BỎ ĐI NHỮNG MẶT NẠ KHI ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG TÂM LINH

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm; Dịch Giả: Thái An; NXB. Hồng Đức; 2014

Trở nên khác biệt chẳng là gì ngoài một cuộc du ngoạn khác của bản ngã – một nỗ lực phô diễn ảo tưởng rằng mình đặc biệt.

Một số người thấy khó hiểu tại sao một diện mạo cá nhân cố định lại có thể tạo ra sự ngáng trở trên con đường tâm linh. Họ không “thấy được” làm thế nào sự dính mắc vào một vai trò, một vẻ ngoài, hay một hình ảnh có thể gây trở ngại cho con đường truy cầu thế giới bên trong. Điều chúng ta cần hiểu là, diện mạo cá nhân mà ta tạo ra bị trói chặt trong những câu chuyện ta kể cho chính mình về việc mình là ai. Nói ngắn gọn, diện mạo cá nhân thường là một thước đo đáng tin cậy về sự chấp ngã. Khi gỡ bỏ áo giáp, gỡ bỏ những phần, những mảnh của diện mạo cá nhân, ta cũng buông bỏ sự nắm bắt và níu bám vào bản ngã. Làm như vậy, ta nới lỏng một số những tư duy “tôi”, “của tôi”, “về tôi” mà tất cả mọi người đều chìm đắm vào. Xét cho cùng, nhiều người chúng ta sử dụng kiểu tư duy này như một cách đặt ra những rào chắn, củng cố hơn nữa mặt nạ của mình, kiểu như “nhà của tôi”, “nghề của tôi”, “không gian của tôi”. Một lần nữa, thay vì tìm kiếm sự hiện hữu chân thực, thay vì chân lý và tự do, ta lại tìm kiếm hình ảnh, sự an toàn, vùng thoải mái của bản ngã.

Kiểu níu bám này không chỉ hạn chế ở sự vật hay đối tượng. Nó còn mở rộng sang ý kiến và thái độ; khi ấy ta thường sử dụng những ý kiến, thái độ này để cảm thấy mình cao hơn người khác, như khi nói:

  • “Tôi chỉ ăn ngũ cốc, đậu hũ và vài loại rau; ai không làm vậy là đang rước lấy các vấn đề về sức khỏe”.
  • “Tôi có quan điểm rất rõ ràng về nuôi dạy con cái; hãy làm như tôi nói, nếu không bạn đang mạo hiểm về tinh thần của con cái bạn”.
  • “Tôi là người theo quan điểm của riêng tôi, tất cả những quan điểm khác là sai”.

Nhiều người nổi loạn chống lại ý tưởng “trông như bộ comple”. Họ chỉ trích gay gắt những người ăn mặc theo lối bảo thủ, chẳng kém người bảo thủ chỉ trích gay gắt những người để tóc dài, như cách bạn bè tôi ăn mặc cuối những năm 1960. Tôi biết có những người thực hành một kiểu đua đòi ngược, họ né tránh bất kỳ ai có vẻ khác với họ. Họ cố tình ăn mặc cẩu thả, sống bên lề xã hội; họ thường tự hào rằng mình cần ít ỏi đến vậy mà vẫn sống tốt. Vài người trong số họ vẫn tiếp tục như thế. Họ làm vậy để tạo ra một ý nghĩa. Tất nhiên, vấn đề là ở chỗ bản ngã vẫn là bản ngã, dù nó đang mặc cái gì. Trở nên khác biệt chẳng là gì ngoài một cuộc du ngoạn khác của bản ngã – một nỗ lực phô diễn ảo tưởng rằng mình đặc biệt. Ăn mặc cẩu thả có thể chỉ là một phiên bản khác về lối ăn mặc trịnh trọng. Đôi lúc, hòa hợp là cách đơn giản nhất, không nghĩ tới bản thân nhất, và khiêm tốn nhất.

Thông thường, để nhận ra những dính mắc đến ý kiến và cách chúng ta làm mọi việc, dễ nhất là nhìn vào những gì ta phán xét người khác cũng như chính ta. Chẳng hạn, ta có vội vàng chỉ trích người khác vì những quan điểm của họ không? Phật giáo dạy rằng kiểu suy nghĩ như vậy – bất kể ý kiến hay quan điểm của bạn là gì – cũng khuyến khích một cái nhìn cố chấp, nhị nguyên về thế giới. Khi chúng ta buông bỏ sự dính mắc đến hình ảnh, dù hình ảnh ấy được miêu tả bằng vẻ ngoài, của cải, địa vị, vai trò hay thái độ, ta sẽ đến gần hơn với cốt lõi chân thực, Phật tính bẩm sinh của ta. Ta có thể buông bỏ, thư giãn, và đơn giản là chính mình. Thật là tuyệt vời!

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG