NHỮNG SỨ GIẢ CỦA SỰ THẬT

AJAHN BRAHM

Trích: Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất; Nguyên tác: The Art of Disappearing; Trần Thị Hương Lan dịch Việt; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty First News - Trí Việt; 2018

Một cách nhìn khác về sự thoát ly thế giới là nhìn nhận nó như là một chuyển động vào Tâm, chốn tĩnh lặng nội tại. Đôi lúc bạn muốn nhìn xem thế giới của gia đình mình, thế giới của bạn bè mình như thế nào, thậm chí bạn muốn xem thế giới Phật giáo ra sao, khi ấy bạn đang thoát ly khỏi Tâm, nghĩa là tự lôi kéo bản thân ra khỏi cõi tĩnh lặng của bạn. Bạn có thể cảm nhận được sự căng níu đó. Con người chúng ta sẽ luôn bị căng níu như thế suốt đời. Vậy bạn đã từng bị níu kéo như thế chưa? Thường thì những người tu rời bỏ tu viện là vì họ bị hấp dẫn bởi chuyện tình cảm khác giới. Liệu điều đó có làm họ hạnh phúc? Cách đây nhiều năm, có một bài báo đăng trên tạp chí Punch nhan đề Lời khuyên dành cho những ai sắp kết hôn. Cả bài báo chiếm trọn hai trang “đắc địa” đều rỗng tuếch, ngoại trừ bốn mẫu tự “ĐỪNG”. Bốn mẫu tự này đủ thể hiện sự thấu hiểu bể khổ của hôn nhân. Đừng nghĩ rằng bạn khác người ta, rằng bạn có thể thoát khỏi sầu khổ bởi bạn đặc biệt hơn hoặc thông thái hơn kẻ khác. Chỉ có thói kiêu ngạo của bản ngã mới nghĩ rằng ta giỏi hơn, ta khôn hơn người khác; rằng ta có thể tránh được những vấn đề khó khăn phức tạp mà những người khác đều phải đối mặt.

Khi còn trẻ, tôi đã từng huyễn hoặc bản thân như vậy. Tôi học cách ngăn không cho khó khăn tóm bắt được mình bằng cách lần mò tới tận cùng tính logic của chúng. Tôi nghĩ: “Sau đó rồi sao? Rồi sao nữa?”, và tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tôi có được bức tranh toàn cảnh. Đối với chuyện ảo mộng như tình yêu, hôn nhân và cái kết đẹp đẽ “Họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời”, thì “Rồi sao nữa?” bóc gột hết niềm vui, bởi vì “Sau đó rồi sao?” sẽ chỉ là hư vô. Vô sắc, không còn sự tươi sáng, không còn niềm vui hay hạnh phúc nữa, bởi vì “Sau đó rồi sao?” có thể là bất kỳ cái gì mà bất kỳ ai cũng có thể trải qua. Khi phần vui thú phai tàn và biến mất, bạn quay trở lại nơi bạn bắt đầu. Còn hơn thế, bạn vẫn chưa hiểu được bất kỳ điều gì về cuộc sống. Bạn đang cố đi qua cuộc đời, cố giành giật vài khoảnh khắc hạnh phúc và vui sướng. Rốt cuộc, bạn đang rướn người lấy đà nhảy về phía tuổi già và chia lìa những người mình yêu thương. Thế, điểm mấu chốt ở đây là gì? Đó là hãy đi theo lộ trình Tuệ nibbida, tức là hành thiền tu tập trí tuệ thực sự. Bạn đã nếm đủ sầu khổ, điều đó có nghĩa là bạn đã tích đủ cơ sở dữ liệu xử lý. Hãy suy ngẫm về bể khổ khi bạn gặp gian khó và hãy rèn luyện Tuệ nibbida.

Tất cả là hành thiền, lắng nghe, thẩm thấu và hiểu.

Trong khóa tu tập hành thiền, sẽ có nhiều lúc bạn chán nản. Nếu bạn cảm thấy nhức chân cẳng, hoặc bạn ngồi đó mà chẳng biết làm gì – bạn không muốn tọa thiền, không muốn đi thiền, không muốn đọc sách, bạn chán rũ rượi – đó là lúc bạn cần tìm hiểu về sự chán nản. Nếu bạn tìm hiểu sự sầu khổ, bạn sẽ không tận dụng hết từng khoảnh khắc của khóa thiền, bạn cũng không khám phá và trau dồi tính cách cá nhân của bạn. Việc rèn Tâm không nằm ở sự kiểm soát vạn vật, mà nằm ở sự thông hiểu chúng. Hãy xem những khó khăn và thất vọng như là các devaduta, sứ giả sự thật, đến để dạy ta giáo huấn Dhamma. Đại sư Ajahn Chah hay gọi những sứ giả này là Kruba Ajahn – những bậc tôn sư. Những Kruba Ajahn này không sống trong tu viện lớn. Đó là những Kruba Ajahn trong tưởng tượng. Kruba Ajahn thật sự ở trong chính mái nhà của bạn, khi bạn tỉnh giấc lúc sáng sớm nhưng lại mệt đến độ không muốn cất mình ra khỏi giường. Những Kruba Ajahn này sẽ có mặt ngay tại nơi bạn ngồi thiền rất lâu mà chẳng đi được tới đâu. Kruba Ajahn thật sự sẽ hiện hữu trong lúc bạn nhập thiền nhưng lại cứ đắn đo, tự hỏi còn lại bao nhiêu ngày nữa thì hết khóa tu. Khi ai đó không đặt thức ăn thích hợp vào bát của bạn, hoặc khi bạn sắp hành thiền sâu thì một con quạ kêu nháo lên. Tóm lại, bất cứ điều gì khiến bạn thật sự thất vọng hay điên tiết, đó đều là Kruba Ajahn – bậc thầy. Tất cả là hành thiền, lắng nghe, thẩm thấu và hiểu.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LOẠI BỎ SIẾT CHẶT VÀ BUÔNG LỎNG
  2. TRỞ VỀ YÊN LẶNG
  3. CHÁNH NIỆM THÂN VÀ TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI