HE. GARCHEN RINPOCHE VIII
Thực hành và nghe Pháp mang lại những lợi ích vô cùng to lớn. Con không nên chán nản vì sự chậm tiến trên đường tu bởi vì có nhiều bức màn vô minh đang che chướng. Cũng như lớp tuyết dày phải cần có nhiều thời gian để tan chảy, những người bị vô minh che phủ dày dặc sẽ cảm thấy mình tiến triển chậm chạp. Do đó, đừng nên nản chí.
Đức Phật đã dạy rằng trong chân tâm có hạt giống giác ngộ. Tất cả mọi chúng sinh, kể cả loài côn trùng nhỏ bé nhất, đều giống nhau về phương diện này. Nhưng côn trùng phải chịu nhiều khổ đau hơn do phải trả ác nghiệp. Có nhiều phương pháp đặc biệt để cứu độ các loài chúng sinh, như cứu côn trùng chẳng hạn, bằng cách tụng chú hay dùng pháp dược giúp chúng thoát khổ. Tuy rằng chân tâm mang hạt giống giác ngộ, chúng ta vẫn phải chịu nhiều khổ đau. Các bậc giác ngộ như Đức Phật Thích Ca đã xa lìa khổ não. Phẩm tánh của Đức Phật bao la bát ngát như hư không hay đại dương vậy. Chúng ta bị che chướng như bầu trời mù mịt mây đen còn các bậc giác ngộ đều không bị che chướng, cứ như hư không. Phàm phu thì có nhiều nhưng bậc giác ngộ lại chẳng có bao nhiêu. Các bậc giác ngộ là những vị đã chứng ngộ được sự bình đẳng giữa luân hồi và Niết bàn. Các ngài đã chứng ngộ được sự bất khả phân giữa hiện tướng và tánh Không. Nhưng phàm phu lại chưa thấu biết được điều này. Một khi họ hiểu được lý vô thường và hiểu rằng chẳng tìm đâu ra được tâm [như nắm bắt một vật thể], thì họ sẽ không còn bám luyến vào các hiện tượng. Nếu họ không còn bám luyến, họ sẽ được giải thoát khỏi luân hồi.
Thật ra thì tâm nền tảng [bản thể tâm] của phàm phu và chư Phật đều giống nhau. Nó cũng giống như nước được pha với nhiều loại màu khác nhau. Bất kể có màu gì, đó cũng là nước. Tương tự vậy, tâm của phàm phu và tâm của chư Phật là giống nhau. Nhưng bởi lúc nào chúng ta cũng tìm kiếm hạnh phúc trên cõi đời này và tìm cách thoát khổ nên chúng ta bị cảm xúc phiền não trói buộc. Đó là sự khác nhau giữa phàm phu và chư Phật. Vọng tâm của phàm phu coi hư là thật. Cũng giống như một người bị bệnh hoàng đản thấy vỏ sò màu trắng thành màu vàng. Vọng tâm xem hiện tượng là thực có, chắc thật và thường còn. Mặc dù hình tướng không có tự tánh nhưng vọng tâm bám luyến vào hình tướng cho rằng hình tướng có tự tánh.
Có nhiều hạng người khác nhau. Có một số người đã thực hành Pháp trong các đời kiếp trước. Khi họ nghe giảng Pháp, họ lập tức phát khởi tín tâm vì không bị nhiều vô minh che chướng. Một số người khác không có được tín tâm như vậy bởi vì bị quá nhiều vô minh che chướng.
Một số nhà khoa học rất tài giỏi nhưng họ lại không thấy được bản tâm. Chỉ có những bậc giác ngộ, như Phật Thích Ca Mâu Ni, mới thực sự thấy được bản tâm.
Có nhiều loại châu báu trên cõi đời này nhưng chỉ có Phật pháp là Viên Ngọc Như Ý vì nó có thể bứng rễ khổ đau. Đó là lý do vì sao Phật pháp lại được xem là viên ngọc vô nhị. Ba đối tượng quy y là Phật, Pháp và Tăng. Chư Phật ngày xưa cũng giống chúng ta nhưng nhờ việc tu tập đã trở thành nơi nương tựa cho mọi chúng sinh và chỉ ra con đường đi đến giác ngộ. Tinh túy của mọi phương pháp tu tập đạt giác ngộ là Bồ đề tâm tương đối và viên mãn. Quy y Phật bao gồm các bậc giác ngộ [trong ba thời]quá khứ, hiện tại và tương lai. Giáo huấn của các ngài là Phật pháp. Và những người nghe và thực hành Pháp là Tăng đoàn. Chư tăng muốn đạt giác ngộ phải chứng ngộ được bản tâm. Đạo sư tượng trưng cho cả ba đối tượng quy y bởi vì tâm đạo sư là Phật, giáo huấn của đạo sư là Pháp và hình tướng của đạo sư là tăng.
Trích “Những Lời Khai Thị Từ Bậc Tôn Quý”
Tác giả: Konchog Gyaltsen – Garchen Rinpoche
Dịch giả – Hiệu đính: Konchog Kunzang Tobgyal – Konchog Changchup Drolma.
Ảnh: Garchen Rinpoche