ÁNH SÁNG CỦA TỈNH THỨC GIÚP BẠN THOÁT KHỎI NỖI ĐAU

ECKHART TOLLE

Trích: Địa Đàng Mới; Phương Liên - Minh Đức sưu tầm và dịch - NXB Văn Hóa Văn Nghệ

Bước đầu giải thoát khỏi nỗi-đau-chủ-yếu trước tiên là nhận thức rằng bạn đang có một nỗi-đau-chủ-yếu. Sau đó, quan trọng hơn, là khả năng sống trong hiện tại của bạn, đủ tỉnh táo để lưu ý nhận thấy nỗi-đau-chủ-yếu trong bản thân bạn là một dòng chảy cảm xúc tiêu cực ào ạt khi nó hoạt động. Khi bị nhận ra, nó không còn có thể giả vờ là bạn nữa để sống và tự làm mới mình thông qua bạn.

Hiện hữu có ý thức của bạn đã phá vỡ sự đồng cảm với nỗi-đau-chủ-yếu. Khi bạn không đồng cảm với nó, nỗi-đau-chủ-yếu không còn có thể kiểm soát cách suy nghĩ và cũng không thể tự làm mới mình bằng cách sống nhờ vào những ý nghĩ của bạn. Trong phần lớn trường hợp, nỗi-đau-chủ-yếu không tan biến ngay lập tức, nhưng khi bạn cắt đứt đường truyền giữa nó và cách suy nghĩ của bạn, nỗi-đau-chủ-yếu bắt đầu mất đi năng lượng. Cách tư duy của bạn không còn bị bao phủ bởi cảm xúc; những quan sát hiện tại của bạn không còn bị bóp méo bởi quá khứ. Lúc đó năng lượng bị trói buộc trong nỗi-đau-chủ-yếu thay đổi tần số rung động, chuyển hóa thành Hiện hữu. Cứ như vậy, nỗi-đau-chủ-yếu trở thành nhiên liệu cho ý thức. Đây là lý do vì sao nhiều nhà hiền triết hiền minh nhất trên hành tinh chúng ta đã từng có lần trải qua nỗi-đau-chủ-yếu nặng nề.

Bất kể bạn nói hay làm gì, hay bộ mặt mà bạn trưng ra với thế gian như thế nào, bạn cũng không thể che giấu trạng thái cảm xúc trí tuệ của mình. Mỗi người đều phát đi một nguồn năng lượng tương ứng với tâm trạng nội tâm của người ấy, và phần lớn mọi người có thể cảm nhận được điều này, mặc dù người ta chỉ có thể cảm nhận nguồn năng lượng này trong tiềm thức. Nghĩa là, họ không biết mình cảm nhận được điều đó, song nó quyết định cách họ cảm nhận và phản ứng với người đó. Một số người ý thức rõ rệt nhất điều này khi lần đầu tiên gặp một người nào đó, thậm chí trước khi trao đổi chuyện trò với nhau. Tuy nhiên, chỉ một lát sau, ngôn từ chiếm lĩnh mối quan hệ và ngôn từ giới thiệu vai kịch người ta đóng. Sự chú ý sau đó chuyển sang lãnh vực trí tuệ, và khả năng nhận biết trường năng lượng của người khác bị giảm thiểu rất nhiều. Dù vậy, nó vẫn được cảm nhận ở mức độ vô thức.

Khi bạn nhận ra rằng những nỗi-đau-chủ-yếu tìm kiếm một cách vô thức nhiều hơn đau đớn hơn, nghĩa là, chúng muốn một điều tồi tệ nào đó xảy ra, bạn sẽ hiểu ra nhiều tai nạn giao thông gây nên bởi những tài xế có nỗi-đau-chủ-yếu hoạt động vào lúc đó. Khi hai tài  xế với những nỗi-đau-chủ-yếu hoạt động đến một giao lộ cùng một lúc, khả năng xảy ra tai nạn lớn hơn gấp nhiều lần những trường hợp thông thường. Một cách vô thức, cả hai đều muốn tai nạn xảy ra. Vai trò của những nỗi-đau-chủ-yếu trong các tai nạn giao thông dễ thấy nhất trong các trường hợp gọi là “cơn thịnh nộ đường phố”, khi các bác tài thường có những hành vi gây hấn trước một chuyện nhỏ nhặt tầm phào như có ai đó phía trước lái xe quá chậm chẳng hạn.

Có nhiều hành động bạo lực xuất phát từ những người “bình thường”. Tại nhiều phiên tòa xử kiện trên thế giới, bạn có thể nghe luật sư bào chữa nói: “Đây hoàn toàn không phải tính cách,” và bên bị cáo: “Tôi chẳng biết điều gì đã xảy ra với tôi lúc đó”. Chắc hẳn cho đến nay, chưa có luật sư biện hộ nào nói với thẩm phán – mặc dù cái ngày ấy có lẽ không còn xa lắm – “Đây là một trường hợp được giảm tội. Nguyên nhân do nỗi-đau-chủ-yếu của khách hàng của tôi bị kích hoạt, và ông ấy không biết mình đang làm gì. Thực tế, ông ấy chẳng làm gì cả. Nỗi-đau-chủ-yếu của ông ta đã làm điều đó”.

Điều đó có nghĩa là người ta không phải chịu trách nhiệm cho những việc họ làm khi bị nỗi-đau-chủ-yếu chiếm dụng chăng? Câu trả lời của Eckhart là: Chứ còn sao nữa? Làm sao bạn có thể chịu trách nhiệm khi bạn đang trong tình trạng không ý thức, khi bạn không biết mình đang làm gì? Tuy nhiên, theo cái đà này, con người có ý định tiến hóa thành những sinh vật có ý thức, và những người không chịu tiến hóa sẽ phải chịu hậu quả từ sự thiếu ý thức của họ. Họ không đồng hành với xung lực tiến hóa của vũ trụ.

Và thậm chí đó là chân lý tương đối duy nhất. Từ tầm nhìn cao hơn, không thể không đồng hành với quá trình tiến hóa của trời đất, và ngay cả sự thiếu ý thức của con người và nỗi đau do nó tạo ra là một phần của quá trình tiến hóa đó. Khi bạn không thể chịu đựng chu kỳ không dứt của đau khổ nữa, bạn bắt đầu thức tỉnh. Cho nên nỗi-đau-chủ-yếu cũng có vị trí cần thiết của nó trong toàn cảnh bức tranh lớn.

SỰ HIỆN HỮU

Hãy nghe Eckhart kể.

“Một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi đến gặp tôi. Khi cô ấy chào tôi, tôi có thể cảm nhận nỗi đau dưới vẻ lịch thiệp và nụ cười trên môi cô. Cô bắt đầu kể chuyện của mình, và trong một giây nụ cười của cô chuyển thành một vết nhăn đau đớn. Sau đó, cô bắt đầu nức nở không sao kiềm được. Cô nói cô cảm thấy cô đơn và vô vị. Rất nhiều oán giận và buồn bã. Khi còn nhỏ, cô bị người cha thô bạo lạm dụng. Tôi nhanh chóng hiểu ra nỗi đau khổ của cô không phải do hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của cô mà từ một nỗi-đau-chủ-yếu nặng nề quá mức. Nỗi-đau-chủ-yếu của cô trở thành một thứ kính lọc mà cô dùng để nhìn vào hoàn cảnh sống của mình. Cô vẫn chưa thể nhìn thấy mối liên hệ giữa nỗi đau cảm xúc và ý nghĩ của mình, hoàn toàn đồng nhất với cả hai. Cô chưa thể hiểu ra rằng cô đang nuôi dưỡng nỗi-đau-chủ-yếu bằng ý nghĩ của mình. Nói cách khác, cô sống với gánh nặng của bản ngã bất hạnh sâu sắc. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, cô phải nhận ra rằng nỗi đau của cô xuất phát từ trong chính cô, rằng cô là gánh nặng của chính mình. Cô đã sẵn sàng để thức tỉnh, và đây là lý do vì sao cô đã đến.

Tôi hướng dẫn sự tập trung của cô vào những gì mà cô đang cảm thấy bên trong cơ thể mình và yêu cầu cô cảm nhận cảm xúc một cách trực tiếp, thay vì qua cái kính lọc của những ý nghĩ không vui, câu chuyện không vui của cô. Cô nói cô đến để mong tôi chỉ cho cô con đường ra khỏi nỗi bất hạnh của mình, chứ không phải là đi vào nó. Tuy nhiên, một cách miễn cưỡng, cô cũng làm những việc tôi yêu cầu. Nước mắt lăn dài trên má, toàn thân cô run rẩy. “Vào giây phút này, đây là những gì cô cảm nhận”. Tôi nói, “Cô không thể làm gì với sự thật vào giây phút này, đây là những gì cô cảm nhận. Bây giờ, thay vì mong muốn giây phút này không như nó đang diễn ra, chỉ cộng thêm nhiều đau đớn hơn vào nỗi đau đã sẵn có, liệu cô có thể hoàn toàn chấp nhận đây là những gì mà cô cảm thấy ngay lúc này?”

Cô im lặng một lúc. Đột nhiên cô trông có vẻ như mất kiên nhẫn, như thể muốn đứng dậy, và giận dữ nói: “Không, tôi không muốn chấp nhận điều này”. “Ai đang nói vậy?”, tôi hỏi cô. “Cô hay nỗi buồn trong cô? Cô có thể thấy nỗi buồn của mình khi phải gánh chịu sự bất hạnh chỉ là một tầng lớp khác của bất hạnh không?” Cô lại im lặng. “Tôi không yêu cầu cô làm bất cứ điều gì. Mọi yêu cầu của tôi là cô hãy nhận ra liệu cô có thể cho phép những cảm giác đó hiện diện ở đây không. Nói cách khác, và điều này có thể nghe khá lạ tai, nếu cô không phiền nếu phải chịu đau khổ, điều gì xảy ra cho nỗi đau? Cô không muốn nhận ra ư?”

Cô thoáng vẻ bối rối, và sau một hai phút ngồi lặng đi, đột nhiên tôi lưu ý thấy một sự chuyển biến đáng kể trong trường năng lượng của cô. Cô nói: “Điều này thật kỳ lạ. Tôi vẫn còn thấy buồn, nhưng giờ đây có một không gian quanh nó. Dường như đã vợi bớt đi”. Đây là lần đầu tiên tôi nghe một người nói như thế này: Có một không gian quanh nỗi buồn của tôi. Không gian đó, dĩ nhiên xuất hiện khi có sự chấp nhận trong lòng bất cứ điều gì bạn trải qua trong thời điểm hiện tại.

Tôi không nói gì thêm nữa, để cô sống với trải nghiệm. Sau đó cô hiểu ra rằng khoảnh khắc mà cô ngưng đồng cảm với cảm xúc, cảm xúc đau đớn cũ đã từng sống trong cô, khoảnh khắc cô hướng sự chú ý trực tiếp đến nó mà không cố ý chống lại nó, nó không còn có thể điều khiển cách suy nghĩ của cô nữa và lúng túng với câu chuyện do trí tuệ dựng nên mang tựa đề “Cái Tôi bất hạnh”. Một khía cạnh khác đã đi vào cuộc đời cô, vượt xa quá khứ riêng của cô – khía cạnh của Hiện hữu. Vì bạn không thể đau buồn nếu không có một câu chuyện đau buồn, đây là kết cục của nỗi đau buồn của cô ấy. Cũng là khởi đầu kết thúc nỗi-đau-chủ-yếu của cô ấy. Cảm xúc tự nó không đau buồn. Chỉ có cảm xúc cộng với một câu chuyện đau buồn mới thành nỗi đau buồn.

Khi cuộc trò chuyện của chúng tôi chấm dứt, tôi hiểu mình vừa chứng kiến sự nảy sinh Hiện hữu ở một con người. Lý do thực sự cho sự tồn tại trong hình dạng con người của chúng ta là đem khía cạnh nhận thức đó vào thế giới này. Tôi cũng chứng kiến sự rút lui của nỗi-đau-chủ-yếu, không phải bằng cách chiến đấu với nó mà bằng cách đem ánh sáng nhận thức đến với nó.

Vài phút sau khi vị khách của tôi ra về, một người bạn tình cờ ghé ngang. Ngay khi bước vào phòng, cô ta đã nói: “Có chuyện gì xảy ra ở đây vậy? Không khí có vẻ nặng nề u ám quá, làm tôi muốn phát ốm. Anh phải mở cửa sổ ra, đốt tí hương trầm lên”. Tôi giải thích rằng mình vừa mới chứng kiến một sự phóng thích khá lớn nỗi-đau-chủ-yếu trầm trọng của một người và những gì cô ta cảm thấy chắc hẳn là một số năng lượng đã phóng ra trong lúc chúng tôi trò chuyện. Tuy vậy, bạn của tôi, vẫn không muốn ngồi lại nghe chuyện. Cô muốn đi khỏi càng sớm càng tốt.

Tôi mở cửa sổ và ra ngoài ăn tối ở một tiệm ăn Ấn Độ gần nhà. Những chuyện xảy ra ở đó xác minh rõ ràng, sâu xa hơn điều tôi đã biết: Ở mức độ nào đó, dường như mọi nỗi-đau-chủ-yếu của từng cá nhân đều liên hệ với nhau. Cho dù hình thức xác nhận cụ thể này đã xảy ra như một cú sốc”.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI TỰ TẠI
  2. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI
  3. ĐÁNH MẤT CÁI BÂY GIỜ

Bài viết mới

  1. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  2. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG
  3. SỰ HỒN NHIÊN NGUYÊN THỦY