DZA KILUNG RINPOCHE
Trích: Tâm thư thái – 7 Bước đi sâu vào thiền định; Huỳnh Văn Thanh dịch; NXB. Hồng Đức, 2018
Dza Kilung Rinpoche sinh năm 1970, trụ trì của Thiền viện Kilung (Khắc Long Tự) tại Dzachuka, tỉnh Kham, Tây Tạng từ khi ông còn là một thanh niên. Ông đã hoằng pháp tại phương Tây kể từ năm 1998, và cũng thường xuyên được mời giảng dạy về Phật giáo trên khắp thế giới.
Vào cuối thập niên 1990, ngay sau khi đến nước Mỹ, Dza Kilung Rinpoche thấy các môn sinh phương Tây khó đạt được sự tiến bộ trong thiền định, vì nhịp độ của cuộc sống khiến họ không có được cái tâm an nhiên. Cuốn sách này bao gồm các chỉ dẫn cho pháp môn thiền định bảy bước hết sức truyền thống nhưng dễ áp dụng đối với những người đang sống trong một nền văn hóa đầy động loạn – một cẩm nang tuyệt vời cho bất kỳ hành giả nào.
☀️☀️☀️☀️☀️
Thỉnh thoảng chúng ta có thể trải nghiệm, một cách thanh thoát tự nhiên, tâm thức của mình như thể hoàn toàn siêu việt – an định, thanh tĩnh, tự tại. Việc đó có thể xảy ra bất ngờ mà không cần đến sự dẫn dắt hay kỹ thuật gì. Bạn nhìn vào cái tâm thuần khiết của mình, và mọi thứ hiện diện một cách rõ ràng. Nhưng rồi có những lúc, ngay cả trong khi đang cố gắng hết sức, bạn thấy khó khăn trong việc có được một sự thoáng hiện của trí tuệ và cái nhìn thấu suốt. Ở những lần khác nữa, tâm có thể chẳng làm việc gì nhiều – không bị phân tâm, tập trung, hành xử mỹ mãn… – nhưng ngay cả khi đó, chúng ta cũng vẫn có thể cảm thấy đờ đẫn, thiếu cái nhìn thấu suốt, chẳng giao tiếp được gì với năng lượng và cảm hứng. Thiền quán phát biểu như sau: Làm thế nào chúng ta có thể mang đến cảm hứng cho mình thay vì cố sức thái quá hay có một tâm thức khép kín, bận rộn và căng thẳng, dẫn đến tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi và buồn tẻ? Việc thực hành chuyên cần giúp ổn định bản chất của tâm thức và cho phép tâm thức trở nên quen với việc hiện hữu tự do và tự tại. Nhưng bản chất tự do của tâm thức không hề buồn tẻ một chút nào. Nó tỉnh thức, đầy sức sống và thanh khiết.
Trải nghiệm thấu suốt không chỉ là của cái tâm đã đạt được trạng thái không phiền não. Nó cũng bao gồm trải nghiệm năng lượng của tâm vô ngại. Năng lượng tế vi là một phần của việc trải nghiệm cái nhìn thấu suốt. Đây là một trải nghiệm hết sức thâm sâu còn hơn cả trạng thái tĩnh chỉ, mặc dù điều hết sức quan trọng là phải có sự tĩnh lặng như một cái nền cho cảm hứng. Thế rồi, khi sự nhìn thấy rõ ràng phát triển từ đó và tâm có thể an định lâu hơn trong trạng thái tĩnh chỉ, chúng ta càng thấy nhiều cảm hứng hơn. Sự thư giãn tại thời điểm này có phẩm chất khác hẳn. Sau cùng, chúng ta có thể cảm thấy thư giãn nhiều hơn một cách hữu tình – ở cơ thể – và một sự cảm nhận năng lượng đầy hân hoan. Kế tiếp là một kiểu buông lỏng, và cùng lúc, một cảm giác tỉnh thức, một cảm hứng dồi dào hơn. Đây là những dấu hiệu chỉ ra rằng bạn đang được nối kết với sự nhìn thấy bên trong. Khi bạn đạt được một số ổn định trong pháp thiền này, các phẩm chất cảm hứng và nhiệt thành của nó sẽ trở nên dính chặt với thời gian và môi trường hành thiền của bạn. Với nụ cười trên gương mặt, bạn sẽ nghĩ, “Ồ, đến giờ ngồi thiền rồi! Và đây là chỗ thiền định của tôi”. Và ngay cả khi các khó khăn tái xuất hiện, bằng cách vận dụng đôi chút cố gắng dịu dàng, từ ái và rộng mở, tâm thức sẽ đạt được cảm hứng để hành thiền một cách an nhiên, thư thái.