KHOA HỌC MẬT THỪA (PHẦN 2)

TAI SITUPA XII

Trích “Đánh Thức Vị Phật Đang Ngủ”; Dịch giả: Nguyên Toàn; NXB: Tôn Giáo

Nguồn ảnh: https://tricycle.org/magazine/meditation-posture/

Khi bạn học thiền, thì điều đầu tiên cần học là tư thế ngồi thích hợp. Tư thế đúng giúp cho năng lượng chảy tới các kinh mạch. Ngồi tư thế đúng giúp bạn cân bằng được tâm trí. Tác dụng tốt của tư thế ngồi đúng cũng không thể nên nhấn mạnh quá mức. Trong thiền thì việc dạy tư thế thường được miêu tả ở bảy điểm, nhưng vì mục đích đặc biệt thì năm điểm của tư thế cũng là đủ cho thiền.

Hơi thở mang không khí giúp tuần hoàn năng lượng, và được chia trong 5 khía cạnh phù hợp với năm khía cạnh của không khí. Không khí luôn luôn cần được làm mới để đảm bảo việc thở là một quá trình trẻ hóa liên tục, hay ít nhất cũng cần được làm đúng. Không khí giống như các chất nuôi dưỡng mà cơ thể chúng ta cần. Do vậy, chúng ta phải lấy nó từ bên ngoài vào liên tục.

Tư thế thiền đúng là ngồi với hai chân bắt chéo trên chiếu, hay là trên gối thiền đặt trên sàn nhà. Hai bàn tay đặt trên lên nhau (tay phải trên tay trái) trong lòng, lưng thẳng, và cổ hơi cúi. Mắt không mở to nhưng cũng không nhắm, hơi hé mở. Một số bức tượng Phật cho bạn thấy mắt theo cách này. Đây là năm vị trí của cơ thể tạo thành tư thế thiền đúng.

Có năm luồng khí tương tự với năm năng lượng. Đầu tiên là khí là đào thải trợ giúp quá trình này trong toàn bộ cơ thể. Khi chúng ta ngồi với hai chân chéo nhau, khí đào thải trở thành tập trung hơn.

Khí thứ hai được mô tả như là khí nước. Đặt tay chồng lên nhau, tay phải đặt lên tay trái, và để chúng thoải mái trên lòng trợ giúp chức năng của loại khí này – tức là giúp tất cả các loại khí khác vận hành cùng với nhau. Giống như nước giữ những mẩu đất với nhau theo hình dạng được tạo từ đất sét.

Thứ ba, tư thế ngồi thẳng lưng giúp tập trung khí của trái đất. Đây là loại khí ổn định, là một loại nền tảng cho tất cả các loại khí. Nó là loại khí vững chắc. Khi bạn ngồi thẳng, khí này dễ cân bằng hơn. Giữ hai cánh tay thẳng để trợ giúp sự hoạt động của khí này.

Thứ tư, khí nhiệt (fire) giữ cho thân thể ấm và duy trì cơ thể để luôn được tươi mới không bị hư hoại. Ngay khi chúng ta chết, khí này đi ra và cơ thể bị hủy hoại. Khí nhiệt còn có năng lượng điều hòa các chất trong cơ thể. Giữ cổ hơi cúi giúp cho hoạt động của khí này được tập trung.

Thứ năm, là khí chuyển động. Nó khiến cho sự chuyển động khắp cơ thể. Cách ngồi với mắt nhắm hờ, và lưỡi chạm nhẹ vào hàm trên để tập trung khí này. Khi bạn áp dụng ngồi đúng tư thế, tất cả năm loại khí này được cân bằng theo cấu trúc và vận hành của mỗi bộ phận cơ thể. Trình bày như thế này dường như hơi khó hiểu, nhưng trong các mật điển – thí dụ như là Hevajra tantra, những điều này được ghi chép rõ ràng trong các kinh sách, với sự giải thích đầy đủ.

Sự lẫn lộn, loạn thần kinh, và các bệnh thần kinh kích động đều do mất cân bằng của năm năng lượng hay là năm loại khí đó. Có sự tương ứng của năng lượng và khí này với các ô nhiễm của ghen tị, sân hận, vô minh, tham ái, và kiêu mạn. Khí đào thải liên quan tới tính đố kỵ, khí nước liên quan tới sân hận, khí đất liên quan tới vô minh, khí nhiệt liên quan tới tham ái hay tham dục, và khí không khí liên quan tới kiêu mạn, hay là bản ngã (cái tôi). Tất cả chúng sinh bình thường đều có các ô nhiễm này ở mức độ nhiều hoặc là ít, và do vậy, chúng ta thực hành để giữ chúng cân bằng.

Khoa học Mật thừa cung cấp những phương pháp cụ thể giúp duy trì các ô nhiễm này cân bằng để chúng trở thành công cụ nhằm đạt được sự tỉnh giác hơn là tạo ra sự tiêu cực. Thiền dựa vào hơi thở với tư thế đúng là một thí dụ của phương pháp đó. Giữ sự ô nhiễm cân bằng cho phép duy trì tinh thần và thể xác của chúng ta cũng được cân bằng. Cho đến trước khi đạt giác ngộ, chúng ta vẫn sẽ phải đương đầu với các ô nhiễm này, vì vậy hiểu biết các phương pháp để cân bằng chúng là cực kỳ quan trọng cho sự tinh tấn của chúng ta. Khi bất kỳ một trong số các ô nhiễm này trỗi dậy, thì chúng ta sẽ đau khổ vì nó. Trạng thái mất cân bằng (bởi các ô nhiễm này) có thể có những tác động từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chúng ta có thể bị lầm lẫn nhất thời. loạn thần kinh kinh niên, hay các bệnh tinh thần nghiêm trọng khác. Hãy ngồi xuống với tư thế đúng nhất trong một khoảng thời gian để thiền định nhằm làm dịu tâm trí của chúng ta. Đấy là bước đầu tiên nhằm duy trì hay là lấy lại được sức khỏe tinh thần.

Những chất cần thiết được chia làm hai loại. Loại đầu tiên là chất vũ trụ tinh khiết, và thứ hai là loại xuất phát từ những thứ chúng ta ăn, uống, và không khí ta thở. Chất vũ trụ là phần quan trọng nhất của các cơ quan và quá trình của cơ thể chúng ta, vì chất nuôi dưỡng môi trường của chúng ta là một sự tăng cường. Chất thiết yếu giữ tất cả giác quan hoạt động. Mỗi giác quan có chất đặc biệt để nuôi dưỡng nó. Mắt có chất của chính nó, tiếng Tạng gọi là lung po. Con ngươi là tâm điểm của chất này. Những chất từ thực phẩm, không khí, và nước có thể làm cho các bộ phận cơ thể của chúng ta được nuôi dưỡng đặc biệt và liên quan đến sự mạnh mẽ và khỏe khoắn của cơ thể. Theo Mật thừa, nếu chúng ta ăn một số thức ăn tốt, sau bảy ngày các chất của thức ăn trở thành một phần của chúng ta. Đây có lẽ là cách thức loài người sử dụng các loại cây cỏ, nước khoáng, và động vật trên trái đất để chữa bệnh.

Có một phương pháp tịnh hóa các yếu tố môi trường rất mạnh, gọi là tsalung (tiếng Tạng), cũng như kỹ thuật thiền nhằm trợ giúp loại bỏ những chướng ngại hiện tại. Đó là một thực hành công phu và quan trọng, nhưng nó không thể dạy một cách bình thường vì khá nguy hiểm. Phương pháp này nguy hiểm vì cực kỳ hiệu quả. Nó là một phương pháp thiêng liêng. Nếu mọi thứ được thực hành đúng, trí tuệ được gia tăng một cách tự nhiên, bởi vì tất cả các nhân duyên thông qua tâm hoạt động – và cơ thể thoát khỏi các chướng ngại. Phương pháp đó giúp trí tuệ được phát triển. Tuy nhiên, nếu thực hành sai có thể dẫn đến làm mất khả năng nghiêm trọng, và người đó có thể không hoạt động bình thường được nữa. Đạt được phương pháp này không dễ dàng. Chúng ta phải có được nền tảng thực hành giữ giới và hiểu biết sâu sắc trước khi cố gắng thử các phương pháp cao như vậy.

Nói cách khác, có thể so sánh như bạn cần sửa chữa điện nhưng không phải là một thợ điện giỏi. Bạn cố gắng sửa chúng bằng mọi giá, nhưng bạn nhầm lẫn dây điện, do vậy khi bạn bật đèn phòng khách thì đèn bếp lại sáng, hay là bật đèn bếp thì máy điều hòa lại khởi động. Bạn có thể làm hỏng mọi thứ. Bạn có thể giết chính bạn do điện. Cơ thể chúng ta vận hành theo một cách thức rất vi tế, và nếu bạn áp dụng những phương pháp đặc biệt mà không có hướng dẫn phù hợp, không có động cơ đúng đắn, không có kiến thức và hiểu biết đầy đủ, thì bạn sẽ bị ngập sâu trong tình trạng rối loạn. Nếu bạn thực hành chỉ một thứ sai, thì tất cả mọi thứ đều sẽ bị sai. Có thể bảo đảm rằng, đầu tiên bạn sẽ như phát điên. Và bạn sẽ không thể nhận biết về nó, bởi bản ngã của bạn quá lớn, và nghĩ rằng bạn thật hoàn hảo. Mọi người gặp bạn nghĩ rằng bạn điên, nhưng bạn nghĩ họ điên, vì vậy, bạn trở thành kẻ không thể chịu được. Nhưng tốt nhất là không nên đi quá chi tiết về những thực hành như vậy trong cuốn sách này (vì không phải là mục đích của cuốn sách. ND). Sự lưu ý trên nhằm cho bạn vài thông tin.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHOA HỌC MẬT THỪA (PHẦN 1)
  2. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. 5 LỢI ÍCH CỦA VIỆC HIỂU BIẾT PHẬT TÍNH và 5 BẤT LỢI DO KHÔNG HIỂU BIẾT
  2. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT TÍNH
  3. BỒ ĐỀ TÂM – ĐÁNH THỨC VỊ PHẬT ĐANG NGỦ

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ