SHARON SALZBERG
Trích: Trái tim thiền tập; Nguyễn Duy Nhiên dịch Việt; NXB. Lao động; Công ty CP sách Thái Hà
Lần đầu tiên tôi tham dự khóa tu thiền quán là tại Bodh-gaya, một ngôi làng ở Ấn Độ, gần cội Bồ đề nơi đức Phật thành đạo. Lúc ấy tôi mới được 18 tuổi. Trong lòng rất buồn chán và bối rối, tôi sang Ấn Độ với mục đích để tìm học thiền. Tôi đang còn nhiều ràng buộc bởi những điều kiện của tuổi thơ và nền văn hóa của mình – như là tự ti và phán xét, lúc nào cũng muốn mình được như người khác. Tôi nghĩ, trong thời gian ấy tôi cũng đã thầm hy vọng là mình sẽ được trở thành một con người hoàn toàn đổi mới sau khi tập thiền.
Vì tôi là một người Tây phương trẻ tuổi nhất ở đó, nên có rất nhiều người tò mò: “Tại sao cô lại thích đi tu thiền?” Khi nghe câu hỏi ấy, trong đầu tôi chợt nghĩ đến hình ảnh của một tượng Phật trong một ngôi chùa lớn gần cội Bồ đề, và tôi đáp, “Tôi tập thiền vì muốn có được tình thương rộng lớn của đức Phật, để tôi có thể thương yêu hết tất cả mọi người như ngài.” Tôi đã thật sự giật mình khi nghe mình trả lời như thế. Nhưng tôi biết, câu trả lời ấy phát xuất từ một nơi rất sâu thẳm trong tôi.
Khi tôi muốn có được một tình thương rộng lớn như đức Phật, thật ra là tôi đang tìm một khả năng tự yêu mình, trước hết, mà tôi nghĩ đức Phật chắc chắn phải có – với một cái nhìn sáng tỏ mà lòng từ bi vẫn không hề suy giảm. Thật ra, chính giáo pháp của đức Phật là một biểu hiện của tình thương ấy, một sự tỏa chiếu của lòng từ bi vô lượng. Không cần buông bỏ tuệ giác, mà vẫn không có một chúng sinh nào và không một trạng huống nào lại bị bỏ ra ngoài tình thương rộng lớn ấy. Nó bao trùm trọn vẹn hết tất cả.
Khi bước vào con đường thiền quán, tôi đã nhiều lần khám phá là tôi không thể nào thực tập chân chính được khi mình vẫn còn bị lòng tự ti, mặc cảm ghét bỏ, hoặc là nắm bắt, chạy theo một “cái Tôi” ảo tưởng nào đó thúc đẩy. Tu tập dựa trên những yếu tố đó là tự biến nội tâm mình thành một bãi chiến trường, một cuộc thánh chiến cho một lý tưởng toàn thiện, mà trong đó mảy may không có một sự thương xót nào hết. Tôi chỉ có thể thật sự thực tập khi tôi tiếp xúc được với cái ước muốn ban đầu – để yêu mình và yêu người trọn vẹn hơn. Việc nhớ được điều này mang lại trong tôi một niềm êm ái và một không gian rộng lớn.
Trong tu tập, nếu ta vẫn còn một thái độ phán xét, nó sẽ dẫn ta đến sự trốn tránh và chối bỏ. Vì đôi khi, sự phê phán về những gì phát khởi lên trong tâm sẽ gây nên một cơn đau quá lớn mà ta không kham nổi. Có lần, một người bạn của tôi tham dự một khóa tu thiền ba tháng tổ chức hằng năm tại trung tâm Insight Meditation Society ở Barre, Massachusetts. Năm ấy, một vị thầy mà chúng tôi rất thương và kính là bà Dipa Ma, có ghé qua thăm. Người bạn này, trong thời gian ấy đã gặp nhiều khó khăn trong sự thực tập của anh, liên tiếp nhiều ngày. Và sau cùng, anh quyết định rời khóa tu, tìm vào một quán trọ gần đó, để xem một trận đá bóng đang chiếu trên ti vi.
Khi anh trở lại – mà tôi biết chắc anh cũng chẳng an lạc gì hơn hồi trước khi anh bỏ đi – anh đột nhiên cảm thấy một mặc cảm tội lỗi ghê gớm và tự trách mình nặng nề. Anh ta cũng sợ, vì không biết phải giải thích sao với bà Dipa Ma về hành động của mình. Ngày qua ngày, anh sống với nỗi thống khổ đó. “Làm sao mà mình có thể kể cho bà ta nghe chuyện mình làm được? Điều đó ngu ngốc quá đi, yếu đuối quá đi! Bà ta thế nào cũng sẽ trách móc và khinh thường mình, và rồi bà biết là mình cũng chẳng phải là một thiền sinh giỏi giang gì! Làm sao mà mình có thể kể cho bà nghe được?” Nhưng sau cùng rồi anh đã thu hết can đảm và đi đến phòng bà. Anh ngồi xuống và thú nhận hết tội. Bà Dipa Ma nhìn anh. Bà cúi xuống nắm tay anh, và nói, “Không sao cả. Bây giờ thì mình có thể bắt đầu lại.“
Đó chính là tình thương của Phật. Bạn hãy thử dừng lại và tưởng tượng đến cái trạng thái tâm thức ấy đi, một tâm hiền dịu và rộng lớn đủ để nhìn sự việc không phê phán, mà vẫn thấy được mọi sự như chúng là. Trong cái tâm thức ấy, ta không có một sự ghét bỏ nào, cho dù chúng có là hành động, lời nói, ý nghĩ, ham muốn hay nỗi sợ hãi của chính ta. Khi ta quán chiếu thế giới nội tâm của mình bằng con mắt từ bi của Phật, ta sẽ không hề cảm thấy tự ti, tội lỗi, hay sợ hãi nào hết. Sự buông bỏ hết những chướng ngại cho cái nhìn sáng tỏ này sẽ đem lại cho ta một sức mạnh của lòng can đảm và thành thật, khi ta quay lại quán chiếu chính mình. Và hiểu biết ấy sẽ dẫn đến tình thương, thay vì mặc cảm ghét bỏ. Từ đó chúng ta có thể chuyển hóa đời sống của mình, hướng về một nơi tự do và hạnh phúc.
Cũng thế, khi nhìn người khác, ta sẽ không còn cảm thấy xa cách hoặc thù ghét; chúng ta có thể nhìn với sự hiểu biết và bằng một tình thương rộng lớn. Điều ấy không có nghĩa là ta sẽ trở nên thụ động, dửng dưng trước những tình trạng bất công và khổ đau của cuộc đời, nhưng ta sẽ không để cái năng lượng của sự phán xét sai sử mình nữa. Bằng sự tu tập thiền quán, ta sẽ có thể phát triển khả năng tự thương mình trọn vẹn hơn và yêu người chung quanh chín chắn hơn, tán dương tình thương của một đức Phật mà cũng chính là tiềm năng nhiệm mầu của chính ta.