NHỮNG LỜI DỐI GIAN NGỌT NGÀO (Xung đột nhận thức)

ROLF DOBELLI

Trích: Nghệ Thuật Tư Duy Rành Mạch (99 lỗi tư duy cần tránh); Minh Thi dịch; Nhà Xuất Bản Thế Giới.

Một con cáo bò đến bên một cây nho. Nó ngắm nghía những quả nho tím to căng, chín mọng với ánh mắt thèm thuồng. Nó đặt hai hàng móng vuốt lên thân cây nho, vươn cao cổ lên, và cố gắng với lấy những quả nho, nhưng chúng ở quá cao. Tức giận, nó thử lại vận may một lần nữa. Nó nhảy tót lên, nhưng móng vuốt của nó chỉ cào được vào không trung. Đến lần thứ ba thì nó dùng hết sức mình mà nhảy – nhảy mạnh đến nỗi ngã uỵch xuống đất. Vẫn chẳng có chiếc lá nào rung rinh. Con cáo bèn hếch mũi mà rằng: “Chùm nho kia thậm chí còn chưa chín. Tại sao ta lại muốn ăn nho chua cơ chứ?”. Và ngẩng cao đầu, nó sải bước về rừng.

“Anh có thể đóng vai con cáo khôn ngoan thế nào tùy thích – nhưng anh sẽ không bao giờ có được chùm nho bằng cách ấy”

Nhà thơ Hy Lạp Aesop đã viết câu chuyện ngụ ngôn này để mô tả một trong những lỗi lý luận thông thường nhất. Đã có sự mâu thuẫn xảy ra khi con cáo quyết định làm một việc và sau đó lại không hoàn thành được nó. Nó có thể giải quyết được xung đột này bằng một trong ba cách: (a) làm cách nào đó tóm lấy chùm nho, (b) thừa nhận rằng kỹ năng của nó còn thiếu xót, (c) diễn giải lại chuyện đã xảy ra từ đầu. Lựa chọn cuối cùng chính là một ví dụ của xung đột nhận thức, hay nói cách khác, chính là giải pháp.

Giả sử bạn mua một chiếc xe mới.Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau bạn lại hối hận vì lựa chọn đó: động cơ xe gây tiếng ồn giống như máy bay lúc cất cánh và chỗ ngồi của tài xế thì không thoải mái. Bạn sẽ làm gì? Trả lại chiếc xe có nghĩa là thừa nhận sai lầm của mình (bạn không muốn vậy!) và dù sao thì, hãng xe hẳn sẽ không hoàn lại toàn bộ số tiền. Vì vậy bạn tự nhủ với mình rằng tiếng ồn động cơ và chỗ ngổi không thoải mái là những đặc điểm an toàn tuyệt vời giúp bạn tránh được việc ngủ quên khi lái xe. Bạn bèn nghĩ, lựa chọn này cũng đâu đến nỗi ngu ngốc lắm và bỗng nhiên thấy tự hào về quyết định thực tế và hợp lý của mình.

Leon Festinger và James M. Carlesmith ở Đại học Stanford từng yêu cầu các sinh viên của họ tiến hành những công việc vô cùng tẻ nhạt trong vòng một giờ. Sau đó họ chia các sinh viên ra làm hai nhóm. Mỗi sinh viên ở nhóm A nhận được một đô la (năm đó là năm 1959) và được chỉ dẫn phải tán tụng công việc họ làm với sinh viên khác đang chờ bên ngoài – hay nói cách khác là nói dối. Những sinh viên trong nhóm B cũng được yêu cầu tương tự, chỉ với một điểm khác: họ nhận được những 20 đô la cho việc này. Sau đó, các sinh viên phải tiết lộ cảm giác thực sự của họ về công việc nhạt nhẽo kia. Điều thú vị là, những người chỉ nhận được một đô la lại đánh giá công việc đó thực sự thú vị hơn nhóm kia. Tại sao? Một đồng một đô la nhỏ bé không đủ để nói dối trắng trợn; thay vào đó họ tự thuyết phục mình rằng công việc ấy không hề tệ đến thế. Đúng như cách con cáo của Aesop đã diễn giải lại tình huống, họ cũng làm như vậy. Những sinh viên nhận được nhiều tiền hơn thì không cần phải biện minh gì cả. Họ đã nói dối và thu về 20 đô la cho việc đó – một thương vụ công bằng. Họ không trải qua xung đột nhận thức.

Giả sử bạn đi xin việc và phát hiện mình đã bị mất một công việc vào tay một ứng viên khác. Thay vì thừa nhận rằng người kia phù hợp hơn, bạn tự thuyết phục bản thân rằng ngay từ đầu bạn đã chẳng muốn công việc đó mà chỉ đơn thuần muốn thử thách “giá trị bản thân trên thị trường” và xem mình có được mời phỏng vấn hay không mà thôi.

Cách đây không lâu tôi cũng có phản ứng không khác gì khi phải lựa chọn việc đầu tư vào hai loại cổ phiếu khác nhau. Cổ phiếu tôi chọn bị mất giá rất nhiều không lâu sau khi mua, trong khi loại cổ phiếu tôi không mua thì tăng vùn vụt. Tôi không đành lòng thừa nhận sai lầm của mình. Ngược lại: tôi nhớ rất rõ mình từng cố gắng thuyết phục một anh bạn rằng mặc dù loại cổ phiếu này gặp phải một số vấn đề nho nhỏ ban đầu, nhưng nhìn chung nó vẫn có nhiều tiềm năng hơn. Chỉ có xung đột nhận thức mới có thể lý giải cho lối phản ứng thậm chí vô lý trên. “Tiềm năng” kia hẳn có thể còn lớn hơn nếu như tôi trì hoãn quyết định mua cổ phiếu cho đến ngày hôm nay. Cũng chính người bạn đó đã kể cho tôi câu chuyện ngụ ngôn của Aesop. “Anh có thể đóng vai con cáo khôn ngoan thế nào tùy thích – nhưng anh sẽ không bao giờ có được chùm nho bằng cách ấy”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC LÀ MỘT LOẠI MỸ ĐỨC, CŨNG LÀ THỂ HIỆN CỦA TRÍ TUỆ
  2. PHẢI LÀM SAO NẾU TÔI CẢM THẤY MÌNH “BẾ TẮC”?
  3. NÓI SỰ THẬT

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ