BÊN TRONG, MỖI NGỪỜI ĐỀU RẤT MỀM YẾU VÀ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Vài năm trước đây, một người giấu tên đó chia sẻ với tôi một đoạn viết rất hay qua email. Tôi chậm rãi đọc bức thư đó, và nó đã tác động mạnh đến tôi một cách đáng ngạc nhiên. Nó lý giải vì sao Thói quen thứ 5 lại có sức mạnh to lớn như vậy. Tôi cho rằng bạn nên đọc một cách từ từ và cẩn thận, cố gắng hình dung một hoàn cảnh tạo cảm giác an toàn – để người mà bạn quan tâm có thể thực sự mở lòng.

Đừng để bị tôi đánh lừa. Đừng để chiếc mặt nạ tôi đeo đánh lừa bạn. Bởi vì tôi không chỉ có một. Tôi đeo một ngàn chiếc mặt nạ – mà tôi rất sợ phải tháo ra – không cái nào thể hiện tôi cả. Giả vờ là một nghệ thuật và là bản chất thứ hai của tôi, nhưng đừng bị đánh lừa.

Tôi khiến cho mọi người có cảm giác rằng tôi không hề sợ hãi, rằng đối với tôi tất cả mọi việc đều tốt đẹp và bình yên – bên trong cũng như bên ngoài; rằng sự tự tin là tên tôi, và sự bình tĩnh là trò chơi của tôi; rằng mặt nước không gợn sóng, và tôi đang kiểm soát mọi việc, không cần ai giúp. Nhưng đừng vội tin vào điều đó. Xin đừng vội tin.

Bề ngoài, tôi có vẻ thoải mái, nhưng đó chỉ là mặt nạ của tôi – chiếc mặt nạ luôn luôn biến đổi và luôn luôn che giấu. Đằng sau nó, không hề có sự kiêu kỳ, trầm tĩnh hay hài lòng. Đằng sau nó mới chính là tôi – đang bối rối, sợ hãi và cô đơn. Nhưng tôi che giấu điều này, không muốn bất cứ ai biết đến. Tôi lo sợ khi nghĩ đến việc điểm yếu của mình bị lộ ra. Đó là lý do tôi lại điên rồ tạo ra một chiếc mặt nạ, một vẻ ngoài vờ như lãnh đạm để giấu mình, để che đậy không cho ai nhìn thấy. Tuy nhiên, bộc lộ với mọi người mới chính là cứu cánh của tôi, cứu cánh duy nhất. Và tôi biết điều đó – điều duy nhất giải phóng tôi khỏi bản thân, khỏi bức tường nhà tù mà chính tôi xây nên, khỏi hàng rào mà tôi đã dựng cẩn thận. Nhưng tôi sẽ không nói cho bạn biết điều này. Tôi không dám. Tôi sợ phải làm việc đó.

Tôi sợ cái nhìn của bạn không mang theo tình yêu và sự khoan dung. Tôi sợ bạn sẽ không nghĩ đúng về tôi, cười nhạo tôi, và sự cười nhạo ấy sẽ giết chết tôi. Tôi sợ rằng sâu xa bên trong, tôi không là gì cả, không chút tốt đẹp; rằng bạn sẽ thấy điều đó và hắt hủi tôi. Vì thế, tôi phải chơi trò chơi của mình – một trò chơi giả vờ liều lĩnh – với vẻ bề ngoài chín chắn nhưng bên trong lại là một đứa trẻ đang lo sợ. Tôi bắt đầu trưng ra một chiếc mặt nạ, rực rỡ nhưng trống rỗng. Và cuộc sống của tôi trở thành chiến trường.

Tôi nói chuyện phiếm với bạn bằng một giọng  ngọt  ngào giả tạo. Tôi kể cho bạn nghe mọi thứ nhưng thực ra chẳng có gì – không phải là những thứ đang kêu gào bên trong tôi. Vì thế, khi tôi làm vậy, đừng để những điều tôi nói đánh lừa bạn. Xin hãy lắng nghe thật cẩn thận, cố gắng lắng nghe cả những điều tôi KHÔNG HỀ nói – những điều mà tôi mong mình có thể nói ra, những điều mà để sống sót, tôi cần phải nói nhưng lại không thể. Tôi ghét phải che giấu, thực lòng tôi ghét điều đó. Tôi ghét trò chơi giả mạo bề ngoài mà mình đang chơi. Tôi thực sự muốn sống chân thành.

Tôi thực sự muốn sống thành thật, không gò bó và đúng là tôi, nhưng bạn phải giúp tôi. Bạn phải giúp tôi bằng cách đưa  tay ra, ngay cả khi đó là điều cuối cùng tôi  muốn hay cần. Mỗi  khi bạn ân cần và dịu dàng khích lệ tôi, mỗi khi bạn cố hiểu tôi vì bạn thật lòng quan tâm, trái tim tôi bắt đầu mọc cánh – một đôi cánh rất nhỏ thôi và hãy còn yếu ớt, nhưng nó là một đôi cánh. Nhờ có sự tinh tế, đồng cảm và sự thấu hiểu của bạn, tôi đã làm được. Bạn đã thổi cuộc sống vào trong tôi. Đối với bạn, điều đó không hề dễ dàng. Sự cám dỗ của những điều vô nghĩa  đã xây dựng nên những bức tường rắn chắc. Nhưng tình yêu lại mạnh hơn cả những bức tường ấy, trong đó có  niềm hy vọng  của tôi. Xin hãy đánh đổ những bức tường này bằng những đôi bàn tay rắn chắc mà dịu dàng, vì một đứa trẻ thì rất nhạy cảm và tôi CHÍNH LÀ như thế.

Tôi là ai? Bạn có thể băn khoăn về điều đó. Tôi là một người mà bạn biết rất rõ, vì tôi là bất kỳ người đàn ông, phụ nữ, trẻ con, bất kỳ người nào mà bạn gặp.

Tất cả mọi người đều rất mềm yếu và nhạy cảm. Một số người học cách bảo vệ bản thân khỏi điều này – có thể là che  đậy, giả vờ hoặc đeo một “chiếc mặt nạ” an toàn. Nhưng tình yêu vô điều kiện cùng sự ân cần và nhã nhặn sẽ xuyên thủng lớp vỏ bề ngoài này. Họ sẽ tìm thấy một tổ ấm trong trái tim ai đó và những người khác sẽ hưởng ứng.

Đây là lý do việc tạo dựng  môi trường yêu thương và chăm sóc trong gia đình lại quan trọng đến vậy – đó là môi trường an toàn để bộc bạch và mở lòng. Trên thực tế, hầu hết các chuyên gia về quan hệ hôn nhân và gia  đình, về sự phát triển của trẻ em đều nhất trí cho rằng, việc tạo dựng một môi trường ấm cúng, đầy sự quan tâm, ủng hộ và khích lệ có lẽ là điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm cho gia đình mình.

Điều này không chỉ có ý nghĩa với trẻ nhỏ mà còn có ý  nghĩa với cả người bạn đời của bạn, với ông bà, cô dì chú bác, anh chị em và các cháu của bạn – với  tất cả mọi người.  Việc  xây dựng một nền văn hóa như vậy, với cảm giác được yêu thương và chăm sóc vô điều kiện, quan trọng hơn bất cứ điều gì trên đời!

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. Bill Gates Và Melinda: Chẳng Ai Quá Bận Để Vun Đắp Cho Gia Đình!
  2. GIA ĐÌNH VÀ CON CÁI
  3. NẾP SỐNG TRONG GIA ĐÌNH – TỰ TRUYỆN GANDHI

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG