MỘT CUỐN SÁCH CÓ THỂ THAY ĐỔI ĐỜI BẠN

STEPHEN R. COVEY

Tác phẩm “7 Thói quen Hiệu quả / 7 Habits for Highly Effective People” đã ra đời hơn 25 năm, được biết đến là cuốn sách quản trị (quản trị bản thân và quản trị tổ chức) bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 30 triệu bản bán ra trên toàn thế giới và được dịch sang 40 ngôn ngữ. Sách có mặt tại thị trường Việt Nam hơn 10 năm nay dưới cái tên “7 Thói quen để Thành đạt”. Ấn bản mới năm 2016 được đặt lại đúng với cái tên mộc mạc vốn có của bản gốc Tiếng Anh và có nội dung không chỉ được dịch lại toàn bộ cho sát nghĩa, dễ đọc hơn với các độc giả mà còn được cập nhật thêm những công cụ và ví dụ thực tiễn từ phiên bản nước ngoài mới nhất và có hình ảnh bìa (màu xanh đậm) giống với phiên bản gốc mới nhất.
 
Trích lời giới thiệu của nhà giáo Giản Tư Trung – tác giả sách Đúng Việc (lời giới thiệu chỉ có trong ấn bản tiếng Việt được dịch bởi FranklinCovey Việt Nam):
 
Tên đầy đủ của cuốn sách này, nếu dịch sát nghĩa sẽ là: “7 Thói quen của người có hiệu quả vượt trội”, còn nếu dịch một cách ngắn gọn nhưng vẫn sâu sắc sẽ là “7 Thói quen Hiệu quả”. Gần như Stephen Covey đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về tính hiệu quả của con người, để đi tìm câu trả lời cho ba câu hỏi lớn lao, đó là: “Vì sao con người ta trở nên ít hiệu quả?”, “Điều gì làm cho con người ta trở nên hiệu quả cao?” và “Điều gì tạo nên hiệu quả bền vững?”, và “7 Habits” chính là sự đúc kết sự nghiệp nghiên cứu cả đời của ông cho ba câu hỏi mang tính “muôn đời” đó.
 
Mơ ước của hầu hết mọi người trong đời là trở thành một con người thành công và hạnh phúc bằng chính tài năng và đạo đức của mình. Ở bình diện tổ chức hay các quốc gia cũng vậy. Một tổ chức hay quốc gia càng có nhiều người hướng đến thành công bằng tài năng và đạo đức, tổ chức hay quốc gia đó càng có cơ hội phát triển thịnh vượng và văn minh. Tài năng và đạo đức đã trở thành những phẩm chất được tìm kiếm và tôn vinh hàng đầu trong mọi xã hội và mọi thời đại, và chúng có một mối liên quan chặt chẽ với hiệu quả và hiệu quả bền vững. Cần có tài năng thì mới tạo ra được hiệu quả, cần có đạo đức thì mới tạo ra được hiệu quả bền vững. Và ngược lại, không ai có thể được xem là tài năng nếu không tạo ra hiệu quả, cũng như không ai có thể được coi là có đạo đức nếu như việc tạo ra hiệu quả đó chỉ là nhất thời chứ không mang tính bền vững, bởi lẽ, để tạo ra hiệu quả bền vững thì luôn phải dựa trên nền tảng đạo đức. Vì thế, câu trả lời về “hiệu quả” cũng chính là “lời đáp” cho câu chuyện về tài năng và đạo đức mà nhiều người tìm kiếm, mà lại là một “lời đáp” được đúc kết bằng việc chuyển hóa một hệ thống giá trị ở bên trong để hình thành bản tính thành công bền vững của con người, chứ hoàn toàn không phải là những chiêu trò hay thủ thuật ở bên ngoài.
 
Stephen Covey từng nói rằng, ông không phát minh hay tạo ra “7 Habits”, mà “7 Habits” được đưa ra dựa trên những giá trị phổ quát và những nguyên tắc trường tồn của nhân loại. Chính trong thái độ khiêm nhường đó, ta nhận ra tầm vóc của ông. Vì ông đã tạo ra một cầu nối giữa chúng ta với những tri thức tinh hoa của nhân loại về làm người, về giá trị sống, và nhất là về tính hiệu quả. Thường những tri thức này không phải là thứ dễ tiếp cận, dễ tiếp thu với đại chúng, nhưng bằng việc sắp xếp và tổng hợp chúng trong một hình hài có tính hệ thống và tính ứng dụng cao, ông đã góp phần đưa những tinh hoa tri thức đó đến với công chúng dễ dàng hơn. Và cũng bởi được xây dựng dựa trên những gì phổ quát và trường tồn nên “7 Habits” mới trở thành một nền văn hóa vượt không gian, vượt thời gian, dành cho tất cả mọi người, mọi tổ chức và mọi xứ sở. Bất kỳ ai cài đặt nền văn hóa “7 habits” này vào và sống hàng ngày với nền văn hóa đó, thì dù là một tổng thống, một doanh nhân, một quản lý hay một đầu bếp, một nhân viên… cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn hẳn…
 
3 THÓI QUEN THÀNH CÔNG CÁ NHÂN
 
– THÓI QUEN SỐ 1: Làm chủ Chính mình
Chủ động tập trung và thực hiện những gì có thể kiểm soát thay vì những điều không thể.
 
– THÓI QUEN SỐ 2: Bắt đầu bằng Đích đến
Xác định rõ ràng các tiêu chí đo lường sự thành công và kế hoạch để đạt được những tiêu chí này.
 
– THÓI QUEN SỐ 3: Ưu tiên Điều quan trọng
Sắp xếp ưu tiên và tiến tới những mục tiêu quan trọng nhất, thay vì liên tục phản ứng với những điều cấp bách.
 
3 THÓI QUEN THÀNH CÔNG TẬP THỂ
 
– THÓI QUEN SỐ 4: Tư duy cùng thắng
Hợp tác hiệu quả hơn bằng việc xây dựng các mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng sâu sắc.
 
– THÓI QUEN SỐ 5: Thấu hiểu rồi Được hiểu
Tạo ảnh hưởng tới những người khác bằng việc xây dựng một sự thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu và quan điểm của họ.
 
– THÓI QUEN SỐ 6: Hợp tác cộng sinh
Xây dựng những giải pháp sáng tạo nhằm khai thác sự đa dạng/khác biệt và thỏa mãn các bên liên quan.
 
– THÓI QUEN SỐ 7: Rèn mới bản thân
Thúc đẩy động cơ, năng lượng và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng việc dành thời gian cho các hoạt động làm mới bản thân.
Tác giả: Stephen Covey
Số trang: 470
NXB Tổng hợp TP.HCM
________________________________________
 
Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi của báo chí và độc giả trên khắp thế giới về tác phẩm “7 Thói quen để thành đạt” (hay “7 thói quen hiệu quả” và tác giả Stephen R. Covey.)
 
Chúng tôi xin lược trích và giới thiệu đến các bạn:
Hỏi: Thưa ông Stephen R. Covey, cuốn “7 Thói Quen Để Thành Đạt” đã được xuất bản từ năm 1989. Vậy với những trải nghiệm của ông từ đó đến nay ông có ý định thay đổi, hay thêm bớt gì trong nội dung không?
 
Sự thật tôi sẽ không thay đổi điều gì trong cuốn sách này cả. Tôi đã phân tích sâu hơn và vận dụng rộng rãi hơn những điều đề cập trong cuốn sách bằng một số cuốn sách khác đã được phát hành sau đó.
 
Ví dụ, hơn 250.000 người cho biết Thói quen thứ ba ưu tiên cho điều quan trọng nhất là thói quen bị xem nhẹ nhất. Do vậy, cuốn sách ưu tiên cho điều quan trọng nhất đã được phát hành vào năm 1996. Nó đi sâu vào việc nghiên cứu phân tích các Thói quen 2 và 3, đồng thời bố sung thêm nội dung và minh họa cho tất cả các thói quen khác.
 
Tôi cũng được hàng chục ngàn người cho biết: bằng cách lĩnh hội 7 Thói quen họ đã thấm nhuần và vận dụng hiệu quả ý tưởng biến bản thân trở thành nguồn lực sáng tạo cuộc sống của chính mình. Điều đó cho thấy sức mạnh chuyển biến của các nguyên tắc đối với mọi đối tượng dù là cá nhân, gia đình hay tổ chức và không hề bị giới hạn bởi hoàn cảnh kinh nghiệm sống của cá nhân hay vị thế của tổ chức.
 
Hỏi: Bản thân ông đã học được gì về “7 Thói quen” từ khi cuốn sách được phát hành?
 
Tôi đã học và củng cố được rất nhiều điều. Tôi xin nêu tóm tắt ra đây 10 bài học.
 
1- Tầm quan trọng của việc am tường sự khác nhau giữa nguyên tắc và giá trị. Nguyên tắc là quy luật tự nhiên nằm bên ngoài chúng ta và chi phối mọi hệ quả từ hành động của chúng ta. Còn giá trị nằm bên trong có tính chủ quan là đại diện cho những gì chúng ta cảm nhận là thế mạnh lớn nhất trong việc điều khiển các hành vi của chúng ta. Chúng ta cần xem trọng cả nguyên tắc và giá trị để vừa có được kết quả mong muốn hiện tại vừa có được kết quả tốt hơn trong tương lai tức điều tôi gọi là sự thành đạt. Mỗi người đều có các giá trị của riêng mình. Giá trị chi phối hành vi con người còn nguyên tắc chi phối hệ quả của những hành vi đó. Các nguyên tắc không phụ thuộc vào ý chí, chúng hoạt động bất kể nhận thức của chúng ta về chúng như thế nào bất kể chúng ta có chấp nhận, tin tưởng và tuân theo chúng hay không. Tôi tin rằng sự khiêm tốn là người mẹ của mọi đức hạnh. Sự khiêm tốn cho chúng ta biết không phải chúng ta chi phối hệ quả mà nguyên tắc sẽ làm điều đó. Do đó chúng ta phải tuân theo nguyên tắc. Trong khi đó, sự ngạo mạn lại nói rằng chúng ta chi phối hệ quả và vì giá trị chi phối hành vi của chúng ta nên chúng ta chỉ việc sống theo cách của mình. Chúng ta có thể làm như vậy nhưng hệ quả của hành vi xuất phát từ nguyên tắc chứ không phải từ giá trị. Do vậy chúng ta phải coi trọng các nguyên tắc tự nhiên trong mọi mặt cuộc sống.
 
2- Bản chất phổ quát (universal nature) của các nguyên tắc được thể hiện trong cuốn sách này. Những minh họa và các thực tiễn có thể muôn hình và phong phú về chi tiết văn hóa nhưng nguyên tắc thì giống nhau. Tôi đã phát hiện thấy những nguyên tắc chứa trong 7 thói quen có mặt ở tất cả sáu tôn giáo chính trên thế giới và đã thực sự rút ra những lời trích dẫn từ giáo lý của các tôn giáo đó trong quá trình giảng dạy về các nền văn hóa. Tôi đã làm điều này ớ Trung Đông, Ấn Độ, Châu Á, Úc và Nam Thái Bình Dương, Nam Mỹ, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, những người Mỹ bản xứ và các dân tộc bản địa khác. Tất cá chúng ta, đàn ông cũng như phụ nữ, đều gặp phải những vấn đề giống nhau đều có những nhu cầu giống nhau và phản ánh vào bên trong nội tâm mình những nguyên tắc mà tôi vừa nêu trên đây.
 
Đó là nhận thức bên trong mỗi con người về nguyên tắc của sự công bằng hay nguyên tắc cùng thắng. Đó là nhận thức về tính đạo đức của nguyên tắc tinh thần trách nhiệm, nguyên tắc sống có mục đích, trung thực, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác giao tiếp và tự đổi mới. Đó là những nguyên tắc phổ quát. Nhưng thực tế là không phải như vậy. Mỗi nền văn hóa giải thích các nguyên tắc phổ quát theo những cách thức riêng.
 
3- Tôi đã nhận thấy hệ quả của 7 Thói quen đối với tổ chức, mặc dù về kỹ thuật mà nói một tổ chức không thể có thói quen. Nền văn hóa của một tổ chức chứa đựng những chuẩn mực nội quy hay các quy tắc xã hội những thứ đại diện cho các thói quen. Một tổ chức được xác lập những hệ thống, các quy trình và thủ tục. Những điều này đại diện cho các thói quen. Xét cho cùng, mọi hành vi đều mang dấu ấn cá nhân mặc dù nó thường là một bộ phận của hành vi tập thể dưới dạng các quyết định quản lý về cơ cấu và các hệ thống các quy trình và thông lệ. Chúng tôi đã làm việc với hàng ngàn tổ chức hoạt động trong các ngành nghề khác nhau và nhận thấy rằng họ cũng có các nguyên tắc cơ bản giống như trong việc ứng dụng 7 Thói quen và định nghĩa về sự thành đạt.
 
4- Bạn có thể dạy cả 7 Thói quen bắt đầu bằng bất cứ thói quen nào trong số đó, vì nó chắc chắn sẽ dẫn đến sáu thói quen còn lại. Nó như một bức ảnh toàn ký (hologram) trong đó cái toàn thể có trong cái bộ phận và cái bộ phận có trong cái toàn thể.
 
5- Mặc dù 7 Thói quen đại diện cho cách tiếp cận từ trong ra ngoài (inside-out), nhưng nó lại có kết quả tốt nhất khi bạn bắt đầu bằng thách thức từ bên ngoài và sau đó tiếp cận từ trong ra ngoài. Nói cách khác nếu bạn gặp phải một thách thức về quan hệ, chẳng hạn sự giao tiếp và sự tin cậy lẫn nhau bị phá vỡ thì điều này cho thấy cần có cách tiếp cận từ trong ra ngoài để Thành tích cá nhân có thể dẫn tới Thành tích tập thể nhằm mục đích đối phó với thách thức đó. Đó là lý do vì sao tôi thường dạy các Thói quen 4, 5 và 6 trước khi dạy các Thói quen 1,2 và 3.
 
6- Sự tương thuộc khó gấp 10 lần sự độc lập. Nó đòi hỏi sự độc lập về trí tuệ và tình cảm nhiều hơn để có tư duy cùng thắng khi người khác có tư duy thắng/thua, để cố gắng hiểu người trước khi được người khác thông hiểu, và để tìm ra giải pháp thứ ba tốt hơn. Nói cách khác, để làm việc với người khác thành công bằng con đường hợp tác sáng tạo thì bạn phải có tính độc lập, sự an toàn nội tâm và sự tự chủ rất cao. Nếu không, cái mà chúng ta gọi là sự tương thuộc lại biến thành sự chống phụ thuộc (counter-dependency) nơi người ta chống đối nhau để khẳng định tính độc lập của mỗi bên hoặc là sự đồng phụ thuộc (codependency) nơi người này cần đến sự yếu kém của người khác để thỏa mãn nhu cầu của mình và để biện minh cho sự yếu kém của mình.
 
7- Bạn có thế tóm tắt ba thói quen đầu tiên bằng một cụm từ đơn giản ” hứa và giữ lời hứa ” và bạn cũng có thể tóm tắt ba thói quen sau bằng cụm từ sau khuyến khích người khác cùng tham gia và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu .
 
8- Bảy thói quen đại diện cho một thứ ngôn ngữ mới mặc dù số từ ngữ và thuật ngữ của nó đếm chỉ hơn mười đầu ngón tay. Loại ngôn ngữ mới này trở thành một mật mã, một kiểu tốc ký để nói về rất nhiều chuyện. Khi bạn nói với ai đó “cái đó là khoản gửi vào tài khoản hay rút ra ? “, “Đó là bị động đối phó hay chủ động ?”. “Đó là sự đồng tâm hiệp lực hay là sự thỏa hiệp ?”. “Đó là cùng thắng hay thắng/thua hay thua/thắng ?”. “Đó là ưu tiên cho cái quan trọng nhất hay cho cái kém quan trọng hơn? “. “Điều đó bắt đầu bằng phương tiện hay mục đích?”. Tôi đã nhìn thấy cả những nền văn hóa được chuyển đổi bởi sự hiểu rõ và cam kết đối với những nguyên tắc và các khái niệm được biếu thị bằng những từ ngữ quy ước đặc biệt này.
 
9- Sự chính trực là một giá trị cao hơn sự trung thành. Hay nói đúng hơn chính trực là hình thức cao nhất của sự trung thành. Sự chính trực có nghĩa là hòa nhập vào các nguyên tắc hay lấy nguyên tắc làm trọng tâm chứ không phải lấy con người tổ chức hay thậm chí gia đình làm trọng tâm. Bạn sẽ thấy rằng gốc rễ của mọi vấn đề mà người ta gặp phải là “cái đó có được nhiều người thừa nhận hay có đúng không?”. Khi chúng ta ưu tiên cho việc trung thành với một người hay một nhóm người hơn là làm một việc mà chúng ta cho là đúng, chúng ta sẽ mất đi sự chính trực. Chúng ta có thể tạm thời có được sự thừa nhận của nhiều người hay xây dựng được sự trung thành nhưng về sau việc mất đi sự chính trực sẽ làm hại ngay cả mối quan hệ đó. Điều đó chẳng khác gì nói xấu sau lưng người khác. Người mà bạn tạm thời kết thân được nhờ nói xấu sau lưng người khác sẽ hiểu rằng bạn cũng có thể nói xấu họ khi có những sức ép khác hay trong một hoàn cảnh khác. Xét về một khía cạnh nào đó thì ba thói quen đầu tiên đại diện cho sự chính trực và ba thói quen sau đại diện cho sự trung thành nhưng chúng hoàn toàn gắn bó với nhau và sự chính trực sẽ tạo ra sự trung thành. Nếu bạn định đảo ngược thứ tự và chọn sự trung thành trước bạn sẽ trì hoãn và đánh mất sự chính trực. Được người khác tin cậy tốt hơn được người khác ưa thích. Rút cục, chỉ có sự tin cậy và tôn trọng mới sinh ra tình yêu.
 
10- Sống theo 7 Thói quen là cuộc phấn đấu không ngừng đối với bất cứ ai. Ai cũng có lúc dao động khi thực hiện một thói quen nào đó trong số 7 Thói quen, hoặc thậm chí đồng thời tất cả 7 Thói quen. Điều này đơn giản và dễ hiểu nhưng rất khó thực hiện một cách thường xuyên. Chúng là lẽ thường trong cuộc sống nhưng trên thực tế không phải lẽ thường nào cũng luôn luôn dễ thực hiện.
 
Hỏi: Thói quen nào bản thân ông phải cố gắng nhiều nhất mới có được?
Thói quen thứ năm. Khi tôi thực sự mệt mỏi và cả quyết rằng mình đúng thì tôi không còn muốn lắng nghe nữa, hoặc thậm chí tôi còn giả vờ lắng nghe nữa. Nhìn chung tôi cảm thấy mình có lỗi khi lắng nghe với ý định đối đáp chứ không phải để hiểu người khác. Trên thực tế, tôi rèn luyện hàng ngày với tất cả 7 Thói quen. Tôi chưa chinh phục được thói quen nào cả. Tôi coi nó như các nguyên tắc của cuộc sống mà chúng ta không bao giờ thực sự làm chủ được càng đến gần sự làm chủ nó bao nhiêu chúng ta càng cảm thấy con đường còn phải đi càng xa bấy nhiêu. Nó cũng giống như việc càng biết nhiều, bạn càng cảm thấy mình chưa biết gì cả.
Đó là lý do vì sao tôi thường cho điểm sinh viên đại học 50% theo chất lượng của câu hỏi của họ và 50% ở chất lượng của câu trả lời. Trình độ kiến thức của họ sẽ được biếu lộ tốt hơn theo cách đó.
Tương tự, 7 Thói quen cũng được biểu thị bằng đường xoắn ốc đi lên.
Thói quen 1 ở mức độ cao rất khác với Thói quen 1 ở mức độ thấp hơn. Sự luôn chủ động ở mức độ đầu tiên có thể chỉ là sự nhận biết về khoảng trống giữa kích thích và phản ứng, ở mức độ cao hơn nó có thể bao gồm cả sự lựa chọn như không quay trở lại hay là trả đũa. Mức cao hơn nữa là phản hồi. Mức tiếp theo là tha thứ. Và mức tiếp theo nữa là không còn bực bội về việc đó nữa.
 
Hỏi: Ông là Phó chủ tịch Công ty FranklinCovey. Thế Công ty FranklinCovey có áp dụng 7 Thói quen vào công việc hàng ngày không?
 
Chúng tôi không ngừng sống và làm theo những điều mình truyền đạt cho người khác, đó là những giá trị cơ bản nhất của chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa làm được một cách hoàn hảo. Cũng giống như mọi doanh nghiệp khác chúng tôi bị thách thức bởi sự thay đổi của thị trường và sự liên kết giữa văn hóa của Trung tâm Covey và Franklin Quest trước kia. Cuộc sáp nhập diễn ra vào mùa hè năm 1997.
 
Sự thành công lâu dài của chúng tôi đòi hỏi phải có thời gian sự kiên trì và bền bỉ áp dụng các nguyên tắc. Chụp ảnh nhanh không thể có được hình ảnh chính xác. Máy bay thường bị chệch hướng phần lớn thời gian khi bay nhưng luôn được điều chỉnh trở lại đúng đường và cuối cùng bay đến đích. Điều đó cũng đúng với tất cả chúng ta dù là cá nhân, gia đình hay tổ chức. Điều then chốt là phải luôn luôn có “Mục đích” trong đầu và sự cam kết được chia sẻ để không ngừng có sự phản hồi và điều chỉnh cho đúng con đường đi.
 
Hỏi: Tại sao lại là 7 Thói quen? Mà không phải là 6 hay 8 hay 10 hay 15? Phải chăng số 7 ở đây có ý nghĩa gì thiêng Iiêng?
Chẳng có gì thiêng liêng đối với con số 7 cả, đơn giản chỉ vì có 3 thói quen thuộc phạm trù Thành tích cá nhân (tự do lựa chọn, lựa chọn, hành động) đi trước 3 thói quen thuộc phạm trù Thành tích tập thể (tôn trọng, thấu hiểu, sáng tạo) và sau đó thêm một cái nữa là đổi mới. Tất cả các thói quen đó thành ra là con số 7.
 
Khi được hỏi về câu này, tôi luôn luôn trả lời rằng nếu có đặc tính khác mà bạn muốn cho nó trở thành thói quen thì bạn chỉ cần đưa nó vào Thói quen thứ hai như một trong những giá trị mà bạn đang cố gắng để sống theo nó. Nói cách khác nếu bạn muốn “luôn đúng giờ thành một thói quen thì đó sẽ là một trong những giá trị của Thói quen thứ hai. Thói quen thứ hai nói về những sự lựa chọn hay giá trị đó là gì và Thói quen thứ ba nói về việc sống theo những giá trị đó. Do vậy mà chúng rất cơ bản có tính chất chung nhất và quan hệ mật thiết với nhau. Sự thật là khi viết Lời kết cho lần xuất bản mới nhất quyển sách này, tôi vừa hoàn thành cuốn sách mới: “Thói quen thứ 8: Từ thành đạt đến vĩ đại ” (The 8th Habit: From Effectiveness to Greatness). Một số người cho rằng gọi nó là Thói quen thứ 8 có vẻ như đã đi lệch khỏi ý kiến trả lời chuẩn mực của tôi. Nhưng như các bạn thấy ở chương Mở đầu của cuốn sách mới, thế giới đã thay đổi sâu sắc từ khi cuốn sách “7 Thói Quen Để Thành Đạt” xuất bản năm 1989. Những thách thức và tính chất phức tạp mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống riêng, trong các mối quan hệ trong nghề nghiệp chuyên môn và trong các tổ chức là rất khác về mức độ so với trước. Trong thực tế, nhiều người lấy mốc năm 1989 – năm chứng kiến sự sụp đổ của bức tường Berlin – như sự bắt đầu của Thời đại Tin học, sự ra đời của một thực tại mới, một đại dương mênh mông những thay đổi với những ý nghĩa không thế tin nổi… một thời đại thực sự mới mẻ.
 
Sự thành đạt của cá nhân và tổ chức như trước không còn đủ cho thế giới ngày nay – đó là cái giá phải trả để bước vào một sân chơi mới. Nhưng để tồn tại, thịnh vượng, sáng tạo, hoàn thiện và dẫn đầu trong một thực tại mới mẻ này chúng ta phải xây dựng và vượt xa hơn sự thành đạt. Lời kêu gọi và đòi hỏi của thời đại mới là sự thoải mái. Đó là sự giác quan nồng nhiệt, sự cống hiến đầy ý nghĩa và sự vĩ đại. Những điều này thuộc một mặt bằng. một bình diện cao hơn. Nó cũng là sự thành công nhưng khác về tính chất chứ không phải mức độ. Để có thể đạt đến một trình độ cao hơn của trí tuệ và động cơ của con người – cái mà chúng ta gọi là tiếng nói – đòi hỏi phải có một nếp nghĩ mới, kỹ năng mới, công cụ mới… một Thói quen mới.
 
Do vậy Thói quen thứ tám không nói về việc cộng thêm một thói quen nữa vào 7 Thói quen đã biết mà là nói về việc nhận ra và khai thác sức mạnh của một chiều thứ ba (a third dimension) vào 7 Thói quen để đáp ứng thách thức trọng tâm của Kỷ nguyên Lao động Tri thức.
 
Hỏi: Danh tiếng của ông ảnh hưởng đến ông như thế nào?
Nó có ảnh hưởng đến tôi trong nhiều mặt. Từ góc độ cá nhân, thì đó là sự đề cao. Từ góc độ sư phạm đó là sự khiêm tốn nhưng tôi cần phải nhấn mạnh rằng tôi không phải là tác giả của bất kỳ nguyên tắc nào ở đây và tuyệt đối không xứng đáng với mọi sự công nhận nào như vậy. Tôi nói như vậy bởi tôi coi bản thân mình cũng như tất cả các bạn – là một người đi tìm chân lý sự hiểu biết. Tôi không phải là một nhà thông thạo tôi không thích người ta gọi tôi là nhà thông thái. Tôi không muốn có môn đệ. Tôi chỉ cố gắng quảng bá sự tuân theo những nguyên tắc đã có sẵn trong tâm hồn của con người, những nguyên tắc nói rằng người ta cần sống thực với lương tâm của mình.
Hỏi: Nếu được làm lại lần nữa, ông có làm khác đi với tư cách là một doanh nhân?
 
Tôi sẽ lựa chọn, tuyển dụng nhân sự một cách có chiến lược và luôn chủ động. Khi bạn đang bị chôn vùi vào hàng ngàn công việc khẩn cấp và bận rộn, bạn rất dễ đưa những người tỏ ra có sẵn giải pháp trong tay vào những vị trí then chốt. Xu hướng thường thấy là khi đi sâu vào quá trình và tính cách con người, nhiều người không có “sự quan tâm đầy đủ” đến vấn đề đó, hay không xây dựng các tiêu chuẩn cần phải đáp ứng cho từng cương vị cụ thể. Tôi tin rằng khi việc tuyển dụng và lựa chọn được thực hiện một cách có chiến lược, tức là có tư duy lâu dài và luôn chủ động, không phải dựa vào sức ép nhất thời, sẽ đem lại lợi ích to lớn về sau. Có ai đó từng nói rằng “Điều chúng ta đang mong muốn nhất chính là điều chúng ta dễ tin nhất”. Bạn thực sự cần phải nhìn sâu vào cả tính cách lẫn năng lực vì cuối cùng, thì những sự khiếm khuyết dù ở mặt nào cũng sẽ bộc lộ ra. Và nên nhớ rằng, đào tạo và bồi dưỡng là quan trọng nhưng việc tuyển dụng và lựa chọn còn quan trọng hơn.
 
Hỏi: Nếu được làm lại lần nữa, ông có làm khác đi với tư cách là người cha?
 
Với tư cách là một người cha, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để xây dựng những thỏa thuận cùng thắng nhẹ nhàng, thoải mái với từng đứa con của mình ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời chúng. Do công việc kinh doanh và thường xuyên đi công tác, tôi thường chiều chuộng con mình và chọn giải pháp thua/thắng quá nhiều thay vì dành thời gian và công sức xây dựng mối quan hệ thông qua sự thỏa thuận cùng thắng thường xuyên hơn.
Hỏi: Công nghệ mới sẽ làm thay đổi việc kinh doanh như thế nào trong tương lai?
 
Tôi đồng ý với tuyên bố của Stan Davis rằng “Khi cơ sở hạ tầng thay đổi mọi thứ sẽ rung chuyển”, và tôi nghĩ cơ sở hạ tầng kỹ thuật là trung tâm của mọi thứ. Nó sẽ làm tăng tốc độ của mọi xu thế, cả tốt lẫn xấu. Tôi cho rằng vì lý do này mà yếu tố con người trở nên càng quan trọng hơn. Công nghệ cao mà không có nguồn nhân lực tương xứng sẽ chẳng mang lại kết quả gì và công nghệ càng có ảnh hưởng bao nhiêu thì yếu tố con người – ở việc kiểm soát công nghệ đó càng quan trọng bấy nhiêu, đặc biệt trong việc phát triển sự cam kết về mặt văn hóa đối với các tiêu chuẩn sử dụng công nghệ đó.
Hỏi: Ông có ngạc nhiên hay sửng sốt trước tính phổ biến của 7 Thói quen (ở các nước khác nhau/các nền văn hóa khác nhau/tuối tác và giới tính khác nhau)?
 
Vừa có vừa không. Có bởi vì tôi không ngờ là nó trở thành hiện tượng trên thế giới và có rất ít từ ngữ mang tính chất thuần Mỹ. Và không, bởi vì cuốn sách đã qua thử thách trong hơn 25 năm qua, kết quả trước hết của nó được dựa trên các nguyên tắc không phải do tôi phát minh ra và cũng không phải công lao của tôi.
 
Hỏi: Ông sẽ giảng dạy 7 Thói quen cho các em nhỏ như thế nào?
 
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ tuân theo ba quy tắc cơ bản của Albert Schweitzer trong việc dạy dỗ trẻ con: Thứ nhất làm gương; thứ hai làm gương; thứ ba làm gương. Nhưng tôi sẽ không đi xa đến mức đó. Tôi muốn nói rằng thứ nhất là làm gương; thứ hai, xây dựng mối quan hệ có sự quan tâm và khuyến khích; và thứ ba, dạy một số ý tưởng cơ bản trên cơ sớ các thói quen theo ngôn ngữ của trẻ em – giúp chúng có được sự hiểu biết cơ bản và từ vựng của 7 Thói quen chỉ dẫn chúng cách làm thế nào để có được những sự trải nghiệm của chính mình thông qua các nguyên tắc; để chúng xác định những nguyên tắc và thói quen cụ thể nào đang được thể hiện trong cuộc sống của chúng.
 
Hỏi: Sếp tôi (vợ/chồng, con cái, bạn bè v.v.) thực sự cần có 7 Thói quen? Theo ông, tôi phải làm thế nào để họ đọc cuốn sách này?
 
Người ta không cần quan tâm bạn biết những gì cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến họ. Hãy xây dựng mối quan hệ tin cậy và cởi mở dựa trên cơ sở một biểu hiện của tính cách đáng tin cậy và sau đó chia sẻ với họ rằng 7 Thói quen đã giúp bạn như thế nào. Đơn giản là bạn cho họ thấy 7 Thói quen qua hành động của bạn. Đến lúc thích hợp, bạn có thể mời họ tham gia vào một chương trình huấn luyện hay gửi tặng cuốn sách làm quà hay phổ biến cho họ một số ý tưởng cơ bản khi hoàn cảnh cho phép.
 
Hỏi: Ông có thể nói chút ít về kinh nghiệm bản thân và điều gì làm ông viết ra cuốn sách này?
Mọi người ngầm hiểu rằng tôi sẽ nối nghiệp cha tôi là sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, tôi lại thấy mình thích dạy học và huấn luyện các nhà quản lý hơn là làm kinh doanh. Tôi trở nên quan tâm sâu sắc và tập trung vào khía cạnh con người của tổ chức khi tôi làm việc tại Khoa Kinh doanh Đại học Harvard. Sau đó, tôi dạy các môn kinh doanh, tư vấn, cố vấn và huấn luyện nhiều năm tại trường Brigham Young University, tôi chú ý đến việc xây dựng các Chương trình phát triển nhân sự liên kết giữa lãnh đạo và quản lý dựa vào tập hợp các nguyên tắc có tuần tự và cân bằng. Những điều này cuối cùng dẫn đến 7 Thói quen và khi áp dụng vào tổ chức nó phát triển trở thành khái niệm lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Tôi quyết định rời khỏi trường đại học và tập trung thời gian vào việc huấn luyện các nhà quản lý từ nhiều tổ chức khác nhau. Sau một năm thực hiện theo chương trình đào tạo đã được chuẩn bị kỹ thì xuất hiện cơ hội kinh doanh cho phép chúng tôi đưa chương trình này ra khắp thế giới.
 
Hỏi: Ông nghĩ sao về việc có người cho rằng họ biết công thức đích thực của thành công?
 
Tôi muốn nói hai điều. Thứ nhất, nếu điều họ nói được dựa trên các nguyên tắc hay các quy luật tự nhiên, thì tôi muốn học hỏi họ và khen ngợi họ. Thứ hai, tôi muốn nói có thể chúng ta đang dùng những từ ngữ khác nhau để diễn tả các nguyên tắc cơ bản hay quy luật tự nhiên giống nhau.
Trích từ nguồn: Chungta.com

Bình luận

[…] dịch: Chiến tranh Nghệ thuật) và The 7 Habits of Highly Effective People (tạm dịch: 7 thói quen hiệu quả). Thêm vào đó, tôi đã thử nghiệm nhiều chiến thuật đa dạng với hy vọng […]


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH