BƯỚC NGOẶT

ADAM KHOO

Trích: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế?; Dịch giả: Trần Đăng Khoa & Uông Xuân Vy; NXB. Phụ Nữ; 2018

Vào thời điểm khủng hoảng nhất trong sự nghiệp học hành của tôi, cha tôi vô tình biết đến một khóa học năm ngày đặc biệt, dạy cho học sinh cách học hiệu quả và làm chủ cuộc sống. Tin rằng mình không còn gì để mất ngoại trừ việc phải bỏ tiền, cha mẹ tôi quyết định cho tôi tham gia khóa học ấy, một khóa học có tên nghe chẳng có gì là dành cho tôi chút nào: Thiếu Niên Siêu Đẳng (Super-Teen).

Thế là vào một buổi sáng chủ nhật năm 1987, tôi được đưa tới khách sạn Ladyhill và được thầy Ernest Wong dìu dắt. Lúc đó, tôi khoảng 13 tuổi, tham gia chương trình chung với những học sinh khác tuổi từ 12 đến 20. Hôm đó, tôi hết sức buồn bực vì nghĩ rằng năm ngày chơi điện tử và xem tivi thỏa thuê của tôi đã tiêu tùng. Thế nhưng, vào ngày cuối cùng của khóa học, tôi đã thay đổi hoàn toàn. Những gì tôi được học và trãi nghiệm đã đảo ngược thái độ, quan điểm của tôi về học tập và cuộc sống.

Kiến thức mà Ernest Wong truyền đạt trong suốt khóa học tạo nên sự biến đổi mạnh trong tính cách của tôi. Bằng việc giúp học sinh áp dụng các phương pháp học tập ở Mỹ như Cách Học Tăng Tốc (Accelerated Learning), Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy (Neu-Linguistic Programing – NLP) cùng với các cách thức tìm hiểu, tận dụng sức mạnh phi thường  của não bộ, Ernest đã giúp tôi hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình về khả năng bản thân và những thành công trong cuộc sống. Ernest chỉ cho chúng tôi thấy rằng, tất cả mọi người, thậm chí học sinh kém nhất, ai cũng có nguồn năng lực vô tận để trở thành tài năng sáng chói hoặc các nhà lãnh đạo tài ba. Chính thái độ tiêu cực, không tin tưởng vào bản thân dẫn đến việc không chịu cố gắng là yếu tố duy nhất gây cản trở chúng tôi vươn tới thành công.

Nhận thức được điều này có ảnh hưởng hết sức to lớn đối với tôi. Tôi từng nghĩ rằng mình kém cỏi hơn tất cả bạn bè xung quanh và đó là số phận định sẵn của tôi. Do đó, tôi đã chấp nhận số phận đó, và tin rằng cho dù tôi có cố gắng học đến cỡ nào cũng không thể bằng những bạn khác. Vậy thì chẳng có lý do gì mà tôi phải cố gắng. Tôi đã hoàn toàn sai lầm.

Sau khi hiểu rằng tôi cũng có khả năng thành công như bất kì ai khác, tôi bắt đầu tin rằng tôi có thể đạt được những mục tiêu do tôi đề ra. Tôi tin rằng nếu những học sinh khác học giỏi được, tôi cũng có thể học giỏi và thậm chí còn giỏi hơn tất cả họ để trở thành xuất sắc nhất. Nếu những học sinh khác có thể được tuyển và các chương trình năng khiếu đặc biệt, tôi cũng có khả năng đạt được điều đó bằng quyết tâm của mình. Làm thế nào mà khóa học Thiếu Niên Siêu Đẳng lại ảnh hưởng tôi mạnh mẽ đến như vậy? Đơn giản là vì lúc đó tôi hết lòng tin tưởng vào tất cả những gì tôi được huấn luyện trong khóa học. Bạn cũng thế, nếu bạn không tin rằng bạn có thể làm được một việc gì đó cho dù việc đó rất đơn giản và ai cũng làm được, bạn cũng không bao giờ làm được vì bạn chẳng bao giờ bắt tay vào làm chứ đừng nói đến cố gắng.

Tôi kết thúc khóa học với những kỹ năng học hiệu quả và một niềm tin mãnh liệt rằng tôi có thể giành lại quyền được thành công của chính mình. Vâng, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng như nhau, tôi cũng thế, tôi có quyền được thành công. Lần đầu tiên trong đời tôi, một học sinh gần như kém nhất trường, đặt mục tiêu đạt thành tích xuất sắc trong học tập chứ không chỉ đơn thuần là giỏi.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HỌC ĐỂ THẤY – TƯ DUY TÍCH CỰC TẠO THÀNH CÔNG
  2. 10 THÓI QUEN TẠO TƯ DUY TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG
  3. SỰ LỰA CHỌN TRONG TẦM TAY

Bài viết khác của tác giả

  1. MUỐN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG, HÃY BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG NGƯỜI BẠN
  2. TIN TƯỞNG VÀO BẢN THÂN VÀ ÁP DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ THÀNH CÔNG

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN