BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI

GERALD COREY – MARIANNE SCHNEIDER COREY

Trích: Bước Đường Chọn Lựa Cuộc Đời; Nguyên tác: I Never Knew I Had A Choice; Nguyễn Thế Tuấn Anh chuyển ngữ; Fahasa phát hành; 2010

I. THỜI THANH NIÊN – GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA TUỔI TRƯỞNG THÀNH

Gọi là thanh niên những người thuộc vào độ tuổi từ 21 đến 34. Đây là một giai đoạn có nhiều bước thay đổi quan trọng, và các quyết định người ta đưa ra trong giai đoạn này sẽ để lại những tác động đáng kể về sau.

  • Khái niệm “trưởng thành lâm thời”

Theo tác giả Sheehy, mặc dù nhiều trách nhiệm “làm người lớn” thực thụ được dời lại muộn hơn, nhưng lớp thanh niên ngày nay đang đẩy cuộc sống mình theo một nhịp tiến mau lẹ. Đây là giai đoạn ta bắt đầu gỡ mình ta khỏi mọi quyến luyến xưa nay với gia đình và tiến vào hành trình kiếm tìm một bản sắc cá nhân. Giai đoạn này đặt ra cho ta các nhiệm vụ phải giải quyết như sau: định vị vai trò của ta giữa tập thể những người đồng trang lứa, xác lập một bản sắc giới tính hoặc căn tính giới, định hướng nghề nghiệp và tìm một công ăn việc làm, tách khỏi gia đình nguyên thủy, và hình thành nên một thế giới riêng biệt. Tác giả Lenvinson gọi đây là giai đoạn “trưởng thành lâm thời” bởi vì, theo ông, ở vào giai đoạn này, chúng ta mới chỉ đưa những bước dọ dẫm đầu tiên vào cuộc hành trình định vị và xác lập thế đứng cho bản thân trong một thế giới mới mẻ. Còn theo Erikson, chúng ta bắt đầu bước vào thế giới thanh niên sau khi đã dẹp yên đâu đó tình trạng xung đột và lẫn lộn giữa bản sắc với vai trò ở giai đoạn vị thành niên. Chuyển sang giai đoạn thanh niên, ý thức về bản sắc cá nhân lại được thử thách qua cuộc đối đầu giữa một bên là khả năng sống thân mật (hòa nhập) với bên kia là thái độ sống biệt lập (khép mình).

Một nét tâm lý đặc trưng ở người trưởng thành là khả năng kiến thiết các mối quan hệ mật thiết, gắn bó. Nhưng để làm được điều đó, thì trước hết, ta cần xác lập cho được một ý thức rõ rệt về bản sắc cá nhân mình trước đã. Một quan hệ thân mật đòi hỏi đôi bên phải có khả năng hiện diện bên nhau, thái độ chia sẻ cùng nhau, hành động trao ban lẫn nhau và khát vọng trưởng thành nhờ nhau. Không đáp ứng được các yêu cầu đó, xem như ta đang tách mình ra khỏi mọi người, sống biệt lập. Tuy nhiên, nếu vì muốn trốn tránh cảm giác đơn độc, lẻ loi mà ta tìm cách bám vào người khác, thì mối quan hệ ta có đó không thể nào trọn vẹn và đem lại cảm giác hài lòng được.

Lý thuyết cái tôi trong bối cảnh của McGoldrick và Carter (2005) xếp những người ở độ tuổi từ 21 đến 35 vào giai đoạn thanh niên. Mục đích chính yếu mà những người thuộc giai đoạn này phải nhắm tới là việc phát triển khả năng dấn thân vào các tương quan chiều sâu – với thái độ cam kết hỗ trợ nhau để cùng trưởng thành – và khả năng tìm được một nghề nghiệp vừa ý. McGoldrick và Carter cũng lưu ý đến thực trạng đa chiều – xét về các yếu tố văn hóa, chủng tộc, giới tính, địa vị, và khuynh hướng tính dục – trong đường lối phát triển bản thân và kinh nghiệm của từng cá nhân ở vào giai đoạn sản sinh các tương quan, công việc và nhiệm vụ nuôi dạy con cái; dù vậy, một số chướng ngại phát triển có nguy cơ làm cho con người không thể đạt được một lối sống hiệu quả. Tình trạng kì thị chủng tộc và cảnh đói nghèo có thể trở thành một thứ rào cản kiên cố khiến nhiều người không đủ sức vượt qua các giai đoạn trước để tiến sang các giai đoạn sau của tuổi trưởng thành, tức là không thể trưởng thành nổi. Có quan niệm cho rằng khi hai người đồng tính nam – hoặc đồng tính nữ, hay lưỡng tính – kết hôn với nhau và có con cái, chắc chắn đứa con của họ cũng sẽ giống hệt như họ. Tuy nhiên, nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy quan niệm như thế về bản sắc giới tính và khuynh hướng tính dục của những đứa con trong các gia đình đồng giới là hoàn toàn không có căn cứ.

  • Khái niệm về giai đoạn “trưởng thành ló dạng”

Lứa tuổi cuối thiếu niên và đầu đôi mươi có thể không còn được coi như là một thời kỳ chuyển tiếp ngắn ngủi về các vai trò – từ “người nhỏ” sang “người lớn” – nữa. Giai đoạn khá đặc biệt này được đánh dấu bằng các cuộc thay đổi và khám phá ra nhiều hướng đi khả dĩ trong đời. Tác giả Arnett đề xuất một dạng lý thuyết mới về chủ đề phát triển con người, xếp độ tuổi từ 18 đến 25 vào giai đoạn mà ông gọi là trưởng thành ló dạng (emerging adulthood). Thuật ngữ này hàm chỉ về các đặc tính nguyên sơ, tươi đẹp, năng động, phong phú, phức tạp và linh hoạt của giai đoạn đầu tuổi trưởng thành.

Dứt khỏi tình trạng lệ thuộc của thời thơ ấu và thiếu niên, và chưa phải gánh trọn các trách nhiệm đòi hỏi nơi một người trưởng thành thực thụ, những người ở độ tuổi trưởng thành ló dạng này thường khám phá ra rất nhiều hướng đi khả dĩ trong đời về phương diện tình yêu, công việc và thế giới quan. Đây là giai đoạn cuộc đời mở ra muôn vàn hướng đi khác nhau; và vì hướng đi nào cũng cho thấy nhiều hứa hẹn tốt đẹp, nên lớp thanh niên thường hiếm khi vội vàng đưa ra các quyết định rõ ràng và chắc chắn về tương lai. Trong giai đoạn này quy mô của cuộc tự khám phá các tiềm năng hay triển vọng cuộc đời cũng được nới rộng thêm ra với nhiều khả năng chọn lựa hết sức phong phú, vượt trên tất cả các giai đoạn khác trong tiến trình cuộc đời.

Những người trẻ ở giai đoạn này thường xếp kiểu đánh giá theo truyền thống về mức độ trưởng thành – dựa trên các tiêu chuẩn như: hoàn tất đại học, ổn định công việc, lập gia đình và sinh con cái – vào hạng “bét”. Họ chỉ coi trọng nhất ba phẩm chất đặc thù cá nhân như sau: khả năng chịu trách nhiệm về bản thân, khả năng tự quyết định, và khả năng độc lập về tài chính. Lối quan niệm này cũng tỏ ra khá tương tự với khái niệm tự trị đã được bàn luận ở chương trước.

Arnett (2000) coi lứa tuổi trưởng thành ló dạng như là giai đoạn đánh dấu các bước thay đổi và những cuộc khám phá của hầu hết người trẻ ở các xã hội công nghiệp hóa hiện đại. Đây là thời kỳ những người trẻ nỗ lực nhận định và đưa ra các quyết định lựa chọn liên quan đến tình yêu, công việc và thế giới quan:

– Tình yêu. So với thời niên thiếu, ở vào giai đoạn này, người trẻ trở nên ý thức sâu sắc hơn về mức độ thân mật – cũng như khả năng gắn bó lâu dài – trong các mối quan hệ. Họ cũng bắt đầu khám phá bản chất con người mình và đặt ra các tiêu chuẩn để tìm bạn hữu, bạn tình, bạn trăm năm.

– Công việc. Người trẻ ở giai đoạn này thường cân nhắc về cách thức chọn lựa các công việc sao cho phù hợp với khả năng, hoàn cảnh nhằm định rõ ra loại nghề nghiệp mà họ sẽ theo đuổi trọn đời.

– Thế giới quan. Những người ở thời trưởng thành ló dạng thường có xu hướng xét lại những gì đã tiếp thu được hồi còn thơ ấu và thiếu niên. Ở giai đoạn này, nhiều người trẻ sẵn sàng đặt lại vấn đề về các niềm tin tôn giáo và hệ thống giá trị họ từng được truyền thụ. Các cuộc “thẩm tra” kiểu này thường đưa không ít người trẻ đến việc chối bỏ các hệ niềm tin trước đây, nhưng lại không thể kiến thiết được một hệ giá trị mới mẻ để thế chỗ. Trường hợp ngược lại – tức là việc đủ sức hình thành nên một giá trị, niềm tin hoàn toàn khác trước – thì họa hoằn lắm mới có.

Nhất thiết phải đặt vào trong một bối cảnh văn hóa thì mới có thể hiểu được giai đoạn trưởng thành ló dạng này; bởi vì, giai đoạn này thực sự chỉ tồn tại ở các nền văn hóa cho phép người trẻ kéo dài quá trình khám phá độc lập. Đối với nhiều người, so với các giai đoạn khác trong đời, đây là giai đoạn mà khả năng tự do và sức khám phá cá nhân của họ cao hơn hết.

  • Bước vào độ tuổi đôi mươi

Suốt những năm thuộc độ tuổi đôi mươi, các bạn trẻ phải đối diện với nhiều quyết định lựa chọn hết sức quan trọng. Họ bắt đầu bước ra khỏi cảnh an toàn xưa nay trong mái ấm gia đình, đương đầu với tình trạng bấp bênh, thiếu chắc chắn về tương lai trong lúc nỗ lực để xác lập một thế đứng độc lập cho mình. Thời kỳ này được đánh dấu bằng tình trạng thay đổi và tâm trạng bất an đáng kể.

Nếu ở vào độ tuổi này, hẳn bạn đang phải đối diện với nhiều quyết định chọn lựa liên quan đến cung cách sống. Những câu hỏi có lẽ bạn sẽ đặt ra là: “Mình không biết nên chọn cảnh sống yên ổn bên gia đình, hay nên bước hẳn vào đời, tự lo liệu cuộc sống riêng mình?” “Mình sẽ sống độc thân hay lập gia đình đây?” “Mình sẽ dành trọn vẹn thì giờ để học đại học, hay là nên bắt đầu kiếm một công việc để làm?” “Điều mình mong muốn nhất trong lúc này là gì nhỉ? Mình phải làm gì đây, để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời?” v.v.

Các quyết định lựa chọn liên quan đến chuyện học hành, công ăn việc làm, hôn nhân, đời sống gia đình và lối sống là những vấn đề khá phức tạp và hoàn toàn có tính cá nhân. Nhiều người bị cám dỗ để cho những người khác quyết định thay mình – một phần hoặc toàn bộ – các vấn đề trọng đại. Nếu để mình rơi vào tình trạng như vậy, xem như ta “già tuổi” mà chưa đủ “già đầu”. Đây là thời điểm ta phải chọn lựa giữa việc sống theo những gì cha mẹ vạch ra với việc tự phác họa con đường tương lai cho riêng mình, phù hợp với những gì ta thực lòng mong muốn. Câu chuyện của hai bạn Steven và Amanda dưới đây sẽ phần nào cho thấy cuộc đấu tranh trước những mối bận tâm chung của các bạn trẻ trong giai đoạn trưởng thành ló dạng.

  • Bước chuyển tiếp từ thuở đôi mươi sang hồi “tam thập”

Buổi “giao thời” từ lứa muộn đôi mươi lên kỳ đầu ba mươi là quãng thời gian có nhiều thay đổi về các giá trị và niềm tin đối với nhiều người. Tình trạng lộn xộn nội tâm thường gia tăng đáng kể suốt trong thời kỳ chuyển tiếp này; bên cạnh đó, các hành động cam kết dấn thân trọn vẹn vào các mối quan hệ và nghề nghiệp cũng được thực hiện. Tuy nhiên, một số người quyết định hoãn lại việc gánh vác các trách nhiệm mà thời kỳ này đặc ra: chẳng hạn như, nhiều đôi vợ chồng có thể sẽ quyết định sinh con muộn hơn để toàn tâm theo đuổi con đường sự nghiệp trước mắt.

Suốt thời kỳ bước ngoặt này, người ta thường để mắt dõi lại những ước mơ họ từng vẽ ra, và có thể họ sẽ rà soát lại những kế hoạch cuộc đời, cũng như tạo ra các bước thay đổi quan trọng. Một số người ý thức rằng họ không đủ sức biến giấc mơ thành hiện thực. Dù điều này thường khiến họ có cảm giác nặng lòng, bận tâm, nhưng nó trở thành cơ hội giúp họ bắt tay vạch ra các kế hoạch mới mẻ hơn và biết nỗ lực đúng cách hơn để đạt được chúng. Câu chuyện về cô Pam dưới đây sẽ cho thấy quá trình một con người đã phấn đấu ra sao để biến các ước mơ trở thành hiện thực.

II. THỜI TRUNG NIÊN – GIAI ĐOẠN GIỮA CỦA TUỔI TRƯỞNG THÀNH

Giai đoạn từ 35 đến 40 tuổi được đánh dấu bằng mốc con người “vượt qua chính mình”. Trung niên – middle adulthood: giai đoạn giữa của tuổi trưởng thành – là quãng thời gian con người bắt đầu nỗ lực xét duyệt lại triết lý sống, và dựa trên kết quả rút ra, tổ chức lại công việc và hoạch định các bước dấn thân vào trong đời sống cộng đồng. Levinson cho rằng thời trung niên được đánh dấu bằng một tình trạng dao động giữa hai biên độ là ổn định và biến đổi. Trong giai đoạn này, các cá nhân tiến hành tái duyệt các quyết định từng đưa ra khi trước cũng như bắt tay thực hiện các điều chọn lựa mới mẻ nhằm tạo ra tình trạng thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện tại. Thông thường, đây là thời kỳ con người tỏ ra rất linh hoạt và sáng tạo trong cung cách sống; bởi đó, năng suất công việc và hiệu quả cuộc sống ở giai đoạn này được xem là đạt mức cao nhất so với các giai đoạn khác trong đời. Ở độ trung niên, dù thấy mình đã đến đỉnh cao, nhưng cùng lúc, ta cũng biết mình là phải chuẩn bị cho chuyến “hạ sơn” sắp tới. Thêm vào đó, có thể nhiều người sẽ trải qua cảm giác đau lòng khi nhận rõ ra rằng những gì đạt được tính đến độ tứ tuần này vẫn còn khá xa với những ước mơ hồi lứa đôi mươi, “tam thập”.

  • Cuộc sống trong quãng sau của lứa ba mươi

Trong độ tuổi ba mươi, vì thường thấy lòng nảy sinh những nỗi nghi ngờ, nên người ta ra sức đánh giá lại các phương diện quan trọng trong cuộc sống họ; do đó, không phải là bất thường việc họ phải đương đầu với một dạng khủng hoảng nhất định nào đó. Những khủng hoảng trong giai đoạn này thường có nguồn gốc từ các nỗi nghi ngờ liên quan đến những cam kết người ta từng đưa ra lúc trước cũng như phát xuất từ các mối bận tâm về tình trạng họ bị mắc kẹt trong những nẻo đường mới mẻ. Suốt trong giai đoạn đầy rẫy cảnh xáo trộn xoay quanh các mối nghi ngờ hòa với cảnh vỡ tan mơ tưởng, người ta thường phải bổ túc lại hoặc thay đổi một số nguyên tắc sống chính nếu trong đời. Cũng thấy rằng để có thể hiện thực hóa trọn vẹn các ước mơ, họ cần phải có thái độ tích cực hơn, hành động quyết liệt hơn, chứ không thể cứ mãi ngồi ì ra đó mà ngắm nghía, ước ao rồi chờ phép mầu, chuyện lạ.

Cũng có thể các quyết định lựa chọn ta đưa ra lúc xưa là hoàn toàn đúng đắn và vẫn còn nguyên tác dụng tích cực đối với cuộc sống hiện thời, nhưng phàm là con người, hiếm khi nào ta lấy những gì đã đạt được và cho đó là đủ. Do vậy, ở vào giai đoạn này, dù đã có được những thành công đáng kể, nhưng ta cũng không ngừng chọn đi tiếp các bước đổi thay mới mẻ nhằm bổ túc và đẩy mạnh thêm nữa những cam kết ngày xưa. Và trước khi làm điều đó, ta thường duyệt lại các cam kết đã đưa ra liên quan đến nghề nghiệp, hôn nhân, con cái, bạn bè, cùng những chuyện ưu tiên trong đời. Nhìn dòng thời gian trôi mau, ta thấy cần phải gấp rút nghiêm túc nhận định lại cách thức đang sử dụng thì giờ và sức lực bản thân. Đây là lúc ta hiểu rõ rằng đời người là có hạn, rằng ta không thể cứ loay hoay cả đời để chạy theo những mục tiêu, kế hoạch, rồi coi đó là sống, là thưởng thức cuộc đời.

Quá trình tự ngẫm xét (self – examination) đó có thể dẫn đến tình trạng rối loạn và khủng hoảng. Có thể ta sẽ tự hỏi lòng rằng: “Sống như thế này đã gọi là sống chưa?” “Quãng đời còn lại sẽ ra sao nếu mình cứ tiếp tục sống như thế này?” “Điều gì còn thiếu trong cuộc đời hiện tại của mình nhỉ?” Theo đó, một chị trước giờ chỉ biết cặm cụi với sự nghiệp nay có thể quyết định sẽ dành nhiều thời giờ hiện diện ở nhà để lo công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Ngược lại, một chị xưa nay chỉ quanh tới quẩn lui trong nhà sẽ có thể bắt đầu tìm một công ăn việc làm để có dịp bước ra xã hội. Cũng theo đó, một anh có thể vấn lòng rất nhiều về công việc đang làm, tự hỏi phải làm gì tiếp nữa để nó trở nên ý nghĩa thêm. Đó là cuộc đấu tranh anh ta phải quyết liệt đương đầu nhằm sửa lại cho hoàn chỉnh ý nghĩa đích thực của thành công. Xưa nay, có thể anh ta chỉ thấy được lớp phủ sặc sỡ của thành công, mà không nhận rõ những gì bên dưới, nên đã hao phí công sức xây nên tòa nhà ý nghĩa cuộc đời trên một nền cát lầy, đầm lún. Và đối diện trước cảnh bấp bênh, không có gì vững chãi đó, chắc chắn anh ta sẽ khởi sự đào lại lớp móng thành công và ý nghĩa cuộc đời. Rồi ở giai đoạn này, những ai từng say sưa theo đuổi sự nghiệp mà quên cả bản thân, nay giật mình nhìn lại cảnh “chăn đơn gối chiếc”, cũng bắt đầu lo tìm lấy bạn đời. Còn những ai đã lập gia đình cũng có thể trải qua một cuộc khủng hoảng trong đời sống hôn nhân. Nêu một số thí dụ như thế, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: đây là thời kỳ đầy rẫy những mối xung đột cũ-mới, là thời kỳ người ta phải duyệt xét lại hết thảy mọi vấn đề lớn nhỏ xưa nay để nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống và tiến hành các bước thay đổi phù hợp để tiếp tục tiến bước trong đời.

  • Cuộc sống suốt trong lứa tuổi 40

Tác giả Sheehy khẳng định lối quan niệm coi lứa tuổi đầu 40 như thời kỳ con người bắt đầu “hạ đèo”, “tut dốc” là sai lầm. Trong khi có nhiều người ở tuổi 40 cứ đinh ninh rằng quỹ thời gian đời họ đang bắt đầu cạn dần, thì cũng có không ít người vẫn lạc quan tự nhủ: “Chưa cạn nổi đâu!”. Mà quả đúng là vậy! Vì kỳ thực, bước vào tuổi 40, ta mới chỉ sống một nửa đời người, và cuộc đời vẫn tiếp tục đắp bồi sinh lực cho ta, không ngừng nới rộng ra những đường biên cuộc sống, và vẫn trao vào tay ta vô số cơ hội mới mẻ để phát triển, đổi thay.

Các quan điểm của tác giả Sheehy về lứa tuổi trung niên có nền tảng từ học thuyết phát triển tâm lý do Erikson chủ xướng. Theo Erikson, tác nhân kích thích khả năng con người tiếp tục trưởng thành ở cấp độ trung niên chính là cuộc đấu chính giữa khả năng sinh ít (generativity) và tình trạng trì trệ (stagnation). Khả năng sinh ít tức là tình trạng dồi dào sinh lực và hoạt động hiệu quả cho hết thảy mọi phương diện cuộc sống – chẳng hạn như, sức sáng tạo và thái độ hăng say trong công việc, trong những hoạt động lúc rảnh rang, trong việc dạy dỗ và chăm sóc những người khác, hoặc trong một số công việc tình nguyện nào đó. Hai nét đặc trưng căn bản liên quan đến khả năng sinh ít nơi một người trưởng thành chính là khả năng yêu người hết mình và khả năng làm việc tận tình, hiệu quả. Trong lứa tuổi này, người nào thấy mình không còn có ích gì nữa chắc chắn sẽ trải nghiệm trạng thái cái chết tâm lý (psychological death).

Bước vào độ trung niên, ta đứng trước một giao lộ nhiều ngã rẽ. Suốt trong thời kỳ từ cuối tuổi 30 đến giữa tuổi 40, ta thường băn khoăn lo lắng không biết quãng đời còn lại của mình rồi sẽ ra sao. Lúc này, ta đang đối diện với cả cơ hội lẫn mối nguy: nguy ở chỗ ta có thể trượt dài theo lối sống trước nay, loay hoay mãi trong những chuyện xa xưa, khiến cuộc sống trở nên ngưng đọng; cơ hội ở chỗ ta vẫn có muôn vàn khả năng lựa chọn để cải thiện những gì chưa hay từng tồn tại trong nửa đầu cuộc đời, để đưa cuộc sống mình rẽ sang những nẻo thênh thang, mới mẻ hơn, nhằm vương tới cảnh đời sung mãn.

Ở vào độ trung niên, tất cả mọi người – dù thuộc bất cứ chủng tộc hay nền văn hóa nào, thì cũng – đều phải đối diện với nhiều thách đố mới mẻ về các phương diện thể chất, tâm lý, xã hội và tinh thần. Đây là thời kỳ đặc trưng với các thay đổi về thể chất, tình trạng gia tăng các trách nhiệm, các mối bận tâm về việc phát triển nghề nghiệp, và mức độ gia tăng khả năng dấn thân vào cộng đồng xã hội.

Suốt trong thời kỳ này, ta ý thức rõ ràng hơn về tính bấp bênh và cả khả biến của cuộc đời. Ta cũng có thể trải qua cảm giác đau buồn, tiếc nuối vì nhìn thấy mình đang dần dần đánh mất đi những gì trẻ trung sôi động của thời thanh xuân đẹp đẽ. Đây cũng là thời kỳ ta bắt đầu phục hồi và tô điểm bản sắc cá nhân theo kiểu riêng ta muốn, chứ không còn theo những gì người khác mong đợi nữa. Dưới đây là một số khả năng thường thấy trong sự thay đổi toàn diện ở lứa tuổi trung niên:

• Ta có thể thấy một số điều từng mơ ở thời còn trẻ nay lại có vẻ hoang đường, không tài nào trở thành hiện thực.

• Ta bắt đầu cảm nhận sức ép thời gian, thấy rằng vào lúc này, lẽ ra ta đã hoàn tất các ước mơ của mình rồi.

• Ta bằng lòng với những gì đã đạt được, chấp nhận với những giới hạn bản than.

• Ta thấy mình thường không đạt được nhiều điều mong ước, và như thế, đôi khi ta nghĩ cuộc đời kém tử tế, thiếu công bằng.

• Vào giai đoạn này, tình trạng khủng hoảng trong đời sống hôn nhân cũng bắt đầu xuất hiện. Nó có thể kéo theo việc người ta tìm đến các mối quan hệ yêu đương bất chính ngoài hôn nhân, hoặc ly dị nhau.

• Nhiều người chịu không nổi thực tế là mình đang ngày càng trở nên già đi, đang đánh mất dần đi tình trạng sung mãn thể chất của thời còn trẻ.

• Vào thời kỳ này, con cái ta cũng đã lớn và phải sống xa nhà. Những ai xưa nay sống gắn bó nhiều về tình cảm đối với con cái, thì lúc này có thể đối diện với cảm giác trống trải trong lòng.

• Dứt cảnh săn sóc con cái, ta có thể đối diện với một bổn phận gia đình khác: phụng dưỡng cha mẹ già.

• Nhiều người chúng ta khó cầm lòng chấp nhận cảnh cha mẹ mình lần lượt qua đời; hơn bao giờ hết ta có thể thấy mình trở nên cô độc, lạc lõng giữa cuộc đời.

• Ta có thể mất việc làm, hay bị giáng cấp, hoặc cũng có thể sẽ vỡ lẽ nhiều điều về công ăn việc làm xưa nay.

Ngoài các tác nhân khả dĩ góp phần đẩy mạnh một cuộc khủng hoảng toàn diện ở tuổi trung niên như vừa nêu, có thể thấy nhiều khả năng lựa chọn mới mẻ cũng đang mở ra trước mắt chúng ta vào giai đoạn này:

• Có thể ta quyết định tiếp tục đào sâu con đường học vấn, chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp mới mẻ hơn.

• Ta có thể dành nhiều thì giờ vun xới cách tương quan bằng hữu, làm cho chúng tốt đẹp thêm lên.

• Ta có thể phát triển các tài năng mới mẻ, tạo ra những thú vui riêng mới lạ.

• Ta có thể dành thì giờ nhìn sâu vào bên trong bản thân để khám phá ra những điều ta khát khao muốn sống trong quãng đời còn lại, và bắt đầu thực hiện những gì cần để cuộc sống ta dần trở nên hoàn toàn thỏa mãn.

• Đây là thời kỳ ta đưa ra nhiều quyết định chọn lựa để củng cố triết lý sống, đào sâu đời sống tinh thần/tâm linh.

Trong những nhà tâm lý học hiện đại, Carl Jung là người đầu tiên lên tiếng phát biểu về tiềm năng phát triển nhân cách nơi người trưởng thành. Ông cho rằng tiến trình phát triển nhân cách chưa thể đạt tới mức độ đỉnh điểm trong các giai đoạn thiếu niên và thanh niên. Theo Jung, con người chỉ thực sự khai thông những tiềm năng thay đổi then chốt về nhân cách khi họ bước vào nửa sau cuộc đời giữa độ tuổi từ 35 đến 40. Ông khẳng định rằng lúc cuộc sống trở nên tẻ nhạt, người ta sẽ bắt đầu tìm cách để tạo ra những thay đổi cần thiết và ích lợi. Một hạt giống phải mục đi thì mới có thể đâm rễ, trổ cây nhằm duy trì mầm sống bên trong nó. Cũng vậy, muốn “lột xác” con người mình, ta phải để cho một khía cạnh tâm lý cũ kỹ nơi mình “mục” đi, thì mầm phát triển mới mẻ mới có dịp bung lên, khiến ta đủ sức “đâm” sâu đời mình vào những lớp đất hiện hữu màu mỡ hơn và, nhờ đó, tiếp tục để cuộc sống mình sinh hoa kết trái.

Để có thể đạt tới tình trạng mà Jung gọi bằng khái niệm cá thể hóa (individuation) – tức, quá trình hòa nhập giữa vô thức với ý thức, và tình trạng cân bằng tâm lý – những người ở tuổi trung niên cần phải sẵn sàng loại bỏ những kiểu quan niệm và thành kiến xưa cũ từng lèo lái mình suốt trong nửa đầu cuộc đời. Lúc này, họ có bổn phận phải khai thông dòng năng lực của vô thức nhằm đào sâu thêm ý nghĩa cuộc đời.

Theo Jung, con người có thể đưa thế giới vô thức lên trên bề mặt ý thức bằng cách khám phá các giấc mơ, chú tâm vào những hình ảnh tưởng tượng trong đầu, và diễn tả chúng qua thơ văn, âm nhạc, hội họa. Từ trước đến nay, người ta thường quen dùng ý thức để tư duy, lý luận mà ít khi nào lưu ý để thấy rằng kiểu tư duy thuần ý thức kia mới chỉ đại diện cho một trong nhiều con đường hiện hữu mà thôi. Vào giai đoạn này, người ta cần phải để những dòng chảy tự nhiên phát nguồn từ vô thức tuôn ra khắp bản thân và định hướng cuộc sống họ nếu như họ mong muốn đạt đến tình trạng thống nhất mọi phương diện nơi con người mình: đó là điều hết sức cần thiết để có được sức sung mãn trong đời sống tâm lý (Schutz & Schutz, 2005).

Có thể bạn vẫn còn ở khá xa độ tuổi trung niên, nhưng việc dành thì giờ suy tư về các vấn đề tổng quát nảy sinh trong lứa tuổi này hoàn toàn không phải là điều vô ích. Vì nếu biết làm như vậy, bạn sẽ ý thức hơn về tiến trình phát triển đời người, biết cách chuẩn bị sẵn sàng để bước vào các giai đoạn về sau. Để hiểu rõ hơn về giai đoạn trung niên này, ngoài việc đọc và suy ngẫm những gì trình bày ở đây, bạn còn có thể quan sát cuộc sống của những người đang ở độ tuổi trên 40 mà bạn biết. Trong quá trình quan sát như thế, bạn có coi ai đó như là gương mẫu bạn sẽ noi theo một khi bước vào độ tuổi này không? Đâu là những cách thức bạn muốn sống đời mình vào giai đoạn này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHÚNG TA ĐẾN TRẦN GIAN NÀY ĐỂ LÀM GÌ ?
  2. THANH NIÊN TRƯỚC Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ