NGHỆ THUẬT THẤY

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Đánh Thức Trí Thông Minh; Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB. Thiện Tri Thức

⚡ Thấy, không phải từng phần mà toàn phần. “Hành động thấy là chân lý duy nhất.” Chỉ một phần mảnh của tâm bao la được dùng. Ảnh hưởng phần mảnh của văn hóa, truyền thống. “Sống trong một góc nhỏ của một trường méo mó.” “Bạn không thể thấu hiểu qua một phần mảnh.”

Giải thoát khỏi “góc nhỏ”. Cái đẹp của thấy.

⚡ Hôm trước chúng ta nói đến quan sát là rất quan trọng như thế nào. Đó hoàn toàn là một nghệ thuật mà người ta phải đặt nhiều chú ý. Chúng ta chỉ thấy rất từng phần, thiên lệch, chúng ta không bao giờ thấy cái gì trọn vẹn, với toàn thể tâm chúng ta, hay với sự đầy đủ lòng chúng ta. Và trừ phi chúng ta học nghệ thuật phi thường này, tôi thấy hình như chúng ta sẽ hoạt động, sống, bằng một phần rất nhỏ của tâm thức, bằng một mảng nhỏ của bộ óc. Chúng ta chưa hề thấy cái gì trọn vẹn, vì nhiều lý do, bởi vì chúng ta quá quan tâm đến những vấn đề của chúng ta, hay chúng ta quá bị quy định, quá chất nặng đức tin, truyền thống, quá khứ, đến độ những cái ấy ngăn cản chúng ta thấy hay nghe. Chúng ta không bao giờ thấy một cái cây, chúng ta thấy cái cây qua hình ảnh chúng ta có về nó, quan niệm về nó; nhưng quan niệm, kiến thức, kinh nghiệm, thì hoàn toàn khác với cái cây thực. Ở đây những cây lớn bao quanh, và nếu các bạn nhìn quanh, khi diễn giả nói về chủ đề thấy, nếu các bạn thực sự nhìn, các bạn sẽ thấy khó khăn cực kỳ như thế nào để thấy nó trọn vẹn, mà không có hình ảnh, không màn ảnh, chặn giữa sự thấy và sự kiện thực sự. Xin hãy làm điều này, chớ nhìn tôi – hãy nhìn vào cái cây, tìm ra liệu bạn có nhìn nó trọn vẹn hay không. Trọn vẹn tôi hiểu là với toàn thể tâm thức và lòng mình, không phải một phần mảnh của nó, bởi vì điều chúng ta thâm nhập chiều nay đòi hỏi quan sát như vậy, thấy như vậy. Trừ phi bạn thực sự làm điều này (không lý thuyết hóa, trí thức hóa hay nêu lên những giải pháp không phù hợp), tôi e rằng bạn sẽ không thể theo sát điều chúng ta sắp cùng nhau thâm nhập.

Chúng ta không bao giờ thấy, hay thực sự nghe, điều người khác đang nói; chúng ta hoặc xúc cảm, tình cảm hay quá trí thức – điều này rõ ràng ngăn chúng ta thực sự thấy màu sắc, cái đẹp của ánh sáng, những cái cây, chim chóc và nghe những con quạ kia; chúng ta không hề tương quan trực tiếp với bất kỳ cái nào trong những cái ấy. Và tôi rất nghi ngờ hình như chúng ta không tương quan với bất cứ cái gì, thậm chí với chính những ý nghĩ, tư tưởng, động cơ, cảm tưởng của chúng ta; luôn luôn có hình ảnh nó đang quan sát, dù khi chúng ta tự quan sát mình.

Thế nên rất quan trọng cần hiểu rằng hành động thấy là chân lý duy nhất; không có cái gì khác. Nếu tôi biết làm sao để thấy một cái cây, một con chim, một khuôn mặt thân mến, hay một nụ cười của trẻ nhỏ – nó ở đây, tôi không phải làm điều gì nữa. Nhưng sự thấy con chim, cái lá, nghe tiến ồn ào của những con chim, trở nên hầu như không thể bởi vì hình ảnh người ta xây dựng nên, không chỉ về thiên nhiên mà còn về những người khác. Và quả thật, những hình ảnh này đã ngăn cản chúng ta thấy và cảm nhận; cảm nhận hoàn toàn khác với tính tình cảm và xúc cảm.

Và như chúng ta đã nói, chúng ta thấy mọi sự một cách manh mún và chúng ta từ nhỏ đã được huấn luyện để nhìn, quan sát, học, sống trong một phần mảnh. Và có một khoảng bao la của tâm thức chúng ta chưa từng tiếp xúc hay biết; tâm ấy thì bao la, vô lượng, nhưng chúng ta chưa bao giờ tiếp xúc với nó, chúng ta không biết tính chất của nó bởi vì chúng ta chưa bao giờ nhìn một cái gì trọn vẹn, với toàn thể tâm thức chúng ta, lòng chúng ta, hệ thống thần kinh, mắt, tai của chúng ta. Với chúng ta, lời chữ, quan niệm là cực kỳ quan trọng, chứ không phải việc thấy và làm. Nhưng có quan niệm, nó là một đức tin, một ý niệm, sống theo quan niệm như vậy sẽ ngăn cản chúng ta thực sự thấy, thực sự làm; và do đó chúng ta nói chúng ta có những vấn nạn rắc rối trong hành động, làm cái gì hay không làm cái gì, và xung đột sanh khởi giữa hành vi và quan niệm.

Xin hãy quan sát điều tôi đang nói, không chỉ nghe những lời của diễn giả, mà tự quan sát các bạn, dùng diễn giả như một tấm kiếng trong đó các bạn có thể thấy chính mình. Điều diễn giả nói rất ít quan trọng, và chính diễn giả thì chẳng quan trọng gì cả, nhưng cái gì bạn thu thập từ tự quan sát mình thì quan trọng. Sở dĩ như vậy bởi vì phải có một cuộc cách mạng toàn triệt, một thay đổi trọn vẹn trong tâm thức chúng ta, trong cách sống, cảm nhận, trong những hoạt động của đời sống hàng ngày của chúng ta. Và một cuộc cách mạng căn cơ, sâu xa như vậy chỉ có thể được khi chúng ta biết cách nhìn; bởi vì khi bạn nhìn, bạn không chỉ nhìn bằng hai mắt mà còn nhìn với tâm bạn. Tôi không biết bạn có lái xe bao giờ chưa; nếu có, bạn không chỉ tỉnh giác bằng mắt chiếc xe đang tiến gần, mà tâm bạn còn xem chừng xe đến khúc quanh, con đường bên, những chiếc xe đến và đi. Và sự thấy này không chỉ là thấy qua mắt và thần kinh, mà còn thấy với lòng bạn, với tâm thức bạn, và bạn không thể thấy trọn vẹn như thế này nếu bạn đang sống, vận hành, suy nghĩ, hành động trong một phần mảnh của tâm thức toàn diện.

Hãy nhìn điều gì đang xảy ra trong thế giới – chúng ta bị quy định bởi xã hội, bởi văn hóa chung quanh, và văn hóa ấy là sản phẩm của con người – không có cái gì thiêng liêng và vĩnh cửu về văn hóa. Văn hóa, xã hội, sách, ra đi ô, mọi cái chúng ta nghe và thấy, nhiều ảnh hưởng chúng ta ý thức được hay không, tất cả những cái đó khuyến khích chúng ta sống trong một phần mảnh rất nhỏ của trường bao la của tâm. Bạn đến trường và học một kỹ thuật để kiếm sống; trong bốn hay năm mươi năm bạn tiêu dùng cuộc đời bạn, thời gian, năng lượng, tư tưởng của bạn trong mảnh đất nhỏ bé của sự chuyên môn hóa ấy. Và có trường bao la, vũ trụ bao la của tâm thức. Trừ phi chúng ta đem lại một thay đổi tận gốc trong sự phân mảnh này, còn không thì chẳng có cách mạng nào cả; sẽ chỉ có những đổi dạng về kinh tế, xã hội, và cái gọi là văn hóa nhưng con người tiếp tục khổ đau, tiếp tục xung đột, chiến tranh, thống khổ, phiền não và thất vọng.

Bị thôi miên là tuân thủ trọn vẹn, làm việc theo tư tưởng của người khác, mất hết tự chủ. Ngày nay văn hóa và xã hội đang làm đúng điều đó với mỗi chúng ta. Văn hóa và xã hội đã thôi miên chúng ta. Xin hãy nghe rất cẩn thận, sự thôi miên không chỉ ở những nơi đặc biệt, mà được làm trên toàn thế giới. Khi bạn đọc kinh Gita không ngừng hay kinh Koran, hay lập lại những lời nào đó, bạn đang làm đúng điều đó. Khi bạn nói, “Tôi là một người Ấn giáo”, “Tôi là một người Phật giáo”, “Tôi là một người Hồi giáo”, “Tôi là một người Thiên Chúa giáo”, cùng cái khuôn khổ ấy được lập lại, bạn bị đánh hơi mê, bị thôi miên; và kỹ thuật đang làm đúng cùng một điều đó. Bạn có thể là một luật sư sáng trí, một kỹ sư hạng nhất, hay một nghệ sĩ, hay một nhà khoa học vĩ đại, nhưng luôn luôn ở trong một phần mảnh của cái toàn thể. Tôi không biết bạn có thấy điều này không, không phải bởi vì tôi diễn tả nó, mà thực sự thấy cái đang xảy ra. Những người Cộng sản đang làm điều ấy, những người Tư bản đang làm điều ấy, mọi người, cha mẹ, trường học, giáo dục, họ đều đang thành hình cho tâm thức để vận hành trong một khuôn khổ nào đó. Và chúng ta luôn luôn quan tâm đến việc đem lại thay đổi trong khuôn khổ, trong phần mảnh.

Thế thì, thực hiện điều này thế nào, không phải về mặt lý thuyết, không phải như một ý tưởng, mà thấy sự thực của nó – bạn có thấu hiểu, có thấy cái hiện thực? Cái hiện thực là cái xảy ra mỗi ngày và được nói đến trong báo chí, bởi những nhà chính trị, qua văn hóa và truyền thống, trong gia đình, làm cho bạn tự gọi mình là người Ấn, hay bất cứ cái gì bạn nghĩ rằng bạn là. Bấy giờ khi bạn thấy, bạn phải tự hỏi chính bạn (tôi chắc bạn sẽ tự hỏi nếu bạn thấy điều đó) và đó là tại sao rất quan trọng cần hiểu bạn thấy như thế nào. Nếu bạn thực sự thấy nó, bấy giờ câu hỏi sẽ là, “Làm sao toàn bộ tâm thức có thể hoạt động?” (Tôi không nói đến cái phần mảnh, không phải cái tâm thức bị điều kiện hóa, cũng không phải cái tâm thức được giáo dục, tinh tế, cái tâm thức sợ hãi nói, “có Thượng Đế” hay “không có Thượng Đế”, “có gia đình tôi, gia đình bạn, quốc gia tôi, quốc gia bạn.”) Bấy giờ bạn sẽ hỏi, “Toàn thể tâm thức này là thế nào, làm sao nó có thể vận hành toàn bộ, dù khi đang học một kỹ thuật?” Dù phải học một kỹ thuật và sống trong một liên hệ với những người khác, trong xã hội vô trật tự hiện thời – khi mang điều này trong tâm thức, người ta phải hỏi câu hỏi này, một câu hỏi nền tảng: “Làm sao toàn thể tâm thức này được hoàn toàn nhạy cảm, để cho thậm chí phần mảnh cũng trở nên nhạy cảm?” Tôi không biết bạn có hiểu câu hỏi của tôi không, chúng ta sẽ đi đến theo một cách khác.

Vào lúc này chúng ta không nhạy cảm; có những điểm trong trường tâm thức này là nhạy cảm, nhạy cảm khi nhân cách, phong cách riêng của chúng ta, hay những lạc thú riêng của chúng ta bị bác bỏ – bấy giờ có một cuộc chiến. Chúng ta nhạy cảm trong từng phần mảnh, trong những điểm, nhưng chúng ta không nhạy cảm trọn vẹn; thế thì câu hỏi là, “Làm sao cái phân mảnh, nó là phần của cái toàn thể, nó đang cùn lụt bằng sự lặp lại mỗi ngày, làm sao cái phần mảnh ấy cũng được nhạy cảm như cái toàn thể?” Câu hỏi này khá rõ chứ?

Có lẽ đây là một câu hỏi mới với bạn, hầu như bạn chưa bao giờ tự hỏi mình câu đó. Bởi vì chúng ta đều hài lòng sống với ít rắc rối và xung đột càng tốt, trong phần nhỏ ấy của trường đời sống chúng ta, đánh giá văn hóa hay lạ của phần nhỏ ấy đối nghịch với những văn hóa khác, Tây phương hay cái nào khác. Thậm chí chúng ta không biết hàm ý của sự việc ấy là gì – sống trong một phần mảnh nhỏ, một góc của trường rất bao la này. Chúng ta không thấy chúng ta quan tâm sâu xa đến cái phần nhỏ như thế nào, và chúng ta cứ cố gắng tìm ra những câu trả lời cho vấn nạn cuộc đời bên trong phần mảnh ấy, bên trong góc nhỏ của đời sống bao la này. Chúng ta tự hỏi, làm sao tâm thức (nó hiện đang một nửa ngủ trong trường bao la này, bởi vì chúng ta chỉ quan tâm vào phần nhỏ), làm sao chúng ta trở nên tỉnh thức toàn bộ với cái toàn bộ này, trở nên nhạy cảm trọn vẹn?

Bây giờ, trước hết, không có phương pháp nào cả. Bởi vì phương pháp nào, hệ thống nào, sự lập lại thói quen nào, cũng vốn là phần của góc nhỏ của trường bao la đó. (Chúng ta có cùng nhau hành trình, có cùng nhau trong một chuyến đi, hay bạn rớt lại đàng sau?) Điều đầu tiên là thấy sự kiện thực tế của góc nhỏ và những đòi hỏi của nó là gì. Rồi chúng ta có thể đặt câu hỏi, “Làm sao chúng ta có thể làm cho toàn bộ trường trọn vẹn nhạy cảm?”, bởi vì trong đó có cuộc cách mạng độc nhất chân thật. Khi có nhạy cảm toàn bộ của toàn bộ tâm thức, bấy giờ chúng ta sẽ hành động khác; suy nghĩ, cảm nhận của chúng ta sẽ hoàn toàn ở một chiều kích khác. Nhưng không có phương pháp. Chớ nói, “Làm sao tôi đi đến, thành tựu, trở nên nhạy cảm?” – bạn không thể đến lớp để thành nhạy cảm, bạn không thể đọc sách hay nghe nói phải làm gì để được nhạy cảm. Đó chỉ là điều bạn đang làm trong góc của trường, và nó khiến bạn càng vô cảm hơn, sự kiện này có thể nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày của bạn, với những nhẫn tâm chai sạn của nó, hung dữ, bạo lực của nó. (Tôi không biết bạn có thấy những bức ảnh trên báo về những người lính Việt Nam và Hoa Kỳ bị thương. Bạn có thể thấy rồi và nói, “Tôi rất buồn”, nhưng nó không xảy ra với bạn, với gia đình bạn, với con bạn). Thế nên chúng ta trở nên nhẫn tâm chai sạn bởi vì chúng ta vận hành, sống, hành động, trong góc nhỏ vụn vằn của một trường méo mó.

Không có phương pháp. Xin thấu hiểu điều này, bởi vì khi bạn thấu hiểu nó, bạn thoát khỏi sức nặng khổng lồ của mọi quyền hành, và như thế thoát khỏi quá khứ. Tôi không biết bạn có thấy điều này không. Quá khứ nằm trong văn hóa của chúng ta, mà chúng ta nghĩ là rất diệu kỳ, và tất cả cái đó được bỏ qua một bên, mãi mãi, khi bạn thấu hiểu rằng không có bất cứ loại phương pháp nào để đem đến tự do, giải thoát khỏi “cái góc nhỏ” ấy. Nhưng bạn phải học tất cả về cái góc nhỏ. Bấy giờ bạn thoát khỏi gánh nặng làm bạn vô cảm. Những người lính được huấn luyện để giết, thực hành ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, một cách nhẫn tâm, khiến họ không còn cảm nhận của con người. Và đó là loại được làm ra cho chúng ta mỗi ngày, mọi lúc, bằng báo chí, bởi các nhà chính trị, bởi những guru, bởi những giám mục, khắp nơi trên thế giới.

Bây giờ, không có phương pháp, người ta phải làm gì? Phương pháp bao hàm thực hành, lệ thuộc, phương pháp của anh, phương pháp của tôi, con đường của nó và con đường của người khác, guru của tôi biết nhiều hơn một tí, guru này thì dỏm, guru đó thì không, – tất cả những cái đó đều hoạt động trong một góc rất nhỏ của một trường thối nát và hư hỏng.
Người ta phải làm gì? Bạn có hiểu câu hỏi của tôi bây giờ không? Vấn đề là thế này: chúng ta không biết chiều sâu và sự bao la của tâm. Bạn có thể đọc về nó, bạn có thể đọc những tâm lý gia hiện đại, hay những vị thầy ngày xưa đã nói về nó – hãy nghi ngờ cái hiểu từ chỗ nào khác bởi vì chính bạn phải tìm ra, chứ không phải theo ý kiến của ai. Chúng ta không biết nó – cái tâm – bạn không biết nó, thế nên bạn không thể có quan niệm nào về nó. Bạn có hiểu chúng ta đang nói gì không? Bạn không thể có những ý niệm, ý kiến, kiến thức nào về nó. Thế nên bạn thoát khỏi mọi giả thiết, mọi thần học.

Vậy thì một lần nữa, phải làm gì? Tất cả cái người ta phải làm là thấy. Thấy cái góc hẹp, cái nhà nhỏ người ta đã xây nên trong một góc của một trường bao la, vô lượng; và sống ở đó, chiến đấu, cãi cọ, cải thiện (hay biết mọi cái đang tiếp diễn ở đó), hãy thấy nó. Và đó là tại sao rất quan trọng cần hiểu thấy có nghĩa là gì, bởi vì khoảnh khắc có xung đột bạn liền thuộc về góc cô lập đó. Nơi nào có thấy, nơi đó không có xung đột. Đó là tại sao người ta phải học ngay từ bắt đầu – không, không phải bắt đầu, mà bây giờ – học thấy. Không phải ngày mai, vì làm gì có ngày mai – chỉ sự tìm kiếm lạc thú, hay sợ hãi hay đau khổ sáng chế ra cái “ngày mai” ấy. Thực ra không có ngày mai về mặt tâm lý, mà trí óc, tâm thức đã tạo ra thời gian; nhưng chúng ta sẽ thâm nhập điều này ở sau.

Thế nên điều người ta phải làm là thấy. Bạn không thể thấy nếu bạn không nhạy cảm, và bạn không nhạy cảm nếu bạn có một hình ảnh giữa bạn và vật được thấy. Bạn hiểu chứ? Thế nên thấy là hành động của thương yêu. Bạn biết cái gì làm cho toàn bộ tâm thức nhạy cảm? – chỉ là thương yêu. Bạn có thể học một kỹ thuật và cả thương yêu; nhưng nếu bạn có kỹ thuật và không có thương yêu bạn sẽ hủy hoại thế giới. Hãy xem nó trong chính bạn, hãy đi vào nó trong tâm thức và tấm lòng các bạn và các bạn sẽ thấy nó cho chính các bạn. Thấy, quan sát, nghe, đấy là những hành vi vĩ đại nhất, bởi vì bạn không thể thấy nếu bạn nhìn ra từ cái góc nhỏ bé đó, bạn không thể thấy cái gì đang xảy ra trong thế giới, sự tuyệt vọng, lo âu, sự cô độc làm đau nhức, những giọt nước mắt của những bà mẹ, người vợ, người tình, của những người đã bị giết chết. Nhưng bạn phải thấy tất cả điều này, không theo cách xúc cảm, tình cảm, không nói, “Nào, tôi chống chiến tranh” hay, “Tôi ủng hộ chiến tranh”, vì tính tình cảm và chủ nghĩa xúc động ấy là những thứ hủy diệt nhất – chúng không có những sự kiện và như vậy không có cái đang là. Thế nên, thấy là hoàn toàn quan trọng. Sự thấy là sự hiểu; bạn không thể hiểu qua tâm thức, qua trí năng, hay hiểu qua một phần mảnh. Chỉ có hiểu khi tâm thức bình lặng trọn vẹn, nghĩa là khi không có hình ảnh.

Thấy hủy diệt mọi hàng rào. Nào, thưa các bạn, bao giờ có sự phân chia giữa bạn và cái cây, giữa bạn và tôi, và giữa bạn và hàng xóm (“hàng xóm” này có thể cách ngàn dặm hoặc ở cạnh nhà), thì phải có xung đột. Phân chia nghĩa là xung đột, thật giản dị. Và chúng ta đã sống trong xung đột, chúng ta quen xung đột và phân chia. Mọi phân chia này phải nuôi dưỡng chiến tranh. Điều này không có nghĩa chúng ta phải đồng ý hoàn toàn với nhau, hay nếu tôi không đồng ý thì tôi phải có chiến tranh với anh; không có đồng ý hay không đồng ý gì cả khi bạn thấy cái gì đúng như nó là. Chỉ khi các bạn có những ý kiến về cái bạn thấy, mới có không đồng ý và bèn có phân chia. Khi bạn và tôi thấy đó là mặt trăng, bấy giờ không có sự không đồng ý, đó là mặt trăng. Nhưng nếu bạn nghĩ nó là cái gì khác, và tôi nghĩ nó là cái gì khác, bấy giờ phải có phân chia và từ đó xung đột. Thế nên khi thấy một cái cây, khi bạn thực sự thấy nó, thì không có phân chia giữa bạn và cái cây, không có người quan sát đang thấy cái cây.

Chúng ta nghe một hôm nọ một bác sĩ rất uyên bác, ông đã dùng một chất kích thích gọi là L.S.D., một liều nhỏ thôi, và có hai bác sĩ bên cạnh ông với một máy thu âm ghi những gì ông nói. Sau vài phút ông thấy những bông hoa trên bàn trước mặt ông, và giữa những hoa ấy và ông không có không gian. Không phải là ông tự đồng hóa với những hoa ấy, mà không có không gian, nghĩa là không người quan sát. Chúng ta không khuyến khích các bạn nên dùng L.S.D., bởi vì nó có những hậu quả tai hại của nó; và khi bạn dùng những thứ như vậy bạn sẽ nô lệ cho chúng. Nhưng có một cách đơn giản, trực tiếp, tự nhiên hơn nhiều, đó là quan sát một cái cây, một đóa hoa, khuôn mặt của một người; nhìn vào bất cứ cái gì, và nhìn đến độ không gian giữa bạn và chúng không còn hiện hữu. Và bạn chỉ có thể nhìn cách ấy khi có thương yêu – từ này đã bị lạm dụng quá đỗi.

Chúng ta sẽ không đi vào vấn đề thương yêu lúc này, nhưng khi bạn có sự nhận biết quan sát thực sự, thấy thực sự này, bấy giờ sự thấy ấy mang theo với nó sự loại bỏ phi thường cả thời gian và không gian và khi ấy có thương yêu. Và bạn không thể có thương yêu mà không nhận ra cái đẹp. Bạn có thể nói về cái đẹp, viết, vẽ, nhưng nếu bạn không có thương yêu thì không có cái gì đẹp cả. Không có thương yêu nghĩa là bạn hoàn toàn không nhạy cảm. Và bởi vì bạn hoàn toàn không nhạy cảm bạn bèn thoái hóa. Đất nước này đang thoái hóa. Chớ nói, “Những xứ sở khác cũng không thoái hóa đấy sao?” – dĩ nhiên chúng cũng vậy, nhưng các bạn đang thoái hóa, dù về kỹ thuật bạn có thể là một kỹ sư giỏi phi thường, một luật gia kỳ lạ, một kỹ thuật gia biết điều hành dàn máy tính điện tử; nhưng bạn thoái hóa bởi vì bạn không nhạy cảm với toàn bộ tiến trình sống.

Vấn nạn nền tảng của chúng ta bấy giờ là – không phải làm sao ngừng những cuộc chiến tranh, không phải vị thần linh nào, không phải hệ thống chính trị hay kinh tế nào tốt hơn, không phải đảng nào xứng đáng để bầu hơn, mà vấn nạn căn bản cho con người, dù nó ở Mỹ, Ấn Độ, Nga hay nơi nào khác, là vấn đề thoát khỏi “góc nhỏ” này. Và cái góc nhỏ ấy chính là chúng ta, cái góc nhỏ ấy là cái tâm thức nhỏ hẹp kém phẩm chất của bạn. Chúng ta đã làm ra cái góc nhỏ này, bởi vì tâm thức nhỏ và riêng của chúng ta đã phân mảnh và bởi thế không có khả năng nhạy cảm với cái toàn thể; chúng ta muốn cái phần nhỏ này được làm cho an toàn, bình an, bình lặng, thỏa mãn, lạc thú, nhờ đó không có mọi đau đớn, bởi vì tự căn bản, chúng ta đang tìm kiếm lạc thú. Và nếu bạn đã khảo sát lạc thú, lạc thú của riêng bạn, quan sát nó, xem xét nó, đi vào nó, bạn sẽ thấy rằng nơi nào có lạc thú nơi đó có khổ đau. Bạn không thể có cái này mà không có cái kia; và chúng ta luôn luôn đòi hỏi lạc thú nhiều hơn và do đó mời mọc khổ đau nhiều hơn. Và trên đó chúng ta đã xây dựng phần tử này, mà chúng ta gọi là đời người. Thấy là tiếp xúc thân mật với nó và bạn không thể tiếp xúc thân mật, thực sự với nó nếu bạn có những quan niệm, đức tin, giáo điều hay ý kiến.

Thế nên cái quan trọng là không phải học mà là thấy và nghe. Hãy nghe những con chim, nghe tiếng nói của vợ bạn, dù bực tức, đẹp hay xấu, hãy nghe nó và nghe tiếng nói của chính bạn dù đẹp, xấu hay gấp gáp. Rồi từ sự nghe này bạn sẽ thấy rằng mọi chia cách giữa người quan sát và cái được quan sát bèn chấm dứt. Thế nên không có xung đột nữa, và bạn quan sát cẩn thận đến độ chính sự quan sát là kỷ luật2; bạn không phải áp đặt kỷ luật. Và đó là cái đẹp, đó là cái đẹp của thấy. Nếu bạn có thể thấy, bạn không có gì khác để làm, bởi vì trong cái thấy này có tất cả kỷ luật, tất cả đức hạnh, nó là sự chú ý. Và trong cái thấy này có tất cả cái đẹp, và với cái đẹp bèn có thương yêu. Bấy giờ khi có thương yêu bạn không còn gì để làm nữa. Bấy giờ bạn hiện diện ở đâu, bạn có thiên đường chỗ đó; bấy giờ tất cả cái thấy đến điểm chấm dứt.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH