BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC CỦA VỢ CHỒNG
Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động

Có người nói yêu nhau dễ, ở với nhau khó,
Bịt mắt dễ, bịt miệng khó lắm thay, tất cả là thời đã qua.
Có người đem hạnh phúc làm sự nghiệp để kinh doanh, có người vì tự do hôn nhân bảo phải dừng. Đến cuối cùng thì ai là người thắng, ai là kẻ thua, không ai đánh giá được.
Thực ra hạnh phúc không phải là chỉ dành cho hoàng tử và công chúa,… Nhưng cho dù là hoàng tử và công chúa như trong lời đồng dao của trẻ con, thì hạnh phúc cũng cần tưới bón, và yêu quý giúp đỡ nhau.
Vợ chồng chung sống với nhau cần ôn hòa nhẫn nại mới có thể xây dựng một gia đình vui vẻ hòa thuận. Cần lấy thái độ khoan dung thay cho ương gàn cố chấp, lấy lòng thành thật để đối đãi với nghi ngờ bất tín, dùng lối thông cảm để giải quyết sự sai lầm va vấp, lấy bất cầu báo đáp tình cảm quan tâm của đối phương, như vậy chắc chắn sẽ như nước sữa tan hòa, thân mật khăng khít.
Rốt cuộc giữa vợ chồng với nhau cần phải chung sống như thế nào?
- Cần trao đổi chuyện trò để biểu hiện sự cảm nhận của đôi bên. Điều quan trọng nhất giữa vợ chồng là trao đổi chuyện trò, có khơi gợi, trao đổi mới hiểu rõ sự cảm nhận của đôi bên, nói ra những điều còn tồn đọng trong lòng mới có cơ hội tiến bộ trưởng thành. Điều gọi là “Bé nhỏ biến thành lớn rộng”, tức là một chuyện nhỏ nhặt chất chứa trong lòng lâu ngày, nhưng đôi bên không trao đổi hỏi han, không quan tâm lẫn nhau, tạo thành cuộc chiến tranh lạnh, hố ngăn cách tình cảm ấy có thể càng ngày càng sâu, và thường không thể vãn hồi. Là người chồng cần biết nể vợ. Sợ vợ có nghĩa là kính nể. Một người đàn ông kính nể vợ tức là biết tôn trọng nữ giới. Một người đàn ông kính nể vợ tức là trong gia đình không so tính quyền lực lớn nhỏ, tất cả cho người vợ là lớn, mình là nhỏ, giao quyền lo liệu việc gia đình cho người vợ gánh vác. Nếu được như vậy, thì gia đình ấy nhất định gọn gàng trật tự, thuận hòa đầm ấm. Trái lại, nếu đề cao chủ nghĩa “đại nam tử”, và so tính quyền lực với người vợ, thì gia đình ấy chắc chắn mây đen khí độc, khó được bình yên. Ông Hồ Thích đã từng cực lực đề xướng “phong trào sợ vợ”, chủ trương tổ chức “Câu lạc bộ sợ vợ” để đề cao địa vị nữ giới trong xã hội.
- Cần hài hòa để rút ngắn khoảng cách của đôi bên. Vợ chồng chung sống với nhau, thì quan điểm ý kiến, mục tiêu lý tưởng của đôi bên, cách thức làm người làm việc, giao tiếp qua lại, khó tránh khỏi có chỗ bất đồng, những lúc như vậy nên làm thế nào? Cần hài hòa, cần nhường nhịn lẫn nhau, từ trong sai khác tìm sự hòa đồng, số lần như vậy cần nhiều hơn nữa, đôi bên suy nghĩ hình thức và phương pháp làm việc để có thể rút ngắn khoảng cách, và dần dần tạo ra sự thỏa thuận ngầm.
- Cần thích ứng để tạo ra niềm hứng thú chung giữa đôi bên. Có một số cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới phát hiện sở thích của hai người hoàn toàn khác nhau, thông thường vì yêu cầu đối phương theo sự ưa thích của mình nên khiến đôi bên không vui vẻ. Nếu hai vợ chồng cố gắng tạo ra niềm hứng thú giống nhau thì có thể dẫn dắt lẫn nhau, bàn bạc lẫn nhau và có tiếng nói chung.
- Cần thông cảm, cần khen ngợi sự khó nhọc của đối phương. Có một số người chồng về đến nhà chỉ có phàn nàn mình đi làm việc quá vất vả, mà không tự nguyện giúp đỡ người vợ một vài việc lặt vặt trong gia đình; người vợ thấy người chồng về nhà không giúp đỡ được gì thì đâm ra oán thán mình hàng ngày bận việc trong ngoài túi bụi, quá cực nhọc, những lần như vậy thì cãi cọ và bất mãn có thể xảy ra. Giữa vợ chồng với nhau nên thông cảm sự vất vả của đối phương nhiều hơn, đừng tiếc lời khen ngợi sự đóng góp công sức của đối phương.
Ngạn ngữ phương Đông có câu: “Gia đình hòa thuận, mọi sự tốt lành”, “Vợ chồng hòa thuận, gia đạo mới hưng vượng”, đều nói đến vợ chồng chung sống nên lấy hòa làm quý. Shakespeare cũng nói: “Sự bất hòa trong gia đình là hang ổ của thần nghèo túng”, sự nghèo túng ấy không chỉ là thiếu thốn về mặt tiền bạc vật chất, mà bao gồm cả sự nghèo túng về mặt tinh thần, tâm lý. Rốt cuộc, vợ chồng đồng tâm hợp lực mới có thể cùng đối mặt với thách thức, cùng trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Lời trích từ sách “Thái căn đàm”
Từ bi là thế giới của sự dịu hiền tốt đẹp, Tôn trọng là phép mầu của may mắn và hoan hỷ, Cảm ơn là nguồn suối của hạnh phúc và an lạc, Khen ngợi là pháp bảo của lợi người và cảm hóa người.