BỐ THÍ, LỆ THUỘC VÀ TỪ BI VÔ NGẠI

Trích: “Con Đường Từ Bi“; Dịch: Như Lôi; NXB Phương Nam Book

19/03/2025
173 lượt xem

Khi ý thức về giá trị bản thân vẫn còn thấp, chúng ta không thể thiết lập các giới hạn, vạch ra các đường biên, hoặc tôn trọng các nhu cầu chính đáng của mình. Có vẻ như sự hỗ trợ từ bi đã bị lẫn lộn với sự phụ thuộc, sợ hãi và bất an. Tình yêu chín chắn và lòng từ bi lành mạnh không phải là phụ thuộc mà là tương thuộc, sinh ra từ sự tôn trọng sâu sắc dành cho bản thân cũng như người khác.

Gần chùa Đại Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ có một hàng dài những người ăn xin kiếm tiền từ dòng khách hành hương đến thăm nơi đây mỗi ngày. Nhiều năm trước, vào ngày đầu tiên trong suốt một tháng trường viếng Bồ Đề Đạo Tràng, tôi đã ngây thơ đưa tiền cho những người ăn xin ấy. Như một hệ quả, mỗi ngày sau đó, khi tôi đi bộ từ chợ đến ngôi chùa, tôi sẽ bị vây quanh bởi những người ăn xin kêu gọi tôi, níu quần áo tôi, thậm chí than khóc vòi vĩnh vì họ biết tôi là người đã cho tiền họ. Chuyện này khiến tháng ngày ở lại đó thật khó khăn và tôi cảm thấy khá buồn, vì tôi thực sự muốn giúp đỡ họ, nhưng không phải theo lối này.

Lần viếng thăm kế đó, tôi đã vạch ra một kế hoạch mới. Tôi quyết định chờ đến ngay trước lúc mình rời khỏi mới cho những người ăn xin ấy tất cả số tiền dành dụm được. Buổi sáng trước khi khởi hành, tôi đã đổi bốn mươi đô-la thành giấy một ru-pi, hai rư pi [đơn vị tiền Ấn), và định sẽ cho tất cả những người ăn xin kia mỗi người bốn ru-pi một cách trân trọng. Tôi bắt đầu đi xuống hàng dài gồm một trăm rưỡi người ăn xin trước ngôi chùa ấy, trao tiền tận tay từng người, cảm thấy vui sướng biết bao với điều này. Nhưng sau đó, khi tôi đi gần được nửa hàng, sự hỗn loạn bỗng xảy tới. Những người ăn xin ở phía cuối hàng sợ rằng tôi sẽ cháy túi trước khi có thể đến được phía họ, nên tất cả đã đổ xô về phía tôi cũng một lúc, những cánh tay chìa ra, giận dữ bám lấy người, quần áo của tôi và tiền, bất cứ thứ gì họ chạm đến được. Tôi mau chóng xoay người chạy đi và thoát khỏi sự đeo bám của họ, rồi quẳng số tiền còn lại qua đầu họ vào không trung.

Nhìn lại từ một khoảng cách an toàn, tôi đã thấy một cảnh tượng đau đớn hoàn toàn khác với những gì tôi dự định. Tất cả những người ăn xin ấy chống tay và đầu gối của họ trên bụi đất, tranh giành lẫn nhau những đồng ru-pi đã rơi ở đó. Tôi ngộ ra rằng mình còn cần phải học nhiều về sự bố thí thiện xảo và nghệ thuật tặng cho.

Khi xem xét các truyền thống tôn giáo trên thế giới, chúng ta thấy đầy những cử chỉ và sự hy sinh cao quý. Đức Jesus đã bảo các môn đệ cho đi mọi tài sản của họ và “theo tôi”. Mẹ Teresa bảo các nữ tu theo bà, những người phục vụ cho người nghèo khổ nhất trong những người nghèo, “Hãy để họ ăn sạch các con đi.” Trong một câu chuyện về tiền thân của mình, Đức Phật đã thấy một con hổ cái bị bệnh và đói khát không thể nuôi nổi hai con của nó. Ngài cảm thấy một lòng từ bi thâm sâu khởi lên và đã ném mình xuống vách đá để trở thành thức ăn cho hổ mẹ và các con của nó,

Đức tôn quý Karmapa, một trong những vị thủ lĩnh của Phật giáo Tây Tạng, đã đến Mỹ để làm lễ quán đảnh và truyền pháp. Ngài được cho là hiện thân của Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát. Ngài đã day hàng ngàn người tham gia trong một buổi lễ thực tập truyền thống về việc vun trồng từ bi: Một thiền sinh hít vào khổ đau của thế gian và thở ra từ bi cho chúng sinh. Cuối buổi, một nhà tâm lý học lớn tuổi đứng lên hỏi. “Chúng ta có nên nhận lãnh tất cả không? Sẽ thế nào nếu người trước mặt ngài bị ung thư?” Ngài Karmapa trao cho ông ấy một cái nhìn ân cần thâm thúy và nói giản dị, “Anh có thể nhận lãnh tất cả. Anh hãy để khổ đau của thế gian chạm đến tâm mình và anh chuyển nó thành từ bi.” Điều mà không ai trong khán phòng ấy biết là chính ngài Karmapa cũng vừa được chẩn đoán là bị ung thư, nhưng giáo huấn của ngài là không thỏa hiệp – bạn hãy nhận lãnh tất cả và chuyển hóa nó thành từ bi. Ông mất một năm sau đó.

Làm sao chúng ta có thể thấu hiểu những giáo huấn đáng lưu tâm về sự bố thí và từ bị cực độ như vậy? Sự bố thí từ bi là nền tảng của đời sống tâm linh chân chính bởi đó chính là sự thực tập hạnh buông xã. Một hành động bố thí mở rộng thân, tâm, tinh thần của ta và đưa chúng ta đến gần hơn với tự do. Mỗi hành động bố thí là một sự công nhận về tính tương thuộc của chúng ta, một biểu hiện của Phật tánh trong ta. Nhưng đối với đa số chúng ta, sự rộng lượng là một phẩm chất phải được phát triển. Chúng ta phải tôn trọng rằng nó sẽ tăng trưởng dần dần; nếu không tâm linh của chúng ta có thể trở thành duy tâm và bắt chước, ra vẻ có lòng bố thí trước khi nó thực sự được hình thành. Mặc dù điều đó có thể tốt khi đưa chúng ta vượt ngoài phương tiện, nhưng nếu nó được làm một cách vô thức và lặp đi lặp lại, nó sẽ trở nên không lành mạnh. Dù cho sự bố thi ấy làm bằng thời gian, của cải, tiền tài, hay tình yêu của chúng ta, nguyên lý là như nhau. Sự bố thí chân chính tăng trưởng trong ta khi tâm ta mở rộng, lớn lên cùng với sự tròn vẹn và lành mạnh của đời sống nội tại trong ta.

Truyền thông dạy rằng sự bố thí có thể mở rộng trên ba cấp độ. Cấp độ đầu tiên được gọi là cho tặng phân vân. Sự bố thí ban đầu này đến với sự do dự. Chúng ta sợ rằng cái chúng ta đang cho đi có thể cần thiết với ta về sau. Chúng ta nghĩ đến việc giữ lại nó trong kho nhà mình nhưng sau đó nhận ra rằng đã đến lúc nên cho di. Sau khi vượt qua sự gượng gạo ban đầu đó, chúng ta thấy hạnh phúc và tự do – những niềm vui đầu tiên của việc tặng cho.

Cấp độ thứ hai của việc tặng cho được gọi là cho tặng trong tình anh em. Đó là sự san sẻ công bằng cởi mở cung cấp cả sự hỗ trợ năng lượng lẫn vật chất như thể đó là người mình thương yêu.

“Tôi có cái này, nên chúng ta hãy chia sẻ nó trọn vẹn.” Chúng ta không do dự nữa. Một tinh thần thoải mái thúc đẩy sự bố thí này, và với nó, tinh thần hoan hỉ, thân hữu, sự rộng mở tăng trưởng trong ta.

Cấp độ phát triển nhất của việc cho tặng được gọi là cho tặng kiểu hoàng gia. Trong việc này, chúng ta nhận được nguồn vui thích lớn với sự an thịnh và hạnh phúc của người khác mà sự bố thí của chúng ta là tự giác và tức thì. Điều này vượt qua sự san sẻ công bằng. Ta hoan hỉ trước sự an lạc của người khác sâu sắc đến mức chúng ta trao đi thứ tốt nhất ta có để người khác có thể được hoan hỉ. Nguồn hoan hỉ của chính ta trở nên lớn lao hơn với sự bố thí như vậy. Việc đó hệt như thể chúng ta trở thành một kênh dẫn tự nhiên cho hạnh phúc của mọi người quanh ta.

Chúng ta khám phá thấy trong tâm mình sự giàu có của một vị vua hay nữ hoàng.

Chúng ta có thể cảm nhận cách sự mở rộng từng cấp độ này đem lại hoan hỉ tăng không ngừng và ánh sáng tràn vào đời ta. Tuy nhiên năng lực biểu lộ sự bố thí chân chính của chúng ta thường sẽ bị giới hạn bởi sự phát triển bất toàn của bản ngã lành mạnh được thảo luận ở chương phía trước. Sự bố thí lớn này ra một cách tự nhiên từ ý thức lành mạnh và toàn vẹn về hiện hữu của ta. Trong những nền văn hóa truyền thống tốt đẹp nhất, nơi con người được ôm ấp và nuôi dưỡng trên cả hai bình diện thể chất và tâm linh, họ lớn lên với ý thức về những nguồn lực nội và ngoại tại phong phú. Sự bố thí, san sẻ và tương thuộc trở thành cách sống tự nhiên. Trong nhiều nền văn hóa bộ lạc, người ta không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ với người lạ trước cửa – họ luôn luôn được mời vào cùng dùng bữa. Có một nghi thức độc đáo của người Mỹ bản địa này tặng cho trẻ nhỏ nhiều đồ ăn, thức uống và quần áo. Sau đó các thành viên của bộ lạc ấy sẽ la lên, “Tôi đói, tôi khát, tôi lạnh.” Từ sự dư dật của mình, các đứa bé sau đó sẽ được hướng dẫn để phân phát tặng phẩm của chúng cho những người có nhu cầu.

Dù vậy, như chúng ta đã thấy, nhiều thiền sinh không có ý thức về sự giàu có hoặc ý thức nội tại mạnh mẽ về bản ngã. Khi tình trạng thiếu hụt và tổn thương còn chưa được chữa lành, chúng ta trải qua khoảng thời gian rất khó khăn mới cảm nhận được thế nào là cho đi một cách đúng đắn. Bởi vì trải nghiệm nội tại của chúng ta vẫn là một thứ nhu cầu, việc tặng cho thường được thực hiện với một kỳ vọng vi tế về việc được đền đáp. Trước khi có thể cải sửa bản thân, những nỗ lực của chúng ta với sự bố thí cao thượng thường trở thành lớp ngụy trang cho một sự phụ thuộc không lành mạnh.

Khi hiểu nhầm, những lý tưởng về lòng từ bi và bố thí sẽ củng cố sự phụ thuộc và chấp trước dựa trên ý thức sợ hãi, co rút của bản ngã. Trong những tình huống như vậy, từ bi và bố thí bị lạm dụng, và chúng ta nhượng bộ hoặc đánh mất chính mình trong sự trợ giúp chưa thiện xảo của người khác. Tổ chức hỗ trợ phi lợi nhuận cho những người nghiện rượu Alcoholics Anonymous và những tổ chức Mười Hai Bước dùng thuật ngữ chứng lệ thuộc (codependence) để mô tả sự lạm dụng bố thí như vậy, trong đó sự hỗ trợ chưa thiện xảo của chúng ta giúp cho những người khác tránh việc đối diện với những khó khăn thực sự trong đời họ. Thí dụ kinh điển nhất là trường hợp người phối ngẫu của một kẻ nghiện rượu đưa ra những lời nói dối và bao biện cho việc say sưa của chồng hoặc vợ mình để “bảo vệ họ”. “Sự giúp đỡ” theo lối này chỉ làm cho người chồng hoặc vợ tiếp tục uống rượu và trốn tránh việc học lấy các hậu quả đau đớn từ những hành động của họ mà thôi. “Sự giúp đỡ lệ thuộc như vậy luôn luôn xuất phát từ nỗi sợ hãi và sự phụ thuộc của chính chúng ta.

Ta sợ phải đối diện với đau khổ về việc say sưa của chồng hoặc vợ mình hoặc sợ rằng việc công khai nói ra sự thật có thể khiến ta đánh mất mối quan hệ.

Như ta sẽ thấy về sau, cũng hệt như chứng nghiện rượu, chứng lệ thuộc có thể khiến các môn đệ của một cộng đồng tâm linh bao che cho hành vi không lành mạnh của chính các đạo sư của họ cốt để duy trì thần thoại về sự an toàn và thân thuộc, cốt để tránh né sinh ra mâu thuẫn nếu những chuyện như vậy được tiết lộ công khai.

Trong nhiều mối quan hệ, sự sợ hãi và phụ thuộc của chúng ta có thể khiến chúng ta sợ phải nói lên sự thật. Ta sẽ không thể thiết lập các giới hạn, ngại phải nói tiếng “không”. Hoặc sự bố thí vốn lành mạnh ban đầu có thể thoái hóa thành gượng ép. Chẳng hạn, một chị nọ đã dành nhiều giờ dằng dặc suốt nhiều năm để trợ giúp các tổ chức thiện nguyện, tâm linh, hoặc phi lợi nhuận (nơi công việc dường như bất tận) và trải qua những năm đó với sự bỏ bê thân thể, sức khỏe, sự phát triển và lòng tự trọng của chính mình. Cũng có nhiều người gặp khó khăn với việc nói không, bất kể họ được yêu cầu điều gì. Sau nhiều năm như vậy. họ thấy mình trở nên oán giận mà không hiểu tại sao mình lại kẹt vào lối đó.

Vấn đề mà chúng ta phải đối diện khi thực tập là làm sao có thể biết khi nào các hành động của mình là từ bi và khi nào chúng là sự lệ thuộc. Câu trả lời có thể nằm trong câu chuyện Đức Phật kể về một gia đình chuyên diễn trò đi dây. Ông nội và cháu gái cùng nhau kiếm sống bằng cách biểu diễn xiếc thăng bằng. Họ đến gặp Đức Phật để thảo luận đâu là cách tốt nhất để bảo vệ và quan tâm lẫn nhau. Người ông cho rằng mỗi người nên quan tâm đến người kia, rằng ông nên quan tâm cho cô cháu nội khi giữ thăng bằng và cô ấy nên quan tâm ngược lại với ông. Như thế họ sẽ có thể che chở cho nhau. Cô cháu nội hỏi Đức Phật rằng có phải chuyện đó là ngược ngạo không. “Chẳng phải sẽ tốt hơn nếu mỗi chúng con tự quan tâm chính mình, theo cách đó chúng con sẽ bảo vệ được người khác, và việc đi dây của chúng con sẽ thành công hơn sao?” Sau khi lắng nghe cô gái nhỏ nói, Đức Phật đáp lời, “Dù còn trẻ, con thật thông minh. Nếu con là một người ông đang bảo vệ chính mình bằng sự chu đáo và chú tâm vào điều mình làm, con cũng sẽ bảo vệ sự an toàn của cháu con; và nếu con là một người cháu đang bảo vệ bản thân với sự nhận diện, sự chu đáo mà tôn trọng, thì con cũng đang bảo vệ cả mình lẫn những người xung quanh con rồi.”

Chứng lệ thuộc và lòng từ bi không lành mạnh khởi phát khi ta quên đi vai trò của chính mình trong việc cân bằng các mối quan hệ nhân sinh hoặc khi chúng ta xem thường những hệ quả thực sự của các hành động của những người quanh ta. Gốc rể của chứng lệ thuộc được mô tả trong chương phía trước khi chúng ta nói về những thương tổn nội tại, lòng tự trọng thấp và cảm giác không xứng đáng. Chứng lệ thuộc cũng khởi phát khi ta xem nhẹ các trực giác và xúc cảm của chính mình (bởi vì lòng tự trọng thấp) hoặc xuất phát từ nỗi sợ hãi sự phản đối của người khác. Nhiều người chúng ta quá mất liên lạc với bản thân đến nỗi dễ dàng đánh mất ý thức hành động thiện xảo trong một tình huống nào đó. Ta có thể có ý định quan tâm đến người khác hoặc làm vui lòng họ hoặc an ủi họ hoặc tránh mâu thuẫn với họ đến mức rõ ràng là ta không đối diện được với các nhu cầu và tình cảnh của riêng mình. Một chuyện cười về hiện tượng này là cuộc đối thoại giữa hai nhà nghiên cứu khoa học được huấn luyện trong “sự quan sát khách quan” điều đòi hỏi họ phải tự quên mình đi. Họ làm tình, và sau đó một nhà khoa học quay sang người kia và nói, “Anh ổn cả, còn tôi thì sao?”

Mất liên lạc với bản thân và thiếu lòng tự trọng cũng là nguồn mạch của sự phụ thuộc có tính si mê. Các mẩu chuyện về sự phụ thuộc không lành mạnh trong đời sống tâm linh rất phổ biến. Đôi khi các thiền sinh kết hợp tu tập tâm linh với việc nghiện ngập, chẳng hạn như một giáo sĩ nghiện rượu hoặc một thiền sinh dùng ma túy xen kẽ với các cuộc thiền định của mình để giữ các trạng thái định cao cấp, dùng ngôn ngữ tâm linh để biện minh cho lối sống không lành mạnh của mình. Đôi khi tâm linh tự nó vận hành như một chứng nghiện.

Chúng ta đã thấy cách những thiền giả nhất định thực tập để nhập đồng và trốn tránh việc giải quyết đời sống thế nào rồi đấy. Một chị nọ làm y tá đã cưới một anh dành toàn bộ đời mình tập trung vào việc thực tập tâm linh. Anh ta muốn “giác ngộ” và sau đó dạy lại người khác. Cô vợ phải săn sóc bệnh nhân cả ngày rồi sau đó về nhà săn sóc cả chồng. Anh chồng thường xuyên dự các khóa tu và thời gian giữa các khóa tu ấy sẽ dành cho việc đọc sách, phê thuốc và thảo luân chuyện tâm linh với bạn bè, trong khi cô vợ liên tục làm việc để hỗ trợ anh. Cô muốn một ngày nào đó mình có nhà riêng và có con nhưng lại cảm thấy tội lỗi khi ước ao những thứ có thể khiến chống lìa bỏ việc tu tập.

Suốt một thời gian dài cô đã hỗ trợ và bảo bọc chồng, nghĩ rằng việc này là đúng đắn dù cảm thấy oán giận một cách vô thức. Cô đã không biết cách nói không. Cuối cùng, cô đến gặp tôi. Khi tôi gợi ý rằng cô nên thẳng thắn nói ra điều này, cảm giác đau đớn của cô tuôn trào. Cuối cùng cô đã kết thúc bằng việc ném chồng ra khỏi nhà. Sau một vài khóa tu cảm thấy cùng khốn với bản thân, chồng cô đã về nhà, xin việc và bắt đầu bao hàm cả chuyện gia đình, nhà cửa và khả năng có con vào đời sống tâm linh của mình.