BẢN NGÃ TẬP THỂ

ECKHART TOLLE

Trích: Thức tỉnh mục đích sống - A new earth – Awakening to your life’s purpose; Người dịch: Đỗ Tâm Tuy – Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh; NXB Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh

 

Sống với chính mình quả thật là một điều khó vô chừng! Vì vậy, một trong những phương cách mà bản ngã toan tính để thoát khỏi những khó khăn của thứ bản ngã cá nhân là làm mạnh hơn và mở rộng các cảm giác về cá thể bằng cách tự đồng nhất mình với một tập thể lớn hơn như một quốc gia, một chính đảng, một tập đoàn, một tổ chức, một câu lạc bộ, một băng nhóm, một đội bóng…

 

 

Đôi khi bản ngã cá nhân dường như biến mất hoàn toàn khi một cá nhân cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp của tập thể mà chẳng đòi hỏi gì đến phần thưởng, công lao hay địa vị cho riêng mình. Quả là nhẹ nhàng biết bao khi một người thoát khỏi gánh nặng đáng sợ của bản ngã. Các thành viên trong tập thể những con người ấy cảm thấy rất hạnh phúc và mãn nguyện, dù họ phải làm việc vất vả đến mấy hay hy sinh nhiều bao nhiêu. Có vẻ như họ đã vượt qua được sự khống chế của bản ngã. Câu hỏi cần đặt ra là họ đã thực sự có tự do chưa hay đơn giản là bản ngã của họ đã chuyển từ tính chất cá nhân sang tính chất tập thể?

Bản ngã tập thể cũng có những tính chất giống như bản ngã ở cá nhân, đó là nhu cầu có xung đột và kẻ thù, nhu cầu có được nhiều hơn, nhu cầu được cho mình là đúng và người khác là sai,… Và không sớm thì muộn, tập thể này sẽ xung đột với tập thể khác vì nó không ý thức được rằng nó luôn cần có sự mâu thuẫn và đối nghịch với nhóm khác để xác định ranh giới tức là có được một cá tính, tư cách riêng của nó. Do đó mà các thành viên không thể nào tránh được khổ đau vì những hậu quả của những hành động mang tính bản ngã mà họ đã làm. Đến lúc đó, họ có thể tỉnh ngộ và nhận ra rằng cái tập thể mà họ tự đồng hóa đó có yếu tố của sự điên rồ mạnh mẽ.

Thật đớn đau cho họ khi lần đầu tiên sực tỉnh và nhận ra rằng cái tập thể mà bấy lâu nay họ đã đồng nhất và phục vụ là một tập thể điên rồ. Có người trở nên hoài nghi, cay đắng và vì thế phủ nhận tất cả những giá trị mà họ đang có. Họ không muốn chứng kiến cái chết của bản ngã của cá nhân họ nên chạy trốn và tái sinh vào một bản ngã mới.

Bản ngã tập thể thường có tính mê mờ hơn là sự mê mờ của bản ngã trong từng cá nhân. Chẳng hạn như những đám đông (là những bản ngã có tính tạm thời) có thể trở nên rất tàn ác mà một cá nhân tách rời khỏi tập thể đó sẽ không thể làm được. Nhiều quốc gia có những hành vi mà ta có thể nhận ra ngay rằng đây là hành vi của những người bệnh tâm thần.

Khi nhận thức mới trổi dậy, một số người cảm thấy có cảm hứng lập nên những nhóm sinh hoạt phản ảnh một loại tâm thức giác ngộ. Do đó, đây không phải là những bản ngã tập thể. Vì những cá nhân trong những tập thể này không cần đến tập thể để định nghĩa nhân cách hay con người của mình. Họ không cần hình thức để xác định họ là ai. Ngay cả khi những cá nhân của tập thể ấy là một người chưa hoàn toàn thoát ra khỏi sự khống chế của bản ngã thì tự thân họ cũng có đủ nhận thức để nhận ra những biểu hiện của bản ngã ở trong họ và ở người khác. Khi những lối cư xử này xuất hiện. Tuy vậy, ta phải tỉnh táo thường xuyên vì bản ngã ở trong bạn “sẽ” luôn tìm nhiều cách để chế ngự và lung lạc bạn bằng nhiều cách rất kín đáo và tinh xảo.

Do đó, hóa giải bản ngã ở con người bằng cách mang nó ra dưới ánh sáng của nhận thức là một trong những mục đích chính của những nhóm này, cho dù họ là các cơ quan, trường học, các cộng đồng hay các tổ chức từ thiện… Các tập thể đã giác ngộ sẽ hoàn thành một chức năng quan trọng trong sự trỗi dậy của nhận thức mới. Trong khi các tập thể mang tính bản ngã có khuynh hướng lôi kéo bạn rơi trở lại vào trạng thái mê mờ và khổ đau, các tập thể đã giác ngộ có thể là một trung tâm có sức thu hút cái nhận thức mới ấy và làm tăng tốc sự chuyển dịch ở tầm mức hành tinh.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NIỀM VUI TỰ TẠI
  2. QUÁ KHỨ KHÔNG THỂ “SỐNG DẬY” KHI BẠN THỰC SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC HIỆN TẠI
  3. ĐÁNH MẤT CÁI BÂY GIỜ

Bài viết mới

  1. AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH
  2. TÔI NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TÔI – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
  3. KORA – ĐI TRONG ÂN SỦNG