PHẢI LÀM SAO NẾU TÔI CẢM THẤY MÌNH “BẾ TẮC”?

ALEXANDRA ROBBINS

Trích: Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên (Lời khuyên của những người tuổi hai mươi đã trải nghiệm và chế ngự khủng hoảng); Trần Nguyên dịch; NXB Tri Thức

Christina Litte, 24 tuổi, tốt nghiệp Đại học bang Louisiana, đã sống một mình trong căn hộ ở Dallas được hai năm. Hợp đồng thuê nhà của cô đã hết một năm trước, nhưng mắc kẹt trong sự do dự, nên Christina đã thuê nhà hàng tháng vì không thể đưa ra quyết định cho bước tiếp theo. “Tôi nên gia hạn hợp đồng, hay nên chuyển đến một căn hộ khác ở Dallas, hay chuyển đến một thành phố khác? Hi vọng khi cuốn sách này được bày bán ngoài tiệm, tôi đã đưa ra quyết định nên sống ở đâu”, cô nói, “trong thâm tâm, tôi thèm khát được chuyển đến một thành phố khác thoải mái hơn, nhưng có tìm được việc trong thành phố đó hay không lại nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tôi vẫn cảm thấy như mình vừa mới ra trường, Trong khi tôi đã có gần hai năm kinh nghiệm làm việc. Thật khốn khổ khi mắc kẹt trong một thành phố mà tôi không hòa hợp, đồng thời vẫn tìm kiếm một công việc khác, ở một thành phố khác nhưng không thành công. Tôi sợ rằng đến một lúc nào đó, nếu tôi không đưa ra quyết định, cuộc sống sẽ quyết định giùm tôi.

Nina O’Connell, 24 tuổi, ở Michigan, cũng có cảm giác tương tự. “Tôi cảm thấy bế tắc. Tôi đã số ở nhà và đi học suốt sáu năm, và vẫn tiếp tục làm vậy mặc dù tôi có một công việc toàn thời gian và tấm bằng cử nhân. Tôi mắc nợ rất nhiều vì học hành, và với công việc giáo viên phổ thông, tôi tiếp tục đi học để lấy bằng thạc sĩ, vốn rất tốn kém. Tôi muốn dọn ra ngoài sống, nhưng không thể vì đang rất khó khăn về tài chính. Như thể tôi muốn tiến tới trước cùng với tất cả những gì tôi có, nhưng một người nào đó hay một thứ gì đó không ngừng kéo tôi lại, không cho tôi tiến tới”.

Lên kế hoạch

Người hướng dẫn: Valerie Green

Tuổi: 27

Ước gì khi ở tuổi 25 tôi đã biết được rằng, “không phải bạn không có sức mạnh để thay đổi”.

Vài tháng sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng báo chí truyền hình, Valerie Green đã rất phấn khởi khi nhận được lời mời làm việc với cương vị nhà sản xuất truyền hình. Nơi làm việc cách nhà của cô ở Missouri vài giờ đi lại, nhưng cô đã rất nôn nóng được bắt đầu một cuộc sống mới và dấn thân vào sự nghiệp. Mặc dù thích công việc của mình, nhưng cô chỉ kiếm được 11.000 đô la trong chín tháng đầu. Khi nhận ra rằng trong ngành truyền hình, bạn phải không ngừng di chuyển để có thể thăng tiến, Valerie đã tìm việc khắp nơi trên cản nước và nhận được một công việc ở Austin, Texas. “Nó khá xa nhà, và tôi không quen ai ở Austin cả. Nhưng tôi vẫn chất đồ lên xe và đến Austin để nhận việc. Chỉ sau vài tuần, tôi đã biết mình ghét công việc này. Tôi chỉ đơn giản nhận ra điều đó. Công việc không giống với những gì họ đã nói một chút nào. Tôi đã rơi vào một hoàn cảnh khó khăn; hết tiền, và cảm thấy không hạnh phúc giữa nơi tôi chẳng hề quen biết một ai. Rồi nền kinh tế suy thoái. Tôi đã tìm việc ở các nơi khác, điên cuồng tìm cách thoát khỏi tình hình tồi tệ đó. Tôi ghét công việc ấy đến nỗi tôi thường khóc trên đường đi làm”.

“Tôi đã sống trong tình trạng ấy suốt hai năm”, Valerie nói, “Bố mẹ tôi sẵn sàng trả tiền thuê xe tải cho tôi dọn về St. Louis, nhưng đối với tôi, làm vậy chẳng khác gì đầu hàng để chạy về nhà. Bạn trai tìm cách giúp tôi, nhưng sức chịu đựng của anh ấy trước những lời than vãn của tôi đã đến giới hạn. Suốt ngày tôi than phiền về nó. Thật mệt mỏi. Một số bạn bè đã thôi không trả lời điện thoại của tôi nữa, về sau tôi được biết là vì tôi suốt ngày than thở. Họ đã chán phải nghe những gì tôi nói. Nhưng không ai bảo với tôi rằng. ‘Valerie, hãy thôi than vãn và hãy làm gì đó để thay đổi!’ vốn có lẽ là điều tôi cần được nghe”.

Sự suy giảm của nền kinh tế tiếp tục tác động đến Austin. Người lao động bị sa thải hàng tuần, bao gồm cả bạn trai của Valerie – một nhân viên công nghệ đã từng bị nghỉ việc hai lần. “Chúng tôi muốn kết hôn, rồi một ngày nào đó sẽ mua nhà, bắt đầu một cuộc sống cùng nhau, nhưng chúng tôi phải đối diện với sự thật rằng nó sẽ không diễn ra ở Austin”, Valerie nói. Hai năm sau họ đi đến một giải pháp. “Chúng tôi không coi nó là chạy trốn khỏi vấn đề, mà coi nó là nắm quyền kiểm soát trước tình huống khó khăn. Hai chúng tôi cùng lập danh sách năm thành phố hàng đầu mà chúng tôi muốn sống, dựa vào các tiêu chuẩn về công việc, chi phí, và môi trường nói chung. Chicago là lựa chọn hàng đầu của tôi, và là lựa nhọn thứ hai của anh ấy, nên chúng tôi bắt đầu tiết kiệm tiền”. Sau một năm tiết kiệm và tích cóp, họ đã có đủ tiền để chuyển đi.

Vài tháng sau khi chuyển, Valerie đã tìm được một công việc trong lĩnh vực truyền thông, ngành nghề mà cô rất hứng thú, còn bạn trai của cô ký hợp đồng dài hạn cho một đại lý quảng cáo. “Dù tài chính vẫn eo hẹp, nhưng ít nhất tôi cảm thấy sẽ có cơ hội để cải thiện”, Valerie nói, “Chỉ đưa ra một bước tiến nhỏ nhoi trong tình huống như thế cũng đủ để khiến bạn cảm thấy hoàn toàn khác biệt. Thay đổi lúc nào cũng khó khăn nhưng đôi khi là cần thiết. Tôi nhận thấy rằng trong phần lớn giai đoạn Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên của mình, cảm giác hoàn toàn bất lực trước những gì đang xảy ra với sự nghiệp, cơ thể, và đời sống tình cảm mới là tồi tệ nhất. Những lúc đó tôi thường cảm thấy tuyệt vọng vô cùng. Chỉ đến khi tôi nắm được quyền kiểm soát một vấn đề, dù là nhỏ nhất, thì mọi vấn đề khác mới đi vào khuôn khổ và tôi sẽ bắt đầu cảm thấy khá dần lên”.

Bạn sẽ không thể khám phá ra những đại dương mới trừ phi bạn đủ can đảm để rời khỏi bờ.

 

Bước đi đầu tiên

Người hướng dẫn: Catherine Franklin

Tuổi: 31

Ước gì khi ở tuổi 25 tôi đã biết được rằng, “cách duy nhất để ‘giải thoát’ là hãy ngừng tìm cách tính toán mọi chuyện cùng một lúc và tập trung vào việc thực hiện bước đầu tiên, dù có đáng sợ đến mức nào”.

Sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng York, Catherine Franklin đã chuyển về nơi cô sinh ra – Washington D.C. – để sống, mặc dù cô không hề muốn. “Tôi biết tôi đang ở nơi không dành cho tôi, nhưng tôi quá sợ để làm bất cứ điều gì hòng thay đổi nó”, Catherine nói. “Tôi sẽ phải đến New Work thường xuyên vì công việc. Hầu hết bạn bè củ tôi đã chuyển đến đó, và tôi vẫn thường nghĩ mọi người đang làm điều tôi muốn làm. Trên đường về D.C., tôi đã có cảm giác, ‘Tại sao mình lại ở đây? Mình không thuộc về nơi này’. Mỗi khi tôi đến New York, tôi có cảm giác như đang ở nhà. Tôi đã luôn thích New York, kể từ lần đầu tiên đến thăm thành phố này khi lên bảy. Trong khi đó, tôi ngày càng mệt mỏi vì phải sống ở D.C., khiến tôi cảm thấy bực bội cà với những việc khác trong cuộc sống của mình. Nhưng tôi vẫn không rời khỏi nó. Tôi đã luôn tìm đủ mọi lý do để trì hoãn việc chuyển đến New Work, như: Mình vừa được thăng chức, mình vừa mua nội thất mới, mình sẽ phải bán xe, mình không có tiền”.

Sáu năm sau, Catherine nghe tin tòa nhà chung cư nơi đang sống sẽ bị đập bỏ và cô sẽ nhận được tiền đền bù. Đột nhiên, mọi lý do của cô biến mất. “Cuối cùng tôi cũng được giải phóng. Tôi chỉ việc mạnh dạn làm điều tôi muốn. Tôi bán xe và vứt bỏ mọi thứ tôi không thể mang theo tới New Work. Ngày đầu tiên ở thành phố đã diễn ra như thể, ‘Tại sao mình không làm việc này năm năm trước?’. Tất cả chúng ta đều có một mái nhà bên trong. Khi bạn thấy mình gắn bó với một nơi nào đó, nó sẽ giống như một thiết bị định vị bên trong con người bạn. Có thứ gì đó trong bộ não của bạn bật tách lên khi bạn biết nơi mình phải thuộc về. Mọi vấn đề khác đi vào quỹ đạo – công việc, cách sống, những người xung quanh, văn hóa, các hoạt động – tất cả những điều tôi đã tưởng mình thiếu. Chẳng hạn như, tôi đã bắt đầu khiêu vũ kể từ khi còn nhỏ, và ở DC không có nhiều cơ hội để khiêu vũ, nhưng ở New York thì có. Chuyển đến New York đã tạo ra những biến đổi to lớn trong cuộc sống của tôi, từ các vấn đề cá nhân đến công việc”.

Lời khuyên của Catherine dành cho những người tuổi 20 đang cảm thấy bị mắc kẹt trên phương diện địa lý và hãy hỏi bản thân câu hỏi: “Nếu bỏ qua vấn đề tài chính và sự sợ hãi, bạn sẽ muốn sống ở đâu?”. Cô giải thích rằng, “Sự sợ hãi và tính e dè khiến người ta hành động vì những lý do sai lầm. Nếu bạn muốn làm những việc bạn muốn làm, sống ở nơi bạn muốn sống, thì tiền bạc và sự tự chủ sẽ đi theo bạn. Tôi thực sự tin vào điều đó. Có một câu nói mà tôi đã đọc được từ vài năm trước, đó là, ‘Bạn sẽ không thể khám phá ra những đại dương mới trừ phi bạn đủ can đảm để rời khỏi bờ’. Câu này thực sư có ý nghĩa đối với tôi vì tôi đã học được rằng một khi bạn thực hiện bước đi đầu tiên (và thường là bước đi khó khăn nhất) để thay đổi cuộc sống theo cách mà bạn nghĩ sẽ khiế bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, thì các mảnh ghép khác cũng sẽ gắn vào chỗ của nó. Bạn chỉ cần sẵn sàng tực hiện bước đi đầu tiên ấy. Rồi mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn từ đó”.

Nhiều cách khác để vượt qua

Các hướng dẫn viên có thể “giải thoát” bản thân đã nhắc đến một chiến thuật quan trọng, một mẹo mà chúng ta thường quên, mỗi khi bị sự khao khát thay đổi lấn át. Hãy thực hiện bước đi đầu tiên, dù là nhỏ, rồi bạn sẽ có thể tiến tới. Không lâu sau, bạn sẽ thực hiện một bước tiến nhỏ khác, rồi cuối cùng các bước tiến nhỏ ấy sẽ gộp lại thành một thay đổi đáng kể. Đây là một kế hoạch tốt có thể áp dụng cho mọi giai đoạn thiếu quyết đoán trong cuộc đời bạn. Miễn sao bạn không ngừng di chuyển về mặt vật chất hoặc tinh thần, rồi bạn sẽ may mắn có được một cuộc gặp gỡ hoặc một cuộc trải nghiệm dẫn bạn tới một điều mới mẻ. Có thể bạn sẽ gặp được người có một vai trò nào đó trong cuộc đời bạn, hoặc sẽ học được một kỹ năng hoặc một hoạt động mới. Có thể bạn sẽ tình cờ tìm được một đam mê. Nếu bạn không chuyển động, bạn sẽ không học được gì cả. Nên hãy cứ đi. Cứ thử. Thậm chí ngay cả việc thử cũng có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân mình. Dám thử còn tốt hơn là giậm chân tại chỗ hoặc đắm mình trong chờ đợi. Vì ngay cả ngay khi bạn không đi đúng hướng bạn đã nghĩ mình sẽ đi, thì dám thử cũng có nghĩa rằng ít nhất bạn đang đi đến một nơi nào đó. Đi đến một nơi nào đó sẽ dẫn tới một điều gì đó, bất kể nó có phải điều bạn trông chờ hay không.

Ngay cả khi bạn bắt đầu bằng việc bước một bước nhỏ nhất, thì ít ra bạn cũng đang tiến về phía trước. Brady Muth, 26 tuổi, đến từ Yankton, Nam Dakota, người sẽ đưa ra nhiều lời khuyên hơn nữa trong chương sau của cuốn sách, giải thích về chiến thuật này như sau: “Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ rằng, đừng buông tay từ bỏ; hãy cứ tiến tới. Tôi không bao giờ muốn từ bỏ hoặc đi chệch khỏi những gì tôi đã đối mặt trong cuộc sống. Tôi không muốn từ bỏ, nhưng tôi cũng không muốn đứng yên và chịu bế tắc. Tôi muốn không ngừng di chuyển”, Brady nói. “Huấn luyện viên bóng bầu dục ở trường của tôi đã nói rằng, bạn không bao giờ đứng yên. Bạn luôn tiến tới trước hoặc lùi lại, nhưng không bao giờ đứng yên. Nên có lẽ trong quan niệm của tôi, tôi luôn muốn tiến tới trước và muốn trưởng thành hơn nữa. Những trải nghiệm trong quá khứ đã hình thành nên con người hiện tại của tôi và tôi không bao giờ muốn quên chúng”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG SỨ GIẢ CỦA SỰ THẬT
  2. BƯỚC NGOẶT
  3. TỪ MỤC ĐỒNG TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU