NGHIỆP

HH. DALAI LAMA XIV

Trần Tuấn Mẫn Dịch, NXB Phương Đông, năm 2012.

[ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA TẠI HAVARD]

Nghiệp được tích tập như thế nào qua sức mạnh của những tình thức gây phiền não? Một cách vắn tắt, các nghiệp bất thiện được tích tập qua sức mạnh của tham dục và sân hận. Căn rễ của tham dục và sân hận là si muội (vô minh). Vì trường phái Duy hậu quả được xem là đứng đầu do có nhiều lập luận, tôi sẽ nói về si muội (vô minh) từ quan điểm của trường phái này.

Do duyên từ thời vô thỉ, chúng ta đã quan niệm rằng các tập hợp tâm lý và vật lý (ngũ uẩn) là hiện hữu cố hữu. Vì, bất kể hiện tượng xuất hiện như thế nào, chúng ta đều vẫn cho rằng nó được xác lập một cách cố hữu – được xác lập từ phía của chính nó. Các tập hợp của tâm lý và vật lý có vẻ như hiện hữu cố hữu và chúng ta tin nhận sự xuất hiện này.

Trong sự phân chia các hiện tượng thành những người hay những hiện tượng khác, các quan niệm cho rằng các tập hợp tâm lý và vật lý được xác lập thực sự, được gọi là quan niệm của một cái ngã của hiện tượng (pháp ngã). Các tập hợp tâm lý và vật lý là những đối tượng được sử dụng và sử dụng chúng là cái Tôi được xác định tùy thuộc vào các tập hợp tâm lý và vật lý. Khi chúng ta quan niệm rằng các tập hợp tâm lý và vật lý, mà tùy thuộc vào đó cái Tôi được xác lập, là hiện hữu cố hữu, thì chúng ta cũng quan niệm rằng cái Tôi vốn được xác định tùy thuộc vào chúng là hiện hữu cố hữu.

Và như ngài Tha nói trong cuốn Bình luận về “Nhận thức có giá trị” [của ngài Trần Na] (Pratnanasamuccaya Pramanavarttikakarika):

  1. Khi một cái ngã hiện hữu, thì cái khác ngã bị phân biệt.
  2. Khi ngã và cái khác ngã đã hình thành, thì có sự chấp trước và sân hận.

Một khi có cảm nhận về một cái Tôi hiện hữu ổn cố, rõ ràng, đáng tin cậy, thì có sự phân biệt một cái khác tôi – một khi có “Tôi” thì cũng có “Bạn” – từ đó có sự chấp trước với phía của chính mình và nóng giận đối với phía kia. Như ngài Nguyệt Xứng nói trong cuốn Thích Lượng Luận (Giải thích thêm về cuốn Trung quán luận của ngài Long Thọ Pramanavarttikakarika):

  1. Đảnh lễ lòng từ bi ấy đối với các chúng sinh luân hồi.
  2. Không có năng lực, giống như chiếc gàu di chuyển trong giếng nước.
  3. Do khởi đầu gắn chặt vào một cái tôi.
  4. Rồi sinh khởi sự chấp trước các sự vật: “Đây là của Tôi”.

Các chúng sinh luân hồi trước hết quan niệm một cái Tôi thực sự hiện hữu, rồi tùy thuộc vào nó mà quan niệm một cái của tôi thực sự hiện hữu. Do sức mạnh của những thứ như thế, chúng sinh lang thang trong cõi luân hồi, giống như một chiếc gàu không có sức để lên xuống trong một cái giếng.

Do như thế, chừng nào người ta còn chưa nhìn thấy được cái bản chất của các hiện tượng thì người ta còn quan niệm các hiện tượng hiện hữu từ phía của chính mình, cố hữu, từ đó mà tham dục, sân hận được khởi sinh và các nghiệp được tích tập. Tuy nhiên, một khi người ta đã trực tiếp nhận thấy sự thật rằng không hề có sự hiện hữu cố hữu, thì từ lúc ấy trở đi, dù người ta có thể đã tích tập các nghiệp bất thiện, người ta cũng sẽ không tích tập thêm nghiệp mới nào đẩy đưa người ta vào đời sống trong cõi luân hồi. Do đó, những người mới tích tập các nghiệp khiến họ bị đẩy vào cõi luân hồi là những chúng sinh bình thường được xếp loại từ các Bồ – Tát trên cấp độ các tính chất đời thường cao vời (Thế đệ nhất pháp, Laukikagradharma) của con đường chuẩn bị, xuống cho đến tất cả các chúng sinh bình thường khác.

Về thể cách tích tập các nghiệp thúc đẩy các đời sống trong cõi luân hồi, căn bản có hai loại là tích tập nghiệp vì cảm giác vui thích (lạc thọ) và vì các cảm giác trung tính (cảm giác không vui không khổ, bất khổ bất lạc thọ). Về loại thứ nhất thì lại có hai loại, (1) tích tập nghiệp vì các cảm giác vui thích (lạc thọ) khởi lên do quan hệ hướng ngoại với những tính chấp hấp dẫn của cõi Dục, như hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon và những đối tượng xúc chạm (sắc, thanh, hương, vị, xúc) được ưa thích, và (2) tích tập nghiệp vì các cảm giác vui thích khởi lên từ sự việc đã vượt khỏi những lạc thú bên ngoài nhưng vẫn còn bị hấp dẫn bởi những cảm giác thích thú bên trong thuộc thiền định. Loại thứ hai – tích tập nghiệp vì những lạc thú trực tiếp bên ngoài, đến lượt nó có hai loại, (1) tích tập nghiệp chủ yếu vì những lạc thú trong đời sống này cho đến khi chết, đây là những nghiệp bất thiện, và (2) tích tập các nghiệp chủ yếu hướng về những lạc thú trong các đời sống tương lai, đây là những nghiệp thiện.

Các nghiệp được tích tập vì lạc thú bên trong, do đã thắng vượt sự hấp dẫn của các lạc thú bên ngoài nhưng vẫn bị ràng buộc với những lạc thú sinh khởi cùng với thiền định nội quán, liên quan với ba định đầu tiên. Đây được gọi là các nghiệp được tích tập do loại bỏ ngay cả những lạc thú như thế trong thiền định và trong sự tìm kiếm những lạc thú trung tính, là những nghiệp ổn định được phối hợp với định thứ tư và bốn loại quán tưởng thuộc vô sắc. Tuy vậy, nếu do sự hiểu được sự trình bày này, bạn phát triển sự từ bỏ tất cả các loại thuộc cõi luân hồi ấy, và tích tập các nghiệp về hạnh phúc thường hằng, thì các nghiệp này sẽ mang lại giải thoát khỏi cõi luân hồi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN