BỒ TÁT HẠNH

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

SONAM JORPHEL RINPOCHE

Bài giảng của Thầy - Tâm Yếu Đường Tu
Việt dịch: Hiếu Thiện & Tâm Bảo Đàn
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

Sonam Jorphel Rinpoche

Bài giảng của Thầy – Tâm Yếu Đường Tu là hợp tuyển các bài giảng pháp của hai vị Đạo sư tôn quý dòng Drikung Kagyu: Sonam RinpocheGarchen Rinpoche (tại Việt Nam) trong năm 2009 – 2010.

Trong tập bài giảng của Sonam Rinpoche, nhóm biên tập đã tập trung vào các buổi giảng về Ngondro – là phần thực hành trọng tâm của các đạo hữu Kim Cang Thừa ở Việt Nam hiện nay. Nội dung chính yếu là những gì nhóm biên tập chắt lọc từ các phần ghi âm bài giảng của Rinpoche ở Lạc Phố (trong chuyến đi của Ngài về Việt Nam năm 2009), ở Nepal (trong chuyến các đạo hữu Drikung tới thăm tu viện của Ngài ở Kathmandu, tháng 3 năm 2010) và một vài địa điểm khác.

H.E. Garchen Rinpoche

Tập bài giảng của Garchen Rinpoche, gồm có bài pháp thoại tại lễ quán đảnh Phật Dược Sư, bài giảng “Ba Mươi Bảy Pháp hành Bồ Tát đạo”, và các buổi vấn đáp tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2010. Phần vấn đáp đã được sắp xếp lại theo chủ đề nhưng nội dung các câu hỏi và trả lời không thay đổi. Nhóm biên tập đã lược bớt những phần trùng lặp từ các nội dung ghi âm.

Ngoài ra còn có hai bài pháp thoại của Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Ladakh cũng được đưa vào đây, tuy ngắn gọn nhưng rất sâu sắc và súc tích. Trong pháp thoại, Ngài đề cập đến tánh Không – một khái niệm quan trọng nhưng rất khó nắm bắt đối với nhiều người – với ngôn ngữ chính xác, cô đọng nhưng rất giản dị, dễ hiểu. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng phân tích tầm quan trọng của pháp Nhập Bồ Tát Hạnh mà Ngài Garchen đã dạy trong chuyến đi Việt Nam vừa qua. Ngoài ra Đức Đạt-lai Lạt-ma còn nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của thảo luận (discussion) và tranh luận (debate) trong việc học Pháp. Đây cũng là những gì mà ngài Sonam Rinpoche nhấn mạnh như là chủ đề chính trong những buổi Pháp đàm và Pháp thoại của Ngài với các đạo hữu Việt Nam trong năm 2010.

Nội dung dưới đây là phần hỏi-đáp được trích từ chương “Pháp đàm với Garchen Rinpoche” trong tác phẩm nói trên.

“Khi con gặp chướng duyên thì càng phải nhớ nghĩ tới thệ nguyện Bồ Tát.”

Hỏi: Việt Nam vào hai thời Lý, Trần đạo Phật rất phát triển. Có các thiền sư làm nhiệm vụ hộ quốc, chống xâm lăng, mang lại hòa bình cho quốc gia. Vậy điều thứ 13 [trong Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo] được giải thích như thế nào? Có vi phạm hạnh Bồ Tát hay không? Bảo vệ tổ quốc thì phải tiêu diệt kẻ thù. Vậy tội sát sinh này nên hiểu như thế nào?

? Đáp: Nếu như buộc phải sát hại người khác để bảo vệ tổ quốc của mình thì nghiệp báo không lớn, vì yếu tố quyết định quả báo ta phải chịu là động cơ dẫn đến hành động ấy.

Trong Phật giáo Đại thừa bao giờ cũng nhấn mạnh tâm Bồ-đề, nhấn mạnh rằng tâm chúng ta làm việc gì cũng hướng về lợi ích của chúng sinh chứ không phải lợi ích của riêng bản thân mình. Nếu như chúng ta buộc phải làm việc đó để bảo vệ tổ quốc mình thì quả báo có thể sẽ nhẹ chứ không nặng. Thậm chí nếu như chúng ta giết một con vật thôi nhưng với động cơ ích kỉ, tham lam hay sân hận thì quả báo nhiều khi còn nặng nề hơn rất nhiều. Nếu ta làm một việc gì đó với động cơ vị kỷ thì đôi khi mình tưởng đó là việc nhỏ nhưng thật ra quả báo lại có thể rất nặng, do tâm xấu ác tạo ra.

Nhưng khi sát hại người khác, ngay cả khi ta làm việc đó với động cơ vị tha, thì ta cũng đã tạo ra nghiệp giữa chúng ta với họ. Tuy nhiên, quả báo đó có thể sẽ không nặng. Ví dụ, trong kinh Hiền ngu có kể câu chuyện về tiền thân Đức Phật. Có một kiếp ngài là thuyền trưởng của một thuyền buôn. Trên thuyền buôn đó có 500 hành khách. Thuyền trưởng biết rằng trong số hành khách đi trên thuyền có một tên cướp muốn giết hết những hành khách kia. Ông biết nếu để kẻ đó giết hết những người khác thì quả báo của người ấy sẽ vô cùng nặng nề nên ông đã giết tên cướp kia trước, để hắn không bị đọa địa ngục vì tội lỗi khủng khiếp đó. Kết quả, thuyền trưởng không bị đọa địa ngục mà quả báo của ngài rất nhẹ: kiếp sau ngài bị một cái gai ở chân.

? Hỏi: Các ngài dạy rằng nên khởi tâm chán ghét sinh tử. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng bản chất vấn đề này. Ví dụ, có đạt giải thoát nhưng cũng là để quay trở lại cứu độ cho các cõi và để tự tại ở đời. Vậy mục tiêu và phương pháp có gì mâu thuẫn không và nên hiểu thế nào cho thấu đáo về vấn đề này?

? Đáp: Gốc rễ luân hồi chính là tâm chấp ngã, vị kỷ. Chư Phật không có tâm chấp ngã, tâm chư Phật là Pháp thân, rộng khắp như hư không. Vì vậy, dù các Ngài ở đâu cũng không bao giờ thực sự trải nghiệm đau khổ, chướng ngại. Các ngài không còn chấp ngã. Chư Phật có thể xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau trong sáu cõi luân hồi. Dù ở đâu, thậm chí ngay cả trong địa ngục, các ngài đều không cảm thấy đau khổ, bởi vì như đã nói trong Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo, tất cả đau khổ đều bắt nguồn từ tâm chấp ngã.

Vì vậy, tất cả các vị Bồ Tát xuống trần đều không bao giờ thực sự trải nghiệm khổ đau hoặc chướng duyên. Mặc dầu các Ngài có mặt ở đây để giúp hữu tình chúng sinh, nhưng đồng thời các Ngài cũng hiểu rằng tất cả chỉ là một giấc mơ. Bởi các ngài đã trực nhận được chân tánh của thực tại, nên các ngài hiểu rằng vạn pháp là hư huyễn.

Như trong phần đầu của Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo đã nói, chư Bồ tát đã chứng ngộ được rằng các pháp không đến không đi. Các Ngài đã trực chứng được chân lý tối hậu. Vì vậy, các Ngài nhận biết rằng cõi Ta-bà này chỉ là một cõi ảo mộng không thực sự tồn tại. Do đó, các Ngài không còn chấp ngã. Vì không còn chấp ngã nên thậm chí nếu một vị Bồ Tát muốn xuống địa ngục thì ngài có thể làm điều đó một cách dễ dàng vì lợi lạc của chúng sinh hữu tình ở đó.

? Hỏi: Khi chúng con đã thọ giới Bồ Tát rồi thì có cần phải thọ giới thường xuyên không?

? Đáp: Việc nhớ nghĩ đến giới Bồ Tát quan trọng hơn việc thọ giới. Tất nhiên, nếu con thọ giới hằng ngày thì cũng tốt, nhưng tốt hơn là luôn nhớ nghĩ đến giới.

Ví dụ, nếu con phát nguyện tụng Om mani padme hum thì trong đêm mỗi khi thức dậy con phải tụng vài biến rồi mới ngủ lại. Cũng như vậy, khi con gặp chướng duyên thì con càng phải nhớ nghĩ tới thệ nguyện Bồ Tát.

Giới Bồ Tát có nghĩa là phải thương yêu tất cả chúng sinh hữu tình không sót một ai. Nguyên nhân dẫn đến việc phạm giới Bồ Tát là tâm sân hận, oán ghét. Khi con nhận ra rằng mình đang oán ghét, sân hận một ai đó thì cần phải phục hồi lại giới Bồ Tát bằng tình thương yêu. Vì vậy, giới nguyện Bồ Tát có thể bị phá vỡ một cách dễ dàng nhưng cũng có thể phục hồi dễ dàng thông qua việc sám hối và phục hồi tình thương yêu với người mà mình oán ghét, sân hận.

Điều rất quan trọng trong khi thực hành Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo là hành trì miên mật từng câu kệ với chánh niệm, tỉnh thức. Và con có thể giữ chánh niệm tỉnh thức bằng cách trì tụng Om ah hum. Con có thể tụng như vậy suốt ngày với từng hơi thở của mình. Ý nghĩa của giới nguyện Bồ Tát là ở chỗ ta không được đánh mất tình thương yêu đối với chúng sinh và không được để cho sự ganh ghét, đố kỵ, sân hận nổi lên. Nếu con giữ chánh niệm tỉnh giác thường xuyên thì điều đó có nghĩa là con sẽ không phạm bất cứ giới nguyện nào thuộc giới Biệt giải thoát, giới Bồ Tát và Mật nguyện.

Trong Ba mươi bảy pháp hành Bồ Tát đạo có dạy rằng, ta phải luôn luôn quan sát để biết được tâm mình, để biết được tâm ta đang ở trong trạng thái nào. Tóm lại bằng việc thường xuyên duy trì chánh niệm tỉnh giác ta có thể thực hành Bồ Tát đạo vì lợi lạc của chúng sinh hữu tình. Từ trong tâm mình, ta phải luôn đặt người khác lên trước bản thân và trong hành động ta phải đối xử với người khác như đối với bản thân mình.

? Hỏi: Vũ trụ vận hành có vẻ như luôn tồn tại song song với yếu tố tâm linh và yếu tố vật chất, luôn tồn tại năng lượng từ bi và trí tuệ hay cũng luôn tồn tại năng lượng âm và năng lượng dương. Đó dường như là sự tất yếu trong thế giới Ta-bà này. Vậy nếu Phật pháp phát triển muôn phương thì phải chăng quy luật tự nhiên cũng không bị mất đi, tức là chẳng thể nào có một thời kỳ mà tất cả đều từ bỏ thế giới phàm tục để trở thành các đạo sư tâm linh. Tức là không có thời kỳ nào mà tất cả trở thành Bồ Tát được hết, mà [phàm phu] vẫn tồn tại dưới những hình thức khác nhau để cân bằng cho vũ trụ. Nếu tất cả chúng ta đều từ bỏ thế giới vật chất để đi theo tâm linh thì chúng ta có xây dựng được thế giới mới ở cõi Ta-bà này không?

? Đáp: Toàn thế giới này rồi sẽ trở thành như cõi tịnh độ. Một cõi Tịnh độ là nơi luôn có các Báo thân và Pháp thân. Nhưng thực sự con không cần phải lo lắng đến điều này mà nên quan tâm đến việc tu tậpnhư thế nào để đạt được giác ngộ trước đã. Suy nghĩ đến điều này sẽ chẳng mang lại lợi ích cho con trong thời điểm này. Đối với một chúng sinh đã thanh tịnh nghiệp báo của mình và có cái nhìn thuần tịnh thì thế giới này đã là cõi tịnh độ rồi. Còn với chúng sinh có nghiệp báo xấu thì họ sẽ thấy thế giới này là cõi địa ngục.

Đức Phật dạy rằng, chỉ một ly nước thôi mà chúng sinh trong sáu cõi nhìn thấy sáu thứ khác nhau, do họ có cách nhìn khác nhau. Qua lăng kính của những cảm xúc ô nhiễm trong mình mà chúng sinh trong cõi trời thấy ly nước là cam lồ, chúng sinh trong cõi người và cõi súc sinh thì thấy là nước bình thường, chúng sinh trong cõi ngạ quỷ thì thấy là máu và mủ, còn chúng sinh trong cõi địa ngục thì thấy đó là sắt nung chảy.

Do đó, nếu tịnh hóa được hết tâm ô nhiễm thì sẽ nhìn ra được bản tính thật của nước, cũng như nhìn ra được bản tính thật của thế giới, không phải chỉ thế giới này thôi mà còn vô lượng thế giới khác, trong những dải ngân hà khác. Thậm chí có những thế giới chúng ta không thể nào thấy bằng mắt phàm, vì những thế giới đó không có hình tướng.

Như đã nói, khi tâm chúng sinh là những tảng băng tan chảy thành nước thì nước đó sẽ hòa vào đại dương và đại dương thì luôn ở đó, cho dù những tảng băng có tồn tại hay không. Qua sự suy nghĩ này các con sẽ hiểu giác ngộ là như thế nào.

Thầy sẽ kể câu chuyện về một đệ tử của thầy. Cách đây nhiều năm, sau khi hoàn thành ba năm nhập thất ở một vùng thuộc Ấn Độ, cô ấy muốn ẩn tu trên một ngọn núi Lapchi thuộc dãy Hymalaya. Lúc đầu nơi đó giống như cõi địa ngục, vì quá lạnh nên tưởng chừng cô không thể nào ở lại nổi. Nhưng cô vẫn tiếp tục hành trì. Sau đó cô chia sẻ kinh nghiệm với Thầy rằng có lúc cô cảm giác nơi cô sống giống như cõi tịnh độ, song đôi khi lại rất khó chịu đựng vì quá lạnh; nhưng cô vẫn tiếp tục hành trì. Bây giờ thì cô không bao giờ muốn rời khỏi ngọn núi đó nữa.

? Hỏi: Tâm cũng vô thường. Sau khi qua bào thai, tâm thức sẽ bị quên đi rất nhiều và cần phải được dạy dỗ, nhắc nhở lại. Vậy một vị Bồ Tát sau nhiều kiếp tu hành nếu lơ là tại một vài kiếp nào đó thì có khả năng thối chuyển tâm thành rồi lại ngụp lặn trong luân hồi sinh tử không? Hay sau khi thành Bồ Tát rồi thì vị ấy bất thối chuyển?

? Đáp: Khi một người đã bước vào Bồ Tát đạo rồi thì điều duy nhất làm cho họ thối tâm là khi họ phá vỡ giới nguyện giữa họ với vị Đạo sư của họ. Khi phá vỡ giới nguyện, vị Bồ Tát sẽ gặp chướng ngại. Tuy nhiên, nếu biết sám hối, tịnh hóa thì vị Bồ Tát có thể vượt qua chướng ngại đó một cách dễ dàng. Lúc này, những gì họ đã tích tụ được trong quá khứ lại có thể hiển lộ, đó chính là tâm Bồ-đề – tâm nền tảng của các vị Bồ Tát.

Có nhiều đứa bé được sinh ra với thân tướng rất đẹp đẽ, luôn luôn hạnh phúc an vui, luôn nở nụ cười và không sợ hãi. Trong quá khứ những đứa trẻ đó đã từng phát nguyện Bồ Tát và đã đi theo con đường của các vị Bồ Tát. Nhiều đứa trẻ khác khi sinh ra đời lại luôn luôn sợ hãi, khóc lóc. Sự sợ hãi đến từ tâm chấp ngã rất mãnh liệt và nguyên nhân là do không phát tâm Bồ-đề mạnh mẽ trong quá khứ. Dấu hiệu nhận biết của một vị Bồ Tát là tâm hoan hỉ và vô úy, không sợ hãi.

Thế nào là một vị Bồ Tát?

? Về ngoại nghĩa: Bồ Tát là người đã thọ giới, quy y Tam bảo.

? Về nội nghĩa: Bồ tát là người đem đến tình yêu thương, an lạc, hạnh phúc cho các chúng sinh khác.

? Về mật nghĩa: tất cả chúng sinh đều có tánh Phật, tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Hiểu được như vậy thì chúng ta sẽ không còn tâm nhị nguyên phân biệt giữa người bất tịnh với người thanh tịnh, vì tất cả chúng sinh đều có thể trở thành Phật, ai cũng là Phật tử, ai cũng có tâm Phật.

Nguồn: Bài giảng của Thầy – Tâm Yếu Đường Tu
Tác giả: Sonam Rinpoche và Garchen Rinpoche
Việt dịch: Hiếu Thiện – Tâm Bảo Đàn
NXB Tôn Giáo, 2016

Bình luận


Bài viết khác của tác giả HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

  1. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  2. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  3. SÂN GIẬN

Bài viết khác của tác giả SONAM JORPHEL RINPOCHE

  1. ĐỘNG CƠ VÀ KỶ LUẬT CỦA VIỆC HỌC PHÁP
  2. KỶ LUẬT CỦA VIỆC HỌC PHÁP

Bài viết mới

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC CHỈ LÀ CẢM NHẬN CHỦ QUAN
  2. VƯỢT QUA SỢ HÃI
  3. TÍNH NÔN NÓNG