúc của chính chúng ta. Vì vậy tu tập là hợp lý. Tâm chúng ta đã thấm đẫm giáo pháp. Khi động cơ thiện lành liên tục khởi lên, tâm tràn ngập giáo pháp, tâm và giáo pháp trở nên hợp nhất.
🙏🙏🙏

 

Bình luận


Bài viết mới

  1. BÍ ẨN NHỮNG CÕI GIỚI KHÁC
  2. LỰA CHỌN QUAN TRỌNG NHẤT CUỘC ĐỜI CHÍNH LÀ CHỌN MỘT THÁI ĐỘ SỐNG
  3. TẠ ƠN TRONG Ý THIỀN