THÀNH TỰU CỦA MILAREPA – ĐẠI THIỀN GIẢ MỘT ĐỜI THÀNH PHẬT CỦA TÂY TẠNG

MILAREPA

Trong thời gian khi những lời này được hoàn thành, có một lama rất giàu và rất có ảnh hưởng là Geshe Tsakpuhwa sống ở Drin. Ban đầu, ông tỏ ra tôn kính Đạo sư. Nhưng về sau, gục ngã bởi ganh tỵ và muốn làm bối rối Đạo sư trước đám đông thí chủ của Ngài, ông giả vờ có những nghi vấn về Pháp và hỏi Ngài nhiều câu hỏi.

Trong tháng đầu tiên của mùa thu năm con Cọp Mộc, Đạo sư được mời đến chủ tọa ở một tiệc cưới ở Drin. Geshe Tsakpuhwa cũng đến dự. Ông lễ lạy, hy vọng Đạo sư đáp lễ lạy trước đám đông tề tựu. Đạo sư không hề lễ lạy trước người nào, cũng không lạy đáp lễ chỉ trừ với lama của Ngài. Và theo thói quen Ngài không lạy trả.

Vị Geshe nghĩ, “Chà! Một vị Thầy học thức như ta đã thi lễ với một kẻ dốt nát ngu đần vậy mà không được đáp lễ! Ta bắt ông ta phải trả giá cho sự mất mặt này”. Và cầm một bản văn về luận lý học Phật giáo, ông nói, “Đạo sư, mong Ngài tốt lòng xóa sạch sự mù mờ của tôi và giải thích điều này cho tôi theo từng chữ.”

Đạo sư trả lời, “Ông biết rất rõ ý nghĩa theo ý niệm của bản văn này. Nhưng ý nghĩa tâm linh thật sự chỉ tìm ra được khi buông bỏ Tám Phản Ứng Thế Gian và bản ngã, qua sự hủy diệt những tri giác sai lầm về thực tại bằng cách chứng ngộ một vị nhất như của sanh tử và niết bàn, và qua thiền định trong đơn độc núi non. Ngoài việc ấy ra, biện luận trên ngôn từ suy đoán văn mạch là hoàn toàn vô ích nếu người ta không thực hành Pháp. Tôi không bao giờ học lý luận. Tôi không biết gì về nó và nếu tôi đã học, thì bây giờ tôi cũng đã quên mất rồi. Tôi sẽ nói với ông tại sao. Hãy nghe bài ca này:

“Con lễ lạy trước Marpa Dịch Giả,
Xin Ngài ban phước và giữ cho con ở ngoài tranh luận.

Ân sủng của lama thấm nhuần tâm tôi,
Tôi không bao giờ bị những phóng dật hàng phục.

Đã thiền định về từ và bi,
Tôi đã quên mất sự khác biệt giữa mình và người khác.

Đã thiền định về lama tôn quý của tôi,
Tôi đã quên mất ai là người thanh danh quyền lực.

Đã thiền định thường trực về yidam bổn tôn,
Tôi đã quên mất thế giới thô trược của những giác quan.

Đã thiền định về giáo huấn của truyền thống bí mật,
Tôi đã quên mất những sách vở biện chứng.

Đã an trú trong tánh Giác trinh nguyên,
Tôi đã quên mất những ảo tưởng của vô minh sanh tử.

Đã thiền định về bản tánh của tâm thức là Ba thân,
Tôi đã quên mất tất cả mọi mong cầu và sợ hãi.

Đã thiền định về bản tánh của đời này và đời sau,
Tôi đã quên mất nỗi sợ về sanh và tử.

Đã nếm những niềm vui của đơn độc,
Tôi đã quên mất nhu cầu làm vừa lòng bè bạn họ hàng.

Đã hội nhập giáo pháp vào dòng tâm thức,
Tôi đã quên mất việc dấn mình vào những cuộc luận chiến giáo điều.

Đã thiền định về cái không sanh, không diệt và không trụ,
Tôi chẳng còn quan tâm gì đến mọi tướng hình quy ước.

Đã thiền định về những hiện tượng như là Pháp thân,
Tôi đã quên mất tất cả mọi hình thức thiền định.

Đã an trụ trong trạng thái tự nhiên không thoái hóa,
Tôi đã quên mất những kiểu cách đạo đức giả vờ.

Đã sống trong khiêm hạ đơn sơ của thân và tâm,
Tôi đã quên mất sự kiêu mạn và khinh thường của người vĩ đại.

Đã xây dựng một ngôi chùa không hình tướng trong thân,
Tôi đã quên mất ngôi chùa bằng gạch đá ở bên ngoài.

Đã dung nhiếp tinh túy nội dung hơn là câu, chữ
Tôi đã quên mất làm thế nào để giỡn cợt bằng ngôn từ.

Vì ông là một Đạo sư, hãy tự mình giải thích văn bản.”

Ngài nói như thế.

BẢN DỊCH MỚI TỪ TIẾNG TÂY TẠNG BỞI LOBSANG P. HALUNGPA, THIỆN TRI THỨC, 2000.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT BÀI CA CHỨNG NGỘ CỦA NGÀI MILAREPA
  2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ TRONG PHÁP
  3. CỨU ĐỘ NGƯỜI CHẾT

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH