BÀI GIẢNG SÁNG NGÀY 21/7/2019 GARCHEN RINPOCHE GIẢNG TẠI CHÙA VẠN ĐỨC

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Bốn Nguyên Nhân Để Tái Sanh Tịnh Độ Phật A Di Đà; Ghi và đánh máy: Ngộ Châu; NXB Thiện Tri Thức.

Thầy nói rằng bốn nguyên nhân để tái sinh về cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Nguyên nhân đầu tiên chính là có sự hỗ trợ hay là nhờ sự trợ giúp của Bồ đề tâm, thực tế mà nói tất cả chúng sinh trong sáu cõi luân hồi này ai cũng có trong mình Phật tánh, không phải Chư Phật mà tất cả chúng sinh, ai cũng mang trong mình hạt giống của sự giác ngộ, hạt giống của sự tỉnh giác, giờ đây chúng ta vẫn còn là chúng sinh lang thang ở trong luân hồi. Cõi luân hồi của chúng ta chính là sự hóa hiện của sự đau khổ, còn cõi Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà chính là sự hóa hiện của sự hỉ lạc toàn hảo của hạnh phúc toàn hảo và cái hạnh phúc toàn hảo đó nó đến từ đâu? Nó đến từ cái nhân duy nhất đó chính là Bồ đề tâm.

Như vậy nguyên nhân đầu tiên dẫn đến cho chúng ta có được tái sinh nơi cõi Tịnh Độ Cực Lạc đó chính là Bồ đề tâm. Cái Tâm trong trạng thái rỗng rang của chúng ta cần phải được thấm đượm tình yêu thương, thấm đượm lòng bi mẫn. Như vậy chúng ta có thể hỏi rằng cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc ấy nó đến từ đâu? Và chúng ta nói rằng cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc ấy đến từ chính tình yêu thương và Bồ đề tâm của Đức Phật A Di Đà.

Nguyên Nhân thứ hai chính là nền tảng của sự quán tưởng hay là sự quán tưởng ra những hình ảnh của cõi Tịnh Độ Cực Lạc.

Thầy nói rằng thế nào là phẩm tánh của cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc? Ở đây chúng ta có một cái bài nguyện vô cùng quan trọng gọi là bài nguyện để tái sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Khi chúng ta nói rằng chúng ta thực hành pháp môn Tịnh Độ, thực hành trì tụng minh chú của Đức Phật A Di Đà thì chúng ta thực hành theo cái bài nguyện tái sinh theo Tây Phương Cực Lạc đó chính là phương pháp để chúng ta phát khởi được Bồ đề tâm, phương pháp để chúng ta có thể đạt được sự tái sinh nơi cõi Tây Phương Cực Lạc.

Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu rằng tất cả những phẩm tánh của cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc ấy nó đến từ đâu? Nó không đến từ một nguyên nhân nào khác ngoài chính Bồ đề tâm. Tất cả chúng sinh trong chúng ta ai cũng đều có Bồ đề tâm dù cho cái Bồ đề tâm ấy hiện giờ nó là nhỏ bé như thế nào đi chăng nữa, kể cả con vật như con kiến cũng có Bồ đề tâm, thể hiện ra dưới dạng tình yêu thương của nó dành cho đứa con của nó. Đó là Bồ đề tâm nơi những con vật. Như vậy khi tình yêu thương của những chúng sinh càng lớn hơn thì cái hạnh phúc của chúng sinh ấy đạt được cũng càng lớn hơn. Vì vậy nhiệm vụ của chúng ta là nhận ra cái tình yêu thương của mình, hãy xác định được trong tâm của mình có được một tình yêu thương và hãy bảo vệ cái tình yêu thương của mình bằng mọi giá, bằng sự nhẫn nại, bằng sự thực hành hạnh kham nhẫn. Những chúng sinh bình phàm như chúng ta tuy rằng cũng có tình yêu thương đó nhưng mà tình yêu thương đó lại rất dễ dàng đánh mất, nó quý giá như vậy nhưng mà chúng ta lại không biết giữ gìn. Chúng ta đánh mất tình yêu thương một cách dễ dàng bằng những sự giận dữ, bằng những sự sân hận. Vì vậy tất cả những pháp hành mà chúng ta thực hành gọi là chúng ta thực hành Phật pháp chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để trì giữ, là để bảo vệ tình yêu thương bằng mọi giá. Chúng sinh ai cũng có tình yêu thương, thế nhưng tình yêu thương của chúng ta quý giá như vậy mà ta lại không biết giữ gìn. Bởi vậy chúng ta thực hành pháp chỉ nhằm một mục đích duy nhất đó chính là bảo vệ tình yêu thương và tình yêu thương của chúng ta phải được bảo vệ bằng việc kham nhẫn, bằng việc nhẫn nhịn.

Tất cả Chư Phật của mười phương và ba thời thì đều ca ngợi Bồ đề tâm và nói rằng Bồ đề tâm thật là trân quý, và Bồ đề tâm ấy chúng ta hiểu đó chính là tình yêu thương trên đời này, có những vị Đại Đức, Đạo sư Tâm Linh tuyệt vời như là Thầy Hòa thượng Trụ trì và cố Hòa thượng Trụ trì đây người đã xây dựng nên tu viện, người mà đã xây dựng nên cái ngôi chùa này.

Và thậm chí có những người chẳng biết chăm sóc cho bản thân mình. Ví dụ: Như những người ăn xin, hay là những người không nhà không cửa. Đó là tại sao? Đó là tại vì khi mà chúng ta kết nối Phật tánh vốn dĩ đã có trong tâm của chúng ta với sự bám chấp, với sự chấp mê vào bản ngã thì khi đó chúng ta sẽ lại tái sinh vào cõi thấp.

Như vậy tất cả phụ thuộc vào chúng ta có tình yêu thương giàu có như thế nào? Chúng ta có tình yêu thương bao la dạt dào đến như thế nào? Khi mà tình yêu thương của chúng ta càng lúc càng lớn lên thì lúc đó chính là lúc mà trí tuệ của chúng ta cũng dần dần phát triển, dần dần tăng trưởng. Như vậy điều đầu tiên chúng ta phải không hề được có bất kỳ một nghi ngờ gì về sự tồn tại của cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Khi mà chúng ta đã hiểu được phẩm tánh của tình yêu thương thì lúc đó chúng ta sẽ càng hiểu và càng thêm tin sâu hơn về phẩm tánh tuyệt vời của cõi Tịnh Độ.

Đức Phật A Di Đà là ai? Cũng như tất cả Chư Phật trên cõi đời này là ai? Tất cả các ngài là hóa hiện của tình yêu thương không có gì khác hơn như thế. Tất cả các ngài là hóa hiện những phẩm tánh tuyệt vời của tình yêu thương. Và hiện giờ trong tất cả chúng sinh ai trong chúng ta cũng có tình yêu thương ấy. Ngày hôm nay khi Thầy đến ngôi chùa này, Thầy cảm thấy thật hoan hỉ, thật hạnh phúc và đối với Thầy nơi đây không khác gì chốn Tịnh Độ Cực Lạc. Bởi vì chư Tôn Đức Tăng Thiền Đức ở đây đã luôn luôn phát triển, luôn luôn chấn hưng Phật giáo ở đất nước này. Khiến cho mọi con dân ở đất nước này có thể thấm nhuần được tư tưởng của Phật giáo, có thể tiếp tục học hỏi về Bồ đề tâm, tiếp tục trưởng dưỡng về Bồ đề tâm. Vì vậy đối với Thầy, cõi chốn này hôm nay chẳng khác gì Tịnh Độ.

Như vậy, cái nguyên nhân đầu tiên khiến cho chúng ta đạt được tái sinh trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc đó chính là tình yêu thương. Tình yêu thương ở đây có thể hiểu như là cái tiền hay là cái phí để cho chúng ta có thể đi được đến cõi Tịnh Độ ấy. Và chúng ta phải hiểu được một điều rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn của chúng ta đều cùng mầm mống, đều giống như tình yêu thương và lòng bi mẫn của tất cả chúng sinh khác và đồng thời cũng là tình yêu thương và lòng bi mẫn của tất cả mọi chư Phật, cũng giống như “37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo” là biểu hiện của tình yêu thương. Thầy xin gửi đến tất cả các bạn ở đây cuốn sách “37 Pháp Hành Bồ Tát Đạo”, điều đó cũng tựa như là dấu hiệu nói rằng Thầy thật lòng rất là yêu thương các bạn, bởi vì cõi Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc chính là hóa hiện của tình yêu thương.

Như thế, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là hãy xác định, hãy nắm được trong tâm của mình rằng có một mầm mống của tình yêu thương, phải thật sự xác định được điều đó. Sau đó chúng ta phải làm mọi cách để trưởng dưỡng cho mầm mống của tình yêu thương ấy càng lúc càng sinh sôi, càng lúc càng nảy nở, chớ đừng bao giờ thối chuyển. Và đó cũng chính là cái cách mà chúng ta gọi là thực hành pháp để tích lũy thêm công đức và tinh trừ nghiệp chướng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ TÁT SANH VỀ TỊNH ĐỘ
  2. 48 LỜI NGUYỆN CỦA ĐỨC A DI ĐÀ

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN