Ở ĐÂY, NGAY BÂY GIỜ, HÃY HẠNH PHÚC

BEOP SANG

Trích: Ngày Hôm Nay Mang Tên Hạnh Phúc; Anh Vũ dịch; Công ty Cổ phẩn Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội

Vào một ngày nọ, cán bộ lãnh đạo của một công ty có vị trí làm việc không có gì phải ghen tị với người khác đã tìm đến tôi và hỏi rằng: Nếu làm theo lời dạy của Đức Phật để có vị trí làm việc tốt hơn, để được thăng chức thì rất khó đạt được mục đích nhưng nếu muốn được thăng chức thì phải làm những việc bản thân cảm thấy hổ thẹn, vậy con cần phải làm như thế nào?

Lúc đó tôi đã hỏi lại anh rằng: Ngay lúc này anh có cảm thấy hạnh phúc không? Nhìn chung cuộc sống của anh lúc này có hạnh phúc không? Anh đã đạt được ước mơ mà mình theo đuổi trong quá khứ hay chưa? Anh im lặng một lúc rồi trả lời rằng anh đã đạt được mọi điều bản thân mong muốn. Anh đã có được vị trí làm việc bản thân mong muốn, anh cũng kiếm được tiền, ổn định về mặt tài chính và đang hưởng thụ thành quả bản thân làm ra. Anh cũng cho biết thêm rằng vợ của anh cũng đang làm những việc mình muốn và cảm thấy hạnh phúc, con cái anh trưởng thành khỏe mạnh và không gặp bất cứ vấn đề gì. Anh cho rằng cuộc sống hạnh phúc mà anh hằng ao ước hồi còn trẻ đã trở thành sự thật.

Tuy nhiên, điều quan trọng là anh ta không nhận ra cuộc sống hiện tại của mình đang hạnh phúc đến nhường nào. Tại sao anh ta không nhận ra điều đó? Bởi vì anh ta đang bị chi phối bởi suy nghĩ phải kiếm nhiều tiền hơn nữa, phải có được vị trí làm việc tốt hơn nữa, phải giúp đỡ con cái nhiều hơn nữa. Bởi vì anh luôn cảm thấy thiếu thốn và không hài lòng với hiện tại.

Chỉ vì lòng tham và nỗi ám ảnh cần phải hướng đến mục đích to lớn hơn, cao cả hơn mà ta thường tự xóa bỏ niềm hạnh phúc ngay đúng lúc bản thân đạt được ước mơ.

Hạnh phúc là thứ để tận hưởng chứ không phải là thứ để mưu cầu. Mưu cầu hạnh phúc là việc cho đến lúc chết vẫn phải tiếp diễn không có điểm dừng nhưng tận hưởng hạnh phúc là việc có thể thực hiện ngay tại đây vào bất cứ thời điểm nào. Làm sao ta có thể đạp đổ những thứ có thể tận hưởng rồi lại mong chờ được tận hưởng nhiều hơn những thứ đã mất? Khi ta hưởng thụ những thứ đáng được hưởng thụ thì thế giới này sẽ khiến ta hạnh phúc hơn bất cứ lúc nào. Ngược lại, nếu ta không tận hưởng những gì đang có và luôn mong đợi có được nhiều hơn hiện tại thì thế giới này sẽ khiến cho ta lâm vào cảnh thiếu thốn.

Nếu thực tế là vậy thì ta phải làm như thế nào? Ta cần tận hưởng hay cần mưu cầu hạnh phúc? Cuộc sống không phải là thứ ta cần kiếm tìm mà là thứ để ta tận hưởng. Chỉ khi nào ta hưởng thụ cuộc sống thì cuộc sống đó mới trở nên hoàn thiện. Đến lúc đó ta mới nhận ra sự thật rằng ngay từ đầu cuộc sống đã rất hoàn hảo, rất hoàn thiện.

Tuy nhiên, khi ta cố gắng tìm kiếm và nảy sinh tham vọng thì tính hoàn thiện vốn có của cuộc sống sẽ biến mất và thay vào đó là sự thiếu thốn cùng thất bại. Thật ra cuộc sống của ta không thiếu thốn mà chỉ là ta luôn nghĩ rằng nó thiếu thốn mà thôi. Thật ra không phải ta cần thêm thứ gì đó mà lòng tham khiến ta luôn nghĩ rằng bản thân cần thêm thứ gì đó mà thôi. Thật ra không phải ta không hạnh phúc mà chỉ là ta cho rằng ta không hạnh phúc mà thôi.

Hạnh phúc không phải là cái sẽ đến khi ta ở vào một hoàn cảnh hoàn hảo nào đó mà ngược lại, hoàn cảnh hoàn hảo đó sẽ được tạo ra khi ta tận hưởng niềm hạnh phúc. Việc ta tin rằng cần phải có cái gì đó thì mới trở nên hạnh phúc và ta chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi đạt được một điều kiện đặc biệt nào đó hoàn toàn là ảo tưởng. Hãy cảm nhận hạnh phúc ngay giờ phút này. Để hạnh phúc không nhất thiết cần phải có thứ gì đó. Không có cái gọi là “điều kiện đặc biệt để hạnh phúc”. Hãy nhìn vào chỉ số hạnh phúc của những nước nghèo nhất trên thế giới.

Không cần phải đáp ứng bất kỳ điều kiện nào để có thể trở thành Phật. Cũng không cần phải có bất cứ thứ gì thì mới trở thành thần được. Nếu bắt buộc phải có một thứ gì đó để có thể hạnh phúc thì đó chính là Phật tính, thân tính, vũ trụ pháp giới và tính hoàn thiện của chính bản thân mình.

Phật, thần và vũ trụ pháp giới luôn hoàn thiện. Mọi sự tồn tại trong vũ trụ pháp giới đều hoàn thiện. Con người cũng vậy. Nếu đã hoàn thiện thì không còn lý do gì phải ao ước có thêm nhiều thứ khác và cũng không thiếu thốn bất cứ thứ gì. Không có nỗi đau của việc thất bại, bản thân việc thất bại cũng không có. Lý do của việc ta cần thêm thứ gì đó là do bản thân ta chưa hoàn thiện, lý do của việc cần phải kiếm thêm nhiều tiền là do ta cảm thấy số tiền ta có vẫn chưa đủ. Chính những suy nghĩ như thế này, những suy nghĩ cho rằng bản thân ta chưa hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót và khờ khạo, là nguyên nhân dẫn đến mọi vấn đề.

Mọi vấn đề xảy ra với ta không phải do bản thân vấn đề ấy mà do ta tự coi nó là vấn đề của mình. Suy nghĩ làm nên hiện thực. Tâm hồn ta tựa như người họa sĩ điêu luyện, vì vậy, hiện thực cuộc sống sẽ được sáng tạo theo đúng như những gì ta quyết tâm. Và đó cũng chính là lời dạy nghiêm khắc trong kinh Hoa Nghiêm. Người họa sĩ điêu luyện chính là ta. Ta chính là Phật, là thần. Ta cũng chính là người, là vũ trụ, là sự tồn tại. Và ta được tạo ra theo các nét vẽ.

Nếu vậy thì ta nên vẽ gì? Ta phải lấy cái gì làm cơ sở để vẽ: Ta nên vẽ theo chiều hướng “Tôi thiếu sót”, “Tôi nghèo”, “Tôi không hạnh phúc”, “Có lẽ tôi sẽ thất bại”, “Tôi là một chúng sinh đầy u mê”, “Tôi là một người tu hành không có tính kiên nhẫn” hay ta nên vẽ theo chiều hướng “Tôi hoàn thiện”, “Tôi giàu có”, “Tôi hạnh phúc”, “Tôi chính là thần, là Phật”, “Tôi và người không có sự tách biệt”, “Không có cái gọi là thất bại. Cuộc sống của tôi luôn luôn thành công”.

Trước đây ta luôn cố gắng để vẽ ra một cuộc sống hiện thực rằng: “Ta phải chiến đấu và chiến thắng được người khác, phải kiếm nhiều tiền hơn và nhất định phải thành công. Tuy nhiên, những người mong ước như vậy thường sẽ nhận được kết quả ngược lại. Khi ta nghĩ rằng ta cần điều gì đó chính là lúc ta cảm thấy bản thân đang thiếu thốn, khi ta nghĩ rằng bản thân phải thật thành công cũng là lúc ta lo sợ bản thân thất bại.

Khi ta lo sợ một việc gì đó thì nhất định sẽ xuất hiện những nhân tố khiến ta phải lo sợ. Chính những suy nghĩ đó của ta góp phần vẽ nên một thế giới nghèo nàn, bất hạnh và ngốc nghếch.

Thế nhưng hiện giờ thì sao? Nếu mỗi giây mỗi phút của cuộc sống đều hoàn thiện và sung túc, ta và người đều là Phật, là thần thì sẽ thế nào? Sự tồn tại nếu đã hoàn thiện thì không cần thêm bất cứ điều gì. Ta không mong đợi cũng không tham vọng có thêm bất cứ điều gì. Bởi vì niềm hạnh phúc, hài lòng, sung túc, bình yên vẫn luôn đong đầy trong ta. Ta không cần làm gì khác ngoài việc chia sẻ niềm hạnh phúc ngập tràn, cũng có nghĩa là chia sẻ tình yêu và lòng từ bi.

Cuộc sống sẽ không có thất bại, không có nỗi lo sợ về tương lai, cũng không có ảo tưởng rằng ta phải trở thành Phật. Việc ta cần làm chỉ là hưởng thụ những điều tuyệt vời từng giây từng phút. Cuộc sống luôn được hoàn thiện dựa trên nền tảng đó. Ta sẽ nhận ra rằng nó không phải là thứ do sáng tạo mà thành bởi nó vốn dĩ luôn hoàn thiện và tồn tại một cách hoàn hảo.

Cội nguồn tự nhiên của sự tồn tại chính là sự quy y, sự hồi hương quay trở về với tính hoàn thiện. Đây không phải là câu nói mang tính siêu hình học, phi hiện thực hay lý thuyết suông. Vào lúc này, ngay tại đây, nó có mối liên hệ trực tiếp với việc khiến cho bản thân ta thay đổi trở nên hoàn hảo hơn.

Hãy hét to rằng ta luôn hoàn thiện. Hãy tận hưởng sự sung túc và hạnh phúc ngay tại nơi này, vào đúng lúc này. Nếu ta hoàn thiện và sung túc thì không có lý do gì khiến ta vì tiếc tiền mà không giúp đỡ những người xung quanh ta. Nếu ta giàu có vô hạn thì dù có cứu sống và nuôi toàn bộ vũ trụ này cũng vẫn còn thừa. Nếu ta tiếc của và nghĩ rằng vẫn còn thiếu thì sự nghèo đói và khó khăn sẽ tìm đến ta. Hãy giúp đỡ những người mà ta có thể giúp đỡ không chút lo sợ với suy nghĩ rằng ta đầy đủ và sung túc. Khi đó, sự giàu có và tính hoàn thiện, năng lượng căn nguyên của vũ trụ sẽ tràn ngập trong tâm hồn ta. Càng giúp đỡ người khác trên cơ sở của sự sung túc không chút lo sợ thì bạn sẽ càng trở nên sung túc và giàu có hơn.

Ta sẽ không ước mong thêm gì nữa khi ta cảm thấy thật sự hạnh phúc. Ta cũng sẽ không còn mơ giấc mơ hạnh phúc để được bước vào thế giới tương lai. Ngay lúc này hãy hét to rằng đây là giây phút hạnh phúc hoàn hảo tuyệt đối. Hãy tự nhận thức rằng dù niềm vui nhỏ bé và vụn vặt đến mấy thì nó cũng sẽ mang lại hạnh phúc tuyệt đối. Người luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn sẽ muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó ra thế giới xung quanh.

Trong cuộc sống của ta không có cái gọi là thất bại. Cuộc sống luôn hoàn thiện và chứa đựng nhiều thành công. Hiện thực dưới cái nhìn tiểu cực sẽ trở nên tiêu cực nhưng trên thực tế đó mới là thành công, cũng có những tình huống tưởng chừng như là thất bại nhưng nếu nhìn ở góc độ khác thì đó cũng được coi là thành công. Đừng để cho hai từ “thất bại” xuất hiện trong cuộc sống của ta. Nếu xem xét kỹ một chút ta sẽ thấy thất bại tức là thành công. Hãy từ bỏ suy nghĩ rằng cuộc đời ta là một chuỗi thành công liên tiếp. Đừng phân tích các tình huống hiện thực diễn ra trong cuộc sống và coi nó thành thất bại hoặc thành công. Nếu muốn sống một cuộc sống thành công, ta không nên lo sợ thất bại hay tương lai phía trước và cũng đừng tạo nên một hiện thực cuộc sống đáng lo sợ. Hãy luôn hướng đến sự thành công.

Cuộc sống luôn ở trạng thái hoàn thiện. Ở đây, ngay bây giờ, hãy hạnh phúc.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ
  2. HÃY CHO THẤY MỘT CUỘC SỐNG ĐẦY NHIỆT HUYẾT
  3. HÃY MỞ LÒNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU