HÀNH TRÌNH ĐI VÀO BÊN TRONG

ÔM GIỮ KHÔNG GIAN – NGHỆ THUẬT YÊU THƯƠNG KHÔNG PHÁN XÉT

Tác giả: HEATHER PLETT

NXB. Thế Giới, Ngô Thanh Huyền dịch

Ảnh: nguồn Internet

19/05/2025
23 lượt xem

— 🍀 🍂 🍀 —

Sự kết nối là điểm tiếp theo trong Hành trình hướng ra bên ngoài. Khi kết nối với con người thật của mình và sống một cách chân nguyên, ta bắt đầu tìm thấy cộng đồng nơi ta thuộc về. Tại thời điểm ấy, màng bọc tinh thần liên kết với những “tế bào” khác, kết nối ta với những cộng đồng thực sự động viên và giúp đỡ ta khai phá tiềm năng của mình. Cùng nhau, ta có thể xây dựng một “cơ thể” với năng lực rộng mở.

🍂 Chúng ta đều khao khát tìm về chốn thân thuộc của mình – một nơi không mấy rõ ràng mà ta đôi lúc chỉ có thể thoáng nhìn thấy. Đó chính là cộng đồng. Nơi có những con người mà ta có thể chia sẻ say mê mà không cảm thấy nghẹn lời. Nơi có những vòng tay luôn dang rộng đón nhận ta, có ánh mắt bừng sáng khi ta bước vào phòng, có tiếng cổ vũ vui mừng khi ta làm chủ được sức mạnh của mình. Cộng đồng sẽ tiếp thêm sức mạnh để ta hoàn thành sứ mệnh. Là vòng tay nâng đỡ khi ta vấp ngã. Đó là vòng tròn chữa lành. Vòng tròn tình bạn. Nơi đem lại cho ta sự tự do.
-STARHAWK

Hành trình đi vào bên trong có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng khi bám víu vào niềm tin vô định rằng mình sẽ tìm được những kết nối thực sự. Nhưng nó có xảy ra – không phải qua những biểu hiện lớn lao, mà là từ những cuộc hội thoại sâu sắc nho nhỏ. Những người sống đúng với chính mình sẽ thu hút kiểu người tương tự, và qua sự thu hút tự nhiên đó, mối quan hệ tốt đẹp sẽ đơm hoa kết trái.

Khi lang thang trong những khu rừng, tôi lắng nghe âm thanh của mọi loài chim chóc, đặc biệt là tiếng hót đối đáp giữa các chú chim với nhau. Và trong một lần lang thang như vậy, tôi chợt nhận ra để có thể nhận ra nhau, lũ chim cần có thanh âm riêng của mình. Nếu một chú quạ không thích tiếng kêu của mình và cố tình bắt chước chim cổ đỏ, chú ta sẽ trở nên cô đơn giữa bẩy quạ đông đúc. Nếu một chú gà con cố tình kêu như vịt, nó sẽ không thể tìm được đường quay về với đồng loại của mình.

Để có thể kết nối với những “chú chim” giống mình, ta cần có bài ca của riêng mình. Một bài hát giả sẽ dẫn lối tới một cộng đồng giả; chỉ có nguyên thể mới dẫn lối ta đến với sự kết nối thật sự. Tôi luôn nhận thấy điều này trong những khóa chữa lành do tôi hướng dẫn. Những cộng đồng hội tụ kiểu như vậy, theo ý kiến chủ quan của tôi, đã tạo ra những kết nối chân thật nhất mà ta từng thấy. Những người trong cộng đồng ấy sẽ cất tiếng ca chân thật nhất, và họ kết nối tuyệt vời với “bầy đàn” của mình ngay khi gặp nhau.

Khi màng bọc tinh thần của ta khỏe mạnh và vững vàng, lớp kháng nguyên trên bề mặt lớp màng sẽ giúp ta nhận diện những kháng nguyên tương tự, và trong sự kết nối đó, mọi điều tốt đẹp sẽ được lật mở. Cảm giác kết nối mà ta luôn khao khát – và vì nó, ta đã từ bỏ rất nhiều đặc tính của mình – sẽ lộ diện, nhưng lần này nó chân thực và trọn vẹn hơn những gì ta từng biết trước đây.

Cái tên tiếp theo trong Hành trình hướng ra bên ngoài là trỗi dậy. Đây là lúc tất cả mọi thứ bắt đầu kết nối và thấu rõ hơn. Ta đã bộc lộ bản thân và thiên tính mình có, cũng như học được cách tin tưởng vào thiên hướng bản thân và kết nối với cộng đồng. Giờ là lúc ta sẽ trỗi dậy, như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn. Ta trỗi dậy từ sức sống và nét đẹp trong mình. Ta trỗi dậy trong nguyên thể và quả cảm.

Sự trỗi dậy có thể xảy đến mà không gây quá nhiều sự chú ý. Có lúc đó là sự trỗi dậy lặng lẽ mà chỉ một số bạn bè thân thiết mới nhận ra sự đổi khác trong bạn. Có lúc sự trỗi dậy xuất hiện trong buổi triển lãm nghệ thuật của bạn mà chỉ số ít người mới nhận ra. Ngược lại, cũng có thể sự đổi khác của ta sẽ nhận được sự chú ý của hàng nghìn người. Dù sự trỗi dậy trong ta ra sao thì nó vẫn là điều vô cùng quan trọng. Thiên tính của ta quan trọng. Sự đóng góp của ta với thế giới quan trọng.

Điều này dẫn tới điểm cuối cùng trên Hành trình hướng ra bên ngoài: Điều ta sẵn sàng cho đi đại diện cho thiên tính trong ta, đây là điều mà một số nền văn hóa bản địa gọi là “phương thuốc căn nguyên”, “nhiệm vụ thiêng liêng”, “tiếng gọi” hoặc “mục đích sống”. Dù là gì đi chăng nữa, “phương thuốc” đó sẽ luôn là điều ta cho đi, điều mà ta có thể mang lại cho thế giới này. Bất cứ khi nào điều đó xảy tới, điều ta cần làm là rộng mở dâng hiến.

Chỉ khi dâng hiến một cách chân thành ta mới tìm thấy niềm vui trong thiên hướng bản thân. Nếu ta ôm chặt thiên tính quá, nếu ta từ chối chia sẻ hoặc để nỗi sợ hãi kìm hãm mình, ta sẽ không bao giờ đạt đến sự tỉnh thức và được là chính mình. Trong cuốn sách mang tên Braiding Sweetgrass (Bện cỏ ngọt ngào), nhà văn Robin Wall Kimmerer có nhắc đến việc chịu trách nhiệm cho thiên tính của mình – và cống hiến chúng để phụng sự cộng đồng cùng đất mẹ – như là một phần của sự bổ trợ và tương hỗ của Tạo hóa. Và nắm giữ thiên tính là làm trái với cam kết của ta với nhân thế và đất mẹ. Chẳng hạn như khi nói về việc chưng cất mật phong (nhựa cây được thu thập rồi đun nóng làm đường), bà viết rằng:

🍂 “Nanabozho [vị thần thủy tổ của tộc người Anishinaabe] cũng khẳng định công việc này chẳng hề dễ dàng gì cho cam. Ngài dặn dò rằng việc đất mẹ ban tặng cho chúng ta món quà tuyệt vời chỉ là một phần sự thật, phần còn lại là món quà đó vốn chưa hoàn chỉnh. Vấn đề không nằm ở những cây phong. Vấn đề thuộc về chúng ta, về việc ta chuyển hóa chúng ra sao. Chính sức lao động và lòng biết ơn của chúng ta đã chắt lọc nên những giọt mật ngọt ngào đó”.

Đoạn sau, Kimmerer còn chia sẻ thêm việc bà được một trưởng lão hướng dẫn cách đan giỏ tần bì đen:

🍂 “Hãy nghĩ về cái cây cùng tất cả những khó khăn mà nó phải trải qua trước khi cháu bắt đầu. Nó đã cho đi cuộc sống của mình để cháu làm nên chiếc giỏ này, vậy nên cháu cần biết trách nhiệm của mình là gì. Hãy làm nên điều tuyệt vời nào đó để bày tỏ sự biết ơn”.

Công việc của ta có thể không đem lại những giá trị hữu hình hay sự kết nối như việc chưng cất mật phong hay đan giỏ tần bì, nhưng bất kể mang hình thức nào, nó vẫn luôn là một phần của hệ sinh thái và sự cộng sinh rộng lớn trong vũ trụ này. Mỗi chúng ta đều nên trao đi vì những lợi ích to lớn hơn, vừa để thể hiện sự biết ơn từ những gì đã nhận được vừa để đáp lại và cam kết góp sức trong vòng tròn của sự sống.

Sau khi thực hiện hành trình đi đến trung tâm của vòng xoắn và trở lại ra ngoài, ta đã chạm đến nguyên thể, nơi ta có sự tỉnh thức lớn lao về mong muốn, thiên hướng, thiên tính, khao khát, và về chính bản thân mình. Màng bọc tinh thần của ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết; ta đang thể hiện chân thực DNA của mình và tồn tại trong sự cân bằng nội môi, cho và nhận, nuôi dưỡng và tiếp dưỡng.

Đây không phải là con đường dễ dàng, nhưng là con đường tràn ngập ý nghĩa, niềm vui và tự do. Trên hành trình này, ta sẽ bồi đắp nên lòng dũng cảm, sự kiên cường và sức mạnh bản thân.

Nơi tồn tại của nguyên thể là nơi an toàn và đem lại cảm giác kết nối mạnh mẽ hơn những gì chúng ta từng biết trước đây. Nó không bắt nguồn từ ảo ảnh mà từ sức mạnh nội tại của ta cùng sự kết nối với cộng đồng và sự huyền bí. Thay vì xây một ngôi nhà bằng rơm như những chú heo con, giờ đây ta chọn xây nhà bằng gạch để đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ sâu sắc với con người thật của mình, với mọi người, với sự thiêng liêng và với đất mẹ. Nền tảng này chắc chắn không dễ bị lật đổ bởi những con sói xấu xa.

Tuy nhiên, nơi này vẫn không phải là điểm đến vĩnh cửu. Nó chỉ đơn giản là cánh cửa để ta bước vào sự biến chuyển, trưởng thành và hiểu biết hơn. Một khi hòa hợp với con người thật của mình, ta có khả năng học tập, phát triển và vươn xa. Trên thực tế, chúng ta có thể thấy mình đang ra vào những vòng xoắn khi phát triển thành những phiên bản chân thật, thông tuệ hơn bản thân và tiềm năng của mình.

Mặc dù tôi trình bày hành trình tìm về nguyên thể dưới mô thức một con đường đơn lẻ (để minh họa), nhưng giải thích như thế thì lại quá đơn thuần. Hành trình đó có thể ngừng nghỉ với những vòng xoắn nhỏ lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời chúng ta (thậm chí là còn ở những tầng bậc khác nhau trong cuộc sống tại những thời điểm khác biệt), đưa chúng ta ngày càng đến gần hơn sự hiểu biết sâu sắc về con người thật của mình. Dù bạn đang thực hiện hành trình đó ra sao, hãy tin rằng không có điều gì là “sai” khi làm như vậy.

🍂 Không có danh sách các quy tắc nào ở đây, mà chỉ có duy nhất một quy tắc, đó là: không có quy tắc nào hết. Hạnh phúc đến từ việc sống như những gì bạn muốn. Như lời mách bảo của tiếng nói bên trong bạn. Hạnh phúc đến từ việc bạn thực sự là ai thay vì mải miết chạy theo phiên bản phải trở thành. Đã là truyền thống thì không còn là truyền thống nữa. Thật buồn cười khi chúng ta vẫn nghĩ theo cách đó. Hãy bình thường hóa cuộc sống của bạn và mọi người. Bạn không muốn có con? Vậy thì đừng có. Bạn không muốn kết hôn? Vậy thì đừng lấy. Bạn muốn sống một mình? Hãy tận hưởng đi nào. Bạn muốn yêu một ai đó? Vậy thì hãy yêu đi. Đừng xin lỗi. Đừng giải thích. Đừng bao giờ cảm thấy mình không đủ tốt. Khi bạn cảm thấy cần phải xin lỗi hoặc giải thích về việc mình là ai, điều đó có nghĩa là giọng nói trong đầu bạn đang kể cho bạn một câu chuyện sai lầm. Hãy xóa sạch. Và viết lại. Không câu chuyện cổ tích nào ở đây đâu nhé. Hãy kể đúng câu chuyện của chính bạn. Và đi đến một kết thúc có hậu. Từng bước từng bước một. Bạn chắc chắn sẽ làm được.
-SHONDA RHIMES
— 🍀 🍂 🍀 —