BÀI HỌC VÔ GIÁ TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

TIẾN SĨ G. FRANCIS XAVIER

Trích: Bài học vô giá từ những điều bình dị; Việt dịch: Nguyễn Thành Nhân; NXB. Tổng hợp Tp.HCM; Công ty CP Văn hóa Trí Việt - First News, 2016

Hai câu chuyện ngắn được trích ra dưới đây do tiến sĩ G. Francis Xavier tập hợp nhiều câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới và từ mọi tầng lớp khác nhau vào trong bộ những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trên thế giới. Mỗi câu chuyện là một bài học đáng để cho chúng ta cùng đọc và chiêm nghiệm để từ đó rút ra bài học cho riêng mình.

—– ☘️☘️☘️ —–

BIẾT CHẤP NHẬN THĂNG TRẦM CỦA CUỘC SỐNG

Một vị vua nọ cho gọi người thợ kim hoàn của hoàng cung đến và ra lệnh cho anh ta:

  • Hãy làm cho ta một chiếc nhẫn và khắc lên đó một câu nói có thể khiến ta biết kiềm chế niềm vui khi hạnh phúc và phấn chấn khi buồn bã.

Người thợ kim hoàn chẳng gặp khó khăn gì trong việc tạo ra một chiếc nhẫn theo yêu cầu của nhà vua. Thế nhưng, việc tìm ra câu nói như gợi ý của nhà vua quả là việc nằm ngoài khả năng của anh.

Cuối cùng, người thợ kim hoàn quyết định tìm đến một nhà thông thái và hỏi xin ý kiến của ông.

  • Con nên khắc câu gì lên chiếc nhẫn này để có thể kìm hãm niềm vui của nhà vua khi ngài phấn khích và vực dậy tinh thần khi ngài rầu rĩ?

Nhà thông thái lấy ra một mảnh giấy và viết lên đó dòng chữ.

❓Câu hỏi

  1.  Theo bạn, nhà thông thái đã viết câu gì?
  2. Ý nghĩa của câu chuyện này là gì?

Hãy xem phần giải đáp chỉ sau khi bạn đã thử suy nghĩ câu trả lời bằng chính khả năng của mình.

—– —–

MỌI CHUYỆN XẢY RA ĐỀU LÀ ĐIỀU TỐT NHẤT

Vị vua và người trợ thủ của ông đi vào rừng để săn bắn. Một con hổ bất ngờ tấn công và trong trận chiến đó, vị vua bị mất một ngón tay. Ông đang trải qua sự đau đớn, nhưng người trợ thủ nói: “Mọi thứ đều là có lợi cho chúng ta“. Vị vua nổi giận và đẩy anh ta xuống một cái giếng khô. Khi rớt xuống, người trợ thủ thốt lên: “Mọi chuyện xảy ra đều là điều tốt nhất“.

Sau đó, vị vua bị những người thổ dân bắt lấy. Họ định dùng ông để hiến tế nhưng sau khi quan sát ông kỹ hơn, họ quyết định thả ông. Vị vua quay trở lại cái giếng, cứu người trợ thủ và hỏi rằng: “Tại sao anh lại nói những điều đó khi ta đẩy anh xuống giếng?

Câu hỏi

  1. Câu trả lời của người trợ thủ là gì?
  2. Câu chuyện trên có ngụ ý gì?

Hãy xem phần giải đáp chỉ sau khi bạn đã thử suy nghĩ câu trả lời bằng chính khả năng của mình.

? GIẢI ĐÁP

BIẾT CHẤP NHẬN THĂNG TRẦM CỦA CUỘC SỐNG

1.Việc này rồi cũng sẽ qua.” Khi nhà vua nhìn thấy câu này, ông sẽ biết cách làm chủ cảm xúc của bản thân, cả khi chiến thắng lẫn khi thất bại.

2. Hãy thử tung một đồng xu lên một trăm lần; bạn hẳn sẽ thấy rằng cơ hội đồng tiền sấp và ngửa gần như bằng nhau. Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự như vậy. Thăng trầm là điều hiển nhiên và điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy chấp nhận chúng.

—– —–

MỌI CHUYỆN XẢY RA ĐỀU LÀ ĐIỀU TỐT NHẤT

1.Thưa Bệ hạ, Người được cứu nhờ ngón tay bị mất đó. Một người hiến tế không nên có một khiếm khuyết nào trên cơ thể anh ta. Nếu ngài không đẩy tôi xuống cái giếng này, có lẽ họ đã hiến tế tôi thay vào đó.

2. Chúng ta nên giữ một thái độ lạc quan, vì dù bất cứ điều gì xảy ra, điều đó luôn là tốt nhất. Hãy nhớ rằng “Chúng ta không thể thay đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể thay đổi cách chơi chúng” (Randy Pausch, tác giả quyển sách Bài giảng cuối cùng). Luôn lạc quan đón nhận những gì đến với mình và tận dụng tối đa chúng, bạn sẽ rất ngạc nhiên về những thành quả mà mình nhận được.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. DHARMA – TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ
  2. HỌC CÁCH SỐNG ĐẸP

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG NGƯỜI VĨ ĐẠI LUÔN BIẾT CÁCH THA THỨ
  2. DƯỠNG NUÔI CHỮ NHẪN
  3. MẶT TÍCH CỰC CỦA SỰ VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP