TRỞ VỀ YÊN LẶNG

DAININ KATAGIRI TƯỜNG ĐỒNG ĐẠI NHẪN (1928-1990)

Trích: Trở về yên lặng; Thái An chuyển ngữ; NXB. Hồng Đức, 2014

 

Đôi khi chúng ta rất bảo thủ. Dù Phật dạy đi dạy lại, chúng ta vẫn không chấp nhận. Khi ấy chẳng còn gì để làm. Vì vậy, trên Linh Thứu Sơn, Phật để mọi người rời đi. Nhưng như thế không có nghĩa là Đức Phật hoàn toàn buông xuôi đối với họ. Đức Phật vẫn bày tỏ sự từ bi đối với họ vào bất kỳ lúc nào, và nếu họ quyết định trở lại, ngài chấp nhận họ. Bởi vậy, Đạo Nguyên thiền sư nói: “Ngay tại Linh Thứu Sơn, vẫn có những người Đức Phật để cho đi. Nếu đức tin đúng nổi lên trong tâm trí, ông nên tu học và hành trì dưới sự dẫn dắt của một vị thầy”. Vậy nếu bạn có đức tin đúng, hãy bắt đầu lắng nghe, suy ngẫm và thực hành lời Phật dạy. Chúng ta không nên xa lánh xã hội, mà nên tu tập cùng nhau dưới sự hướng dẫn của một người thầy.

Đạo Nguyên thiền sư nói tiếp: “Nếu đức tin không khởi lên, ông nên ngừng một thời gian, và hối tiếc việc không nhận được các ích lợi của pháp từ quá khứ. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên quay lưng lại với những người cần cứu độ, mà nên nói họ nghiêm túc suy ngẫm về bản thân và cuộc sống của mình. Chúng ta vốn đã ở ngay trong sự từ bi của Phật. Không thấy được điều này, chẳng khác gì ở giữa đại dương lại đi tìm nước.

Bạn có từng nghĩ thật kỳ lạ, khi mình đang thực hành tọa thiền ngay lúc này, ngay ở đây? Nó thực sự là một điều không thể giải thích được, nhưng nó là thực tế. Đây là cuộc sống của bạn. Đây là thời điểm của tọa thiền mà bạn thực hiện lúc này. “Thời điểm của tọa thiền” nghĩa là gì?. Tọa thiền là một hiện tượng ở ngay trong dòng chảy thời gian. Vì vậy, khi thời gian choán lấy một phần nhất định của không gian, nó được gọi là một dịp. Dịp này được biểu đạt thành rửa mặt, ăn, đi dạo, thực hành nghi lễ, hay trì tụng. Tính chất của dịp này là gì? Nó không phải xảy ra do ngẫu nhiên. Nó có một lịch sử lâu dài. Tại sao chúng ta tọa thiền? Chúng ta chưa từng bị ép buộc tọa thiền, nhưng vẫn làm. Tính chất của dịp tọa thiền không phải là một dòng sông nông cạn hay một con lạch. Nó thực sự là một đại dương sâu, được gọi là các nhân và duyên. Tại sao tôi trở thành một tu sĩ? Có lẽ tôi đã làm điều tốt gì đó trong quá khứ. Đây là một nhân, nhưng đồng thời có rất nhiều duyên hỗ trợ cho một nhân. Vậy hãy nhìn vào tính chất của dịp này. Cả thế gian đi vào dịp này, vào tọa thiền mà chúng ta thực hành cùng nhau.

Thời gian khởi lên như vậy, thông qua các thời điểm, dịp, nhân và duyên. Nó cứ vậy khởi lên. “Cứ vậy khởi lên” nghĩa là các vận động thuần khiết, hành động vô điều kiện. Không có gì để nói về nó. Vậy tại sao bạn không tin tưởng tọa thiền, tin tưởng sự tịch tĩnh, hay nói cách khác, tin vào sự thật rằng mình là Phật. Nếu không tin, làm sao tôi có thể quan tâm đến bạn, làm sao bạn có thể quan tâm đến người khác?

Tin cậy nghĩa là gì? Hãy lắng nghe lời Phật dạy. Bằng sự toàn tâm, hãy cố gắng sống trong an bình, hòa hợp với mọi chúng sinh. Khi tọa thiền, chỉ tọa thiền. Đừng ngủ khi tọa thiền. Nhiều người đang miệt mài nghiên cứu thần học, triết học và tâm lý học để trở nên tự do. Nhưng khi bạn tọa thiền, hãy một lòng tọa thiền, vì đây là dịp bạn được đương đầu. Nó là pháp giới. Chúng ta phải buông xuôi vào pháp giới. Khi ấy, tự nhiên sự khoan dung, từ bi và sáng suốt sinh ra từ tọa thiền. Nếu không làm vậy, sao chúng ta có thể sống an bình và hòa hợp với mọi người? Tọa thiền là một hành trình đơn giản. Nếu không thực hiện được hành trì đơn giản này, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội sống an bình và hòa hợp.

Mỗi người nên cẩn thận suy xét để hiểu tu tập đích thực của Phật là gì. Lúc nào chúng ta cũng đang tìm kiếm thứ gì đó ngoài mình, như là trì danh, tụng kinh hoặc đọc luận. Đây là lối tu tập rất thông thường. Đạo Nguyên thiền sư chỉ ra rằng chúng ta luôn làm như vậy trong cuộc sống hàng ngày. Nên ông muốn nói cho chúng ta biết tu tập đích thực của Phật là gì. Nhấn mạnh của ông là đầu tiên chúng ta phải có đức tin đúng. Nếu không có đức tin đúng, dù ai đó có giải thích bao nhiêu về tầm quan trọng của tu tập, chúng ta cũng sẽ không hiểu.

Trong thiền đường của Đại học Komazawa ở Tokyo, có một thiền sư nổi tiếng. Giọng ông rất lớn và phát ra từ đan điền (hara), và ông sẽ la mắng thiền sinh khi đi đằng sau họ, nên mọi người rất tỉnh thức. Một ngày, ông bị bệnh, không thể ngồi trên nệm thiền, nên ông đứng dậy và bắt đầu đi đằng sau thiền sinh. Họ thực sự tỉnh thức. Ông nói: “Khi tọa thiền, các anh nên phó mặc tọa thiền cho tọa thiền. Lúc ấy các anh mới thành tựu tọa thiền”. Hồi đó tôi không hiểu, nhưng giờ tôi hiểu. Đạo Nguyên thiền sư cũng nói một điều gần như tương tự: “Phó mặc đạo cho đạo, ông mới đạt đạo. Lúc đạt đạo, đạo luôn được phó mặc cho đạo”. Đây là một trong những giải thích về sự bố thí. Nói cách khác, khi bố thí, bạn cứ vậy bố thí. Đây không phải là một hành động theo bản năng. Để bố thí, bạn phải có hiểu biết rõ ràng về trước và sau bố thí, về con người và hoàn cảnh, rồi tất cả những gì bạn phải làm là cứ thế bố thí. Khi thành tựu sự bố thí, bố thí luôn được phó mặc cho bố thí. Khi ấy bố thí đi vào sự hiện hữu. Đây mới thực là bố thí.

Chẳng hạn, hãy hình dung bạn đang leo lên một vách núi. Tình huống ấy giống như ở bên bờ sinh tử. Không có đường thoát, bạn không thể phàn nàn. Nếu bạn ở đó, tất cả những gì phải làm chỉ là ở đó. Nếu hành xử bản năng, bạn có thể chết. Nếu lo lắng, bạn có thể chết. Nếu dựa vào lý trí, bạn cũng có thể chết. Nên bạn phải dựa vào vách núi, vào tâm mình và mọi hoàn cảnh. Bạn phải quan sát cẩn thận và hiểu biết. Nhận thức của bạn phải sáng tỏ, biết điều gì đang diễn ra ở đó. Thế rồi, sau khi sử dụng hiểu biết tốt nhất, thân tâm bạn nên an trụ vào mỗi bước đi. Đây là hành động. Đây là tiến trình của mỗi bước đi mà không lo lắng điều gì sẽ xảy ra trong khoảnh khắc tiếp theo, hay suy nghĩ về việc khi nào mình sẽ lên tới đỉnh, chân núi cách bao xa, mình còn có thể tiếp tục đi xa hơn bao nhiêu, hay mình có thể chết. Không có gì để nghĩ tới, không có gì để lệ thuộc. Tất cả những gì chúng ta phải làm là chỉ hiện diện ở đó, sử dụng mọi thứ mình đã có: nhận thức, tâm trí, vách núi và thời tiết. Thế rồi chúng ta phải hành động. Hãy thực hiện một bước đi, một bước khá đơn giản.

Một bước đi này là gì? Có phải là hiểu về cuộc sống bằng cách nghiên cứu triết học hoặc tâm lý học? Tôi không nghĩ vậy. Rốt cục chúng phải bị loại bỏ. Tất cả những gì chúng ta phải làm chỉ là sống. Hãy thực hiện một bước đi, và một bước đi ấy phải ổn định. Điều này nghĩa là sau khi bằng mọi sự nỗ lực sử dụng nhận thức của mình, hãy toàn tâm hành động. Một bước đi này thực sự không chỉ là một bước đi; nó là cả vũ trụ vạn vật, bao gồm cả núi non, tâm trí, nhận thức của bạn. Mọi thứ hoàn toàn hòa trộn vào một bước đi. Một bước đi là gì? Một bước đi là ngọn núi. Một bước đi là thời tiết. Một bước đi là bạn. Một bước đi là cách sống đích thực. Nó thật sự là đạo.

Thế nên thiền sư của Đại học Komazawa đã nói: “Nếu muốn tọa thiền, ông nên phó mặc tọa thiền cho tọa thiền”. Chỉ có vậy. Khi chúng ta muốn leo núi, cách leo núi chân thực là gì? Phó mặc leo núi cho leo núi. Hãy cứ có một bước đi. Khi ấy bạn có thể tiếp tục leo, từng bước một. Đây được gọi là đức tin đúng, sự tịch tĩnh.

Phật giáo không phải là một tôn giáo mặc khải, nó là một tôn giáo tự thức tỉnh, vì nó dựa trên bản chất tối hậu của tồn tại. Đức tin trong Phật giáo không phụ thuộc vào thứ gì khác, thứ gì bên ngoài chúng ta. Đức tin dựa vào sự tự thức tỉnh và bao gồm những hành động rất đơn giản. Cho dù không hiểu bản chất tối hậu này, tất cả những gì chúng ta phải làm là tiếp tục tiếp cận nó. Đây là đức tin Phật giáo. Đây là ý nghĩa thuần khiết của tu tập. Không có gì làm nó ô nhiễm. Nó rất thực tế, nhưng đồng thời lại bao la, kết nối với cả pháp giới. Tu tập thực sự cho chúng ta là như vậy: phó mặc đạo cho đạo, phó mặc tọa thiền cho tọa thiền, phó mặc một bước đi cho một bước đi. Đây là con đường chân thật để đạt đạo. Đây là tất cả những gì chúng ta phải làm.

Thông thường, chúng ta tìm kiếm thứ gì đó bên ngoài: “Tôi muốn làm điều này”. Thế rồi chúng ta đi tìm, và nếu thấy nó, chúng ta sẽ thực sự có cảm hứng làm điều gì đó; bằng không, chúng ta không quan tâm. Nhưng nếu luôn tìm kiếm thứ gì đó bên ngoài, nếu trong tọa thiền, chúng ta vô tình hay cố tình tìm kiếm thứ gì bên ngoài, đó không phải tọa thiền đích thực.

Đạo Nguyên thiền sư nói: “Đọc chữ nghĩa mà không biết cách tu tập thì khác nào đọc đơn thuốc mà không chú ý tới cách phối hợp các vị thuốc; sẽ hoàn toàn vô dụng”. Chúng ta chỉ nhìn vào đơn thuốc, quên hòa trộn các thành phần thuốc với nhau và hoàn toàn quên uống thuốc. Chúng ta thích đọc đơn thuốc và nói: “Đơn thuốc này thật tuyệt vời!” Đúng là nực cười, nhưng chúng ta luôn làm vậy. Chúng ta nghĩ tọa thiền thật tuyệt vời vì Đức Phật nói nếu tọa thiền, chúng ta trở nên mạnh mẽ. Từ đâu mà sức mạnh ấy tới? Nó đến từ bên ngoài bạn hay sao? Chúng ta nhìn vào chữ nghĩa, lệ thuộc vào chúng, rồi hạnh phúc. Nhưng ai trở nên mạnh mẽ? Kinh sách à? Không, chính bạn trở nên mạnh mẽ.

Hồi còn học đại học, tôi miệt mài nghiên cứu, và một ngày tôi có được một kiểu khai sáng khi đang đọc một cuốn sách. Tôi thấy rất hài lòng, nên tới gặp một người bạn, Yokoi Roshi, và nói với anh về sự khai sáng ấy. Lập tức, anh nói: “ Cậu thật ngớ ngẩn!” Bạn tôi thừa nhận niềm vui của sự khai sáng ấy, nhưng anh vẫn nói tôi ngớ ngẩn. Đúng vậy, vì đó không phải là sự khai sáng của tôi. Nó từ một cuốn sách. Cuốn sách nói cho chúng ta về sự khai sáng, nó viết, “Ai đó nói”, “Đạo Nguyên thiền sư nói”, “Phật nói”, nhưng đây không phải sự khai sáng. Trải nghiệm ấy quan trọng với chúng ta, nhưng không đủ. Nó phải trở nên sâu xa hơn hết lần này đến lần khác, cho đến khi đã xuyên thấu thân tâm của chúng ta.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ NHIÊN NHƯ Ở NHÀ
  2. BƯỚC ĐI MỘT MÌNH, NHƯ TẤT CẢ CHÚNG SINH
  3. Ý THỨC ĐƯỢC THUẦN HÓA VÀ CHƯA ĐƯỢC THUẦN HÓA

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH