CHÁNH NIỆM THÂN VÀ TÂM

AJAHN BRAHM

Trích: Hạnh Phúc Đến Từ Sự Biến Mất; Nguyên tác: The Art of Disappearing; Trần Thị Hương Lan dịch; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty CP Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News; 2018

Tử tế và từ tâm, cùng với chánh niệm

Một trong những kỹ thuật thiền rất hữu dụng – nhất là khi bạn bận rộn – là chánh niệm Thân. Thường thì khi bạn xáo động, rất khó để quân bình trở lại. Thay vì ý thức về khoảnh khắc hiện tại, về sự tĩnh lặng, về hơi thở, về metta (lòng từ bi), hay về bất kỳ đối tượng thiền nào bạn nhập dụng, hãy ngồi xuống và nhìn nhận những xúc cảm và cảm giác trong thân thể bạn. Tập trung vào những cảm giác của cơ thể là cách xoa dịu những cảm giác đó. Điều này đặc biệt hữu ích khi bạn đang mệt mỏi hay đau ốm. Cũng không khó lắm đâu.

Để tăng thêm hiệu quả cho kỹ thuật nhập thiền này, hãy áp dụng Tâm từ bi. Tâm từ bi không chỉ là chánh niệm, mà còn được xem là Tâm hiền từ và lòng trắc ẩn. Bạn không chỉ ý thức đến những cảm giác của cơ thể, mà bạn còn tử tế và từ tâm với chúng. Tử tế và từ tâm, cùng với chánh niệm, sẽ giúp bạn dễ dàng nối kết với đề mục thiền hơn, cũng như giúp bạn dễ an tịnh. Chẳng hạn như, nếu bạn bị đau đầu gối hay căng cứng trong cơ thể, bạn sẽ thấy chánh niệm, cùng lòng từ bi với bản thân, sẽ giúp bạn dễ dàng duy trì sự chú ý đến cơ thể hơn.

Tôi thấy kỹ thuật luyện tập này rất hữu dụng với thiền đi bộ (thiền động). Khi tôi thiền động, một hồi cơ thể tôi nóng lên, chốc chốc tôi lại ngồi xuống do mệt mỏi và đau nhức. Những cảm giác ở thân thể tôi trải qua rất rõ rệt, bởi vì chúng “kêu” to và dễ tập trung vào. Đây là đề mục thiền hữu ích để khởi động tu tập hành thiền – nó chặn không cho Tâm trôi đi nơi khác. Nó cũng lắng dịu cơ thể khi có sự chuyển tiếp từ đi bộ xuống tọa thiền. Đó là phương pháp tập trung rất hữu hiệu mà không làm bạn xao lãng chánh niệm.

Tập trung vào chỗ đau hay chỗ nhức bằng Tâm từ bi cũng giúp xoa dịu nó. Từ kinh nghiệm của mình, tập trung vào chỗ đau hay căn bệnh bằng Tâm từ bi sẽ làm dịu chúng. Chẳng hạn như, khi ta tập trung vào người bệnh, lan tỏa tình yêu hay lòng từ bi đến họ, ắt sẽ có tác dụng tích cực. Hãy tưởng tượng xem bạn có thể gởi lòng từ bi đến mình. Bởi vì chỉ có bạn gần gũi với bản thân bạn hơn ai hết, cho nên gieo rắc Tâm từ bi cho những bộ phận cơ thể của chính bạn có thể mang lại tác dụng to lớn về mặt thể xác. Đôi khi, nhất là lúc bạn nhập thiền sâu và Tâm bạn đã mạnh mẽ, bạn có thể nhìn thấy nó hoạt động như thế nào. Bạn có thể “hạ gục” cơn đau bằng lòng nhân từ và nó biến mất ngay, bởi vì Tâm bạn rất bén. Cứ tập trung chú ý vào nơi ấy với thái độ nhân từ, nó sẽ ứng nghiệm hầu như ngay tức khắc. Chánh niệm, cùng với lòng từ bi và trắc ẩn, có sức mạnh phi thường. Trong suốt quá trình nhập thiền, nếu bạn bị bệnh, bị thương, hay bị đau nhức (càng lớn tuổi bạn càng bị những thứ này ghé thăm), hãy dùng Tâm từ bi. Hãy dõi theo hơi thở của mình, cách này sẽ có tác dụng tuyệt vời.

Khi bạn theo dõi những cảm giác trong cơ thể, “nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong tĩnh lặng” sẽ tự động diễn ra.

Bằng việc theo dõi những cảm giác trong cơ thể – bất kỳ cảm giác nào đang hiện hữu – và quan tâm đến chúng, bạn thật sự đang thực hành cái mà tôi gọi là “nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong tĩnh lặng”. Khi bạn theo dõi những cảm giác trong cơ thể, “nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong tĩnh lặng” sẽ tự động diễn ra. Không cần nói nhiều về những cảm giác này, cho dù đó là cảm giác sung sướng hay đau đớn. Chính vì chúng không sinh ra chuyện trò, khái niệm hay ngôn ngữ, nên chúng trở thành đề mục thiền tuyệt vời cho bạn bình lắng dòng suy nghĩ của Tâm. Nhờ liên hệ với những cảm giác của cơ thể, chứ không đi theo dòng suy nghĩ, bạn tạo cầu nối giữa thế giới bên ngoài với “nhận thức khoảnh khắc hiện tại trong tĩnh lặng” cũng như với nhận thức về hơi thở.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG SỨ GIẢ CỦA SỰ THẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH