SỰ TỰ DO – SỐNG SÁNG SUỐT

DEAN CUNNINGHAM

Trích: Sống sáng suốt - Pure wisdom; Những điều đơn giản làm biến đổi cuộc sống của bạn; Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch Việt; NXB. Trẻ, 2013

 

Cuộc sống trên hành tinh này đầy rẫy các giới hạn. Các quy luật vật lý khống chế các hành động hàng ngày của ta; chúng hạn chế sự vận động và ấn định cách chúng ta phải sống. Nhưng các khả năng trong khuôn khổ những giới hạn đó là vô tận. Hãy nghĩ theo cách này: những phím đàn trên chiếc piano giới hạn sự biểu diễn của nhạc công; tuy vậy âm nhạc mà những phím đàn ấy tạo ra là vô hạn. Thế nên nếu người biểu diễn mong muốn có bàn phím dài hơn, nhiều tay và nhiều ngón tay hơn, thì điều đó có hợp lý không? Liệu những phím đàn có cần phải thoát ra khỏi các giới hạn không, khi mà chỉ trong phạm vi đó chúng đã thể hiện được nhiều đến thế? Cuộc sống cũng giống như vậy: Chúng ta cứ vùng vẫy thoát ra trong khi chính trong cuộc sống chúng ta đã có tất cả sự tự do mình cần.

 

 

Đối với nhiều người trong chúng ta, tự do là giấy phép để làm những gì mình muốn, khi mình muốn – mà không để lại hậu quả. Ví dụ, chúng ta muốn có tự do đến sở làm việc bất cứ lúc nào. Chúng ta muốn có tự do nói năng bất cứ điều gì mình thích, bất cứ lúc nào mình thích. Chúng ta muốn có tự do hút thuốc lá hay hít cần sa. Nhưng có phải sự tự do là như thế không? Hoàn toàn không. Tự do thực sự đến từ bên trong. Một quyền lực bên ngoài không mang lại một sự tự do nào cả. Điều thực sự quan trọng là được tự do thoát khỏi các thói quen tinh thần như những cơn bốc đồng, suy nghĩ bậy bạ và sự thúc đẩy của hành vi đã thành lối mòn.

Bạn thấy đó, một sự khao khát tự do thường là sự khát khao thoát khỏi đau khổ. Hãy suy nghĩ thật kỹ về các thiếu sót, các thói quen xấu hoặc những thói nghiện ngập của mình, và bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những điều này đều là những nỗ lực nhằm tránh né các cảm giác khó chịu. Chúng ta nghĩ rằng nếu mình sống một cách tự do, theo đuổi bất cứ một trải nghiệm thú vị nào, bất cứ một sự hào hứng nào, có lẽ chúng ta đau khổ. Và chúng ta sợ thiếu tự do vì nó có thể hạn chế các khả năng tìm kiếm lạc thú hay né tránh sự khó chịu. Tất cả chúng ta đều tìm cách thoát khỏi đau khổ, nhưng hầu hết đều đi sai đường. Điều nghịch lý là chính trong sự khó chịu, chúng ta mới tìm thấy tự do. Nói cách khác, nếu muốn thoát khỏi đau khổ, chúng ta cần biết cách đối diện với nó. Hãy nhìn vào bên trong chứ không phải bên ngoài.

 

 

Đời là một con đường gồ ghề lởm chởm. Cuộc sống có nhiều thăng trầm, và bản tính con người luôn muốn kiểm soát những lúc trầm. Thực ra phần lớn cuộc sống của chúng ta được cài số để đối phó với những lúc sa cơ, và những điều khó chịu kèm theo. Nhưng cố gắng kiểm soát đau khổ cũng như cố gắng dùng tay ngăn thủy triều của đại dương vậy. Bạn không thể ngăn chặn nó được, nhưng bạn có thể học cách để cưỡi những con sóng.

Tất cả chúng ta đều bị giới hạn – về cả cảm xúc và thể xác. Và theo một mặt nào đó, chúng ta bị hạn chế về khả năng trải nghiệm niềm vui. Nói thật ra, chúng ta không sinh ra để thoát khỏi khổ đau, cũng giống như chúng ta không sinh ra với nhiều hơn hai cánh tay. Cho nên chúng ta cần chấp nhận rằng đau khổ sẽ luôn là một phần của cuộc sống, và nên học cách để đối phó với nó. Với quan điểm này bạn sẽ ít bị lệ thuộc vào đáp án của mình. Và bạn còn có thể cảm thấy tự do thật sự.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIN CẬY
  2. HÃY CHO ĐI
  3. KHI BẠN CHO ĐI …

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH