BẢY ĐOẠN KỆ KHẨN NGUYỆN ĐẤNG BẢO HỘ QUAN ÂM TARA

JIGTEN SUMGON

Lục Độ Mẫu Tara – Ảnh: internet

 

Trong Pháp giới siêu vượt sanh tử,

Có Phật Mẫu Tara Tôn Quý ngự trị,

Người ban hạnh phúc an lạc cho khắp chúng hữu tình.

Khẩn nguyện ngài che chở độ trì cho con thoát khỏi mọi chướng nạn.

 

Do chưa thấu hiểu chính mình là Pháp thân,

Nên tâm chúng sinh bị che phủ bởi bao phiền não,

Họ – những bà mẹ của ta, đang lang thang khắp nẻo luân hồi.

Xin Phật Mẫu Tara Tôn Quý hãy che chở họ.

 

Khi Phật Pháp chưa thật sự sinh khởi trong tâm,

Có những người để cho ý nghĩa ước lệ của ngôn từ lôi cuốn.

Ho bị dối gạt bởi các học thuyết sai lầm.

Xin Phật Mẫu Tara Đích Thực hãy bảo hộ họ.

 

Chứng ngộ bản tâm là điều rất khó.

Có những người dẫu đã ngộ rồi nhưng lại không huân tập,

Cứ trôi lăn lạc lối trong các bất thiện hạnh.

Xin Phật Mẫu Tara Chánh Niệm hãy cứu độ họ.

 

Trí huệ nguyên sơ bất nhị tự sinh khởi là bản tâm vốn có.

Nhưng có những người, do thói quen chấp trước nhị nguyên vào khái niệm,

Bị trói cột dẫu làm gì chăng nữa.

Xin Phật Mẫu Tara Tâm Bất Nhị hãy che chở họ.

 

Có những người dẫu an trú nơi Chân Lý [của tánh Không],

Vẫn chưa thấu triệt lý duyên sinh của nhân quả.

Do vậy họ mù mờ về ý nghĩa của vạn pháp.

Xin Phật Mẫu Tara Toàn Giác hãy cứu độ họ.

 

Sẵn có tự tánh tựa hư không và không do tạo tác.

Mà vạn pháp vốn bất khả phân với tự tánh đó – bất khả phân với chân như.

Tuy vậy, biết bao đệ tử vẫn chỉ là phàm phu.

Xin Phật Mẫu Tara Tôn Quý hãy che chở họ.

——- ??? ——-

Bản Anh ngữ của Bảy Đoạn Kệ Khẩn Nguyện Đấng Bảo Hộ Quan Âm Tara là do đại sư Khenchen Konchog Gyaltsen Rinpoche chuyển dịch. Tâm Bảo Đàn phỏng dịch Việt ngữ vào năm 2005, chỉnh sửa năm 2010, và hiệu đính toàn bộ  vào tháng 7, 2014.

Bản hiện tại (in ấn năm 2019 nhân chuyến hoằng pháp của Đại sư Garchen Rinpoche tại Việt Nam) được Trần Lan Anh chỉnh sửa, và Trần Hương Giang góp ý hoàn thiện, để phù hợp với bản tiếng Anh do Ina Trinley Wangmo dịch vào năm 2017.

——- ??? ——-

SƠ LƯỢC VỀ TỔ JIGTEN SUMGON VÀ NGUỒN GỐC BẢN VĂN BẢY ĐOẠN KỆ KHẨN NGUYỆN ĐẤNG BẢO HỘ QUAN ÂM TARA

Nội dung dưới đây được trích từ tác phẩm Bình Giảng Khẩn Nguyện Bảy Mẹ Hiền Tara của ngài Khenpo Tenzin Tsultrim – đạo sư tâm linh, người đứng đầu Trung Tâm Thiền Tây Tạng, Frederick Land, Mỹ, là một trong những vị Tiến sỹ Phật Học đầu tiên tốt nghiệp tại học viện Drikung Kaygyu, Dehra Dun, Ấn Độ.

Tổ Jigten Sumgon sinh vào thế kỷ thứ mười hai và cha người được biết đến là một hành giả Naljorpa Dorje. Cha người là vị tái sinh của Heruka, thực hành pháp Vajrabhaivara, và có khả năng chế ngự “những người ngạo mạn” (một lớp ma quỷ), bắt họ phải phục tùng. Thân mẫu người, Rakshisa Tsunma, có bản chất của nữ hành giả, có nguồn gốc từ Dorje Phagmo (Vajrayogina). Cha và mẹ qua đời từ khi tổ Jigten Sumgon còn nhỏ và tổ phải lo cho em gái mình. Từ khi còn nhỏ tổ đã học để đọc tiếng Tạng và kiếm sống bằng cách đi đọc các bản văn thành lời cho mọi người.

Một lần khi nghe về ngài Phagmo Drupa, lập tức tổ có ngay ý nghĩ “đó là vị đạo sư gốc của ta, ta phải tìm bằng được ngài” và tổ lên đường, vừa đi vừa nghĩ về vị đạo sư của mình. Tổ đến tu viện của ngài Phagmo Drupa vào buổi đêm và ba ngày sau tổ được xem ngài giảng pháp. Ngài Phagmo Drupa nói “hôm nay đoàn tùy tùng những học trò ta đã đầy đủ”. Lúc này tổ Jigten Sumgon còn chưa xuống tóc, tổ ngồi phía sau, gần cửa ra vào. Lingje Repa, một người học trò quan trọng, là người đến muộn lễ cúng dường Tsog, nên phải đi xin những người khác một phần cúng dường; mỗi người chia cho một chút. Ngài Phagmo Drupa chia cho một phần lớn, rót đầy tràn cốc cúng dường. Sau đó Lingje Repa hát bản hai mốt lời khẩn nguyện, thuật lại chi tiết những phẩm tính của một người đã đạt đại giác ngộ qua nhiều kiếp. Tất cả những người học trò tinh tấn đều nghĩ rằng bản khẩn nguyện dành cho mình, và đến cuối cùng, Lingje Repa quay về phía tổ Jigten Sumgon và cúng dường bài khẩn nguyện cho tổ. Vậy khi đọc bản này, bạn có thể hiểu tổ Jigten Sumgon đã hoàn toàn giác ngộ.

Sau này khi nhập thất ở động Echung, gần nơi sư tổ Chungsang Rinpoche sinh sống, và thực hành trong vòng bảy năm. Lúc sắp xong, tổ bị ốm nặng, cũng như đức Phật bị hành hạ bới những loài ma quỷ khi người thực hành tu khổ hạnh, tổ cũng gặp những chướng ngại và thậm chí bị mắc bệnh phong. Tổ cố rời khỏi động nhưng yếu quá nên đã ngã xuống đất. Tổ nghĩ về bản thân và nỗi đau đớn của mình với lòng bi mẫn-khi chúng ta yêu thương và từ bi với chính bản thân, sẽ thật dễ dàng để lan tỏa sang cho người khác. Đầu tiên chúng ta phải thực hành tình yêu thương và lòng bi mẫn cho chính bản thân. Tổ cũng trải nghiệm những nỗi khổ đau cùng cực và, trên nên tảng nỗi khổ của chính mình, phát khởi lòng đại từ bi đến tất cả những chúng sinh. Nhờ vậy, tổ đã tịnh hóa được những che chướng còn lại và đạt quả vị Phật. Ở đây chỉ là bản ngắn về cuộc đời tổ, chi tiết hơn bạn có thể tìm trong cuốn khác như Những đại học giả Kagyu.

——- ??? ——-

Bản văn gốc, Bảy Lời Khẩn Nguyện Tới Mẹ Hiền Tara được sáng tác bởi tổ Jigten Sumgon khi người đang nhập thất. Nhập thất ở một nơi cô tịch tạo ra cơ hội để rời hang với chân cẳng được duỗi căng, tinh thần thư thái vì dường như không gặp gỡ ai có thể làm mất tập trung người nhập thất. Tổ Jigten Sumgon đã rời hang và đi lên đỉnh núi, ngắm nhìn những thung lũng và những ngọn núi phía bên kia. Trong lúc đó, người nhìn thấy bảy hình tướng mẹ Tara và đã sáng tác ra bản khẩn nguyện này. Đôi khi bản văn này còn được gọi là Nương tựa bảy mẹ hiền hay Khẩn nguyện tới bảy mẹ hiền Tara bởi bản văn chứa đựng những lời khẩn nguyện trực tiếp thỉnh cầu sự che chở tới bảy mẹ hiền Tara.

Nhiều thế kỷ trôi qua, bản khẩn nguyện này không nhận được nhiều sự chú ý của các đại học giả viết bình giảng cho những truyền giảng của tổ Jigten Sumgon. Bản bình giảng đầu tiên được biết đến cho những lời khẩn nguyện này được viết vào giữa thế kỷ mười chín bởi học giả Konchog Norzang, một nhà sư Drikung là học trò của Jamgon Kongtrul, Milpham và những vị thầy nổi tiếng khác thời kỳ này. Bản bình giảng đó có tên gọi Sưu tập những bông hoa Utpala (Utpala Chunpa) được viết theo phương thức mang tính học thuật, dễ sử dụng hơn là bình giảng những bài giảng khác của tổ. Đặc biệt bản khẩn cầu này rất quen thuộc với dòng truyền thừa Drikung.

LỜI GIỚI THIỆU VỀ TÁC PHẨM BÌNH GIẢNG KHẨN NGUYỆN BẢY MẸ HIỀN TARA

Phật Mẫu Tara siêu việt là một vị Phật Mẫu được yêu mến và rất quen thuộc trong các vị Phật. Rất nhiều vị học giả lớn trong truyền thống Nalanda coi bà như Bổn Tôn của mình. Qua nguyện ước của mình, bà Tara nổi tiếng bởi sự cứu giúp nhanh chóng khỏi những nỗi nguy hiểm và bà thường được ca tụng như sự hiện thân cho hoạt hạnh giác ngộ của tất cả các chư Phật. Có rất nhiều những học giả Ấn Độ và Tây Tạng đã viết hồi hướng cho vị Phật Mẫu này. Một trong những bài viết, Bảy Lời Khẩn Nguyện Tới Mẹ Hiền Tara là một bản cầu nguyện ngắn nhưng rất sâu sắc của tổ Kyobpa Jikten Sumgon năm 1174 tại động Echung, Nam Tây Tạng. Theo những ghi chép lại, tổ Kyobpa Jikten Sumgon bị bệnh phong một khoảng thời gian trước đó và phải chịu đựng những nỗi đau khổ lớn lao trong khi nhập thất. Khi những nỗi đau đớn lên đến cùng cực, cảm thấy mình ở bên bờ vực cái chết, những làn sóng bi mẫn đối với chúng sinh trào dâng trong người. Cùng lúc đó, căn bệnh phong rời khỏi người như những con rắn trườn đi xa. Đại giác ngộ bừng lên và bảy mẹ hiền Tara xuất hiện trên bầu trời. Tổ Kyobpa Jikten Sumgon đã soạn bản khẩn nguyện này diễn tả sự tinh túy của đức Tara từ cái nhìn viễn cảnh của Mahamudra (Đại Thủ Ấn).

Thầy Tsultrim Tenzin, đạo sư tâm linh, người đứng đầu Trung Tâm Thiền Tây Tạng, Frederick Land, Mỹ, là một trong những vị Tiến sỹ Phật Học đầu tiên tốt nghiệp tại học viện Drikung Kaygyu, Dehra Dun, Ấn độ. Thầy đã sinh sống nhiều năm và có nhiều thành quả trong việc truyền giảng giáo pháp của đức Phật tại Mỹ, giờ đây phát hành cuốn sách bình giảng khẩn nguyện tới bảy mẹ hiền Tara với những chú giải hữu ích cho những lời khẩn nguyện sâu sắc này. Tôi tin chắc rất nhiều hành giả sẽ tìm thấy sự trợ giúp từ đây và tôi khẩn cầu cho những lợi lạc mà cuốn sách đem lại.

Bằng mọi mong cầu.

Tổ dòng Drikung Kyabgon Chetsang, người nắm giữ dòng truyền thừa Drikung Kagyu Phật giáo Tây Tạng.

17 tháng 7 năm 2014

——- ??? ——-

Bảy Lời Khẩn Nguyện Tới Mẹ Hiền Tara là một bản văn sâu sắc và thiết yếu. Món quà tặng cho chúng ta đến trực tiếp từ trái tim của người sáng lập ra dòng truyền thừa, Tổ Jigten Sumgon. Chỉ vẻn vẹn có bảy khổ, bản văn đã diễn tả toàn bộ trí tuệ và từ bi giác ngộ.

Tôi đã cho học trò hàng trăm bản copy của Bảy Lời Khẩn Nguyện Tới Mẹ Hiền Tara này trong những tháng năm qua. Tôi thường khuyên họ nên đọc đi đọc lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, bởi vì điều quan trọng là các hành giả phải hiểu mình đọc gì. Thật đáng buồn khi những hành giả bình thường, chưa được giác ngộ thường thấy khó hiểu và không đánh giá cao giá trị sâu sắc của bản khẩn nguyện. Bởi vậy, tôi khẩn cầu thầy Tsultrim Tenzin soạn chi tiết bình giảng mà thông qua đó, diễn giải những ý nghĩa sâu sắc để tất cả chúng ta đều có thể sử dụng được.

Thầy Tenzin Tsultrim là một học giả, một thầy giáo tài năng. Thầy giải thích những ý nghĩa phức tạp một cách trực tiếp và sáng sủa. Qua cuốn sách này, thầy hướng dẫn người đọc từng bước một, đôi khi là từng từ, qua toàn bộ bản văn, giải thích ở mức đơn giản cũng như ở mức sâu sắc. Nếu bạn tiếp cận những bình giảng này bằng cả trái tim và niềm sùng mộ với đức Tara, tôi có thể đảm bảo rằng thực hành của bạn sẽ tiến bộ.

Tôi ban sự gia trì cho việc phát hành cuốn sách này.

Garchen Rinpoche

6, tháng 10 năm 2014

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI CA SOI SÁNG TÂM HỒI NHỚ

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ