BEOP SANG
Trích: Ngày Hôm Nay Mang Tên Hạnh Phúc; Anh Vũ dịch; Công ty Cổ phẩn Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội
Kinh Hoa Nghiêm và Secret gọi là “Nhất thiết duy tâm tạo”, còn kinh Pháp Cú cho rằng “căn nguyên của tất cả mọi chuyện là ở tâm. Tâm ta làm chủ mọi thứ và sáng tạo thế giới này”. Triết lí ấy nhấn mạnh nhiều lần vào việc trong bản thân mỗi người có một sức mạnh có thể giành được mọi điều trên thế gian này, đạt được những thứ mà mình muốn, định hướng phát triển của bản thân mình.
Thế nhưng ta vẫn luôn phải nghi ngờ điều ấy. Ta vẫn không thể tin được là ta có thể đạt được mọi điều nếu như ta quyết tâm. Ví dụ như liệu có ai là không muốn trở thành triệu phú, nhưng không phải ai cũng trở thành triệu phú được. Vậy làm thế nào để có thể tin vào “Nhất thiết duy tâm tạo”?
Đáp án có ở trong lời răn của Phật. Lòng người làm nên tất cả. Thế nhưng quan trọng là ở đây, “tâm” rốt cuộc là cái gì? Ta cứ luôn miệng nói rằng tâm tạo nên mọi thứ nhưng cụ thể ta vẫn không biết làm điều gì, bằng cách nào. Tâm là thứ mà chỉ cần ta hiểu nó thì ta có thể làm nên cuộc đời này theo những gì mà ta quyết tâm.
Theo lời răn trong Phật giáo thì sự tồn tại của “tôi” tạo nên ngũ uẩn. Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, trong đó sắc chỉ thể chất, vật chất còn thọ, tưởng, hành, thức nói về tấm lòng. Vậy có thể hiểu lòng người ở đây chính là “thọ, tưởng, hành, thức”. Vậy thì làm thế nào mà thọ, tưởng, hành, thức tạo nên được cuộc đời của ta? Trước hết, “thức” là tên gọi khác của tâm, là nhận thức được sự có mặt của đối tượng dựa theo “thọ, tưởng, hành”. Về “thọ, tưởng, hành”, thay vì giải thích một cách đầy giáo lí thì hãy thử đơn giản hóa những khái niệm này thử xem. Nếu như biết cách vận dụng “thọ, tưởng, hành” trong tâm thì có thể hiểu được “thức” xuất hiện ở trong con người mình.
Đầu tiên là thọ uẩn. Thọ uẩn tức là “cảm xúc, tình cảm, cảm tình”. Ngay tại giây phút này, những gì mà ta cảm nhận và sống chính là những điều tạo nên cuộc sống tương lai của ta. Luôn luôn sống vui vẻ sẽ tạo nên một cuộc đời đầy niềm vui, luôn cảm nhận rằng mình sung túc thì sẽ tạo nên một cuộc đời sung túc, trọn vẹn.
Từ trước đến nay ta vẫn chỉ cảm thấy vui khi ở ngoài xuất hiện chuyện tốt đẹp, cảm thấy tiêu cực khi xuất hiện những chuyện không tốt. Ta luôn cho rằng cảm xúc không phải là thứ ta có thể lựa chọn mà là một điều gì đó tất yếu xuất hiện do hoàn cảnh của môi trường. Hay nói cách khác, hoàn cảnh xấu thì nảy sinh cảm xúc tồi tệ, hoàn cảnh tốt thì nảy sinh cảm xúc vui tươi. Liệu có đúng là như vậy không? Hoàn toàn không phải thể.
Cảm xúc tất nhiên là thứ phát sinh tùy thuộc vào ngoại cảnh nhưng ta có thể lựa chọn được cảm xúc của ta. Giả sử như trong điều kiện oi nóng, ta dễ nổi nóng, bức bối khó chịu, nếu như tưởng tượng ta đi phòng tắm hơi để thư giãn, để giải tỏa mệt nhọc thì ngược lại sẽ cảm thấy cảm xúc tốt hơn. Cùng trong một hoàn cảnh nhưng có người sẽ vui vẻ đón nhận, có người lại cảm thấy bực bội. Giống như vậy, hoàn cảnh đến với ta lúc nào cũng ở một trạng thái “trung lập”, tốt hay xấu là do ta tiếp nhận. Sự lựa chọn không phải phụ thuộc vào ngoại cảnh mà phụ thuộc vào ta.
Chính vì thế nên bất cứ lúc nào ta đều có thể tự thay đổi hoàn cảnh và khiến cảm xúc trở nên tích cực. Điều quan trọng là nếu cảm xúc tích cực thì thế giới mà ta sáng tạo ra cũng đầy ắp những cảm xúc tích cực ấy. Ta từ trước tới giờ vẫn chỉ nghĩ rằng hoàn cảnh tốt tạo nên cảm xúc tốt, ngược lại, xem nhẹ việc cảm xúc tích cực sẽ tạo nên cuộc sống tốt đẹp.
Cái mà ta cảm nhận chính là cái mà ta sáng tạo. Nếu ta cảm thấy hạnh phúc thì thế giới này cũng hạnh phúc, nếu ta cảm thấy bất hạnh thì thế giới này cũng bất hạnh. Càng cảm thấy bất an, thất bại thì xác suất thất bại cũng cao hơn, còn nếu như tự tin về những thành công mới thì cả thế giới này dường như cũng sẽ giúp ta đạt được thành công.
Cảm nhận như thế nào để sống chính là nguyên tắc quan trọng của “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tuần trước, tháng trước ta sống và cảm nhận được điều gì. Vui vẻ hạnh phúc hay là buồn bã đau khổ? Từ chính cảm xúc ấy mà cuộc sống và tương lai của ta được tạo nên. Những người sống u uất theo tháng năm cũng chính là những người tạo nên một cuộc đời đau khổ cho chính mình.
Điều thứ hai của “tâm” tạo nên cuộc sống này là tưởng uẩn. Nếu như thọ uẩn là cảm xúc thì ngược lại tưởng uẩn chính là tư tưởng, tri thức, quan niệm, đức tin, nền tảng tạo nên ý chí, suy nghĩ. Suy nghĩ và tư duy sẽ tạo nên tương lai sau này. Việc thường nhật hay suy nghĩ về điều gì, cùng một hiện tượng nhưng nghĩ tích cực hay nghĩ tiêu cực, đóng vai trò quyết định trong việc định hình nên cuộc sống của một người.
Những người suy nghĩ tiêu cực thông qua lăng kính đầy tiêu cực mà tạo nên một cuộc đời bi ai, còn những người tích cực tạo nên một cuộc đời tích cực. Vậy thì trong ta, liệu là lăng kính tiêu cực hay tích cực đây? Hãy cùng xem xét một ví dụ đơn giản để thấy lăng kính trong con người ta là tiêu cực hay tích cực nhé.
Thông qua những bài báo mạng và những bình luận về bài báo, ta cũng có thể biết được dễ dàng. Đến cả những bài báo khen ngợi một nghệ sĩ nào đó giúp đỡ hàng xóm của mình cũng nhận được hằng hà sa số những bình luận ác ý. Chỉ cần nhìn những bình luận dưới một tin tức bình thường thôi cũng có thể nhận biết ngay được nội tâm của ta tiêu cực đến nhường nào. Trước những người gặp trực tiếp, ta có thể luôn dành những lời tốt đẹp để tạo ấn tượng tốt đẹp về mình với đối phương nhưng bình luận trên Internet là phương tiện tự do ngôn luận mà không để lộ danh tính cá nhân nên có thể dễ dàng để biết được lòng dạ thật của con người. Trước những người mà ta muốn thóa mạ, ta phải kiềm nén lại lời nói nhưng với Internet thì không cần như vậy.
Ai cũng có một lăng kính của tâm hồn ở trong con người mình. Thế nhưng sự thật rằng lăng kính ấy không chỉ dùng để nhìn thế giới này mà còn dùng để nhìn thấu cuộc sống và tương lai của ta vẫn luôn bị xem nhẹ. Những suy nghĩ lặp lại thường xuyên vẫn luôn chứa đựng nguồn năng lượng để sáng tạo nên thế giới của riêng mình.
Suy nghĩ cũng giống như cảm xúc vậy, không phải là thực thể và có thể tự quyết định lựa chọn suy nghĩ theo cách nào tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Suy nghĩ tiêu cực hay suy nghĩ tích cực cũng giống như thói quen và có thể thay đổi. Và suy nghĩ chính là một nguồn năng lượng, là một trong ba điều tạo nên cuộc sống của ta.
Điều thứ ba tạo nên cuộc sống là hành uẩn. Hành uẩn có nghĩa là tất cả các hành động tâm lí, nhưng nếu lí giải về hành uẩn theo cách truyền thống thì đó có thể coi là những dục vọng, ham muốn, ý đồ của con người. Nói cách khác, sự ham muốn một điều gì đó tạo nên thế giới mà ta mong muốn. Câu nói “Chỉ cần khao khát chân thành thì sẽ thành hiện thực” trong cuốn Nhà giả kim cũng là giải thích cho hành uẩn.
Thế nhưng ở đây có một nguyên tắc quan trọng. Đó là phải khao khát một cách thật chân thành. Ám ảnh và bứt rứt về điều mà ta khao khát ngược lại không thể trở thành hiện thực. “Ám ảnh” được coi là ranh giới quan trọng giữa sức mạnh có thể hiện thực hóa khao khát và sức mạnh không thể hiện thực hóa khao khát. Vì sao lại như vậy? Nếu như càng ám ảnh thái quá về việc những điều mình mong muốn chắc chắn phải trở thành hiện thực thì nỗi sợ “nếu như không trở thành hiện thực thì phải làm thế nào?” sẽ càng lớn hơn. Nỗi sợ thất bại càng lớn thì khả năng bị chuyển hóa thành sức mạnh không thể hiện thực hóa càng cao. Khao khát mà không kèm theo sợ hãi, không lo lắng về kết quả, không ám ảnh mới là ý nghĩa đích thực của câu nói “Chỉ cần khao khát chân thành thì sẽ thành hiện thực”. Niềm khao khát không kèm theo sự ám ảnh chính là sức mạnh sáng tạo to lớn nhất. Không tham mà chỉ khát khao một cách thật đơn thuần. Hãy làm mà đừng ám ảnh gì hết, hãy khát khao chứ đừng mang theo dục vọng.
Nếu như có thể vận dụng được ba điều trên ở trong tâm thì có thể sống đúng theo “Nhất thiết duy tâm tạo”. Suy nghĩ hạnh phúc, khát khao chân thành thì những gì ta mong ước sẽ trở thành hiện thực. Nếu như vậy thì thế giới mà ta tạo ra ấy cũng chính là “không”, chẳng phải đó là “ngũ uẩn giai không” đó sao? Sức mạnh để tự tạo nên thế giới tươi đẹp này phải được sử dụng tự do, chứ không được trói buộc trong chủ thể của chính nó. Hãy sáng tạo thế giới theo đúng những gì mình mong muốn và đừng bao giờ quên ước mơ.