HỌC ĐỂ THẤY – TƯ DUY TÍCH CỰC TẠO THÀNH CÔNG

NAPOLEON HILL

Trích: Tư duy tích cực tạo thành công; Thu Hà-Vương Long dịch; NXB. Tổng Hợp Tp. HCM, 2017

Cần phải học để “nhìn thấy”. Nhưng George vẫn phải học hỏi đôi điều vốn rất có ích cho bất kỳ ai quan tâm đến việc tìm hiểu thái độ tích cực. Ông sẽ không bao giờ quên ngày nhìn thấy mẹ đứng trước mặt mình ở trong phòng bệnh. Ông đã không nhận ra bà cho đến khi nghe thấy giọng nói của bà. George nói: “Tâm trí chúng ta giải mã những gì chúng ta nhìn thấy”.

Khoa học đã chứng minh điều đó. Tiến sĩ Samuel Renshaw đã mô tả quá trình nhìn như sau: “Đa số quá trình nhìn không chỉ diễn ra bằng mắt. Đôi mắt hoạt động như đôi bàn tay ‘đưa ra’ nắm lấy ‘những thứ’ vô nghĩa và mang chúng về bộ não. Sau đó, bộ não sẽ chuyển ‘những thứ’ này về bộ nhớ. Chỉ đến khi bộ não giải mã được các dữ liệu thì chúng ta mới thấy vật thể mà chúng ta đang nhìn”.

Một số người “nhìn thấy” rất ít những nguồn sức mạnh lẫn hạnh phúc ở quanh họ, bởi họ không tiếp nhận hợp lý nguồn thông tin mà đôi mắt mang lại thông qua quá trình giải mã của bộ não. Kết quả là họ thường chỉ nhìn mọi thứ chứ không thật sự thấy chúng. Đôi khi chúng ta tiếp nhận sự việc nhưng không hề hay biết ý nghĩa của chúng đối với mình. Nói cách khác, chúng ta không biết vận dụng thái độ tích cực khi tiếp nhận và xử lý các thông tin được gửi đến bộ não.

Liệu đã đến lúc kiểm tra “thị lực tinh thần” của bạn hay chưa? Đây không phải là thị lực bình thường hay một vấn đề thuộc chuyên môn của các bác sĩ nhãn khoa, nhưng cũng giống như thị lực bình thường, thị lực tinh thần cũng có thể bị khuyết tật. Một khi thị lực tinh thần có khiếm khuyết, bạn sẽ phải dò dẫm bước đi trong những khái niệm sai lầm, bạn sẽ bị va vấp rồi làm đau chính mình lẫn người khác một cách không cần thiết.

Thị lực thông thường của con người có thể mắc chứng cận thị hoặc viễn thị. Đây cũng là hai chứng bệnh mà thị lực tinh thần có thể mắc phải.

Những người có cái nhìn thiển cận sẽ không trông thấy các mục tiêu hay tiềm năng ở xa. Anh ta chỉ chú ý đến những vấn đề ở trước mắt và hoàn toàn mù mờ về những cơ hội phía trước mà nếu chỉ cần suy nghĩ và lập kế hoạch, rất có thể chúng sẽ thuộc về anh ta. Bạn cũng sẽ bị xem là có cái nhìn thiển cận, nếu không lập kế hoạch, đặt mục tiêu và xây dựng nền tảng cho tương lai.

Ngược lại, những người nhìn quá xa sẽ không thể thấy các tiềm năng ở ngay trước mắt. Anh ta không hề nhận ra những cơ hội hiện có. Anh ta chỉ nhìn thấy thế giới mộng mơ của tương lai, không mấy liên quan đến hiện tại. Anh ta muốn khởi đầu ngay từ đỉnh cao, thay vì tiến đến đó từng bước một. Hơn nữa, anh ta không nhận ra rằng việc bắt đầu từ đỉnh cao như vậy là anh ta đang tự đưa mình vào thế khó khăn.

Họ quan sát và nhận ra những gì họ nhìn thấy. Vì vậy, trong quá trình học cách nhìn nhận cuộc sống, bạn cần phát huy khả năng quan sát của mình.

Trước đây, người dân ở thị trấn nhỏ Darby, Montana, vẫn thường nhìn lên ngọn núi phía xa mà họ gọi là Crystal. Sở dĩ ngọn núi được đặt tên như vậy là do quá trình xói mòn đã làm lộ ra một gờ mạch quặng tinh thể lấp lánh như pha lê. Một con đường đá đã được xây dựng xuyên qua vỉa đá vào đầu năm 1937, nhưng cho đến tận năm 1951, nghĩa là 14 năm sau đó, hầu như chẳng một ai buồn cúi xuống nhặt một mẩu tinh thể lấp lánh đó lên để nhìn cho thật kỹ.

Vào năm 1951, hai người đàn ông ở Darby là A.E. Cumley và L. I. Thompson đã nhìn thấy một bộ sưu tập khoáng vật được trưng bày trong thị trấn. Cả hai đều cảm thấy rất hứng thú. Trong bộ sưu tập đó, họ nhìn thấy những mẫu khoáng chất berin đã từng được dùng trong công cuộc nghiên cứu năng lượng hạt nhân, theo lời chú thích trên tấm thẻ đính kèm. Thompson và Cumley lập tức nghĩ đến núi Crystal. Thompson đã gửi một mẩu quặng đến Vụ Khai Thác Mỏ ở Spokane, kèm theo lời đề nghị cử một nhà phân tích xuống xem “một số lượng cực lớn” khoáng vật này. Trong cùng năm đó, Vụ Khai Thác Mỏ đã điều một xe ủi đất lên núi Crystal và lấy một ít quặng về nghiên cứu. Mục đích của họ là phân tích xem liệu đây có phải là mỏ quặng berin quý giá và lớn nhất trên thế giới hay không. Ngày nay, những chuyến xe tải chở đất phải xếp hàng nối đuôi nhau chạy lên núi và quay trở về với một thùng xe đầy quặng.Trong khi ngay dưới chân núi, các đại diện Công ty Thép Mỹ và Chính phủ Mỹ, cầm sẵn tiền trên tay, đang chầu chực trong sự hồi hộp để mua được những mẫu quặng giá trị cao. Tất cả những điều đó chỉ bắt đầu từ buổi sáng đặc biệt, khi hai người đàn ông kia không chỉ quan sát bằng đôi mắt, mà còn chịu khó quan sát bằng trí tuệ của mình, để phát hiện những giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ngày nay, họ đã là những người giàu có với tài sản trị giá nhiều triệu đô-la.

Một người nhìn xa có thể không làm được điều mà Thompson và Cumley đã làm, nếu thị lực tinh thần của anh ta bị khiếm khuyết. Anh ta chỉ có thể nhìn thấy những giá trị ở xa, trong khi mọi cơ hội trước mắt lại bị bỏ qua một cách lãng phí. Phải chăng một gia tài lớn đang nằm ngay trước cửa nhà bạn? Hãy nhìn lại chính mình. Khi phải thực hiện công việc thường nhật, liệu bạn có cảm thấy bực bội vì một điều gì đó nhỏ nhặt hay không? Có lẽ bạn sẽ nghĩ ra một giải pháp để vượt qua nỗi phiền muộn đó – một giải pháp giúp ích cho bản thân và cho những người khác. Rất nhiều người đã phát tài nhờ biết đáp ứng những nhu cầu đơn giản trong cuộc sống thường nhật. Những nhà phát minh ra cái kẹp tóc, kẹp giấy, dây kéo bằng kim loai chính là những người như vậy. Hãy nhìn lại chính mình. Hãy học để nhìn thấy các sự việc quanh mình. Bạn có thể tìm thấy mỏ kim cương ngay tại sân sau nhà mình.

Tuy nhiên, việc “nhìn thiển cận” gặp nhiều vấn đề không kém việc “nhìn quá xa”. Những người thiển cận chỉ có thể nhìn thấy những gì ở ngay truớc mắt mà bỏ qua mọi tiềm năng ở xa. Họ không bao giờ hiểu được tác dụng của việc lập kế hoạch. Họ cũng không hiểu được ý nghĩa của việc dành thời gian suy nghĩ. Họ quá bận rộn với những vấn đề tức thời, bận đến mức không còn thời giờ để nhìn ra xa, tìm kiếm cơ hội, quan sát trào lưu và thấy được cục diện chung.

Khả năng nhìn vào tương lai là một trong những thành tựu kỳ lạ của bộ não con người. Ở khu vực chuyên canh cây có múi thuộc Florida có một thị trấn nhỏ tên là Winter Haven. Nhiều người cho rằng đây chắc chắn không thể là địa chỉ thích hợp để thu hút khách du lịch. “Thiên đường mùa đông” này nằm lọt thỏm giữa một vùng đất mênh mông, vắng vẻ. Không có biển, không có núi, chỉ có những ngọn đồi trải dài hàng dặm với một vài hồ nước nhỏ và đám cây bách lơ thơ trong các đầm lầy bên dưới thung lũng.

Tuy nhiên, có một người đã “nhìn” những đầm lầy đó bằng con mắt mà người khác không sử dụng đến. Tên ông là Richard Pope. Pope đã mua một cái đầm rộng, dựng hàng rào xung quanh, và từ chối những lời đề nghị mua lại Vườn Bách nổi tiếng thế giới với giá trên một triệu đô-la.

Tất nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trong suốt quá trình này, Pope phải ”nhìn thấy” những cơ hội trong tình huống cụ thể của mình.

Chẳng hạn với vấn đề quảng cáo. Pope biết rằng cách duy nhất để thu hút khách du lịch đến một nơi hẻo lánh như vậy là phải tận dụng sức mạnh của quảng cáo. Nhưng việc đó hẳn sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, Pope đã chọn làm cách khác. Ông kinh doanh nhiếp ảnh. Ông mở một tiệm ảnh ở Vườn Bách, bán phim cho khách tham quan và sau đó hướng dẫn họ chụp ảnh ngay trong Vườn. Ông thuê các vận động viên trượt ván đến để thực hiện những động tác khó và hướng dẫn khách tham quan cách đặt chế độ máy ảnh thích hợp để ghi lại hình ảnh những màn biểu diễn này. Tất nhiên khi khách du lịch trở về thì những bức ảnh đẹp nhất của chuyến đi luôn được chụp tại Vườn Bách. Họ đã giúp Pope quảng cáo, với phương tiện hiệu quả nhất là truyền miệng và bằng chứng là các bức ảnh!

Đây chính là tầm nhìn sáng tạo mà chúng ta cần phát huy. Chúng ta phải học cách nhìn thế giới bằng một đôi mắt khác để thấy những cơ hội đang tiềm ẩn xung quanh, đồng thời tìm kiếm các cơ hội ở tương lai phía trước.

Nhìn nhận cuộc sống là một kỹ năng cần học hỏi, và cũng như mọi kỹ năng khác, chúng ta cần phải rèn luyện mới có thể trở nên thành thạo.

Nhìn thấy khả năng, tiềm lực và quan điểm của người khác. Chúng ta có thể biết rõ năng lực của bản thân, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn mù mờ về người khác. Tất cả mọi người, dù vĩ đại hay không, đều có xuất phát điểm như nhau. Không ai sinh ra đã là thiên tài. Trong thực tế, một số nhân vật xuất chúng thỉnh thoảng vẫn bị xem là ngớ ngẫn. Chỉ đến khi tiếp nhận thái độ tích cực, học cách hiểu rõ mọi năng lực và xác định mục tiêu rõ ràng cho tương lai, con người mới bắt đầu chinh phục đỉnh cao của thành công.

Thomas Alva Edison (1847 – 1931) với phát minh bóng đèn điện nổi tiếng

Có một cậu bé luôn bị thầy cô giáo xem là một kẻ đần độn, “óc bả đậu”. Cậu thường ngồi im lặng và vẽ cái gì đó trên tấm bảng của mình. Cậu thích quan sát và lắng nghe mọi người xung quanh. Cậu đặt những câu hỏi không thể trả lời, nhưng lại không chịu nói ra những gì mình biết. Lũ trẻ gọi cậu là “kẻ tối dạ” và cậu thường bị phạt đứng ở góc lớp.

Cậu bé đó chính là Thomas Alva Edison, nhà phát minh vĩ đại của thế giới sau này. Bạn hẳn sẽ cảm thấy hứng thú khi đọc toàn bộ câu chuyện cuộc đời của Thomas A. Edison. Thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp đều cho rằng ông là một kẻ ngu ngốc. Tuy nhiên, một sự cố đã khiến ông lật lá bùa từ NMA sang PMA và ông đã trở thành một nhân vật lỗi lạc, một nhà phát minh vĩ đại của nhân loại.

Vậy sự cố kia là gì? Điều gì đã xảy ra với Edison khiến ông thay đổi thái độ sống? Chuyện là có lần ông kể cho mẹ nghe rằng thầy giáo đã nói với viên thanh tra là ông rất tối dạ và chẳng có lý do gì để giữ ộng lại trường. Người mẹ đáp lại rằng dù có như vậy thì bà vẫn tin con trai bà là người thông minh và có thể thành đạt sau này.

Kể từ hôm đó, ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông nói: ”Tôi chịu ảnh hưởng từ mẹ tôi rất nhiều. Những ảnh hưởng tốt đẹp từ sự dạy dỗ ban đầu mà tôi không bao giờ đánh mất. Mẹ tôi luôn ân cần, biết thông cảm và chưa bao giờ đánh giá sai về tôi”. Niềm tin của mẹ dành cho ông đã khiến ông nhìn lại bản thân bằng một đôi mắt hoàn toàn khác. Chính điều đó khiến ông lật lá bùa mặt tiêu cực sang mặt tích cực và chọn một thái độ tích cực để học tập và nghiên cứu. Thái độ này đã dạy cho Edison cách nhìn nhận mọi việc một cách bao quát và sâu sắc hơn, cho phép ông tìm ra những phát minh mang Iai ích lợi to lớn cho nhân loại. Có lẽ người thầy đã không nhìn thấy điều đó vì không thật sự quan tâm đến việc giúp đỡ cho cậu học trò nhỏ của mình. Nhưng mẹ của Edison thì không.

Bạn có khuynh hướng chỉ thấy những gì mình muốn thấy.

Khi bạn nghe, không hẳn là bạn đã chú ý, nhưng khi bạn lắng nghe thì bạn đang tập trung toàn bộ tâm trí. Qua cuốn sách này, chúng tôi muốn bạn hãy biết lắng nghe thông điệp này: hãy nhìn xem bạn liên hệ và vận dụng nguyên tắc thành công vào cuộc sống của mình như thế nào.

Chúng ta hãy xem trường hợp sau đây.

Tiến sĩ Roy Plunkett, một nhà hóa học của công ty DuPont, tiến hành một thí nghiệm đặc biệt, và ông đã thất bại. Khi mở ống nghiệm, ông thấy ống nghiệm dường như chẳng còn gì cả. Ông cảm thấy khó hiểu và tự hỏi: “Tại sao?”. Ông không bỏ ống nghiệm đi như nhiều nhà khoa học khác vẫn làm trong hoàn cảnh tương tự. Thay vào đó, ông đặt chiếc ống nghiệm đó lên cân. Và lạ lùng thay, trọng lượng của ống nghiệm sau thí nghiệm cao hơn hẳn so với những ống nghiệm chưa được dùng đến. Và một lần nữa, Tiến sĩ Plunkett lại tự hỏi mình: “Tại sao?”.

Trong quá trình đi tìm câu trả lời, ông đã khám phá ra một loại nhựa trong suốt, tetrafluoroethylene, thường được biết đến với tên gọi là nhựa Teflon mà sau này được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và cả trong cuộc sống.

Vậy nếu có điều gì đó mà bạn không hiểu thì hãy tự đặt câu hỏi tại sao. Hãy quan sát, phân tích và rất có thể bạn sẽ đạt được một thành tựu lớn lao đấy.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NỖI ÁM ẢNH TÍCH CỰC
  2. NIỀM TIN LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA MỌI THÀNH CÔNG VĨ ĐẠI
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC PHỔ BIẾN ĐỂ TẠO ĐỘNG LỰC CHO BẢN THÂN

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI