PONLOP RINPOCHE
Đức Phật từ xa xưa đã nói rằng, trong tương lai nếu ai gặp được giáo pháp của ngài, điều đó giống như gặp trực tiếp ngài. Bởi vậy, chúng ta có thể “gặp Phật ” ngày nay dưới hình tướng vị thầy, giáo pháp, hoặc sự tu tập của chính mình. Nói rằng chúng ta muốn gặp Phật cũng giống như nói rằng chúng ta muốn gặp trạng thái tỉnh thức của tự tâm. Không cần phải thay đổi con người mình mới gặp được Phật theo cách ấy. Mục đích cuộc gặp gỡ không phải là để trở thành môn sinh của một nền văn hóa khác, hay để khám phá trí tuệ của người khác.Chúng ta không thực hành văn hóa Ấn Độ để trở thành người Ấn Độ, không thực hành văn hóa Nhật Bản hay Tây Tạng để trở thành người Nhật Bản hay Tây Tạng. Mục đích của chúng ta là khám phá mình thật sự là ai, kết nối với trí huệ của chính mình.
Cách tốt nhất để gặp Phật là mời ngài vào nhà mình. Khi chúng ta đang tìm hiểu hay thực hành giáo pháp của ngài, Đức Phật đang ở đó. Chúng ta không phải trang hoàng lại nhà mình để trông như một tu viện, hay như ngôi nhà ở một làng Ấn Độ, rồi mới nhìn vào tâm mình. Và chúng ta không cần các nghi thức Tây Tạng mới có thể mời một vị thầy Tây Tạng ngày nay ghé thăm. Khi gặp lần đầu, chúng ta có thể chào đón vị ấy với một sự biểu lộ tôn kính kiểu Á đông truyền thống, chẳng hạn cúi mình, nhưng ở những cuộc gặp sau, có thể chúng ta sẽ bắt tay.
Chúng ta có thể phục vụ khách thứ trà truyền thống, nhưng cũng có khi là một đồ uống khác – như một lon coke hay ly cà phê starbucks. Chúng ta có thể bàn luận về thiền, cùng ăn, cùng xem phim. Qua thời gian, một sự trao đổi sẽ xảy ra, và chúng ta hình thành sự tôn trọng lẫn nhau, một tình bạn qua lại. Chúng ta phát hiện ra, dù có rất nhiều điều mình có thể học từ vị thầy thành tựu này, chúng ta cũng có thứ gì đó để trao tặng. Chúng ta có một gia sản kinh nghiệm và kiến thức tích lũy từ cuộc đời mình để chia sẽ. Chúng ta không đơn thuần là người đón nhận trong mối quan hệ giữa các nền văn hóa này, mà là người góp phần vào một đối thoại làm phong phú cả hai thế giới.
Trích “ Đường Đến Cuộc Cách Mạng Tâm Thức”
Thái An dịch, Nxb Hồng Đức, 2015.
Ảnh: Dzongchen Ponlop Rinpoche