BÌNH AN NỘI TẠI

EPICTETUS

Trích: Nghệ Thuật Sống của Epictetus, do Sách Khai Tâm phát hành. ; Việt dịch: Đỗ Tư Nghĩa

KHÔNG XẤU HỔ. KHÔNG TRÁCH CỨ

Chính cảm nhận và quan niệm của ta về những sự thể là cái khiến ta phiền não. Do vậy, trách cứ người khác là điều ngờ nghệch. Cho nên, khi ta gặp những trở ngại, những rối loạn hay phiền muộn thì đừng bao giờ trách cứ người khác, mà hãy trách cứ thái độ của chúng ta.

Những người tiểu trí thường trách người khác về những bất hạnh của riêng họ. Những người (có trí tuệ) trung bình thì trách chính mình. Và những người dâng hiến đời mình cho sự minh triết (kẻ đại trí) hiểu rằng, cái xung lực muốn trách cứ kẻ khác hay trách cái gì đó là điều ngốc nghếch; rằng việc trách cứ – bất luận trách kẻ khác, hay chính mình – đều không thành tựu được cái gì cả.

Một trong những dấu hiệu cho sự khởi đầu của tiến bộ đạo đức là việc dập tắt dần dần sự trách cứ. Chúng ta thấy cái vô ích của việc phê bình, chỉ trích. Càng xem xét thái độ và sự phản tỉnh của ta trên chính mình, ta càng ít bị lôi cuốn bởi những phản ứng bão táp về cảm xúc mà trong đó ta tìm kiếm những lời giải thích dễ dãi cho những biến cố không mong muốn.

HÃY TẬN DỤNG NHỮNG GÌ XẢY RA VỚI BẠN

Mọi khó khăn trong đời đều cho chúng ta một cơ hội quay vào trong và gợi dậy những tài nguyên nội tại tiềm ẩn. Chúng ta có thể và nên biến những thách thức mà chúng ta chịu đựng thành sức mạnh của chính mình.

Những người khôn ngoan cẩn trọng, họ nhìn vượt lên chính cái sự việc và tìm cách tạo thói quen tận dụng nó.

Khi gặp một biến cố ngẫu nhiên, đừng chỉ phản ứng một cách may rủi: Hãy nhớ quay vào bên trong và hỏi, bạn có tài nguyên nào để xử lý nó hay không? Hãy đào sâu. Bạn có những sức mạnh mà có thể bạn không nhận thức rằng mình có. Hãy tìm đúng tài nguyên đó. Hãy sử dụng nó.

Nếu bạn gặp một người quyến rũ thì tài nguyên cần đến là sự tự chủ. Nếu gặp sự đau đớn hay sự yếu đuối thì đó là sức chịu đựng. Nếu gặp sự lăng nhục thì đó là sự kiên nhẫn.

Theo dòng thời gian, bạn xây dựng thói quen áp dụng nguồn tài nguyên nội tại thích hợp vào mỗi biến cố, và bạn sẽ không bị lôi cuốn bởi những ấn tượng của cuộc đời. Dần dần, bạn sẽ không còn cảm thấy mình bị áp đảo (bởi ngoại giới) nữa.

CUỘC SỐNG TỐT LÀ CUỘC SỐNG CÓ BÌNH AN NỘI TẠI

Dấu hiệu chắc chắn nhất của cuộc sống cao thượng là sự bình an nội tại. Sự tiến bộ tinh thần mang đến tự do, thoát khỏi sự xáo trộn nội tại. Bạn có thể ngừng bồn chồn lo lắng về chuyện này chuyện nọ.

Nếu bạn tìm kiếm một cuộc sống cao thượng, hãy tránh những nếp suy nghĩ như: “Nếu tôi không làm việc chăm chỉ, tôi sẽ không bao giờ kiếm được một cuộc sống đàng hoàng, sẽ không ai công nhận tôi, và tôi sẽ là một kẻ vô danh tiểu tốt”; hay “Nếu tôi không chỉ trích người làm thuê cho mình thì anh ta sẽ lợi dụng thiện chí của tôi”.

Thà chết đói mà không phiền não và sợ hãi, còn hơn là sống giàu sang mà lo lắng, kinh hãi, nghi ngờ và ham muốn vô độ.

Hãy bắt đầu ngay một chương trình nhằm tự làm chủ bản thân. Nhưng hãy bắt đầu một cách khiêm tốn, với những điều nhỏ bé vốn quấy rầy bạn. Con bạn làm đổ một cái gì đó? Bạn đã đánh mất cái ví của mình? Hãy nhủ thầm: “Việc xử lý một cách trầm tĩnh sự bất tiện này là cái giá mà tôi phải trả cho bình an nội tâm của mình, cho sự tự do, thoát khỏi sự xáo trộn; người ta không đạt được cái gì mà không phải trả giá”.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY XEM CUỘC ĐỜI NHƯ MỘT BỮA TIỆC
  2. TẬP TRUNG VÀO BỔN PHẬN CHÍNH YẾU CỦA BẠN
  3. NHỮNG GÌ BẠN CÓ THỂ KIỂM SOÁT, VÀ NHỮNG GÌ KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ