KHÔNG GIAN CHÍNH LÀ MA TRẬN

—🍂💦🍂—
Những tia nắng ban mai đầu tiên đổ bóng dài từ Dãy núi Sangre de Cristo (Máu của Chúa Giêsu) sừng sững phía sau chúng tôi về phía đông. Tôi đã đi gặp người bạn tên Joseph (không phải tên thật của anh ta) tại thung lũng này để cùng tản bộ, trò chuyện và tận hưởng buổi sáng. Khi chúng tôi đứng trên vành đai của vùng đất rộng lớn nối liền miền bắc New Mexico với miền nam Colorado, chúng tôi có thể quan sát thấy hàng dặm những cánh đồng ngăn giữa chúng tôi và vết nứt lớn trên trái đất có tên là hẻm núi Rio Grande Gorge, nơi tạo thành những bờ sông của vùng Rio Grande. Cây xô thơm cao nguyên sa mạc tỏa hương thơm ngát vào sáng hôm đó và khi chúng tôi bắt đầu tản bộ, Joseph nhận xét về loại thực vật bao phủ vùng đất này.
“Toàn bộ cánh đồng này”, anh bắt đầu “bao quát tầm mắt của chúng ta đều sinh sống bên nhau như thể chúng là một thể thực vật duy nhất”. Anh thở ra khỏi khi hơi từ miệng anh hòa với không khí lạnh băng của buổi sáng cùng với những đám hơi nước vấn vương trong vài giây mỗi khi anh cất lời.
Anh tiếp tục: “Trong thung lũng này có rất nhiều bụi cây, và mọi bụi cây đều kết nối với nhau thông qua một hệ thống rễ mà chúng ta không thể nhìn thấy được. Mặc dù chúng được che khuất khỏi tầm mắt của chúng ta bên dưới mặt đất, những rễ cây đó vẫn tồn tại – toàn bộ cánh đồng này là một gia đình cây xô thơm duy nhất. Và cũng như bất kỳ gia đình nào, anh giải thích “trải nghiệm của mỗi thành viên được chia sẻ theo một mức độ nào đó với tất cả những thành viên khác”.
Tôi đã suy ngẫm về những gì mà Joseph đang nói. Đây thật là một phép ẩn dụ tuyệt đẹp về cách chúng ta kết nối với nhau và với thế giới xung quanh. Chúng ta đã được dẫn dắt để suy nghĩ rằng chúng ta là tách biệt với nhau, với thế giới và mọi thứ xảy ra bên trong nó. Theo niềm tin đó, chúng ta cảm thấy bị cô lập, cô đơn và đôi khi cảm thấy bất lực trong việc thay đổi những thứ gây ra nỗi đau đớn cho chính chúng ta và sự đau khổ ở những người khác. Điều mỉa mai là chúng ta sống trong một môi trường ngập tràn những cuốn sách và hội thảo về tự lực cứ ra rả nói rằng chúng ta gắn kết với nhau như thế nào; ý thức của chúng ta mạnh mẽ ra sao và nhân loại thực sự là một gia đình quý giá và duy nhất.
Khi tôi lắng nghe Joseph, tôi không thể nào không nghĩ đến cái cách mà nhà thơ vĩ đại Rumi đã mô tả về tình trạng của chúng ta. Ông đã viết:
“Chúng ta quả là những sinh linh lạ kỳ!
Chôn chân ở tầng đáy tối tăm của địa ngục,
Và e ngại cho sự bất tử của chính mình”.
Quả là chính xác, tôi nghĩ. Những cây xô thơm trong cánh đồng này không chỉ được kết nối mà chúng còn sở hữu một sức mạnh khi kết hợp bên nhau sẽ mang đến sức mạnh to lớn hơn bất kỷ sức mạnh cá nhân đơn lẻ nào sở hữu. Lấy ví dụ, bất kỳ bụi cây đơn lẻ nào trong thung lũng này cũng chỉ có thể chi phối một khu vực đất bao quanh nó. Nhưng khi thiên nhiên đặt hàng trăm hàng nghìn những bụi cây này lại bên nhau thì bạn sẽ thấy một sức mạnh mà không ai có thể khinh thường! Sát cánh bên nhau, chúng thay đổi những đặc tính như độ pH của đất theo cách đảm bảo sự sinh tồn của chúng. Và trong quá trình làm vậy, thành phẩm phụ của sự tồn tại của chúng – lượng oxi dồi dào – lại vô cùng cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta. Như một gia đình thống nhất, những bụi cây này thay đổi thế giới mà chúng sinh sống.
Chúng ta thật ra có thể có nhiều điểm tương đồng với cây xô thơm trong thung lũng New Mexico đó hơn bạn tưởng. Cũng giống như việc chúng sở hữu sức mạnh cá nhân và tập thể để thay đổi thế giới của chúng, chúng ta cũng vậy.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta không phải là những sinh linh vũ trụ sinh sau đẻ muộn chỉ đơn thuần đang đi ngang qua một vũ trụ vốn đã hoàn thiện từ rất lâu. Bằng chứng thí nghiệm đang dẫn tới một kết luận rằng chúng ta đang thực sự tạo ra vũ trụ trong quá trình chúng ta tồn tại và bổ sung thêm vào cái vốn đã có từ trước đó! Nói theo cách khác, chúng ta dường như vừa là thứ năng lượng tạo ra vũ trụ vừa là sinh linh đang trải nghiệm chính thứ mà chúng ta đang tạo ra. Đó là bởi vì chúng ta là ý thức/toàn thức và ý thức này dường như cũng chính là “thứ nguyên liệu” tạo thành vũ trụ.
Đây chính là cốt lõi của thuyết lượng tử đã gây ra bao trăn trở cho Einstein. Cho đến cuối đời mình, ông vẫn tin rằng vũ trụ tồn tại độc lập với chúng ta. Giải thích về ảnh hưởng của chúng ta đối với thế giới và các thí nghiệm cho thấy vật chất thay đổi khi chúng ta quan sát nó, ông nhận định rằng, “Tôi thích nghĩ rằng mặt trăng ở đó ngay cả khi tôi không nhìn vào nó”.
Mặc dù vai trò chính xác của chúng ta trong quá trình sáng tạo vẫn chưa được hiểu hết, các thí nghiệm trong lĩnh vực vật lý lượng tử cho thấy rõ rằng ý thức có ảnh hưởng trực tiếp đến các hạt cơ bản nhất của tạo hóa. Và chúng ta là nguồn của ý thức, Có lẽ John Wheeler, giáo sư danh dự tại Princeton và là đồng nghiệp của Einstein, là người đã nắm bắt được tốt nhất về vai trò mới của chúng ta.
Các nghiên cứu của Wheeler đã khiến ông tin rằng chúng ta có thể sống trong một thế giới thực sự do chính ý thức tạo nên – một quá trình mà ông gọi là một vũ trụ có sự tham gia. “Theo đó (nguyên tắc có sự tham gia],” Wheeler nói, “chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng ra một vũ trụ mà ở đâu đó và trong khoảng thời gian không chứa đựng những người quan sát bởi lẽ thứ nguyên liệu kiến tạo nên vũ trụ đó chính là những hành động tham gia của người quan sát”. Ông đưa ra điểm cốt lõi của thuyết lượng tử bằng nhận định: “Không một hiện tượng cơ bản nào là hiện tượng cho đến khi nó là một hiện tượng được quan sát thấy (hay được ghi nhận)”.
🍁 KHÔNG GIAN CHÍNH LÀ MA TRẬN
Nếu “nguyên liệu tạo dựng nên vũ trụ” được làm ra từ sự quan sát và tham gia – sự quan sát và tham gia của chúng ta – vậy thì chúng ta đang tạo ra thứ gì? Để tạo ra bất kỳ thứ gì, chúng ta trước hết cần phải có nguyên liệu để sáng tạo, một thứ tinh chất dễ uốn nắn nào đó tương tự như Bột chơi nhào nặn của trẻ em (Play-Doh) dành cho vũ trụ. Vũ trụ, hành tinh và cơ thể của chúng ta làm từ cái gì? Làm thế nào mà tất cả những thứ đó hòa hợp với nhau? Chúng ta có thực sự kiểm soát được bất kỳ điều gì hay không?
Để trả lời cho những kiểu câu hỏi này, chúng ta phải vượt ra ngoài khuôn khổ của những nguồn tri thức truyền thống – khoa học, tôn giáo và tâm linh – và kết hợp chúng vào một trí tuệ vĩ đại hơn. Đây là lúc chúng ta nhắc đến vai trò của Ma Trận Thần Thánh. Lý do là vì nó không đóng vai trò sản phẩm phụ trong vũ trụ hay chỉ đơn thuần là một phần của sự sáng tạo; Ma trận này chính là sự sáng tạo. Nó vừa là nguyên liệu bao gồm mọi thứ vừa là thứ chứa đựng mọi thứ được tạo ra.
Khi tôi nghĩ về Ma trận theo cách này, tôi nhớ đến làm thế nào mà nhà vũ trụ học Joel Primack tại Đại học California tại Santa Cruz đã mô tả khoảnh khắc sự sáng tạo bắt đầu. Thay vì vụ nổ lớn là một vụ nổ diễn ra tại một nơi, theo cách mà chúng ta thường hình dung về một vụ nổ sẽ diễn ra, ông nói, “Vụ nổ lớn không diễn ra ở đâu đó trong không gian; nó chiếm lĩnh toàn bộ không gian”. Vụ nổ lớn chính là bản thân không gian bùng nổ thành một dạng năng lượng mới, với tư cách là thứ năng lượng đó! Cũng giống như nguồn gốc của vũ trụ là sự biểu đạt bản thân không gian một cách tràn đầy năng lượng thì Ma trận chính là thực tại – tất cả mọi khả năng, luôn luôn chuyển động, như bản chất trường tổn kết nối vạn vật.
—🍂💦🍂—