BA THÍ NGHIỆM KHIẾN TẤT CẢ THAY ĐỔI

GREGG BRADEN

Trích: Ma Trận Thần Thánh - Chúng Ta Là Những Người Quan Sát Bị Động Hay Đấng Sáng Tạo Đầy Quyền Năng?; Nguyễn Tiến Hòa dịch; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

THÍ NGHIỆM 1

Poponin và Gariaev đã thiết kế thí nghiệm tiền phong của họ để kiểm tra hành vi của phân tử ADN trên các hạt ánh sáng (photon), thứ “nguyên liệu” lượng tử tạo nên thể giới của chúng ta. Họ trước hết loại bỏ tất cả không khí ra khỏi một chiếc ống được thiết kế đặc biệt, tạo ra thứ mà chúng ta gọi là chân không. Theo lẽ thường, thuật ngữ chân không ám chỉ rằng vật chứa là rỗng nhưng ngay cả khi không khí được loại bỏ, các nhà khoa học biết rằng thứ gì đó vẫn còn ở lại bên trong – các hạt ánh sáng photon. Nhờ sử dụng những thiết bị được chế tạo chính xác giúp phát hiện ra các hạt, các nhà khoa học đã xác định được vị trí của các hạt này bên trong ống.

Họ muốn biết liệu các hạt ánh sáng có tản ra khắp mọi nơi, bám vào vách kính hay phân tán lộn xộn thành một đống ở phần đáy của vật chứa hay không. Điều đầu tiên mà họ phát hiện ra không có gì đáng ngạc nhiên: Các photon được phân bố không theo bất kỳ trật tự nào. Nói cách khác, các hạt phân tán ở khắp mọi nơi bên trong vật chứa – điều này chính xác với những gì mà Poponin và đội của ông đã dự đoán,

Trong phần tiếp theo của thí nghiệm, các mẫu phân tử ADN của người được đặt vào bên trong ống kín với các hạt photon. Với sự hiện diện của phân tử ADN, các hạt ánh sáng đã thực hiện một thứ mà không ai dự báo được trước: Thay vì lung tung như cách mà họ đã chứng kiến trước đó, các hạt sắp xếp bản thân chúng theo cách khác biệt khi có sự hiện diện các vật liệu sống. Phân tử ADN rõ ràng có sự chi phối trực tiếp lên các hạt photon như thể nó sắp xếp các hạt này vào những khuôn mẫu thông thường thông qua một lực vô hình. Điều này rất quan trọng vì trong các nguyên tắc vật lý thông thường hoàn toàn không thể có thứ nào cho phép hiệu ứng này xảy ra. Tuy nhiên trong môi trường này, phân tử ADN – vật chất tạo nên chúng ta được quan sát và ghi chép lại cho thấy có ảnh hưởng trực tiếp lên những nguyên liệu lượng tử tạo nên thế giới của chúng ta!

Điều ngạc nhiên tiếp theo xuất hiện khi phân tử ADN được bỏ ra khỏi vật chứa. Các nhà khoa học tham gia thí nghiệm có mọi lý do để tin rằng các hạt ánh sáng sẽ trở lại trạng thái phân tán lộn xộn ban đầu trong ống. Nhưng thay vào đó, các nhà khoa học đã chứng kiến một sự việc rất khác: Các photon vẫn duy trì trật tự như thể phân tử ADN vẫn còn trong ống. Theo cách nói của mình, Poponin đã mô tả ánh sáng hoạt động “theo cách đáng kinh ngạc”.

Poponin và các đồng nghiệp của ông phải đối mặt với nhiệm vụ tìm ra lời giải thích cho những gì họ vừa quan sát thấy. Khi phân tử ADN được bỏ ra khỏi ống, thứ gì đang tác động lên các hạt ánh sáng? Phải chăng phân tử ADN đã để lại thứ gì đó, một lực dư ra còn sót lại sau khi thứ nguyên liệu vật lý này đã được loại bỏ? Hay là một hiện tượng thậm chí còn bí ẩn hơn đang diễn ra? Có phải ADN và các hạt ánh sáng vẫn được kết nối theo một cách thức nào đó và ở một mức độ mà chúng ta không nhận ra, mặc dù chúng đã tách biệt về mặt vật lý và không còn ở trong cùng một ống:

Trong công bố của mình, Poponin đã viết rằng ông và các nhà nghiên cứu đã “buộc phải chấp nhận giả thuyết tạm thời rằng một cấu trúc mới, một trường năng lượng mới nào đó đang được kích động.” Do hiệu ứng này dường như liên quan trực tiếp đến sự hiện diện của vật chất sống, người ta đặt tên cho hiện tượng này là “hiệu ứng bóng ma ADN”. Cấu trúc trường mới của Poponin có vẻ giống một cách đáng ngạc nhiên “Ma trận” mà Max Planck đã xác định hơn 50 năm trước cũng như các hiệu ứng mà các tín ngưỡng cổ đại đã đề cập.

Tóm tắt thí nghiệm I: Thí nghiệm này mang tính chất quan trọng bởi một số lý do. Có lẽ lý do hiển nhiên nhất là nó cho chúng ta thấy rõ ràng là có một mối quan hệ trực tiếp giữa phân tử ADN và năng lượng tạo nên thế giới của chúng ta. Trong rất nhiều kết luận mà chúng ta có thể rút ra từ minh chứng đầy sức mạnh này, có hai kết luận là chắc chắn:

  1. Một dạng năng lượng tồn tại mà trước nay không được thừa nhận. 
  2. Các tế bào/phân tử ADN chi phối vật chất thông qua dạng năng lượng này.

Bằng chứng được tạo ra dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các điều kiện phòng thí nghiệm (có lẽ là lần đầu tiên) đã làm nảy sinh về mối quan hệ đầy sức mạnh mà các tín ngưỡng cổ xưa luôn tôn thờ trong nhiều thế kỷ. Phân tử ADN đã thay đổi hành vi của các hạt ánh sáng, thứ tinh chất của thế giới mà chúng ta đang sống. Cũng như hầu hết các tín ngưỡng và kinh sách tâm linh được tôn vinh nhất đã cho chúng ta biết từ rất lâu, thí nghiệm này đã xác thực rằng chúng ta có ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới xung quanh.

Hiệu ứng bóng ma ADN cho chúng ta thấy rằng dưới các điều kiện phù hợp và với thiết bị thích hợp, chúng ta có thể chứng minh được bằng mắt về mối quan hệ này. (Chúng ta sẽ quay trở lại thí nghiệm này trong phần sau của cuốn sách này.) Mặc dù tự thí nghiệm này cũng đã được coi là một minh chứng mang tính cách mạng và sinh động về kết nối giữa sự sống và vật chất nhưng chính trong bối cảnh của hai thí nghiệm tiếp theo người ta mới nhận ra hiệu ứng bóng ma ADN còn mang tầm ý nghĩa thậm chí còn trọng đại hơn.

THÍ NGHIỆM II 

Nghiên cứu đã cho thấy vượt ra ngoài khuôn khổ của những nghi ngờ hợp lý, cảm xúc con người có sự chi phối trực tiếp đến phương thức hoạt động của tế bào trong cơ thể chúng ta. Vào những năm 1990, các nhà khoa học làm việc cùng với quân đội Mỹ đã khảo sát xem liệu sức mạnh cảm xúc của chúng ta có ảnh hưởng đối với các tế bào sống, đặc biệt là phân tử ADN, một khi những tế bào đó không còn là một phần của cơ thể nữa hay không. Nói cách khác, khi các mẫu mô tế bào bị lấy đi, cảm xúc có còn tác động tích cực hay tiêu cực lên chúng nữa hay không?

Người ta sẽ giả định là không. Tại sao chúng ta kỳ vọng vào một phát hiện như vậy? Hãy một lần nữa tham khảo thí nghiệm Michelson-Morley năm 1887, kết quả thí nghiệm năm đó cho thấy không có thứ gì “ngoài đó” kết nối thứ nọ với thứ kia trên thế giới này. Theo lối tư duy thông thường, một khi các mô tế bào, da, nội tạng hay xương bị lấy mất khỏi cơ thể một người, bất kỳ kết nối nào với các bộ phận cơ thể đó sẽ không còn tồn tại.

Trong một nghiên cứu vào năm 1993 đã được đăng tải trên tạp chí Advances, quân đội Mỹ đã thực hiện các thí nghiệm để xác định một cách chính xác liệu mối kết nối cảm xúc/ADN có tiếp tục duy trì sau khi chia tách hay không và nếu có thì ở khoảng cách nào? Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu bằng việc thu thập một mẩu mô và DNA bên trong miệng của một tình nguyện viên. Mẫu được cô lập và đem đến một căn phòng khác trong cùng tòa nhà, nơi mà họ đã bắt đầu khảo sát về một hiện tượng mà khoa học hiện đại khẳng định rằng không thể tồn tại. Trong một buồng được thiết kế đặc biệt, phân tử ADN được đo lường bằng điện để xem liệu nó có phản hồi với nụ của người hiến mẫu hay không, người này có mặt tại một căn phòng cách đó vài trăm bước.

Trong phòng của mình, người hiến mẫu được cho xem một loạt hình ảnh video. Tư liệu này được thiết kế để tạo ra những  trạng thái cảm xúc thuần túy trong cơ thể người hiến mẫu, chúng trải rộng từ những thước phim chiến tranh sinh động cho tới những hình ảnh gợi dục hay hài hước. Ý tướng ở đây là để cho người hiến mẫu trải nghiệm một phổ những cảm xúc chân thật trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi anh ta đang xem video, ở một căn phòng khác phân tử ADN của anh ta được các nhà khoa học đo lường về sự phản hồi của nó.

Khi người hiến mẫu thể nghiệm cảm xúc “trồi” và “sụt”, tế bào và ADN của anh ta cho thấy một phản ứng điện mạnh mẽ vào ngay cùng một thời điểm. Mặc dù khoảng cách chia tách giữa người hiến mẫu và các mẫu được đo ra là vài trăm bước, phân tử ADN hành động như thể nó vẫn được kết nối thật sự với cơ thể của người hiến mẫu. Câu hỏi là “Tại sao?”

Tôi sẽ chia sẻ ở đây một đoạn chú thích về thí nghiệm này. Tôi đã tham gia một chuyến giới thiệu sách tại Úc khi cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 vào Lầu Năm Góc của Mỹ và Trung tâm Thương mại Thế giới đang diễn ra. Khi tôi trở lại Los Angeles, tôi đã quay trở về một quê hương khác hẳn với quê hương mà tôi rời đi 10 ngày trước đó. Không còn ai đi du lịch – sân bay và bãi đỗ xe vắng lặng như tờ. Thế giới đã thay đổi quá nhiều.

Tôi có lịch phát biểu tại một hội thảo ở Los Angeles chẳng bao lâu sau khi trở về nước và mặc dù hội thảo dường như sẽ có rất ít người tham dự, những người tổ chức vẫn quyết định tiến hành chương trình. Khi các bài thuyết trình bắt đầu, nỗi sợ hãi của những người tổ chức đã trở thành hiện thực: Chỉ lèo tèo vài vài người đã tham dự. Khi các nhà khoa học và tác giả bắt đầu buổi trò chuyện của họ, không khí dường như cho thấy chúng tôi đang tự phát biểu cho nhau nghe.

Tôi vừa mới hoàn thành chương trình của mình về bản chất kết nối của vạn vật, kết thúc với thử nghiệm Quân đội Mỹ mà tôi vừa mô tả ở trên. Vào bữa tối hôm đó, một nhà thuyết trình khác đã đến chỗ tôi và cảm ơn tôi về bài diễn thuyết và báo cho tôi biết rằng ông vốn là một thành viên của nghiên cứu mà tôi vừa đề cập. Chính xác mà nói, người đàn ông đó, tiến sĩ Cleve Backster, đã thiết kế thí nghiệm cho Quân đội như một phần của một dự án đang diễn ra. Công trình mang tính tiên phong của ông về phương thức mà ý định của con người ảnh hưởng đến thực vật đã dẫn đến các thí nghiệm quân sự này. Điều mà tiến sĩ Backster đưa ra tiếp theo là lý do tại sao tôi chia sẻ câu chuyện ở đây.

Quân đội đã dừng các thí nghiệm của họ với người hiến mẫu và ADN của anh ta khi họ vẫn ở trong cùng một tòa nhà, với khoảng cách chỉ hàng trăm bước. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu ban đầu đó, tiến sĩ Backster đã mô tả cách ông và nhóm của mình tiếp tục các cuộc thí nghiệm ở khoảng cách xa hơn. Có thời điểm, khoảng cách giữa người hiến mẫu và các tế bào của anh ta là 350 dặm.

Hơn nữa, thời gian giữa trải nghiệm của người hiến mẫu và phản ứng của tế bào được đo bằng một đồng hồ nguyên tử đặt tại Colorado. Trong mỗi thí nghiệm, khoảng thời gian lệch pha đo được giữa cảm xúc và phản ứng của tế bào là 0 – tác động diễn ra là đồng thời. Cho dù tế bào ở trong cùng phòng hay cách biệt hàng trăm dặm, kết quả đều như nhau. Khi người hiến mẫu có một trải nghiệm cảm giác phân tử ADN phản ứng như thế nó vẫn kết nối với cơ thể người hiến mẫu theo cách nào đó.

Mặc dù hiện tượng này ban đầu nghe có vẻ hơi đáng sợ với chúng ta, hãy xem xét đến điều này: Nếu có một trường lượng tử liên kết mọi vật chất thì mọi thứ phải – và vẫn duy trì kết nối lẫn nhau. Như tiến sĩ Jeffrey Thompson, đồng nghiệp của Cleve Backster, đã tuyên bố rất hùng hồn theo quan điểm này: “Không có nơi nào mà cơ thể của một người thực sự kết thúc và cũng không có nơi nào mà nó bắt đầu.”

Tóm tắt thí nghiệm II: Hàm ý của thử nghiệm này rất lớn và nó có thể khó tin đối với một số người. Nếu chúng ta không thể tách rời con người ra khỏi các bộ phận cơ thể của họ thì điều này phải chăng mang ý nghĩa là khi một cơ quan nội tạng sống được cấy ghép thành công vào một con người khác, hai cá thể này theo cách nào đó vẫn được kết nối với nhau?

Vào một ngày bình thường, hầu hết mọi người trong số chúng ta đều tiếp xúc với hàng chục và đôi khi hàng trăm người khác – và thường thì đó đều là những tiếp xúc vật lý. Mỗi lần chúng ta chạm vào một người khác, thậm chí chỉ qua một cái bắt tay anh ta hay cô ta, một dấu vết ADN của người đó sẽ ở lại với chúng ta dưới dạng tế bào da mà người đó để lại. Đồng thời, một chút ADN của chúng ta cũng sẽ ở lại với người kia. Điều này có nghĩa là chúng ta tiếp tục kết nối với những người mà chúng ta đã chạm vào miễn là phân tử ADN trong tế bào mà chúng ta chia sẻ vẫn còn sống? Và nếu là vậy thì kết nối của chúng ta với chúng đi sâu đến chừng nào? Câu trả lời cho những câu hỏi này là đúng – dường như mối liên kết này có tồn tại. Tuy nhiên chất lượng của kết nối đó dường như được quyết định bởi việc chúng ta nhận thức được về sự tồn tại của kết nối đó đến mức nào.

Tất cả những khả năng này minh họa tầm quan trọng của những gì mà thí nghiệm này đang cho chúng ta thấy. Đồng thời, chúng đặt ra nền móng cho thứ khác thậm chí còn sâu sắc hơn. Nếu người hiến mẫu đang trải nghiệm một vài cảm xúc bên trong cơ thể của anh ta/ cô ta và phân tử ADN đang hồi đáp lại những cảm xúc đó thì thứ gì đó buộc phải di chuyển giữa chúng để cho phép cảm xúc đi từ nơi này đến nơi khác, đúng không nào?

Có lẽ đúng… hoặc có lẽ không. Thí nghiệm này có thể chỉ cho chúng ta thấy thứ gì đó khác – một ý tưởng đầy sức mạnh nhưng đơn giản đến nỗi nó dễ dàng bị bỏ qua: Có lẽ cảm xúc của người hiến mẫu không hề phải di chuyển chút nào, có thể là năng lượng không cần phải di chuyển từ người hiến mẫu đến một địa điểm xa xôi để nó tạo ra ảnh hưởng. Cảm xúc của một người có thể vốn đã có sẵn trong phân tử ADN – và có sẵn ở mọi nơi khác – ngay khi chúng được tạo ra. Tôi đặt vấn đề này ở đây để ươm mầm cho một khả năng tuyệt vời mà chúng ta sẽ khám phá với tất cả sự cân nhắc kỹ lưỡng mà nó xứng đáng trong chương 3.

Điểm mấu chốt ở đây là lý do tại sao tôi chọn chia sẻ thí nghiệm này – vì: để phân tử ADN và người hiến mẫu dù có bất kỳ mối liên hệ nào thì phải có thứ gì đó liên kết hai bên lại với nhau. Thí nghiệm này gợi ra bốn điều:

  1. Một dạng năng lượng chưa được thừa nhận trước đây tồn tại giữa các mô tế bào sống. 
  2. Các tế bào và phân tử ADN giao tiếp thông qua trường năng lượng này. 
  3. Cảm xúc con người có ảnh hưởng trực tiếp lên phần tử ADN sống. 
  4. Khoảng cách dường như không liên quan gì đến sự tác động.

THÍ NGHIỆM III 

Mặc dù ảnh hưởng của cảm xúc con người lên sức khỏe và hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta từ lâu đã được công nhận trong tín ngưỡng tâm linh trên khắp thế giới, điều này hầu như không được ghi nhận theo một phương thức có ích đối với đa số mọi người.

Vào năm 1991, một tổ chức có tên là Viện nghiên cứu HeartMath đã được thành lập với mục đích cụ thể là khám phá sức mạnh của cảm xúc con người đối với cơ thể và những cảm xúc đó có thể đóng vai trò gì trong thế giới của chúng ta. Cụ thể, Viện HeartMath đã chọn tập trung nghiên cứu vào nơi bắt nguồn của cảm xúc và xúc cảm trong cơ thể chúng ta: trái tim con người. Công trình tiên phong của các nhà nghiên cứu đã được công bố rộng rãi trên các tạp chí uy tín và được trích dẫn trong các bài báo khoa học.

Một trong những phát hiện quan trọng nhất được HeartMath báo cáo là tài liệu về trường năng lượng có dạng bánh vòng bao quanh trái tim và mở rộng ra ngoài giới hạn cơ thể. Trường năng lượng điện tử này tồn tại trong một cấu hình được gọi là hình vòng xuyên và có đường kính xấp xỉ từ 1.5 đến 2.45 mét. Mặc dù trường của trái tim không phải là hào quang của cơ thể hay năng lượng sức sống (prana) được mô tả trong tín ngưỡng tiếng Phạn cổ nhưng trường này cũng có thể là một biểu hiện của năng lượng bắt đầu từ khu vực này.

Các nhà nghiên cứu biết rằng trường này tồn tại và họ đã tự vấn bản thân liệu có một dạng năng lượng nào khác mà chúng ta vẫn chưa khám phá ra được bên trong trường đã biết này hay không. Để thử nghiệm lý thuyết của mình, các nhà nghiên cứu đã quyết định thử nghiệm ảnh hưởng của cảm xúc con người lên phân tử ADN – thứ tinh hoa cốt lõi của bản thân sự sống.

Các thí nghiệm này được tiến hành giữa năm 1992 và 1995 và đã bắt đầu bằng việc cô lập phân tử ADN người trong một cốc đong bằng thủy tinh và rồi để cho nó tiếp xúc với một dạng cảm xúc mạnh mẽ được biết đến với tên gọi là cảm xúc gắn kết. Theo Glen Rein và Rollin McCraty, các nhà nghiên cứu chủ chốt, người ta có thể tạo ra trạng thái sinh lý này một cách có chủ đích bằng việc “sử dụng các kỹ thuật tự kiểm soát tinh thần và cảm xúc được thiết kế đặc biệt liên quan đến việc thanh tịnh tâm trí một cách có chủ đích, chuyển dịch nhận thức của một người đến khu vực trái tim và tập trung vào những cảm xúc tích cực” Họ đã thực hiện một loạt các bài kiểm tra với tối đa năm người được đào tạo về cách áp dụng cảm xúc mạch lạc.

Nhờ việc sử dụng các kỹ thuật đặc biệt để phân tích phân tử ADN cả về mặt hóa học lẫn hình dạng, các nhà nghiên cứu có thể phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào đã diễn ra.

Điểm mấu chốt ở đây là: cảm xúc con người đã làm thay đổi hình dạng của phân tử ADN. Những người tham gia không cần chạm vào phân tử hoặc làm bất cứ điều gì khác ngoài việc tạo ra cảm giác chính xác trong cơ thể họ để có thể tác động đến các phân tử ADN trong cốc thủy tinh.

Trong thí nghiệm đầu tiên chỉ với duy nhất một người, ảnh hưởng được tạo ra bởi một sự kết hợp của “ý định có điều hướng, tình yêu vô điều kiện và hình ảnh cụ thể của phân tử ADN”. Theo lời của một trong các nhà nghiên cứu, “Những thí nghiệm này tiết lộ rằng những ý định khác nhau đã tạo ra những ảnh hưởng khác nhau lên phân tử ADN khiến nó xoăn vào hoặc giãn ra”. Rõ ràng, các hệ quả ở đây nằm ngoài bất cứ điều gì mà lý thuyết khoa học truyền thống chấp nhận cho đến giờ.

Chúng ta đã bị rập khuôn để tin rằng trạng thái của phân tử ADN trong cơ thể chúng ta là một thứ đã được định sẵn, có một số lượng cố định – chúng ta “chỉ nhận được thứ mà chúng ta có” khi chào đời – và nếu không có sự tác động của thuốc, hóa chất và các trường điện thì phân tử ADN của chúng ta không thay đổi theo sự phản hồi với bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng thí nghiệm này cho chúng ta thấy rằng không gì có thể sai lầm hơn thế.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. KHI CÁI VỀ SAU LÀ CÁI HIỆN TẠI
  2. SỐNG THEO ĐÚNG CÂU TRẢ LỜI
  3. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ