ĐẢO NGƯỢC NHỮNG QUAN ĐIỂM TRUYỀN THỐNG

TINA SEELIG

Trích: Nếu tôi biết được khi còn 20 - What I wish I knew when I was 20; Hồng Nhật chuyển ngữ; NXB. Trẻ, 2019

 

Rất ít người cố gắng làm đủ mọi điều để nuôi dưỡng tư tưởng cách tân như Tina Seelig. Những nguyên tắc trong cuốn sách của cô chắc chắn sẽ làm bật lên nhiều tư tưởng mới mẻ. Đây thật sự là một cuốn sách rất cần thiết cho thế hệ doanh nhân mới, và cho cả những ai đã dạn dày trận mạc.” – David Kelley, nhà sáng lập của IDEO

 

 

Tại sao hầu hết chúng ta lại không xem khó khăn là các cơ hội trong cuộc sống hàng ngày? Tại sao những nhóm tham gia các dự án được kể ở chương trước phải đợi đến các bài tập này mới có thể mở rộng các giới hạn của trí tưởng tượng của họ? Về cơ bản, chúng ta không được dạy để nắm lấy các khó khăn. Chúng ta được dạy rằng các khó khăn là những thứ cần phải tránh hoặc là những điều để phàn nàn. Mỗi ngày chúng ta đều có thể thử thách chính mình. Đó là việc lựa chọn quan sát thế giới xung quanh với nhiều lăng kính khác mà qua những lăng kính đó chúng ta có thể hiểu được vấn đề dưới luồng ánh sáng mới. Càng sẵn sàng đối diện với vấn đề bao nhiêu thì chúng ta càng tự tin và thuần thục bấy nhiêu trong việc giải quyết chúng; và hơn thế nữa, chúng ta sẽ càng dễ dàng nhìn nhận chúng như những cơ hội đến với mình.

Thái độ có lẽ là yếu tố quyết định lớn nhất cho những gì chúng ta có thể đạt được. Những người thực sự có tư tưởng cải cách luôn đối mặt trực tiếp với vấn đề và làm cho người ta suy nghĩ về những quan điểm truyền thống theo một cách hoàn toàn khác. Một ví dụ tuyệt vời để minh chứng cho điều này là Jeff Hawkins, người đã cách mạng hóa cách thức con người tổ chức cuộc sống của mình với Palm Pilot. Jeff bị cuốn hút vào vấn đề tạo ra những máy tính cá nhân nhỏ dễ dàng sử dụng trong cộng đồng. Đây là một mục tiêu lớn, và Jeff đã phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn kéo theo sau đó. Trên thực tế ông cũng thừa nhận rằng trở thành một chủ doanh nghiệp nghĩa là phải thường xuyên đối mặt với những vấn đề lớn và phải tìm những cách sáng tạo để giải quyết chúng. 

Vấn đề của Jeff xuất hiện ngay từ rất sớm. Khi Palm cho ra đời sản phẩm đầu tiên của mình, chiếc Zoomer, nó đã thất bại thảm hại. Thay vì ra đi trong thất bại, Jeff cùng những người cộng sự của mình đã mua những chiếc Zoomer, cũng như những người đã mua chiếc máy tính đối thủ của Zoomer – chiếc Apple Newton, để hỏi về những gì họ mong muốn ở Zoomer. Các khách hàng cho biết họ đã mong đợi sản phẩm này có thể sắp xếp được các kế hoạch làm việc phức tạp của họ, và giúp tổng hợp các lịch làm việc thành một bản kế hoạch chung. Đó chính là thời điểm Jeff nhận ra rằng chiếc Zoomer đã cạnh tranh với lịch để bàn nhiều hơn là với những sản phẩm điện tử khác. Những phản hồi này trái với các quan điểm ban đầu của Jeff và đã gây sửng sốt cho cả đội thực hiện. Và cũng chính vì thế, chúng đã cung cấp nguồn thông tin quý giá cho việc thiết kế dòng sản phẩm thế hệ sau của họ, chiếc máy tính Palm Pilot với những thành công rực rỡ.

Dần dần Jeff và công ty của mình đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất; đó là việc xác định cách người sử dụng sẽ nhập liệu vào chiếc máy nhỏ thế hệ mới này như thế nào. Jeff cho rằng ngoài một bàn phím nhỏ, việc cho phép người sử dụng dùng bút để nhập liệu là điều cực kỳ quan trọng, thời điểm đó các chương trình nhận biết chữ viết tay chưa thể làm được việc này. Vì vậy Jeff và các cộng sự đã tạo ra một ngôn ngữ viết mới có tên là Graffiti, một ngôn ngữ mà máy tính có thể nhận dạng dễ dàng hơn. Lúc đó trong nội bộ công ty cũng có rất nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ việc sử dụng một ngôn ngữ mới, nhưng Jeff tự tin rằng khách hàng của họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để làm những việc khác vì thời gian ngồi trước máy tính chỉ còn rất ít. Graffiti là một cải cách triệt để, thách thức mọi quy luật, và đã giải quyết được một vấn đề thực tế.

Jeff Hawkins là một ví dụ hoàn hảo về một người giải quyết vấn đề luôn sẵn sàng quan sát thế giới với một cặp kính mới mẻ. Numenta, công ty mới nhất của Jeff, được xây dựng trên cơ sở những lý thuyết mới nhất của ông về cách bộ não hoạt động. Jeff đã bỏ ra nhiều năm trời nỗ lực tự học về thần kinh nhằm hiểu được cách chúng ta suy nghĩ, và đưa ra một lý thuyết cấp tiến có tính thuyết phục cao về quá trình xử lý thông tin của vỏ não, điều ông đã bàn đến trong quyển On Intelligence (Trí thông minh nhân tạo – Nxb Trẻ). Có trong tay những lý thuyết này, Jeff quyết định dùng các ý tưởng của mình làm cơ sở cho việc tạo ra một thế hệ máy tính “thông minh hơn”, có thể xử lý thông tin như bộ não con người. Đương nhiên sẽ có người lý luận rằng Jeff Hawkins là người có một không hai, và không phải tất cả chúng ta đều có thể phát triển những lý thuyết và phát minh mang tính cải cách như vậy. Nhưng dù sao cũng thật hữu ích khi xem Jeff là một nguồn cảm hứng, là người chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng các vấn đề đều có thể được giải quyết nếu người ta cho phép mình nhìn nhận chúng dưới những góc độ khác nhau.

 

 

Tina Seelig là Giáo sư thực hành tại khoa Khoa học và Kỹ nghệ Quản lý thuộc đại học Stanford, đồng thời là giám đốc Khoa Chương trình Mạo hiểm Công nghệ của đại học Stanford. Cô giảng dạy các khóa học tại Học viện thiết kế Hasso Plattner (d.school) và là lãnh đạo ba chương trình học bổng tập trung vào sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần khởi nghiệp của trường Kỹ Nghệ. Tiến sĩ Seelig lấy bằng tiến sĩ Thần kinh học tại Trường Y Stanford, và là một nhà tư vấn quản lý, doanh nhân và tác giả của 17 cuốn sách, bao gồm Khởi nghiệp sáng tạo (Insight Out, 2016), Bạn thật sự có tài (inGenius, 2012), Nếu tôi biết được khi còn 20 (What I wish I knew when I was 20, 2009). Cô là người nhận được giải thưởng Gordon từ Học viện Kỹ thuật Quốc gia, giải thưởng Sáng tạo Olympus và Giải thưởng Tầm nhìn Thung lũng Silicon.

Bình luận


Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ