BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT – PHÁP TU THỨ 21

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Bình Giảng 37 Pháp Tu Của Bồ Tát; Chuyển Việt ngữ: Tiểu Nhỏ và Trần Lan Anh.

Dục lạc cũng như nước muối, càng uống ta càng thêm khát. Ngay lập tức, hãy buông bỏ bất cứ điều gì gây ra tham ái và bám chấp. Đó là pháp tu Bồ tát.

Luân hồi hình thành từ sự bám luyến. Sau khi thân này đã bị hư hoại, thần thức trong thân trung ấm sẽ đi đến tầng lớp sâu thẳm nhất của Phật tính. Sau khi mọi ý niệm về bám luyến, ghét bỏ và vô minh đã ngưng nghỉ, thần thức sẽ an trú trong Phật tính của dòng tâm thức. Như vừa thức giấc, ánh sáng cơ bản của thân trung ấm thứ nhất sẽ xuất hiện. Rồi ý nghĩ chấp ngã về ‘tôi là sẽ khởi lên và thần thức sẽ nghĩ rằng “Tôi đã chết”. Khi thần thức không nhận biết được chân tâm, nó bị che chướng trong ý nghĩ ‘Tôi là’. Rồi từ đó khởi lên ý nghĩ ‘Tôi muốn được hạnh phúc và tôi sợ khổ’. Thần thức mong được hạnh phúc và các ý niệm về sự bám luyến và ghét bỏ thay phiên nhau khởi lên. Do tập khí và bị thúc giục bởi sự bám luyến, thần thức đi vào thai mẹ. Khi đã đầu thai, mười hai nhân duyên sẽ vận hành, bắt đầu từ vô minh. Chúng ta muốn được an lạc nhưng bản thân ý thích này lại giống như sợi dây thừng trói buộc, không cho chúng ta đi đến an lạc.

Khi chúng ta quy y Pháp, chúng ta khấn nguyện “Con xin quy y Pháp, vốn là tối thượng trong các đối tượng không còn bám chấp. Khi con hiểu ra con đường của Phật pháp thiêng liêng và bản chất khổ đau của cuộc sống trong cõi Luân hồi, con sẽ không mong muốn có được hạnh phúc trong cõi Luân hồi chút nào. Những kẻ không hiểu gì về Phật pháp lại thích bám víu vào cõi Luân hồi. Những người hiểu được Tục đế, sự vận hành của nghiệp, nhân quả và khổ đế sẽ không bám luyến vào Luân hồi. Dưới góc nhìn của Chân đế, bám luyến cũng là tánh Không. Khi con hiểu được rằng các cảm xúc phiền não thiếu vắng tự tánh thì con sẽ có thể chế ngự sự bám luyến. Trong đường tu sáu pháp Ba la mật, hạnh trì giới là biện pháp đối trị sự bám luyến. Trong bài Thất chi nguyện, nguyện cúng dường là biện pháp đối trị sự bám luyến. Khi con cúng dường chư Bổn tôn nhiều phẩm vật được ưa thích thì sự bám luyến của con đối với các đối tượng được ưa thích của ngũ căn sẽ giảm thiểu. Nếu không có sự tham luyến thì việc sử dụng các đối tượng được ưa thích sẽ không nguy hại gì. Trong bài cầu nguyện có tên ‘Lama Chopa’, đức Milarepa nói rằng ‘Con xin cúng dường sáu thức thanh tịnh, không còn bám chấp. Người có chánh niệm và hiểu biết được rằng các đối tượng được ưa thích tự thân không hề thú vị chút nào, vẫn hài lòng khi có hay không có các đối tượng được ưa thích, thì có thể sử dụng các vật này mà không sợ bị ảnh hưởng tiêu cực. Khi không có sự bám luyến, tâm của Bổn tôn và tâm của con người đều giống nhau. Phẩm vật cúng dường tối thượng là sự giải thoát không còn bám luyến vào các đối tượng được ưa thích. Cúng dường là biện pháp đối trị bám luyến. Chân nghĩa của việc cúng dường cho Bổn tôn là trưởng dưỡng sự tự tại, không còn bám luyến của sáu thức, không còn bám luyến vào dục lạc.

Không nên bám luyến vào lạc thú và không nên ghét lánh khổ đau. Đức Milarepa đã dạy rằng ‘Vui và buồn đều như nhau đây là giáo huấn vô song. Vui và buồn đều giống nhau và chỉ là những khái niệm. Ý nghĩ cho rằng một vật nào đó là tốt chỉ là một ý nghĩ khởi lên trong một thời gian ngắn ngủi. Khi con dần dần quen với các hình tướng mỹ miều, âm thanh ngọt ngào và hương vị dễ chịu, thì bất kỳ cái gì quen thuộc với con đều được cho là hay. Nhưng không có một thứ gì mà mọi người đều cùng cho là hay. Ý nghĩ cho rằng một vật nào đó ngon là một hoạt động nhầm lẫn của tâm trí. Khi con nghĩ rằng món này ngon làm sao nhưng khi đó, chánh niệm nhận biết ra đây là một vọng niệm thì con sẽ nhận thức được rằng đây là một món ngon nhưng con cần loại bỏ vọng tưởng là con đang cần món này. Con phải hài lòng khi có hoặc không có nó.

Chúng ta nghĩ rằng món này là ngon lành nhưng nếu nó thực sự ngon lành thì mọi người sẽ nghĩ như vậy, nhưng điều này lại không phải như chúng ta nghĩ. Chính là do thói quen nên chúng ta nghĩ rằng món này hay món kia là ngon lành. Đây chỉ là một ý nghĩ sai lầm. Ví dụ như chúng ta nghĩ rằng nước cam có vị ngọt nhưng nếu chúng ta ăn bánh ngọt trước thì nước cam sẽ đột ngột có vị chua. Đây là sự nhầm lẫn hoàn toàn khi bám víu vào thực tại của một thứ không tồn tại, một thứ thiếu vắng sự tồn tại trên cơ sở tự tánh. Con phải buông bỏ bất kỳ thứ gì hấp dẫn mà con đang tham đắm, bất kỳ thứ gì mà con đang bám luyến. Vui hưởng lạc thú gắn liền với ngũ quan cũng giống như uống nước muối vậy. Đối tượng mà con đang bám luyến không quan trọng nhưng chính sự bám luyến đã che chướng tâm con. Sự bám luyến này là sai lầm. Dĩ nhiên là chúng ta không hoàn toàn buông bỏ tất cả các thú vui liên quan đến các đối tượng được ưa thích. Nhưng nếu con nghĩ rằng thứ đó là ngon tuyệt, thứ đó là hay tuyệt thì một cảm giác đặc biệt sẽ hình thành rồi con sẽ bám luyến và sự bám luyến này trói buộc con. Nó trói buộc con như thế nào? Nếu con không có thứ đó, lòng con sẽ tan nát và nghĩ rằng con phải sở hữu thứ đó bằng mọi giá và như vậy, sự bám luyến đã trói buộc con rồi. Trước hết, trước khi thưởng thức thứ gì, con phải nhận biết đây là một sự nhầm lẫn. Trước khi thưởng thức bất kỳ đối tượng được ưa thích nào, hãy phát khởi chánh niệm và sự tỉnh thức. Nếu khôn ngoan thì con sẽ không tham đắm vì con hiểu được rằng tham đắm là nhầm lẫn. Nếu con thưởng thức với chánh niệm và sự tỉnh thức thì việc này sẽ trở thành lễ cúng tsok. Các vị Bổn tôn không từ chối các đối tượng được ưa thích nhưng cũng chẳng cần các thứ này. Có một câu châm ngôn nổi tiếng ‘Ta là một hành giả đã thọ lãnh giáo huấn buông lỏng sáu căn’. ‘Buông lỏng sáu căn’ có nghĩa là hài lòng khi có hoặc không có đối tượng đó. Nếu được như vậy thì sẽ không có nguy hại gì. Đây là điều cần thực hiện. Khi sự bám luyến khởi lên, hãy thực hành chánh niệm và nghĩ rằng đây là sự lầm lẫn, chẳng có gì mà phải bám luyến. Khi nhận ra mình đang nghĩ đi, nghĩ lại ‘mình cần thứ này’ thì con phải vận dụng chánh niệm ngay.

Nếu con chỉ bám luyến vào hương vị của thực phẩm và ăn uống vô độ mà không nghĩ gì về tình trạng cơ thể của mình thì đây cũng là sự bám luyến. Ví dụ như con thích ăn ngọt và lúc nào con cũng ăn kẹo, dù rằng đường có thể nguy hại đến sức khỏe. Nếu con nghĩ về điều này, con sẽ nhận thức được rằng mình phải từ bỏ thói xấu này vì con vận dụng được trí huệ hiểu biết hành động nào cần thực hiện và hành động nào cần buông bỏ. Con phải hiểu rằng việc nghĩ đến vị ngon của một món nào đó thực sự là một sự nhầm lẫn trong tâm trí. Có bao nhiêu tác hại mà kẹo đã gây ra cho cơ thể? Chúng làm hại thân người quý hiếm, vốn là trụ cột để thực hành Pháp. Với trí huệ, con sẽ duy trì sự điều độ. Mặt khác, có một số người rất chăm sóc cơ thể mình, uống đủ loại thuốc và luôn nghĩ về những thứ bổ dưỡng cho cơ thể mình. Nếu con hành động thái quá như vậy, cuối cùng con sẽ làm hại cơ thể của mình. Chúng ta phải thực hành sự điều độ. Nhiều quá sẽ có hại. Con không nên bị ám ảnh phải ăn các thứ bổ dưỡng cho thân mình, con phải thực hành sự điều độ. Việc ăn uống phải điều độ và việc ngủ cũng phải điều độ. Con phải tự kiểm soát mình để chỉ ăn một lượng thực phẩm vừa đủ. Nếu nghĩ mọi thứ đều ngon miệng thì con sẽ muốn ăn tất cả nhưng con thực sự không nên làm như thế. Hãy vận dụng chánh niệm và sự tỉnh thức và nhận biết sự nhầm lẫn trong suy nghĩ của con. 

Một hành giả mới phải quan sát cái lợi và cái hại của những thứ mà mình ưa thích. Bằng cách vận dụng trí huệ, phải buông bỏ các thứ thực sự nguy hại, như bia và thuốc lá chẳng hạn. Những người đã thực hành Pháp sẽ có được sự tự chủ và họ sẽ hài lòng dù rằng thứ mà họ ưa thích có hiện diện hay không. Họ biết cách buông lỏng sáu căn và có được sự tỉnh thức và chánh niệm. Mọi đối tượng mà con đang bám luyến, sô cô la, bia, thuốc lá hay bất kỳ thứ gì khác, mà thiếu nó con sẽ khốn khổ, đều là nguy hại. Con phải đi đến kết luận rằng tất cả các đối tượng của sự ưa thích này đều là sự nhầm lẫn. Con cần phải xác quyết như vậy.

Chúng ta thường cảm thấy sung sướng khi sở hữu các vật quý, như kim cương, giầy dép, quần áo đẹp chẳng hạn. Thực ra chúng lại là một nguyên nhân khác dẫn đến khổ đau. Ví dụ như bạn con đã cho con một cái đồng hồ rất quý. Con rất thích và thực sự hài lòng với cái đồng hồ này. Nhưng mỗi khi đeo nó trên tay, con lại lo sợ rằng nó sẽ bị mất hay đánh cắp. Vì nó mang lo lắng và khổ đau đến cho con nên con lập tức cũng đường cho Bổn sư của con và sau đó, con cảm thấy rất hạnh phúc. Cái mà con cho là quý giá nhất sẽ trói buộc tâm con. Nó luôn gây ra một tình trạng khốn khó trong tâm, một số người thì lo lắng rằng nó có thể bị mất. Do đó, tất cả các đối tượng được ưa thích của các căn có bản chất là khổ đau. Thầy đã có kinh nghiệm riêng về việc này. Nếu con từ bỏ bất kỳ thứ gì con cho là quý nhất đối với thân thể mình thì con sẽ rất hạnh phúc.

Khi con mang trang sức đẹp, hãy hòa nhập với hình tướng rõ ràng của vị Bổn tôn. Nam là Quán Thế Âm và nữ là Quan Âm (Tara). Hòa nhập với hình tướng rõ ràng của vị Bổn tôn và quán tưởng rằng tâm thức của mình là vị Bổn tôn. Như thế thì khi mang trang sức, con sẽ tích lũy được công đức. Đây là một phương tiện của Mật thừa. Ngược lại, nếu con nghĩ rằng ‘ta có cái này’ và có thái độ so đo bằng cách so sánh cái mình có và cái người khác có thì tâm đố kỵ sẽ khởi lên. Sẽ có sự tham đắm, bám luyến và đố kỵ. Tâm kiêu mạn cũng sẽ khởi lên khi con cảm thấy rằng mình hơn người khác. Rồi các cảm xúc phiên nào sẽ trùng trùng điệp điệp vây hãm con.

Một số người ngày càng mua nhiều áo quần và giày đẹp bất kể con đã có bao nhiêu. Nhưng con phải chuẩn bị cho tương lai; con phải dành dụm để sau này sống trong viện dưỡng lão. Con sẽ cần tiền. Con có thể nghĩ rằng có nhiều bộ sưu tập khác nhau là tốt nhưng đó thực ra là sự nhầm lẫn. Con chỉ cần một bộ để mặc và một bộ để thay. Nếu con có hai hay ba bộ đồ tốt thì đầy đủ quá rồi. Tìm chỗ để cất đồ trong nhà là khổ, đó là chưa kể con phải tốn tiền để mua. Một số người tiêu hết tiền vào việc mua sắm quần áo và giày dép. Hoặc họ có đủ thứ trong nhà, đủ thứ lặt vặt, tất cả đều chất trong nhà. Tất cả những thứ này không có giá trị sử dụng và tiền bạc thì đã bị tiêu phí. Điều này gây khó cho tâm. Việc này nghe có vẻ là bủn xỉn nhưng thật ra, con chỉ nên mua những thú con thực sự cần, chứ không phải là những thứ con không thực sự cần. Rồi con sẽ dành dụm được nhiều tiền hơn và ngôi nhà của con sẽ gọn gàng hơn. Hãy nghĩ về tất cả các điều này. Tất cả những thứ mà con đang bám luyến, như nghĩ rằng cái váy này đẹp hơn hay cái kia tốt hơn, đều chẳng có ích lợi gì. Hãy hài lòng với một hay hai bộ váy. Và rồi tâm của con sẽ tự tại. Khi nghĩ về điều này, con có thể nhân rộng ra cho các thứ khác trong mọi hoạt động của con. Hãy từ bỏ mọi thứ mà con không cần. Con phải làm được việc này.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG