BỒ ĐỀ TÂM – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ

TAI SITUPA XII

Trích “Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ”; Dịch giả: Nguyên Toàn; NXB: Tôn Giáo

Bồ đề tâm là cốt lõi của tất cả những lời dạy của Đức Phật, và là thực hành cực kỳ quan trọng trong Kim Cương Thừa và Đại thừa. Không phải là quá lời để gọi đây là lời dạy quí giá, vì bồ đề tâm là khởi đầu cho mọi điều mà chúng ta phải đạt tới. Đức Phật đã nhấn mạnh về tầm quan trọng cần thiết của bồ đề tâm trong tất cả Kinh điển và Mật điển, và Ngài nhắc lại nhiều lần rằng bồ đề tâm như là phương tiện của sự chuyển hóa. Sự tiêu cực có thể được chuyển hóa bởi bồ đề tâm, khổ đau có thể chuyển hóa bởi bồ đề tâm, vô minh và tất cả năm độc (five poisons) đều có thể chuyển hóa bởi bồ đề tâm. Điều quan trọng là cần phải học hỏi và phát triển bồ đề tâm để đạt được giải thoát. Bodhichita (Bồ đề tâm) là thuật ngữ tiếng Sankrit. Dịch sang tiếng Tạng là chang chup che sems. Chang có thể giải thích như là tịnh hóa, hay là thanh lọc – đây là kết quả của thực hành. Không có ranh giới và không có trở ngại đối với sự thanh lọc này. Chup có nghĩa là bao gồm. Không có gì bị gạt ra ngoài. Đó là sự trọn vẹn. Che là từ đệm. Sems nghĩa là tâm. Tâm ở đây cũng biểu thị gián tiếp cho tư tưởng, thái độ, động cơ, và mọi điều liên quan đến tâm.

Một định nghĩa cơ bản khác của chang chup che sems, hay bồ đề tâm là khao khát đạt được giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Nhưng thuật ngữ này cũng đơn giản được dịch là sự can đảm để đạt tới tỉnh giác cao nhất. Dù ý nghĩa của thuật ngữ này được coi là sự tinh khiết, và thành tâm hoàn toàn hướng tới tỉnh thức đầy đủ và giải thoát cho tất cả chúng sinh, hay được hiểu như là tư tưởng hay thái độ thì đều nhằm tới lợi lạc cho sự tinh tấn của chúng sinh. Nhìn ở quan niệm triết học, đó là cách nghĩ, một nguyên tắc giá trị nhằm trợ giúp tất cả các bạn cách thức đi qua cuộc đời và các kiếp sống để đạt được mục đích cuối cùng. Bồ đề tâm giúp những nỗ lực của bạn có ý nghĩa, và ngày càng có ý nghĩa hơn cho đến khi bạn đạt tới giác ngộ.

Có nhiều biểu tượng được dùng để thể hiện bồ đề tâm. Hoa sen là một biểu tượng. Ở phương Đông, hoa sen được coi là đẹp nhất, tinh khiết nhất, và là loài hoa hoàn thiện nhất. Nó lớn lên trong nước bùn bẩn nhất. Mặc dù mọc trong nước bùn, nhưng bông hoa sen xinh đẹp không bị vấy bẩn bởi sự dơ bẩn mà nó mọc lên. Điều này cũng tương tự với bồ đề tâm. Bồ đề tâm cũng được phát triển trong một môi trường tối tăm, u mê – môi trường luân hồi. Mặc dù một người đã từng có những hành động tiêu cực và tội lỗi, nhưng ngay khi người đó phát khởi bồ đề tâm, thì vào khoảnh khắc đó tất cả những ô uế của quá khứ được tịnh hóa ngay lập tức. Chính Đức Phật đã dạy trong các Kinh điển “giá trị và lợi ích của bất kỳ sự biểu lộ, hoạt động, diện mạo bề ngoài, hoặc sự thực hành trong thế gian là phụ thuộc hoàn toàn vào mục đích, tư tưởng, và động cơ ẩn phía sau.” Đức Phật còn dạy về bao dung độ lượng, đạo đức, chuyên cần, vân vân, nhưng Ngài luôn nhấn mạnh về động cơ đích thực ẩn sau tất cả những hành động gọi là tốt đẹp và tích cực. Động cơ tinh khiết là bồ đề tâm. Ngài cũng nói rằng trước khi bạn phát khởi bồ đề tâm, có thể bạn là kẻ tội lỗi nhất trong vũ trụ, nhưng ngay khi phát bồ đề tâm, bạn trở thành người cao quý, từ bi, và quý giá nhất trong vạn vật. Bồ đề tâm là động cơ tinh khiết, mạnh mẽ và quan trọng nhất. Đức Phật cũng dạy rằng phát triển bồ đề tâm là bạn đang được tham gia trong gia đình của giác ngộ.

Hiểu biết điều này, chúng ta có thể tiếp tục học hỏi về bồ đề tâm qua thực hành và áp dụng. Cách tốt nhất để học về bồ đề tâm là suy tư về lời cầu nguyện chân thành hàng ngày của các Phật tử Đại thừa:

Mong rằng tất cả chúng sinh sẽ được hạnh phúc và có được nguyên nhân của hạnh phúc;
Mong rằng tất cả chúng sinh sẽ thoát khỏi khổ đau và nguyên nhân của khổ đau;
Mong rằng tất cả chúng sinh không bao giờ bị rời xa niềm hỷ lạc lớn lao vượt qua nỗi đau khổ
Mong rằng họ luôn luôn ở lại trong sự thanh thản cao quí vì vượt qua tham ái và ác cảm.

Lời cầu nguyện này là một cách thức đơn giản để phát triển bồ đề tâm. Nó trình bày bốn tư tưởng vô hạn (tứ vô lượng tâm). Đây là sự kết hợp của bốn tư tưởng vô hạn và bốn thái độ vô hạn, và bồ đề tâm là kết quả sự kết hợp này. Khi bạn học và suy tư về các tư tưởng, thái độ này, và áp dụng chúng là bạn phát bồ đề tâm. Hiểu biết đích thực và sống theo tứ vô lượng tâm – từ, bi, hỷ, và xả – đó là bồ đề tâm.

Champa là từ ngữ Tây Tạng thường được dịch như là lòng từ có lẽ là không chính xác về ý nghĩa, nhưng là từ ngữ gần nhất về ý nghĩa với tiếng Anh (loving –kindness). Nying ye được dịch là lòng bi mẫn. Gawa là niềm vui (hỷ lạc), và Tang jung là buông xả (vô tư).

Có sự khác nhau chút ít giữa champa (lòng từ) và nying ye (lòng bi mẫn). Champa là tình yêu thương tự nhiên và dịu dàng, như là của người mẹ dành cho đứa con của mình. Tình yêu này luôn hiện diện ở đó, dù có khổ đau tột cùng hay không. Tình yêu này là sự quan tâm trong sáng, là sự săn sóc tự nhiên và tôn trọng đối với những chúng sinh khác. Chúng ta nên có tình cảm hướng tới chúng sinh khác, như một người mẹ hiền quan tâm, săn sóc, và tôn trọng con mình. Đó là lòng từ.

Nying je, lòng bi mẫn, liên quan nhiều hơn tới sự đau khổ của những người khác. Thí dụ như một vị vua tử tế, tốt bụng, và quyền lực khi ông ta bày tỏ sự tử tế và nhân từ đối với những thần dân nghèo khổ của mình. Lòng từ là sự thông cảm sâu sắc đối với chúng sinh đang chịu đau khổ, nhưng còn hơn thế. Bạn quan tâm đến họ, cảm được nỗi đau của họ, bạn mong muốn có thể làm điều gì đó cho họ, và bạn thực sự nỗ lực trong việc giúp đỡ để họ vượt qua những khổ đau của họ. Như một vị vua tốt, bạn gánh lấy trách nhiệm đối với họ. Đó là lòng bi mẫn.

Từ và bi là hai thành phần đầu tiên và quan trọng nhất của bồ đề tâm. Khi cầu nguyện “Mong rằng tất cả chúng sinh được hạnh phúc” là bạn biểu thị lòng từ. Lòng bi mẫn là khi bạn mong muốn “Mong rằng tất cả chúng sinh sẽ thoát khổ đau”. Những điều này là rất giống nhau. Nếu tất cả chúng sinh được hạnh phúc, lúc đó họ sẽ thoát khỏi đau khổ. Nếu họ không còn đau khổ, là họ chắc chắn được hạnh phúc. Hai điều này đi đến cùng một mục đích, mặc dù có một sự khác nhau nhỏ về định nghĩa.

Niềm hỷ lạc và buông xả là những trợ giúp cho lòng từ và bi. Gawa, hỷ lạc là niềm vui tự nhiên khi bạn có lòng từ và bi, bởi vì khi đó không chỉ bao gồm hạnh phúc của bạn, mà hạnh phúc của người khác cũng có thể khiến bạn hạnh phúc. Niềm hỷ lạc này xuất phát từ tình cảm tốt đẹp dành cho bất kỳ chúng sinh may mắn và làm những điều thiện. Bạn hiểu rõ những người khác đang vui sướng trong một hoàn cảnh tốt đẹp, có hiểu biết đúng đắn, và bạn cũng cảm thấy hạnh phúc cho họ. Bạn vui mừng vì hạnh phúc của người khác thay vì đau khổ vì hạnh phúc của họ, điều này có thể xảy ra nếu bạn để những cảm giác tiêu cực lấn át tâm trí.

Khi bạn không có niềm hỷ lạc, khi bạn không có tầm bồ đề, cảm giác tiêu cực như đố kị sẽ nảy sinh. Đố kị là cảm giác khiến bạn xáo trộn tâm trí khi nghe ai đó hạnh phúc hơn hay là thành công hơn bạn. Khi người đó có vài thứ mà bạn không có thì bạn cảm thấy khó chịu. Đây thực sự là một vấn đề khá nghiêm trọng. Nếu bạn có bồ đề tâm được phát khởi từ một quan điểm mạnh mẽ của lòng từ bi, lúc đó niềm hỷ lạc sẽ xuất hiện, và bạn không đố kị với những may mắn của người khác. Hỷ lạc có ở mọi nơi, không chỉ từ những hoàn cảnh thuận lợi của chính bạn mà từ khắp nơi “Mong rằng họ không bao giờ bị lìa xa khỏi niềm hỷ lạc lớn lao bởi vượt qua nỗi khổ đau”

Người Tây Tạng chúng tôi có câu: “Ngay cả phải đau khổ, thì bạn cũng đau khổ một cách hạnh phúc.” Câu này ẩn chứa một vài ý nghĩa. Hãy suy nghĩ về nó. Hệ quả sẽ là, “Đừng vui một cách buồn rầu.”

Buông xả vô hạn là tư tưởng thứ tư, nghĩa là lòng từ và lòng bi, và hỷ lạc mà bạn nuôi dưỡng là được ban tặng đều cho tất cả chúng sinh. Những tư tưởng và quan điểm này không nên chỉ giới hạn tới những đối tượng đặc biệt, như là bạn bè, họ hàng mà bạn quí mến, hay là những người mà bạn ngưỡng mộ, mà nên bao gồm tất cả chúng sinh. Tất nhiên là bất kỳ hành động tốt nào nên bắt đầu từ trong gia đình của bạn trước. Trong một gia đình hạnh phúc, lòng từ bi, và niềm vui là dành cho những thành viên của gia đình, và những người gần gũi với gia đình bởi vì bạn biết và quan tâm đến họ. Từ những nhóm gần gũi như vậy, những tình cảm tốt đẹp này cần được hướng tới hàng xóm, những người xa lạ, và cuối cùng là ngay cả đối thủ của bạn. Lòng từ bi, hỷ lạc nên vượt ra khỏi “loại người của bạn”, điều này có nghĩa là không hạn chế trong chủng tộc, quốc tịch, chính trị, hay tôn giáo. Lòng bi mẫn của bạn dành cho tất cả nhân loại, ngay cả người là kẻ thù của bạn, hoặc là những người phạm các tội ác kinh khủng. Lòng bi mẫn của bạn cũng hướng tới những chúng sinh khác, như là động vật, hoặc là cả những cõi giới mà chúng ta không thể nhìn thấy. Bạn cần học để trải đều khắp lòng từ bi, và hỷ lạc tới tất cả chúng sinh – từ cõi giới cao nhất, như là chúng sinh ở cõi trời, cho tới chúng sinh ở cõi giới thấp nhất là địa ngục. Đó là sự vô tư không giới hạn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. 5 LỢI ÍCH CỦA VIỆC HIỂU BIẾT PHẬT TÍNH và 5 BẤT LỢI DO KHÔNG HIỂU BIẾT
  2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT TÍNH
  3. KHOA HỌC MẬT THỪA (PHẦN 2)

Bài viết mới

  1. CHINH PHỤC MỤC TIÊU
  2. CHÁNH NIỆM
  3. BỚT SỢ HÃI