CHÀO ĐỜI VÀ THỜI THƠ ẤU Ở ĐÔNG-GÔ
Trích: Garchen Rinpoche – Lạt Ma Của Nhiều Đời Kiếp; Việt dịch: Tiểu Nhỏ – Hương Thủy – Tâm Bảo Đàn; NXB Tôn Giáo, Sách Thiện Tri Thức.
Chú bé không biết chú có một người cha.
Ý tưởng đó đã chẳng hề hiện diện trong lòng của chú!
Konchog Gyaltsen được nghe kể lại rằng vào một mùa hè kia, khi mùa hè vừa mới chớm, có những con chim hoang đã bay đến ngôi làng của chú. Những con chim này thường khi sống ở trong rừng, nhưng chúng lại bay đến đậu trên mái nhà nơi mẹ chú bé đang sống, và chúng tiếp tục đậu lại ở đó trong nhiều ngày. Chẳng ai trong làng có thể đuổi được chúng đi, và dân làng cho rằng đây là một điềm lạ.
Đó là vào khoảng thời điểm Konchog Gyaltsen đã được thụ thai.
Không lâu sau đó, mẹ của chú bé nằm mộng thấy ánh sáng chói lòa hiện đến từ hướng đông, tỏa chiếu ánh sáng rực rỡ vào người bà. Tất cả chỉ toàn là ánh mặt trời, sáng rực, đẹp đẽ, vàng óng. Ánh sáng ấy tỏa ra tràn khắp giấc mơ của bà, tràn khắp những cảm xúc của bà, tràn khắp tất cả những gì thuộc về bà. Cơ hồ giống như là bà đang được tắm mình trong mầu nhiệm tuyệt vời. Ánh sáng ấy tan hòa vào bên trong bà, và bà tỉnh dậy.
Mẹ của Konchog Gyaltsen đã cho chú bé ra đời vào sáng sớm ngày 25 của tháng thứ Nhì, năm Hỏa Ngưu (1937) trong căn nhà mà trước đây những con chim rừng đã bay đến đậu lại. Có thêm bốn đứa bé trai nữa trong vùng Gar cũng đã chào đời trong cùng năm đó: Tsering Phuntsok, Ngudrub Gyamtso, Dampa Yeshe và một bé trai khác ngẫu nhiên được đặt trùng tên với Konchog Gyaltsen. Nghe nói rằng Konchog Gyaltsen và một vài đứa bé trong số bốn đứa bé này đều có cùng các bộ sao trong lá số tử vi.
Khi mẹ của bé Dampa Yeshe đang mang thai bé, có rất nhiều những giấc mơ lạ cũng đã hiện đến với bà. Thêm vào đó, một ngày nọ, bỗng có một chú chim cu từ đâu đã nhẹ nhàng đậu xuống trên bờ vai của bà. Nó kêu cú cu, cú cu dăm ba lần, và sau đó, nó từ tốn lướt bay đi, nhẹ nhàng như khi nó đã đậu xuống. Đây là sự việc trước đây chưa từng nghe ai nói đến, việc một con chim cu đậu xuống trên vai người và lên tiếng báo hiệu sự hiện diện của nó bằng những tiếng kêu lảnh lót.
Cũng hệt như thế, khi bé Ngudrup Gyamtso được thụ thai, cha của bé cũng đã nằm mộng thấy những điềm dị thường về vị Đạo sư quá cố Gar Rinpoche đời thứ bảy, Thinley Yongkyab. Cha của chú thấy vị Lạt Ma cao quý này đã vào đến tận trong nhà của ông và đã mổ bụng của vợ ông ra bằng một cái ‘dri-gug,′ một loại dao cong dùng cho các nghi thức tu tập theo Mật thừa, và là biểu tượng của tuệ giác siêu việt có khả năng chém tan mọi mê lầm.
Vị Lạt Ma đã lấy thai nhi ra từ trong bào thai của người mẹ, mổ toạc đứa bé và moi trái tim của nó ra. Rồi Lạt Ma lại mổ trái tim ấy ra và cẩn thận đặt vào trong đó một mảnh pha lê nhỏ xíu, chói sáng. Làm xong việc này rồi thì Lạt Ma niêm kín trái tim của thai nhi lại, đặt trái tim trở lại vào trong đứa bé và đặt đứa bé trở lại vào trong nằm bụng của người mẹ.
Lại thêm một vị thí chủ khác của Đạo sư Garchen Rinpoche đời thứ bảy cũng năm mơ thấy vị thầy quá cố của mình đã đến trú ngụ trong nhà của ông ta. Rồi kế đến, một cô gái ở trong làng lại nằm mộng thấy Đạo sư Garchen. Cô ta thấy vị thầy quá cố xuất hiện và dẫn theo sau ngài một đoàn tùy tùng gồm có các vị tăng sĩ cùng với một bầy ngựa và dri – trâu yak cái. Đoàn tùy tùng chở theo rất nhiều những vật sở hữu quý giá của ngài. Cả đoàn người ngựa dừng chân ngay trước ngôi nhà của mẹ Konchog Gyaltsen và đã cùng ở lại đấy.
Vị Lạt Ma quá cố, Gar Rinpoche đời thứ bảy, là một đại thành tựu giả (mahasiddha) rất dị hợm với trí huệ siêu phàm. Người ta cho rằng ngài có ‘dị huệ’. Ngài đã qua đời không lâu trước đó tại tu viện của ngài. Tu viện ấy mang tên Gar Gon, cách ngôi làng này khoảng một ngày ngựa.
Tất cả năm đứa bé trai, gồm có hai chú Konchog Gyaltsen, cùng ba chú Tsering Phuntsok, Ngudrub Gyantso và Dampa Yeshe, đã lớn lên và trở thành những vị hành giả, những người Phật tử thuần thành theo chân Phật Pháp. Nhưng do sức mạnh lôi kéo của nghiệp riêng mà năm đứa bé trai ấy đã sống qua những cảnh đời trái ngược với nhau, khác biệt như cảnh thái xanh rì giữa những cánh đồng cỏ mùa hè và trắng ngắt mùa đông. Những cánh đồng này, đời này tiếp đời kia, đã phải chống chọi với những vở bi kịch của vô thường do bốn mùa nhân duyên mang đến.
Tuy năm đứa bé khác nhau đã ra đời với biệt nghiệp, và chẳng kẻ nào có thể trốn chạy khi nghiệp riêng đeo đuổi bên mình, nhưng ở một nơi sâu thẳm trong trái tim Konchog Gyaltsen, cho đến mãi tận ngày hôm nay, vẫn luôn cho rằng chú và bốn người bạn đồng hành kia chẳng khác nào năm sắc màu cầu vồng. Họ nào khác những lá cờ cầu nguyện ngũ sắc mà chú từng thấy treo phất phới khắp nơi trong ngôi tu viện của thời thơ ấu. Chú thấy cả năm đứa bé nương vào nhau mà hiện hữu. Trong tâm chú, trong trí chú, chú nhìn thấy họ không phải là năm, không phải tách biệt. Tất cả, tựu chung, chỉ một mà thôi.
***
Nơi Konchog Gyaltsen chào đời có tên gọi là Đông-gô drong. Nơi ấy nằm gần dòng sông Dza-Chu thuộc địa phận của một vương quốc cổ mang tên Nangchen, ở tại vùng Kham, miền Đông Tây Tạng. Drong có nghĩa là một ngôi làng nhỏ, và ở trong ngôi làng xa xôi hẻo lánh Đông-gô này, có khoảng hơn bốn mươi, năm mươi gia đình cư ngụ.
Từ ngôi nhà mà chú bé Konchog Gyaltsen đã chào đời, chú có thể nhìn thấy Kan-gô Gön, một tu viện nhỏ bé thuộc dòng truyền thừa Drikung Kagyu. Tu viện ấy nằm trên một đỉnh đồi, cách nhà của chú khoảng một chục căn. Kan-gô Gön là nơi dân chúng trong làng thường đến viếng thăm vào những dịp lễ tết đặc biệt, để cầu nguyện và dâng phẩm vật cúng dường lên chư Phật, để đảnh lễ chư tăng và đón nhận sự gia hộ cùng những lời dạy dỗ từ quý thầy. Ngoài ra, còn có thêm Lho Miguel Gon cũng ở gần đó, là một tu viện khác cũng thuộc dòng Drikung Kagyu, cách xa làng của bé Konchog Gyaltsen khoảng nửa ngày ngựa.
***
Khi Konchog Gyaltsen vừa tròn năm tuổi, mẹ đưa chú đến một thiền thất (tsam kang) để gặp và đảnh lễ Sư Ông Lama Konchog Tengye. Sư Ông là một vị tăng sĩ và hành giả du già cao trọng mà mẹ chú đã có dịp quen biết trước đây trong thời gian vị ấy còn trú ngụ tại tu viện Kan-gô Gön. Mẹ chú có lòng tín tâm sâu đậm đối với vị sư già rất từ hoà và thông tuệ này. Bà có ước nguyện muốn con trai của mình thọ giới quy y từ Lagin – Sư Ông. Sư Ông Konchog Tengye là một đệ tử của Đạo sư Garchen Rinpoche đời thứ bảy và Sư Ông gần như đã dành trọn đời mình cho công phu thiền tập miên mật.
Vào cái ngày mà mẹ của bé Konchog Gyaltsen đưa chú đến gặp vị sư già rất được nể trọng này, để lần đầu tiên trong đời được thọ giới quy y, thì vào đúng ngày hôm ấy, tình cờ có một đám đông đệ tử theo Mật pháp cũng vân tập về đó thọ giáo với Sư Ông.
Chú bé chẳng hiểu cho lắm chuyện gì đang xảy ra nhưng cho riêng ngày hôm đó, chú biết là phải làm theo những gì vị sư già và mẹ bảo chú phải làm. Chú nghe thấy ngọn gió tiếng mẹ thì thầm với chú, giọng bà dịu nhẹ và thoang thoảng giống như có ban mai nào đã thổi giọng nói ấy bay đi thật xa, băng vượt qua những ngọn đồi thoai thoải trùng điệp và những cánh đồng cằn cỗi bao bọc chung quanh ngôi nhà của chú. “Nương vào Phật, vào Pháp, vào Tăng, từ ngày hôm nay trở đi, cho đến khi đạt đến giác ngộ, con xin phát nguyện quy y… Sang Gye Chö Dang Tsog Kyi Chog Nam La… Bây giờ con hãy làm theo lời dạy của Sư Ông đi…”.
Một số hành giả Mật thừa, đệ tử của Sư Ông, đã nhìn chăm chăm vào chú bé mắt to tròn, láu lỉnh, và bỗng nhiên, họ lên tiếng đùa bỡn với nhau rằng:
“Hôm nay, chúng ta đã tìm ra được một thành viên mới cho tăng thân (sangha) rồi và cái chú nhỏ này sẽ phải ngồi bên dưới chúng ta ở hàng cuối cùng!”
Chú bé Konchog Gyaltsen chẳng cảm thấy thích thú gì cả khi nghe thấy như vậy. Thật sự, chú chẳng muốn phải ngồi ở đâu hết, cho dù là ngồi ở bất cứ nơi đâu và vì bất cứ lý do gì. Mẹ của chú mỉm cười ngại ngùng với những hành giả đệ tử của Sư Ông, nhưng mẹ chú và đám đệ tử thật ngạc nhiên xiết bao khi vị đại sư du già đã quay xuống nhìn vào đám học trò của mình và nói:
“Không đâu, đứa bé này không phải là người sẽ ngồi bên dưới chúng ta đâu! Chỉ cần chúng ta được ngồi bên dưới chú ấy là cũng vô cùng may mắn cho chúng ta rồi!” Và rồi Sư Ông không hề lên tiếng nói thêm điều gì nữa cả.
Cuối cùng, khi hai mẹ con rời được khỏi thiền thất thì bé Konchog Gyaltsen mới thật sự cảm thấy vui mừng khôn tả, và bất cứ điều gì mà Sư Ông đã tuyên bố không lâu trước đó đã chẳng để lại chút dấu vết nào trong trí nhớ của chú!
Nhưng mẹ chú thì không làm sao quên được. Bà ghi nhớ mãi trong lòng khung cảnh đó, như mọi việc chỉ mới xảy ra vào ngày hôm kia, hôm qua… Thiền thất yên lắng, vị sư già rất từ hoà và thông tuệ, những ngọn đèn bơ lập loè, mùi nhang trầm quyện lướt vào nhau, khuôn mặt đầy nôn nóng của đứa con trai và những ngón tay cáu bẩn của nó đang dằn kéo vạt áo chuba của bà.
– Amal! Mẹ ơi, mình hãy đi về nhà bây giờ đi, đi đi! Mẹ!
Ở làng Đông-gô, tất cả các gia đình đều làm nghề trồng trọt. Nhà của họ được xây bằng gạch đá và trét bùn màu đất son, với mái nhà phẳng lì được dùng làm sân thượng nơi mà mỗi sáng, người ta có thể leo lên trên đó làm lễ dâng hương (sang- sol). Ngoại trừ các tu viện, thiền thất và liêu phòng của chư tăng được sơn màu trắng còn thường thường thì phía bên ngoài của những ngôi nhà còn lại trong làng đều được phết bùn màu đất son.
Phần lớn những căn nhà trong làng là nhà trệt, tuy nhiên, có những gia đình có nuôi gia súc và họ xây thêm một chỗ chứa gia súc ở ngay phía dưới tầng nhà của họ. Một số gia đình khác thì xây chuồng nuôi gia súc ở cách xa căn nhà chính, cốt là để nuôi ngựa, tuy rằng hầu như tất cả những gia đình trong ngôi làng này sinh sống nhờ vào nghề trồng trọt và họ có rất ít gia súc, khác xa với những người dân du mục.
Ở nơi đây, gần như chẳng thấy bóng dáng của một ngọn cây nào cả, ngoại trừ dăm ba cụm cây nằm rải rác trong làng, mang nét vẻ khô cằn, khát nước vào mùa hè, và ủ rũ, èo uột vào mùa đông. Toàn bộ khu làng với đất đai lởm chởm được bao bọc bởi hàng hàng lớp lớp những rặng núi đá ở tít xa xa.
Cái mốc bắt mắt duy nhất thật ra lại là tu viện Kan-gô Gon nhỏ bé được đặt trên một đỉnh đồi thấp. Bên cạnh đó là một cái cọc cờ cao nghệu, phất phơ những lá cờ cầu nguyện đủ màu sắc. Người Tây Tạng gọi những lá cờ này là phong mã, hay những con ngựa gió (lung-ta). Chúng phần phật suốt ngày đêm, chẳng khác nào như một đàn cánh bướm khổng lồ đã bị bắt giam và xâu dây lại với nhau. Ngoại trừ hình ảnh ngoạn mục ấy thì chỉ còn lại duy nhất một cái hùng vĩ khác trong làng. Cái hùng vĩ ấy nằm ở giữa những cánh đồng bao la bất tận, trải dài từ đầu bên này qua tới đầu bên kia, như một đại dương của sự bất động, hoàn toàn tuyệt lắng.
Tất cả những gia đình trong làng Đông-gô drong đều trồng lúa mì, lúa mạch, củ cải, khoai tây và họ có rất ít thịt, bơ hoặc những loại rau trái khác. Họ sinh sống được nhờ vào những vụ mùa, lúa mì và lúa mạch họ trồng thuộc loại có phẩm chất cao. Họ đổi lúa mì, lúa mạch, bột mì và bột tsampa-lấy bơ và thịt từ những người dân du mục theo một phương thức đổi chác riêng.
Ở một ngôi làng gần bên cách xa khoảng 5 ki lô mét, có một vài gia đình biết được cách chế tạo muối. Những gia đình này biết được một công thức bí truyền để làm ra muối từ nước muối mà họ vớt được từ những vùng khác nhau. Ở tại Tây Tạng, muối rất là khan hiếm và người ta thường phải làm những cuộc phiêu lưu với từng đoàn trâu yak để đi lùng muối. Xuyên qua những rặng núi đá hiểm nghèo, những cuộc phiêu lưu nguy hiểm đôi khi có thể cướp mất mạng người. Những gia đình biết chế tạo muối không phải làm việc đồng áng; công việc của họ là làm muối, đổi muối và bán muối! Họ đổi muối lấy lúa mì, lúa mạch, thịt và bơ.
Đôi khi cả làng cũng tụ họp nhau lại tại những ngôi nhà khác nhau, và họ cùng nhau trì tụng những câu minh chú (mantra), cùng ca hát những bài ca với giai điệu da diết, tuyệt vời. Rồi sau đó, họ thay phiên đãi nhau món mì nước thukpa. Vào dịp đầu năm mới, họ ăn mừng, ca hát, nhảy múa với nhau và chia nhau những món ăn cổ truyền khéo nấu.
***
Là một chú bé bình dị sống ở làng quê, Konchog Gyaltsen chẳng có việc gì nhiều để làm được cả. Chú hay thích gây chiến với mấy đứa bé trai khác, và hãnh diện là mình có thể đánh thắng và lên mặt chỉ huy được tất cả bọn trẻ con trong làng! Một lần nọ, chú lên cơn nổi nóng và giận dữ quá độ, và đã không ngần ngại ném cả đất cát vào mặt của một thằng nhỏ dám chống lại chú!
Trong làng của chú, có một vị sư nữ tên là sư cô (Ani) Yep-Zang. Sư cô là bà con với bé Konchog, và chú thật tình rất yêu mến sư cô. Chú hay ghé qua phòng thăm sư cô. Là một đứa trẻ nghịch ngợm, rắn mặt, chú thích nhét đầu của chú vào dưới gậm giường của sư cô mỗi khi chú ghé thăm. Sư cô Yep-Zang thường phải lên tiếng la mắng chú:
“Đừng! Đã bảo đừng mà! Mi đừng để đầu ở dưới gậm giường của ta! Người ta bảo để đầu ở dưới gậm giường người khác không tốt đâu.”
Nhưng sư cô Yep-Zang càng rầy rà, ngăn cấm chú thì chú lại càng thích chọc ghẹo cô và tìm đủ cách để chui đầu xuống dưới gầm giường của cô. Chú không nhớ được tại sao chú lại thích làm như vậy nhưng nói chung, đây là một trò đùa tinh quái đem đến cho chú nhiều hứng thú.
Một lần kia, bé Konchog Gyaltsen đến thăm sư cô Yep-Zang với một món đồ chơi nhỏ trong tay. Chú mải mê chơi đùa với nó, và một lát sau không hiểu sao, chú đã để lạc mất nó ở đâu đó trong căn phòng. Chú cất tiếng gọi sư cô:
“Ani ơi, đồ chơi của con đâu?
Sư cô trả lời, “Ta đâu có biết.”
Chú không để yên, cố gặng hỏi thêm lần nữa:
“Đồ chơi của con đâu? Nói cho con biết đồ chơi của con đậu! Sư cô biết nó ở đâu mà! Nói cho con biết nó ở đâu đi!”
“Ta không có biết!” Sư cô trả lời.
Bé Konchog Gyaltsen trừng mắt ngó sư cô. Chú thoắt nhiên nổi nóng và bắt đầu níu chặt lấy vạt áo sẫm màu của sư cô; chú vùng vằng bực bội, cơn giận như muốn trào ra: “Nhưng sư cô biết mà! Sư cô biết mà! Sư cô nhắm mắt lại đi rồi thì sẽ thấy!” Sư cô Yep-Zang đành phải gắng gượng nhắm đôi mắt lại, và ngay giây phút bóng đen ùa vào trong đôi mắt cô thì cô thấy món đồ chơi hiện ra rõ mồn một ở ngay dưới một tấm thảm bằng lông để cạnh bên cô. Sư cô Yep-Zang thật vô cùng kinh ngạc. Cô đã trải qua một kinh nghiệm xuất thần, giống như là cô được ban cho một khả năng kỳ lạ siêu phàm. Cô chưa từng bao giờ trải qua một kinh nghiệm giống vậy trước đó, và cũng chẳng bao giờ trải qua thêm một lần nào nữa như vậy sau này.
***
Ngoài những câu chuyện như đã kể trên thì bức tranh ngày thơ ấu của bé Konchog ở làng Đông-gô drong chỉ mang những nét phác hoạ đơn sơ với màu sắc tẻ nhạt. Những mảnh vụn trong ký ức mà chú đã chôn sâu trong lòng thật ra chỉ xoay quanh mẹ của chú và thời gian mà chú sống bên bà. Ngay cả chú đã sống chung dưới một mái nhà với ông bà ngoại, nhưng hồi ức của chú về ông bà ngoại cũng chỉ thoang thoảng như là những đám mây qua.
Tên của mẹ chú là Dechei Yangzom nhưng mọi người trong làng đều gọi bà bằng Đê- ga, và bà nổi tiếng khắp vùng là người có rất nhiều lòng nhân ái và rất từ bi. Người trong làng nói rằng trong tim của Đê-ga không hề có sự hiện diện của lòng sân hận hay oán ghét. Chẳng thể nào lòng sân hận hay oán ghét để lại được dấu vết gì trước sức mạnh của tâm từ bi trong bà.
Đối với chú con trai bé nhỏ của bà, bà là Ama, là người duy nhất trong thế gian này mà chú yêu thương nhất, là người đã chiếm trọn tất cả tình cảm trong lòng chú.
Lúc nào bà cũng gọi chú bằng cái tên bé thơ thân mật, Kon-Gyam, là tên tắt của Konchog Gyaltsen, cũng nói với chú bằng những lời hòa nhã, và chẳng bao giờ đánh mắng chú cho dù vì vô tâm mà chú đã trở nên hư hỏng hay hỗn hào, thô cộc đến mấy đi nữa. Chú nhớ mái tóc dài của bà mà chú đã bứt kéo nhiều lần khi chú nổi nóng, vùng vằng lên cơn bất tử. Chú cũng nhớ cả những khi chú vừa xô đẩy bà, vừa cáu tiết, khóc la inh ỏi. Chú nhớ đôi bàn tay thô nhám của bà và cái thứ kem mà bà thường hay bôi trên mặt, cái thứ kem ngon ngọt mà chú chỉ thèm được liếm cho sạch mà thôi!
Vào mùa đông, khi trời trở lạnh như dao cắt, mẹ chú thường hay thoa một lớp kem mỏng lên hai má. Đây là một loại kem được pha trộn bằng mật ong và đường đỏ, được dùng như kem dưỡng da để giúp giữ cho da mặt của bà được tươi tốt, mịn màng. Sau khi thoa kem lên hai má rồi, một thời gian ngắn sau đó, bà lau sạch lớp kem ấy đi, và đó là cách mà phụ nữ trong làng đều làm để chống lại với những cơn gió bấc đang thổi thốc ngang qua những rặng núi đá, làm rạn nứt thêm làn da vốn thường bị cháy nắng của họ.
Tại Tây Tạng vào thời bấy giờ, đường còn khan hiếm hơn cả muối. Bé Kon-Gyam rất hảo ngọt nhưng làm gì có được kẹo bánh hay các thức ăn ngọt ở bên cạnh để cho chú thưởng thức bao giờ. Là một đứa trẻ thông minh, tinh quái, chú thường xuyên nghĩ ra đủ cách để ăn trộm kem dưỡng da của mẹ và đã sung sướng ngồi nhâm nhi cái thứ kem ngon ngọt ấy cho đến vệt cuối cùng. Ôi, sao cái thứ kem đường mật ấy lại ngon lành đến thế
***
Mẹ chú xuất thân từ một gia đình bình dân, không giàu mà cũng chẳng nghèo. Trong nhà họ không bao giờ thiếu thức ăn và họ rất may mắn vì chưa bao giờ phải bị đói.
Khi bé Konchog Gyaltsen lớn hơn một chút thì chú nghe mẹ kể lại rằng gia đình của mẹ và ông bà ngoại trước đây đã từng là thí chủ của Gar Rinpoche đời thứ bảy. Ngài là một vị thành tựu giả (siddha) dị hợm với trí tuệ khác thường. Chú cũng nghe nói là ngài đã qua đời nhiều năm trước đó tại tu viện Gar Gon, và tu viện này nằm ở giữa cảnh thái bao la hùng vĩ của một thung lũng mướt xanh, cách nơi chú ở khoảng một ngày ngựa. Bé Konchog Gyaltsen không hề nhớ là mình đã có bao giờ viếng thăm nơi này chưa trong suốt bảy năm đầu tiên của cuộc đời.
Nhiều năm về trước, lâu thật lâu trước khi Đạo sư Gar Rinpoche đời thứ bảy qua đời… Khi ấy, mẹ của bé Konchog Gyaltsen còn là một cô gái nhỏ. Một ngày nọ, bỗng vị thành tựu giả dị hợm với trí tuệ khác thường này đã cho gọi cô bé đến và đã trao cho cô một lá thư do chính tay Đạo sư viết. Đạo sư dặn cô là hãy cẩn thận giữ kỹ lá thư này ở một nơi kín đáo, nhưng khi ấy, cô còn trẻ lắm và đã không mấy quan tâm đến lời căn dặn của Đạo sư, nên sau đó, chẳng biết là cô đã để lạc lá thư ấy đi đâu mất rồi. Là một cô gái quê mù chữ, cô không biết đọc, không biết viết, và cô đã không bao giờ biết được ra là trong lá thư đó có viết những gì. Nhiều năm trôi qua, khi cô sực nhớ lại về lá thư mà Đạo sư Gar Rinpoche đời thứ bảy đã trao tận tay cô thuở thiếu thời, cô cố gắng lục tìm khắp nơi nhưng không sao tìm lại được lá thư ấy nữa.
Giống như những thí chủ trung thành khác, gia đình mẹ và ông bà ngoại của bé Konchog vẫn thường hay tổ chức những chuyến đi ngắn đến tu viện Gar Gon, đem theo lúa mì, lúa mạch, khoai tây, bột mì, tsampa hoặc bất cứ thứ gì mà họ có thể tích góp được để cúng dường cho tu viện.
Không lâu trước khi Đạo sư Gar Rinpoche đời thứ bảy qua đời, Đê-ga và cha mẹ của cô đã đến gặp ngài để đảnh lễ; họ đem theo một túi bột tsampa để cúng dường cho vị Đạo sư già yếu. Nhưng họ thật ngạc nhiên xiết bao khi lần này, Đạo sư Gar Rinpoche đời thứ bảy đã từ chối không nhận vật cúng dường của họ, và ngài đã bảo Đê-ga và cha mẹ của cô hãy quay về chờ sự xuất hiện của một vị sư cao trọng trong nhà của họ. Đạo sư Gar Rinpoche cho biết rằng vị sư cao trọng này sẽ đến nhà của họ một ngày không xa, và chính cái vị sư này mới là người mà họ nên cúng dường túi bột tsampa kia!
Mẹ của bé Konchog đã quay trở về nhà và nóng lòng ngồi chờ ông sư cao trọng hiện đến, nhưng ông đã không bao giờ đến. Ông không bao giờ đến như Đê-ga đã hình dung trong đầu. Ông không đến bằng chân, cũng không đến bằng ngựa. Ông không đến trong y áo của một nhà sư với một cây tích trượng trong tay. Ông đã không bao giờ đến theo cung cách mà Đê-ga tưởng thấy.
Khoảng chừng hơn một năm sau đó, vị sư ấy cuối cùng cũng đã bước vào đến tận bên trong ngôi nhà của Đê-ga, nhưng ông đã đến với thế gian này xuyên qua một cánh cổng hoàn toàn khác xa với điều mà cô mường tượng…
***
Cho đến năm lên bảy tuổi, Konchog Gyaltsen không hề nhớ là có bất cứ khi nào chú đã thắc mắc về cha của chú. Không hiểu sao nhưng trong đầu óc non nớt, chân chất của chú, cái thế giới mà chú đang sống thật ra đã đầy đủ và trọn vẹn rồi. Mẹ của chú, cái kho báu chứa đầy tình yêu thương dành cho chú, cũng chính là nguồn cung cấp tất cả những gì cần thiết mà thông thường một đứa bé sẽ phải cần đến. Cái kho báu và nguồn cung cấp ấy có sức lôi cuốn vượt xa bất kỳ một cảnh giới nào khác mà chú có thể hình dung trong đầu.
Cho đến một ngày kia, có một lá thư được gửi đến từ một nơi rất xa…
Lá thư ấy đã băng qua những khung cảnh thiên nhiên bất tận, băng qua những vùng địa thế bỏ hoang, băng qua cái đơn điệu buồn tẻ của trời và đất, băng qua những sắc thái luôn biến đổi của trùng trùng núi, từ màu xanh ô liu, qua đến màu be rồi đổi thành màu đất son…
Cuối cùng, lá thư đó đã vượt ngàn dặm để đến được ngôi tu viện nhỏ bé, mà bao thế hệ qua, đã nằm ẩn mình trong cái bao la hoành tráng của vùng thung lũng mướt xanh như ngọc, chung quanh được bao bọc bởi núi non và vách đá. Ở đấy, vào mùa đông, những cội cây thông và cây tùng vươn cao, oằn người chịu trận trước những cơn gió khốc liệt cùng những trận bão tuyết hay những cơn mưa đá đổ ập xuống bất thình lình. Nhưng nơi ấy, vào mùa xuân, cả vùng thung lũng bùng sống dậy với vô vàn vô số những cánh hoa dại nhảy nhót khắp nơi.
Những triền đồi ngập sắc hoa vàng và xanh tím, ôm trọn tất cả thời gian và không gian, trải dài đến tận chân trời, vượt ra khỏi những gì mà đôi mắt có thể nhìn thấy được dưới bầu trời ngắt xanh…