CÁC MỐI TƯƠNG QUAN

GERALD COREY – MARIANNE SCHNEIDER COREY

Trích: Bước Đường Chọn Lựa Cuộc Đời; Dịch giả: Nguyễn Thế Tuấn Anh

? Các Dạng Tương Quan Có Tính Cách Mật Thiết
Thách đố về việc thiết lập các mối quan hệ thân tình chính là phận sự chính yếu đối với lứa tuổi thanh niên (Erikson, 1963). Việc có thể chia sẻ một số phương diện cốt lõi trong con người bạn với những người khác, việc thấu hiểu được các chướng ngại vật làm cản trở bước đường tiến đến một mối tương giao thân mật, và việc học cách phát triển tình thâm giao có thể giúp bạn hiểu tốt hơn về nhiều dạng loại tương quan khác nhau trong cuộc đời bạn.
Mối quan hệ thân tình chúng ta thiết lập và chia sẻ với người khác có thể có nhiều khía cạnh khác nhau, từ mối đồng cảm về cảm xúc, về thể xác, đến trí tuệ, tâm linh, hoặc bất cứ một hình thức nối kết nào giữa các khía cạnh đó. Mối thân tình có thể có tính cách độc nhất, riêng tư, hoặc phổ biến, đại đồng, dài lâu hoặc ngắn ngủi. Chẳng hạn, nhiều tham dự viên trong các nhóm phát triển cá nhân mà chúng tôi điều hành thường phát triển một tương giao thân mật đích thực với nhau, cho dù họ có thể không còn giữ liên lạc với nhau sau khi khóa học kết thúc. Nhưng điều đáng lưu ý hơn cả là các mối tương giao thân thiết ấy không phải tự dưng mà có. Họ đã kiến tạo được chúng qua việc thể hiện được nét độc đáo của từng người trong cách thức họ liên hệ với nhau. Thay vì cứ khư khư giữ kín những tư tưởng, cảm xúc, và thái độ phản ứng của mình trong lòng, thì họ lại sẵn sàng đem ra để chia sẻ theo các cung cách đặc trưng nào đó mà họ vốn không thể dễ dàng bộc lộ ra nếu không phải là ở trong những khung cảnh nhóm như thế. Tính chất cố kết nhóm bắt đầu hình thành khi người ta khám phá rằng họ cũng có những cảm xúc hầu như là tương tự với nhau, và khi họ sẵn sàng chia sẻ cho những người khác biết được những nỗi đau, tâm trạng bực tức, nỗi thất vọng – và tất nhiên, cả niềm hân hoan, vui sướng của họ nữa. Không phải không có thái độ miễn cưỡng khi phải bộc lộ những tâm tình của mình cho những người khác nghe trong những tình huống có tính chất ngắn hạn như vậy, song nhiều người cũng thấy phải tâm tình cởi mở vì nếu không làm như thế, tất họ sẽ cảm giác mình trở nên lẻ loi trong khung cảnh chung của cả nhóm. Các mối tương liên thân mật và tình bạn hữu có thể được hình thành nên chỉ trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó mà thôi; dù vậy, việc xa cách về thời gian và không gian – vốn tất yếu sẽ đến sau khi một nhóm nào đó kết thúc khóa học – không hề làm suy suyển phẩm chất của các mối quan hệ bạn bè đã được thiết lập.
Lẩn tránh các mối tương giao thân mật, là chúng ta đã tự thu hẹp khả năng và giá trị của con người mình. Chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua các cơ hội để thiết lập các mối quan hệ láng giềng hoặc các mối kết thân mới mẻ bởi vì chúng ta sợ rằng ai đó rồi cũng sẽ ra đi, hoặc ngại rằng tình bạn rồi rốt cuộc cũng sẽ đến hồi kết. Có khi, chúng ta tránh việc tiếp xúc thân mật với những người ốm đau hoặc đang hấp hối bởi vì chúng ta sợ nỗi đau mình sẽ phải chịu khi họ mất đi. Dù những nỗi sợ kiểu như vậy không phải là không có thực, nhưng xét cho cùng, việc để cho những nỗi sợ ấy chi phối lại khiến chúng ta dễ dàng đánh mất khả năng ý thức về tính cách phong phú và độc đáo của việc hiện diện thân tình bên cạnh ai đó. Cần nhớ rằng, chúng ta chỉ có thể làm cho cuộc sống mình tiến triển tốt đẹp qua việc quan tâm đến những người khác và sống trọn vẹn trong những khoảnh khắc chúng ta hiện diện bên họ.
Chúng ta có thể chọn cho mình các dạng tương quan mà chúng ta muốn. Qua việc dành thì giờ suy ngẫm khi duyệt xét lại một số mối tương quan với người khác, chúng ta có thể thổi vào các mối quan hệ của mình một một luồng sinh khí mới mẻ hơn.

? Các Tương Quan Ý Nghĩa: Một Quan Điểm Cá Nhân
Trong phần này, xin chia sẻ với bạn một số ý kiến và nhận định của chúng tôi về các nét đặc trưng thường thấy nơi một mối tương quan được coi là có ý nghĩa quan trọng. Dù rằng những nguyên tắc đề nghị ở đây có liên quan nhiều hơn đến mối tương quan giữa các đôi vợ chồng với nhau đi nữa, thì chúng cũng có thể tỏ ra thích đáng đối với các mối tương quan cá nhân khác. Chẳng hạn, có thể lấy nguyên tắc sau đây làm điển hình cho điều vừa nói: “Những người có liên quan đến nhau thường phải ra sức hành động để giữ cho mối quan hệ của họ được lành mạnh”. Các bậc cha mẹ và con cái thường coi mối quan hệ thân thuộc là điều dĩ nhiên, và do đó, hiếm khi nào họ dành thì giờ bên nhau cả. Hoặc là về phía cha mẹ, hoặc là về phía con cái, cả hai phía đều mong đợi phía bên kia có trách nhiệm chính yếu cho mối quan hệ giữa họ. Nguyên tắc chung đó có thể áp dụng cho bạn bè hoặc cho các bên với nhau trong một mối quan hệ nền tảng nào đó. Lúc tham khảo các nguyên tắc, bạn hãy thử áp dụng nó vào các mối tương quan khác nhau trong cuộc sống, hãy hết sức lưu ý về các giá trị văn hóa đặc thù của bạn. Nền văn hóa bạn đang sống đóng giữ một vai trò ảnh hưởng sâu rộng đến các mối tương quan bạn có, và nhất thiết bạn cần phải làm cho những ý tưởng chúng tôi đề ra trở nên tương xứng với những giá trị cốt lõi của bạn. Lúc duyệt qua gợi ý, bạn hãy tự hỏi mình xem những phẩm chất nào bạn cho là quan trọng nhất cần thiết phải có trong các mối tương quan của bạn.
Các mối tương quan trở nên ý nghĩa nhất khi chúng biểu lộ được tính chất năng động và có khả năng phát triển hơn là bất động và cố hữu. Do đó, không có cái gì phải lấy làm lạ về tình trạng luân phiên nhau giữa những thời kỳ vui vẻ, thuận hòa với những thời khó khăn, đau buồn, chia cách. Khi các cá nhân trong một tương quan nào đó còn sẵn sàng ý thức và chấp nhận được tình trạng “lúc này lúc khác”, thế tất mối quan tương quan của họ sẽ có cơ hội để tiến triển lên một tầng cao mới. Theo chúng tôi, các phẩm chất dưới đây tỏ ra là quan trọng nhất trong bất kỳ một tương quan nào.
• Từng người trong một tương quan đều phải có một bản sắc cá nhân độc đáo và riêng biệt. Kahli Gibran (1923) đã diễn tả rất cô động và rõ ràng về điều này như sau: “Dù thế nào đi nữa, các bạn cũng phải giữ cho được một mức độ thân mật vừa phải giữa các bạn với nhau, và hãy để các ngọn gió từ bốn phương trời có đủ không gian và nhảy múa giữa các bạn”. Việc kiến tạo các mối quan hệ lâu dài là một trách nhiệm hết sức khó khăn bởi vì việc phải tạo ra và duy trì cho được một mức độ cân bằng giữa cái “gần” và cái “xa” trong một tương quan (Lerner, 1985) là cần thiết. Nếu mức độ hiện diện gần gũi bên nhau không đủ, hẳn là con người sẽ cảm thấy bị cô lập và khó mà chia sẻ với nhau những cảm giác và trải nghiệm của mình. Nếu khoảng cách giữa hai người không đủ xa, không mở một mức độ hợp lý nào đó, tất họ sẽ có khuynh hướng làm phai dần ý thức về bản sắc độc đáo của con người mình, khiến mình hoàn toàn bị đồng hóa với người kia, mất quyền làm chủ bản thân, để rồi phải loay hoay tìm cách trở thành con người mà người kia mong muốn.
• Mỗi người đều có khả năng nói chuyện cởi mở với người khác về các vấn đề liên quan đến ý nghĩa và tầm quan trọng của mối tương quan. Đôi bên phải tâm tình cởi mở với nhau để biểu lộ những cảm giác bất bình, cũng như để chia sẻ cho nhau biết về những khả năng thay đổi mà từng người mong muốn. Mỗi người đều lên tiếng diễn tả minh bạch điều mình muốn hơn là cứ ngồi đó và đợi người kia đoán già đoán non cho ra ý nghĩ trong đầu mình rồi tự phải biết mà đáp ứng. Chẳng hạn, hãy giả sử rằng bạn không cảm thấy hài lòng với cái kiểu bạn và mẹ bạn dành thì giờ bên nhau. Bạn có thể đi bước chủ động bằng cách nói ra cho mẹ bạn biết – với thái độ tâm tình chia sẻ, chứ không bực bội hay xét đoán – rằng bạn muốn cuộc nói chuyện giữa hai người có tính cách cá nhân và thân mật hơn. Thay vì nói cho mẹ bạn biết rằng bà thế này thế kia, thì bạn hãy tập trung vào việc biểu lộ cho bà biết về cảm giác của mình trong mối quan hệ với bà. Thay vì tập trung vào điều bạn không muốn có với mẹ, thì hãy nói với bà về điều bạn thích và muốn có với bà.
• Mỗi người phải ý thức các mức độ trách nhiệm của riêng mình đối với tình trạng hạnh phúc chung và phải biết tự kiềm chế việc đổ lỗi cho nhau nếu một người nào đó không cảm thấy hạnh phúc. Tất nhiên, trong một mối quan hệ có tính cách gia đình hay bạn hữu, tâm trạng không vui của người kia cũng có một tác động nhất định lên bạn, nhưng bạn đừng mong rằng người kia sẽ làm cho bạn vui, thỏa mãn hay phấn khởi. Mặc dù cảm giác của những người khác sẽ có tác động trên cuộc sống của bạn đi nữa, nhưng họ không có trách nhiệm trong việc tạo ra thái độ phản ứng của bạn đối với họ. Lúc bạn đơn độc dựa vào những người khác để thỏa mãn được những khát vọng cá nhân hay để cảm thấy chắc chắn hơn cho cuộc sống mình, thì điều đó sẽ tạo ra vấn đề rắc rối. Cách tốt nhất để xây dựng các tương quan vững chắc với những người khác là việc bạn phải chú trọng đến việc phát triển chính con người của mình. Cơ bản nhất, bạn có trách nhiệm trong việc vạch rõ các mục tiêu và định hướng cuộc đời mình, và bạn có rất nhiều khả năng lựa chọn để làm chủ tình hình khi tới một lúc nào đó bạn phải thay đổi các thái độ mình có đối với những tình huống khiến bạn cảm thấy không được hạnh phúc.
• Cả đôi bên đều sẵn sàng ra sức hành động để giữ cho mối tương quan của mình được lành mạnh. Nếu chúng ta hi vọng giữ cho các mối quan hệ của mình được sống động và không ngừng phát triển, chúng ta phải tái lượng định và tái duyệt cách thức chúng ta hiện diện với người khác. Hãy xem thử nguyên tắc này phù hợp như thế nào đối với tình bạn của bạn. Nếu bạn coi việc có được một người bạn tốt là chuyện hiển nhiên, thường tình, để rồi Ít tỏ ra quan tâm đến việc phải làm những điều cần thiết để duy trì tình bạn đó, thì có lẽ người bạn đó sẽ sớm trở nên tỉnh ngộ và thắc mắc về cái kiểu tương quan bạn bè với bạn. Lerner (1995) đã diễn tả rất hay về điều này khi bà viết về cách thức mà đôi khi chúng ta dùng để tái tạo các khuôn mẫu xưa cũ và lôi chúng ra để áp dụng cho các mối tương quan hiện thời. Các tương quan hiện tại của chúng ta sẽ trở nên tồi tệ với việc “đổ rượu mới vào bầu da cũ” đó.
• Đôi bên có thể có những giờ thoải mái vui đùa bên nhau; họ thích thú được làm những việc cùng nhau. Đôi lúc, chúng ta không dành thì giờ để chung vui bên cạnh những người chúng ta yêu thương. Một cách thay đổi các mối tương quan cho khỏi rơi vào đường mòn tẻ nhạt là việc nên ý thức về tình trạng không thường xuyên có được những khoảnh khắc vui đùa bên nhau và xác định được điều gây cản trở và ngăn cản chúng ta không có một cuộc sống thú vị và thoải mái bên nhau. Tiếp tục, hãy suy nghĩ và áp dụng nguyên tắc này vào các mối quan hệ bạn bè thân thiết của bạn.
• Nếu mối tương quan có bao hàm khía cạnh tính dục trong đó, thì đôi bên phải nỗ lực đi các bước giữ cho mối tình lãng mạn ấy được sinh động mãi. Dù đôi bên trong một mối quan hệ tình dục hiếm khi trải qua mức độ mãnh liệt và tính chất lạ thường trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, thì cũng phải nói là họ có thể kiến tạo ra một khung cảnh lãng mạn và gần gũi nhau. Trong quan hệ tình dục, họ tỏ ra nhạy cảm đối với các nhu cầu và ước muốn của nhau; cùng lúc, họ có thể hỏi nhau để xin điều họ muốn và cần. đời sống tính dục thường là một phong vũ biểu đo mối quan hệ của họ.
• Các bên hoàn toàn bình đẳng với nhau trong mối tương quan. Những người cảm thấy rằng họ đơn thuần chỉ là “những người cho đi” và cho rằng đối tác của họ thường tỏ ra thiếu sẵn sàng lúc họ cần đến, có lẽ sẽ đặt tình trạng mất cân bằng, hoặc thiếu phối hợp ấy, thành vấn đề. Trong một số tương quan, đôi khi, một người lại có cảm giác mình đang ở trong một vị thế tương đối cao hơn đối với người kia – chẳng hạn, rất sẵn lòng đón nghe và cho ý kiến mặc dù không sẵn sàng đến với người khác để biểu lộ cho người ta thấy tính chất dễ bị tổn thương của mình. Cả hai bên cần sẵn sàng để nhìn vào các mặt của tình trạng bất bình đẳng và biểu lộ thiện ý muốn thương lượng nhằm tạo ra những thay đổi cần thiết.
• Mỗi người đều phải tìm thấy ý nghĩa và những nguồn gốc của việc nuôi dưỡng tương quan ở bên ngoài tương quan đó. Đôi khi, người ta trở nên có thái độ độc chiếm trong các tình bạn hữu của họ. Một dấu hiệu nói lên một mối tương quan lành mạnh là việc mỗi người cần tránh giả thuyết một thái độ chiếm hữu đối với người kia. Đôi khi, dù tôi có thể có cảm giác ghen tuông đối với bạn, nhưng như thế không có nghĩa là tôi được phép bắt buộc bạn phải gạt bỏ những cảm xúc bạn có đối với những người khác.
• Mỗi người đang tiến theo một phương hướng trong cuộc đời vốn có ý nghĩa về mặt cá nhân. Họ cảm thấy phấn khởi cả về phẩm chất cuộc sống lẫn những kế hoạch họ vạch ra. Được ứng dụng cho các đôi vợ chồng, nguyên tắc này hàm ý rằng không những các cá nhân cảm thấy rằng nhu cầu của họ đang được đáp ứng trong mối quan hệ, mà cùng lúc họ cũng cảm thấy một ý thức về những ràng buộc trong công việc, vui chơi và các mối tương quan với bạn bè và với các thành viên gia đình mình.
• Nếu họ ở trong một tương quan có cam kết, họ sẽ duy trì mối tương quan ấy bằng các lựa chọn, chứ không vì bổn phận, hoặc vì lợi ích vật chất. Họ chọn giữ vững mối ràng buộc của họ với nhau cả khi hoàn cảnh trở nên khắc nghiệt hoặc vào những lúc họ trải qua đau khổ trong mối quan hệ. Bởi vì họ chia sẻ các mục đích và các giá trị chung với nhau, nên họ sẵn sàng nhìn vào cái gì còn đang thiếu trong mối quan hệ của mình và gia công thay đổi những tình huống không đúng như mong đợi.
• Họ có khả năng xử lý rốt ráo các mối xung đột trong quan hệ của mình. Các đôi vợ chồng thường tìm kiếm những lời tư vấn về mối quan hệ của họ với mong muốn rằng họ sẽ học cách để giảm thiểu tình trạng xung đột. Phải nói ngay rằng đây là một đích nhắm thiếu thực tế. Bởi nói cho cùng, việc tìm cách tránh né xung đột xem ra không quan trọng cho bằng việc đôi bên học biết cách biểu lộ sự bất đồng – cơn giận, hay nỗi thất vọng – của mình với tinh thần xây dựng và với thái độ tôn trọng lẫn nhau.
• Họ không mong đợi người khác làm cho mình điều họ có khả năng tự mình làm được. Họ không mong đợi người kia khiến họ cảm thấy hạnh phúc, xua tan được nỗi muộn phiền trong họ, khiến họ cảm thấy có giá trị và quan trọng. Mỗi người phải hành động để hướng tới việc tạo ra một bản sắc riêng cho con người mình. Kết quả là, không có tình trạng người này lệ thuộc vào người kia thì mới có thể cảm thấy yên tâm về giá trị cá nhân bản thân; và cũng không có tình trạng người này núp bóng người kia, dựa vào người kia thì mới tiến bước được trong đời. Như thế, sẵn sàng hành động để làm cho cuộc đời của chính mình trở nên có ý nghĩa hơn, là họ đang góp phần đem lại niềm hạnh phúc cho nhau.
• Họ khích lệ nhau để trở nên tất cả những gì mà họ có thể trở nên. Đáng tiếc thay, người ta thường “đầu tư” vào việc ra sức giữ chân những người mà họ có mối tương quan mật thiết, không cho họ thay đổi. Sở dĩ họ phải làm như vậy là vì họ sợ; họ cố điều khiển cho được đối tác thì mới yên lòng; nhưng như thế, họ lại khiến cho đối tác của họ không thể sống và thể hiện trọn vẹn cái tôi đích thực của mình. Dù vậy, nếu những người này nhận ra được cảm giác lo sợ đó, tất họ sẽ nỗ lực để loại bỏ những đòi hỏi vốn gây cản trở cho việc phát triển bản thân của đối tác.
Việc kiến tạo và duy trì các mối quan hệ bạn bè, đặc biệt là các mối tương quan có tính mật thiết với nhau, là một mối quan tâm chính yếu đối với nhiều sinh viên đại học. Không hề có một thứ “linh dược” nào có sẵn đó để rồi chỉ cần uống vào là có thể thành công tức khắc; do đó, việc phát triển các mối tương quan ý nghĩa luôn đòi hỏi một thái độ thiện chí và sẵn sàng đưa ra những cam kết. Nhiều sinh viên bảo rằng họ không có đủ thì giờ để duy trì các mối quan hệ bạn bè hay các mối tương quan khác. Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp như thế, thì bạn phải lưu tâm để thấy rằng các mối tương quan và tình bạn của bạn chắc chắn sẽ phai nhạt dần đi nếu bạn tỏ ra lơ là và thiếu coi trọng chúng. Bạn có thể đưa ra một số lựa chọn nhầm vào việc làm gia tăng các cơ hội để phát triển các mối quan hệ bạn bè có tính cách lâu dài:
• Chấp nhận những nét khác biệt giữa bạn bè của bạn với bản thân bạn.
• Học cách ý thức về các mối xung đột và xử lý chúng trong tinh thần xây dựng.
• Sẵn sàng để người khác biết bạn bị tác động như thế nào trong mối tương quan với họ.
• Ra sức duy trì nét sống động của mối tương quan, cũng như nỗ lực không ngừng để đối thoại, kể khi bạn có trải qua một nỗi sợ bị từ chối đi nữa.
• Phải biết thận trọng kiểm chứng những lối suy nghĩ giả định về người khác, đừng cố đoán già đoán non những điều người khác đang suy nghĩ hay cảm giác.
• Phải có thái độ sẵn sàng đón nhận những gì có thể khiến mình bị tổn thương hoặc các rủi ro mình phải gánh chịu về sau.
• Ra sức tránh cơn cám dỗ muốn sống hoàn toàn theo những gì người khác mong đợi, thay vì phải nỗ lực sống với những giá trị đích thực thuộc riêng về bản thân mình.
John Gottman, đồng sáng lập viên và là giám đốc Viện Hôn nhân và Gia đình Tại Seatle, đã khởi xướng một cuộc nghiên cứu trên quy mô rộng để xác định cho thấy đâu là những nhân tố được coi là có tính chất liên kết chặt chẽ với các mối quan hệ hôn nhân thành công. Trong cuốn The Seven Principles for Making Marriage Word (1999), Gottman và Nan Silver đã trình bày một số nét đặc trưng chủ chốt của mối quan hệ thành công.
– Mối tương tri sâu đậm: Các đôi thấu hiểu được những mục tiêu, hoài bão, và các mối quan tâm của nhau.
– Tình yêu mến và lòng cảm phục lẫn nhau: Khi các đôi không còn thấy phải tôn trọng và cảm kích lẫn nhau nữa, thì quả là hết sức khó khăn cho việc đem lại một luồng sinh khí mới cho mối quan hệ.
– Tính liên kết chặt chẽ: Khi các cá nhân tôn trọng lẫn nhau, thì họ thường có khả năng đồng cảm với tầm nhìn của nhau.
– Ý thức chung về quyền hạn: Khi các đôi bất hòa với nhau, họ thường ra sức kiếm tìm một điểm chung để đối thoại hơn là việc từng người cứ một mực cho rằng ý kiến của mình mới là quan trọng nhất, có tính quyết định.
– Các mục tiêu chung: Các bên kết hợp chặt chẽ các mục tiêu của nhau và coi như đó như là điều căn bản mà mối tương giao mật thiết của họ phải nhắm tới.
– Đối thoại cởi mở: Từng người trong mối quan hệ đó có thể nói lên trọn vẹn và thẳng thắn về những điều mình tin chắc và những niềm tin cốt lõi của mình.
Liệu có những nét khác biệt trong cung cách quan niệm của nam giới và nữ giới về “tiêu chuẩn” cần thiết cho một tương quan thân mật hay không? Theo Carroll (2005), nữ giới thường cho rằng một nghề nghiệp hứa hẹn là điều quan trọng; còn nam giới thì thường cho rằng sự hấp dẫn thể lý mới là quan trọng. Thiên hạ tìm kiếm những nét đặc trưng cá nhân khác biệt nơi những đối tác của họ. Carroll (2005) đã kết luận như sau: “Về đại thể, những người yêu nhau tốt lành thường nhạy cảm với các nhu cầu và ước muốn của các đối tác với họ, có thể bày tỏ những khát khao của riêng họ, và thường có tính nhẫn nại, quan tâm và tự tin”.
Việc phát triển các mối tương quan mật thiết ý nghĩa đòi hỏi phải có thì giờ, nỗ lực và quyết tâm vượt qua những giai đoạn hay hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hơn nữa, để có thể trở thành một người bạn tốt đối với người khác, trước hết bạn phải là một người tri kỷ đối với chính mình, tức là việc bạn phải ra sức hiểu biết chính mình và quan tâm đến bản thân mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG LỜI DỐI GIAN NGỌT NGÀO (Xung đột nhận thức)
  2. CẢM XÚC VÀ CÁC CƠ QUAN TƯƠNG ỨNG
  3. TƯƠNG QUAN, LIÊN HỆ

Bài viết khác của tác giả

  1. BƯỚC ĐƯỜNG CHỌN LỰA CUỘC ĐỜI

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG