ĐẠI SƯ AJAHN CHAH
Trích: Suối Nguồn Tâm Linh; Dịch việt: Minh Vi; Hiệu đính: Tỳ Khưu Saṃvarasīla; Nguồn: phuocson.org
Bạn nên nhìn vào chính mình. Tại sao chúng ta sinh ra? Chúng ta có thật sự đạt được một thứ gì trên cõi đời này không? Ở quê, từ nhỏ người ta đã bắt đầu làm ruộng. Khi đến tuổi mười bảy hay mười tám, họ vội vã lập gia đình, vì e rằng họ không có đủ thời gian để lập nghiệp. Họ bắt đầu làm việc từ lúc còn rất trẻ, hy vọng rằng họ sẽ giàu có. Họ làm ruộng mãi cho đến khi họ bảy mươi, tám mươi, hay chín mươi tuổi. Tôi hỏi họ, “Bạn làm việc từ lúc mới sinh ra. Bây giờ đã đến lúc gần đất xa trời, bạn có gì để mang theo với mình không?” Họ chỉ nói, “Chịu thôi!” Có câu nói: “Đừng nấn ná trên đường khi đi hái dâu. Trước khi bạn biết ra, thì trời đã tối”. Hài lòng với chỉ một câu “chịu thôi”, họ ngồi trong bụi dâu ngốn ngác ăn. “Chịu thôi, chịu thôi…”.
Khi bạn còn trẻ, bạn cho rằng sống độc thân là không tốt. Bạn cảm thấy hơi cô đơn. Nên bạn tìm một người bạn đời để chung sống. Bỏ hai người vào một chỗ thì sẽ có sự xung đột! Sống một mình thì quá yên lặng, nhưng sống với những người khác thì có sự xung đột.
Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ nghĩ, “Khi chúng lớn lên, chúng ta sẽ khỏe hơn”. Họ ráng nuôi con, ba, bốn, năm đứa gì đó, nghĩ rằng khi chúng khôn lớn, gánh nặng của họ sẽ nhẹ bớt. Nhưng khi chúng lớn lên, gánh nặng lại càng lớn hơn. Khi con cái còn nhỏ, chúng không làm phiền bạn nhiều lắm, chỉ một chén cơm và thỉnh thoảng một vài trái chuối là đủ. Khi chúng lớn lên, chúng muốn có xe gắn máy hay xe hơi! Hẳn nhiên, bạn thương con, nên không thể từ chối chúng. Thế nên, bạn cố cho chúng những gì chúng muốn. Phiền phức rồi! Đôi lúc, cha mẹ cãi vã nhau chỉ vì chuyện này. “Đừng mua xe hơi cho nó, chúng ta đâu có đủ tiền!” Nhưng vì thương con, bạn đi vay mượn tiền. Rồi còn học phí nữa. “Khi chúng học xong, chúng ta sẽ khỏe”. Nhưng việc học đâu có giới hạn! Khi nào chúng mới học xong? Chỉ với môn học Phật Pháp thì mới có điểm dừng. Tất cả những môn học khác chẳng đi tới đâu. Chỉ có nhức đầu mà thôi. Nếu gia đình có bốn, năm đứa con, cha mẹ thường cãi nhau mỗi ngày.
Chúng ta không nhìn thấy sự khổ đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Khi nó xảy ra, chúng ta mới biết. Sự khổ đó, sự khổ vốn có trong thân thể chúng ta thì khó thấy trước được. Khi tôi còn là một đứa trẻ chăn trâu, tôi lấy than chà răng để cho răng trắng. Nhìn thấy hàm răng trắng trẻo của mình, tôi rất thích. Tôi bị mấy cái xương của mình lừa gạt mình, chỉ vậy thôi. Khoảng năm mươi hay sáu mươi tuổi, răng tôi bắt đầu lỏng dần. Khi răng rụng, nó đau nhức lắm, như thể bạn vừa bị ai đá trúng vào miệng. Nhất là khi bạn ăn, nó lại càng đau hơn. Cho nên, tôi đi đến nha sĩ để nhổ hết tất cả. Bây giờ, tôi có răng giả.
Răng thật gây quá nhiều phiền phức cho tôi, nên tôi nhổ chúng hết, tất cả mười sáu cái. Vị nha sĩ cảm thấy e ngại khi phải nhổ hết mười sáu cái một lần, nhưng tôi nói với ông, “Cứ nhổ hết đi, tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Thế nên, ông nhổ hết tất cả một lần. Có cái vẫn còn tốt, ít nhất là năm cái. Lấy chúng ra hết. Sau đó, tôi không thể ăn uống gì được đến mấy ngày. Khi còn là đứa trẻ chăn trâu, tôi nghĩ rằng đánh bóng hàm răng của mình là một việc khôn ngoan. Tôi rất thích những cái răng của mình. Tôi nghĩ rằng chúng rất đẹp. Nhưng có những lúc tôi bị nhức răng đến chết được. Có khi tôi bị đau răng cả tháng trời và nướu răng sưng lớn lên. Tôi chỉ muốn bạn biết về những điều này, về sự khổ phát sinh từ bên trong thân thể chúng ta. Không có gì bên trong thân thể này mà bạn có thể tin cậy được. Nó không tệ lắm khi bạn còn trẻ, nhưng khi bạn già, mọi thứ bắt đầu hư hao. Mọi thứ bắt đầu tan rã. Không có một kiến thức nào hay khoa học nào có thể thay đổi quy luật thiên nhiên này. Bạn có thể nhờ một nha sĩ xem xét hàm răng của mình, nhưng dù ông có sửa chữa được đi nữa, thì cũng sẽ có một ngày chúng sẽ đi tới đoạn kết. Cuối cùng, ngay cả vị nha sĩ cũng có vấn đề. Mọi thứ tan rã vào lúc cuối.
Đây là những thứ mà chúng ta nên suy ngẫm khi chúng ta vẫn còn nhuệ khí. Chúng ta nên tu hành khi còn trẻ. Nếu bạn muốn làm phước báu, hãy làm nhanh lên. Đừng để việc đó cho những người già. Đa số người đợi cho đến khi già nua rồi mới tìm tới thiền viện để tu hành. Đàn ông và phụ nữ cũng nói như nhau, “Để đến già đã”. Tôi không biết sao họ có thể nói như thế. Một người già có được bao nhiêu sức lực và nhuệ khí? Cứ thử để họ chạy đua với một người trẻ và nhìn thấy sự khác biệt lớn đến chừng nào. Họ đợi đến già cứ như thể họ không bao giờ chết. Khi đến tuổi năm mươi hay sáu mươi, rồi thì, “Bà nội ơi! Chúng ta cùng đi chùa nhé!” “Con đi đi, tai bà nghe không rõ nữa”. Hiểu ý tôi không? Khi đã lãng tai, thì bà nghe thứ gì đây? “Chịu thôi!” Chỉ chơi với mấy bụi dâu mà thôi. Cuối cùng, khi tai hết nghe được, bà đi chùa. Chẳng còn hy vọng gì nữa. Bà lắng nghe buổi thuyết pháp nhưng chẳng hiểu họ nói gì. Người ta đợi đến khi hơi tàn, sức kiệt rồi mới nghĩ đến việc tu hành.
Đây là những thứ mà bạn nên bắt đầu quan sát. Chúng là gia tài của chúng ta. Chúng sẽ trở nên nặng nề hơn mỗi ngày, một gánh nặng đối với chúng ta. Trong quá khứ, chân tôi rất khỏe. Tôi có thể chạy. Bây giờ, ngay cả việc đi bộ quanh đây, tôi cũng thấy nặng nề. Trước kia, chân tôi mang vác tôi. Nay, tôi phải mang vác chúng. Khi tôi còn nhỏ, tôi thấy người già đứng dậy từ chỗ ngồi của họ một cách khó khăn, đau đớn. Ngay cả đến lúc đó, họ vẫn chưa muốn học. Lúc ngồi xuống, họ rên rỉ, “Ái da!” Đứng dậy họ rên rỉ, “Ái da!” Luôn luôn “Ái da”. Nhưng họ không biết điều gì khiến họ phải rên rỉ. Ngay cả khi đó, họ vẫn không nhìn thấy sự suy sụp của thân thể.
Bạn không bao giờ biết khi nào bạn lìa bỏ nó. Sự đau nhức chỉ là những diễn tiến tự nhiên. Người ta gọi đó là chứng viêm khớp, sỏi mật, thấp khớp, v.v… và vị y sĩ kê toa thuốc, nhưng cơ thể chẳng bao giờ lành lặn hoàn toàn. Cuối cùng nó vẫn sẽ đi đến một kết thúc mà ngay cả vị bác sĩ cũng không thể tránh được! Đây là sự diễn biến tự nhiên của các nhân duyên. Đó là đường lối của chúng, bản chất của chúng.
Thử xem xét điều này. Nếu bạn nhận ra điều này thì tốt cho bạn, giống như nhìn thấy một con rắn độc trên đường từ xa. Nếu nhìn thấy nó, bạn có thể đi tránh qua một bên để không bị nó cắn. Nếu không nhìn thấy nó, bạn có thể giẫm lên nó.
Khi gặp chuyện đau khổ, người ta không biết phải làm gì. Đi đâu để giải quyết nó đây? Họ muốn lẩn tránh sự khổ, muốn thoát khổ, nhưng không biết làm sao để đối phó với nó. Và cứ thế họ sống cho đến khi già nua, bệnh hoạn… rồi chết.
Lúc xưa, khi có người bị bệnh sắp chết, một trong những thân quyến của họ sẽ thì thầm chữ Phật, Phật trong tai họ. Họ làm gì với Phật lúc này? Chữ Phật còn lợi ích gì khi họ sắp lên giàn hỏa thiêu? Khi hơi thở của họ đã đứt quãng, bạn đến nói với họ, “Mẹ ơi! Phật, Phật!” Đừng lãng phí thời gian làm gì. Bạn chỉ làm cho bà ấy rối loạn. Hãy để bà ta ra đi yên ổn.
Khi mới kết hôn, người ta thường chấp nhận nhau, nhưng về già, họ lại không hiểu nhau. Nhiều khi người vợ nói gì, người chồng cũng thấy bực bội, người chồng nói gì, người vợ cũng không muốn nghe. Họ quay lưng lại với nhau.
Không phải tôi nói thế bởi vì tôi không có gia đình. Tại sao tôi không lập gia đình? Chỉ nghe hai chữ kết hôn thôi, tôi đã biết nó sẽ là gì rồi. Kết là kết chặt lại. Giả sử, có người lấy một sợi dây thừng và cột bạn lại trong khi bạn đang ngồi đây, bạn cảm thấy thế nào. Đó gọi là “bị kết chặt”. Có một cái vòng trói buộc. Người đàn ông sống trong cái vòng trói buộc của ông ấy, và người phụ nữ sống trong cái vòng trói buộc của bà ấy.
Hãy suy ngẫm cho kỹ. Nếu bạn vẫn chưa nhận ra điều này ngay bây giờ, bạn có thể nhận biết sau này. Có người đã nhận ra một phần nào. Những người khác đã hết phương kế. “Mình nên ở lại hay nên đi đây?” Tại Wat Pah Pong, có khoảng bảy mươi hay tám mươi cái chòi tranh. Tôi thường bảo vị Sư trưởng giữ lại một vài cái chòi trống, trong trường hợp có người cãi vã với vợ hay chồng của mình. Quả thật, chẳng bao lâu thì có một phụ nữ khăn gói đến xin xuất gia. “Tôi chán thế giới này lắm rồi, Luang Por”, “Ồ! Đừng nói thế! Những chữ đó nặng nề quá”. Rồi người chồng đến và nói rằng ông cũng chán. Nhưng sau vài ba ngày trong thiền viện, sự chán ngán thế gian của họ biến mất.
Thật ra, họ chỉ đang lừa gạt chính mình. Sau khi ngồi yên tĩnh một hồi trong chòi, họ bắt đầu suy nghĩ, “Không biết khi nào bà ta mới đến đây năn nỉ mình về nhà nhỉ?” Họ không thật sự biết điều gì đang xảy ra. Cái chán thế giới này của họ là gì thế? Họ tức giận một điều gì đó và chạy đến thiền viện. Ở nhà mọi thứ đều sai cả, người chồng sai, người vợ sai. Nhưng sau ba ngày yên lặng, họ suy nghĩ, “Hừm, vợ mình nói cũng đúng, mình sai thật,” hay “Chồng mình đúng, mình không nên tức giận như thế”. Họ thay đổi lập trường. Nó là như thế đó. Đó là tại sao tôi không quá quan tâm đối với những việc thế gian. Tôi biết nó rất rõ, cho nên tôi đã chọn đời sống xuất gia.
Đây là bài tập của bạn. Dẫu bạn làm ruộng ngoài đồng hay làm việc trong công sở, hãy suy ngẫm những lời sau. Hãy tự hỏi, “Tại sao tôi sinh ra? Tôi có thể mang theo với mình những gì?” Hãy tự hỏi mình như thế từ sáng đến tối. Nếu bạn làm thế, bạn sẽ sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn. Nếu không, bạn sẽ mê mờ mãi. Nếu bạn không hiểu rõ lúc này, có thể sau này bạn sẽ hiểu. “Ồ, thì ra đó điều mà Luang Por muốn nói. Vậy mà lúc trước mình không hiểu”.
Tôi nghĩ rằng như vậy là đủ cho ngày hôm nay. Nếu tôi nói lâu hơn nữa, thân thể già nua này sẽ mỏi mệt.